Chúa Nhật 8 tháng 5, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta mối liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái rằng:
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng cho Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về mối dây liên kết hiện hữu giữa Chúa và mỗi người chúng ta (x. Ga 10:27-30). Khi đề cập đến mối liên kết này, Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh dịu dàng, một hình ảnh đẹp về người mục tử ở lại với bầy chiên. Và Ngài giải thích điều đó bằng ba động từ: Chúa Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (câu 27). Ba động từ: nghe, biết, theo. Chúng ta hãy xem xét ba động từ này.
Trước hết, bầy chiên nghe tiếng mục tử. Sáng kiến luôn đến từ Chúa. Mọi sự đều xuất phát từ ân sủng của Người: chính Người kêu gọi chúng ta hiệp thông với Người. Nhưng sự hiệp thông này chỉ có được nếu chúng ta biết mở lòng để lắng nghe. Nếu chúng ta điếc lác, Ngài không thể ban cho chúng ta sự hiệp thông này. Hãy mở lòng để lắng nghe, bởi vì lắng nghe bao hàm sự sẵn sàng, nó bao hàm sự ngoan ngoãn, nó bao hàm thời gian dành riêng cho đối thoại. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ và sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Quá thường là khi hai người đang nói chuyện với nhau, thì một người không đợi người kia nói hết suy nghĩ, đã cắt ngang câu nói của người ấy, và trả lời…. Nhưng nếu chúng ta không cho phép người khác nói, thì sẽ không có sự lắng nghe. Đây là một căn bệnh của thời đại chúng ta. Ngày nay, chúng ta đang ngập trong những ngôn từ, bởi sự cấp bách phải luôn có điều gì đó để nói hoặc làm. Chúng ta sợ sự im lặng. Lắng nghe nhau mới khó làm sao! Hãy lắng nghe cho đến cùng, để người kia thể hiện mình, lắng nghe trong gia đình của chúng ta, lắng nghe ở trường học, lắng nghe ở nơi làm việc, và thậm chí trong Giáo hội! Nhưng trước hết cần phải lắng nghe Chúa, Đấng là Lời của Chúa Cha, và Kitô hữu là một đứa trẻ biết lắng nghe, được kêu gọi để sống với Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là những đứa trẻ đang lắng nghe không, có dành thời gian cho Lời Chúa không, có dành không gian và sự chú ý cho anh chị em của mình không, có biết lắng nghe cho đến khi người kia nói xong, không cắt ngang điều gì người khác đang nói. Những ai lắng nghe người khác cũng biết cách lắng nghe Chúa, và ngược lại. Và họ cảm nghiệm được một điều rất đẹp, đó là chính Chúa lắng nghe - Ngài lắng nghe chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Ngài, khi chúng ta tâm sự với Ngài, khi chúng ta kêu cầu Ngài.
Do đó, lắng nghe Chúa Giêsu trở thành cách để chúng ta khám phá ra rằng Ngài biết chúng ta. Đây là động từ thứ hai liên quan đến người mục tử tốt lành. Người ấy biết những con chiên của mình. Nhưng điều này không chỉ có nghĩa là Ngài biết nhiều điều về chúng ta mà thôi. Biết theo nghĩa Kinh thánh cũng có nghĩa là yêu. Chúa, “trong khi đọc thấu tâm can chúng ta,” yêu thương chúng ta, và Ngài không lên án chúng ta. Nếu chúng ta lắng nghe Ngài, chúng ta khám phá ra điều này – đó là Chúa yêu thương chúng ta. Cách để khám phá tình yêu của Chúa là lắng nghe Ngài. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với Chúa sẽ không còn là khách quan, lạnh nhạt hay bình phong nữa. Chúa Giêsu đang tìm kiếm một tình bạn ấm áp, tin cậy, thân mật. Ngài muốn mang đến cho chúng ta một nhận thức mới và kỳ diệu - đó là biết rằng chúng ta luôn được Ngài yêu thương và do đó, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi một mình. Ở bên người mục tử tốt lành cho phép chúng ta sống kinh nghiệm mà Thánh Vịnh đã nói: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”(Tv 23: 4). Ngài nâng đỡ chúng ta trên tất cả trong những đau khổ, khó khăn, khủng hoảng của chúng ta – là những điều vốn đen tối - bằng cách cùng vượt qua những điều ấy với chúng ta. Và do đó, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta được Chúa biết đến và yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có cho Chúa biết tôi không? Tôi có dành chỗ cho Ngài trong cuộc đời mình không? Tôi có mang những gì tôi đang trải qua đến với Ngài không? Và tôi có ý tưởng gì về Người sau nhiều lần tôi trải nghiệm sự gần gũi, lòng trắc ẩn, dịu dàng của Người? Tôi có cảm nghiệm Chúa ở gần, Chúa là mục tử nhân lành không?
Cuối cùng, động từ thứ ba: chiên nào nghe và chiên nào khám phá ra mình được biết đến, thì theo vị mục tử: họ nghe, họ cảm nghiệm rằng họ được Chúa biết và họ đi theo Chúa là người chăn chiên của họ. Những người theo Chúa Kitô làm gì? Họ đi nơi Chúa đi, cùng một con đường, cùng một hướng. Họ đi tìm những người hư mất (x. Lc 15, 4), quan tâm đến những người ở xa, biết ghi khắc trong lòng hoàn cảnh của những người cùng khổ, biết khóc với những ai khóc, họ chìa tay ra cho người hàng xóm của họ, đặt họ trên vai họ. Và tôi? Tôi có để Chúa Giêsu yêu tôi, và bằng cách để Ngài yêu tôi, tôi có chuyển từ yêu Ngài sang bắt chước Ngài không? Xin Đức Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta biết lắng nghe Đức Kitô, luôn biết Người nhiều hơn và theo Người trên con đường phục vụ. Nghe Chúa, biết Chúa, theo Chúa.
Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Hôm qua, tại San Ramon, Peru, María Agustina Rivas Lopez đã được phong chân phước. Được biết đến với cái tên Aguchita, cô là một nữ tu của Hội Nữ Tử Bác Ái Người Mục Tử Nhân Lành, và đã bị giết vì lòng thù hận đức tin vào năm 1990. Dù ý thức được rằng mình đang liều mạng, nhà truyền giáo anh hùng này luôn ở gần người nghèo, đặc biệt là phụ nữ bản địa, và nông dân, làm chứng cho Tin Mừng của công lý và hòa bình. Xin cho tấm gương của chị khơi dậy trong mọi người ước muốn phụng sự Chúa Kitô một cách trung thành và can đảm. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!
Hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, với chủ đề là “Được kêu gọi xây dựng gia đình nhân loại”. Xin cho cộng đồng Kitô hữu trên mọi lục địa cầu xin Chúa ban ơn cho các ơn gọi linh mục, cho đời sống thánh hiến, cho sự lựa chọn làm nhà truyền giáo và hôn nhân. Đây là ngày mà nhờ phép rửa tội, tất cả chúng ta cảm thấy được mời gọi theo Chúa Giêsu, nói lời xin vâng với Người, noi gương Người để khám phá niềm vui hiến mạng sống mình, phục vụ Tin Mừng một cách vui tươi và hăng say. Trong bối cảnh đó, tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các tân linh mục của Giáo phận Rôma, những người vừa được phong chức sáng nay tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.
Ngay bây giờ, nhiều tín hữu đang tụ tập quanh ảnh Đức Mẹ được tôn kính trong Đền thờ Pompei, để cầu nguyện Lời cầu khẩn phát ra từ trái tim của Chân phước Bartolo Longo. Quỳ trong tâm hồn trước hình ảnh của Đức Trinh Nữ, tôi phó thác cho Mẹ niềm khát khao nhiệt thành về hòa bình của nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đang phải gánh chịu thảm họa chiến tranh vô nghĩa. Đặc biệt, tôi trình bày những đau khổ và nước mắt của người dân Ukraine lên Đức Thánh Trinh Nữ. Trước sự điên cuồng của chiến tranh, xin hãy cho chúng con biết tiếp tục lần chuỗi Mân Côi cho hòa bình mỗi ngày. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, để họ có thể không đánh mất “nhịp đập của những người mong muốn hòa bình” và những người biết rõ rằng vũ khí không bao giờ đạt được điều đó, không bao giờ.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ nổ diễn ra tại một khách sạn lớn ở thủ đô Havana của Cuba. Xin Chúa Kitô Phục Sinh dẫn họ về nhà Cha và ban ơn an ủi cho thân nhân của họ.
Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều nước khác. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Ba Lan và Giáo phận Nantes bên Pháp. Tôi chào Gia đình Dòng Thương Khó, đang kỷ niệm Năm Thánh thứ ba trăm ngày thành lập; những người bị bệnh đau cơ xơ hóa, những người mà tôi hy vọng đang nhận được sự chăm sóc cần thiết; cũng như các tín hữu từ Naples, Pomigliano d'Arco, Reggio Calabria và Foggia; những đứa trẻ từ lớp Thêm sức của Zogno ở Bergamo, và những đứa trẻ từ San Ferdinando ở Rôma. Một lời chào đặc biệt tới nhóm người tị nạn Ukraine và các gia đình đón họ từ Macchie, gần Perugia. Tôi cũng chào các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Sant'Egidio từ Mỹ Châu Latinh.
Hôm nay là Ngày của Mẹ ở nhiều quốc gia. Chúng ta hãy trìu mến nhớ đến những người mẹ của chúng ta - một tràng pháo tay dành cho những người mẹ của chúng ta - những người không còn ở với chúng ta dưới thế này, nhưng là những người đang sống trong trái tim của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta, tình cảm của chúng ta và những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng ta dành cho tất cả những người mẹ của chúng ta.
Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana