1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân làm dấy lên những phê bình đối với chính sách “Ostpolitik” Tòa Thánh
Tòa Thánh đã bị chỉ trích vì chính sách “Ostpolitik” kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chính sách này được thể hiện cụ thể bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một tín đồ của Hồng Y Casaroli. Sự hợp tác này của Vatican với Trung Quốc Cộng sản - hoạt động trên cơ sở tương tự như những gì đã được thông qua trong những năm gần đây với Việt Nam – bị Đức Hồng Y Quân cho là làm suy yếu sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các đối thủ của Bắc Kinh, đặc biệt là Đài Loan và Hương Cảng, và cả đối với những người thuộc “Giáo hội thầm lặng”, một Giáo Hội tử đạo và có tính lịch sử của Giáo Hội Công Giáo chống lại Giáo hội yêu nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Việc ký kết vào năm 2018 các thỏa thuận mục vụ - với các điều khoản vẫn còn bí mật cho đến ngày nay - giữa đại đế Tập Cận Bình và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục đã kích động sự giận dữ của vị giám mục cấp cao Hương Cảng, người từng lên án sự hợp tác này là “phản bội” và “thỏa hiệp.” Ngài liên tục công kích Đức Hồng Y Parolin trên báo chí, thậm chí cáo buộc Hồng Y Parolin là “nói dối không chớp mắt”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân đã cố gắng không thành công trong việc trình bày lý lẽ của mình với Đức Giáo Hoàng.
Source:Aleteia
2. Tòa Thượng phụ Công Giáo Jerusalem yêu cầu điều tra về vị một nữ ký giả bị giết
Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Jerusalem kêu gọi điều tra vụ nữ ký giả Sheeren Abu Aqleh, người Palestine, thuộc đài truyền hình Al Jazeera của Arập, bị bắn vào đầu trong khi tường thuật cuộc tấn công của quân đội Israel tại trại tị nạn Jénine, hôm 11 tháng Năm vừa qua.
Tòa Thượng phụ kêu gọi làm sáng tỏ hoàn cảnh vụ sát nhân này và đưa thủ phạm ra trước công lý.
Hôm 12 tháng Năm vừa qua, hàng chục ngàn người tại thành Ramallah, Maqataa, phủ Tổng thống Palestine, đã tưởng niệm nữ ký giả bị sát hại, bắt đầu từ Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine. Vụ sát hại này đã làm cho nhiều người Palestine phẫn nộ.
Nữ ký giả Shereen mặc áo giáp chống đạn có in chữ Press, Báo chí, và một mũ an toàn. Bà sinh tại Jerusalem năm 1971 và là một tín hữu Kitô. Bà là một trong những ký giả nổi tiếng của đài Al Jazeera, nổi tiếng nhất trong thế giới Arập. Đài này cũng như chính phủ Palestine và các nước Arập đã tố cáo với Liên Hiệp Quốc rằng Israel đã sát hại ký giả Shereen. Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố rằng: “Chúng tôi coi chính quyền Israel chiếm đóng phải chịu trách nhiệm về cái chết của nữ ký giả”.
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự ngỡ ngàng vì cái chết của bà Sheeren và yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập.
Về phần Tòa Thượng phụ Công Giáo, trong thông cáo công bố hôm 12 tháng Năm vừa qua, đã bày tỏ ngỡ ngàng trước cái chết của nữ ký giả và yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra sâu rộng và khẩn cấp về vụ sát nhân này, đồng thời đưa những kẻ hữu trách ra trước công lý. Thảm kịch trắng trợn này nhắc nhở cho con người rằng cần tìm ra một giải pháp đúng cho cuộc xung đột Palestine, cuộc xung đột này từ chối đi vào quên lãng, mặc dù đã trải qua 74 năm rồi”.
Thông cáo của Tòa Thượng phụ cũng nói rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn bà Sheeren được an nghỉ. Bà đã nêu gương về nghĩa vụ và là tiếng nói mạnh mẽ cho dân tộc của bà, và chúng tôi cầu xin Chúa ban cho em trai cũng như những người thân của bà ơn an ủi trong đức tin. Chúng tôi cầu nguyện để dân tộc Palestine tìm được con đường dẫn đến tự do và hòa bình”.
3. Nga ăn cắp ngũ cốc từ Ukraine là “một hình thức chiến tranh đặc biệt đáng ghê tởm”, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức nói
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Cem Özdemir hôm thứ Sáu cáo buộc Nga trộm cắp từ nông dân Ukraine, nói rằng đây là “một hình thức chiến tranh đặc biệt đáng ghê tởm mà Nga đang dẫn đầu, trong đó họ đang ăn cắp, cướp bóc, lấy ngũ cốc từ miền đông Ukraine”.
Phát biểu tại thành phố Stuttgart, miền tây nam nước Đức, nơi các bộ trưởng nông nghiệp của G7 đã cùng gặp gỡ với những người đồng cấp Ukraine để thảo luận về cách đối phó với một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế đang rình rập do Nga xâm lược Ukraine, ông Özdemir cho biết đó là “sử dụng nạn đói là một thành phần đặc biệt ghê tởm trong cuộc chiến mà Putin đã dùng đến.”
“Tất cả mọi người, tất cả mọi người, sẽ phải trả giá cho cuộc chiến này trên toàn thế giới, ngay cả khi họ sống ở những lục địa khác,” Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi cho biết tại hội nghị.
Ông nói: “Mọi người sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, và họ phải biết rằng họ sẽ phải trả nhiều hơn mỗi ngày.”
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, các ngoại trưởng của G7, cùng với những người đồng cấp Ukraine và Moldova, sẽ thảo luận về cách thức chấm dứt việc phong tỏa ngũ cốc Ukraine để có thể xuất khẩu ra thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ukraine nằm trong số năm nước xuất khẩu hàng đầu toàn cầu đối với nhiều loại nông sản chính, bao gồm ngô, lúa mì và lúa mạch. Ukraine cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu của cả dầu và bột hướng dương.
CNN hồi đầu tháng đã phát hiện một tàu buôn Nga chở đầy ngũ cốc bị đánh cắp ở Ukraine đã rời khỏi ít nhất một cảng Địa Trung Hải và hiện đang ở cảng Latakia của Syria. Nó chở theo gần 30.000 tấn lúa mì của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính rằng ít nhất 400.000 tấn ngũ cốc đã bị đánh cắp và đưa ra khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược.
Source:CNN