1. Linh mục Nigeria bị treo chén vì ra tranh cử Thống đốc bang Benue

Cha Hyacinth lormem Alia, 56 tuổi, đã bị Giám mục của mình treo chén sau khi ra tranh cử thống đốc Bang Benue dưới ngọn cờ của đảng cầm quyền, báo La Croix Africa nhắc lại rằng linh mục này đã có tham vọng chính trị trong một số năm.

Nhóm vận động tranh cử của Cha Hyacinth lormem Alia đã chấp nhận quyết định treo chén này và cho rằng Cha Alia hiện “được tự do để tiếp tục nỗ lực cứu thành phố Benue khỏi sự sụp đổ hoàn toàn.”

Nhóm vận động tranh cử giải thích thêm rằng vị linh mục sẽ tái tục công việc mục vụ của mình sau khi nhiệm kỳ của thống đốc hoàn thành.

Giáo luật cấm các giáo sĩ nắm giữ các chức vụ công liên quan đến việc thực thi quyền lực dân sự.

Điều 285, bộ giáo luật viết:

$1. Các giáo sĩ phải tuyệt đối xa lánh tất cả những điều bất xứng với bậc mình, theo những quy định của luật địa phương.

$2. Họ phải tránh tất cả những điều, tuy không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ.

$3. Cấm các giáo sĩ giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự.


Source:Aleteia

2. Tránh một mật nghị bầu Giáo Hoàng bế tắc

Linh mục Thomas Reese, một người thường tung ra những tin giật gân cho rằng trước khi qua đời hoặc nghỉ hưu, Đức Thánh Cha Phanxicô cần có những thay đổi trong quy trình bầu giáo hoàng mới, trong đó loại bỏ các quy tắc tránh khả năng xảy ra một mật nghị bầu Giáo Hoàng bế tắc đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đưa ra.

Ông lý luận rằng có thể mật nghị bầu Giáo Hoàng chưa xảy ra ngay, nhưng các nhà phân tích nên xem xét các quy tắc cho việc bầu giáo hoàng tiếp theo.

Trong khi hai phần ba số phiếu luôn được yêu cầu để xác nhận một Hồng Y được chọn kế vị Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã thay đổi quy tắc và quyết định rằng sau vòng 34, cuộc bầu cử sẽ đơn giản là theo đa số phiếu.

Đức Bênêđíctô XVI đã sửa đổi quy tắc tương tự, yêu cầu rằng sau cuộc bỏ phiếu thứ 34, chỉ có hai ứng cử viên xuất sắc nhất được tranh cử.

Những điều chỉnh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là nhằm mục đích rút ngắn mật nghị và không trình bày trước thế giới một Hồng Y Đoàn bị chia rẽ.

Tuy nhiên, linh mục Thomas Reese bài bác hai thay đổi này. Ông lý luận rằng các thay đổi ấy không được tham khảo rộng rãi, và hạn chế khả năng tìm được một ứng cử viên thỏa hiệp. Theo ông, quy tắc hai phần ba buộc Hồng Y Đoàn phải chọn một Hồng Y được chấp nhận rộng rãi. Ông lý luận rằng với việc đưa ra khả năng một cuộc bầu cử với đa số đơn giản, một nhóm 51% Hồng Y có thể đợi đến vòng 34 để áp đặt ứng cử viên của họ. Đó là một giả thuyết, nhưng khả năng xảy ra là hết sức hi hữu.
Source:Religion News

3. Tiến Sĩ George Weigel: Tòa Thánh và các chế độ côn đồ

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đối với các chế độ côn đồ như Trung Quốc và Belarus.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

The Holy See and Thug Regimes

by George Weigel

Tòa Thánh và các Chế độ côn đồ


Danh sách các vấn đề nghiêm trọng phải được đề cập đến trong khoảng thời gian trống ngôi giáo hoàng trong tương lai, và bởi các Hồng Y cử tri trong cơ mật viện sắp tới, tiếp tục kéo dài ra.

Tài chính của Tòa thánh được cho là đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời kỳ trống ngôi giáo hoàng năm 1922; lúc đó, Tòa Thánh phải vay tiền để trả cho cơ mật viện vì Đức Bênêđíctô XV hầu như đã phá sản Vatican trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn và tù binh trong Thế chiến thứ nhất. Bất chấp những cải cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện, Tòa thánh hiện đang phải đối mặt với trách nhiệm về quỹ hưu trí rất lớn không được tài trợ; việc quản lý đầu tư thiếu hiệu năng (và còn tệ hơn) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bảng cân đối của Vatican; và những đóng góp, đặc biệt là cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, đang giảm đáng kể.

Sau đó là Giáo Hội ở Đức, nơi nhiều nhà lãnh đạo của họ dường như muốn biến Công Giáo Đức thành một hình thức của đạo Tin lành cấp tiến. Tất cả các vấn đề tranh cãi, mà đại đa số các giám mục Đức, và các nhà lãnh đạo giáo dân trong “Tiến Trình Công Nghị Đức” đưa ra, đều đón nhận nền văn hóa thế tục với những lối sống tháo thứ, thay vì cố gắng hoán cải nó. Phải chăng hàng lãnh đạo của Giáo Hội Đức đã hoàn toàn từ bỏ lời dạy của Công đồng Vatican II rằng người Công Giáo phải sống trong những ranh giới giáo lý và đạo đức nhất định?

Ngoài ra còn có vết thương đang mưng mủ do nạn lạm dụng tình dục giáo sĩ, càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự lãnh đạo của các giám mục kém hiệu quả trong việc phản ứng lại những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng này. Nhiều năm qua đã chứng minh rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ đó, cũng có thể thấy rõ rằng có quá ít Hội Đồng Giám Mục các quốc gia đã áp dụng các thực hành về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, mặc dù có những giới hạn và khiếm khuyết, hiện nay đang đặc trưng cho phản ứng của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với bệnh dịch xã hội này.

Và sau đó là “chính sách đối ngoại” của Tòa thánh và những giả định được dùng để định hướng cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh.

Có bao nhiêu người Công Giáo hiểu biết và hàng giáo sĩ cao cấp sẵn sàng bảo vệ chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Tòa thánh, vốn đã trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò hàng đầu trong việc lựa chọn giám mục? Tôi dám đánh cuộc là rất ít. Giờ đây, những tiếng nói chỉ trích từ các giám mục và Hồng Y có thể chưa được nghe thấy vì lòng trung thành (hoặc sợ hãi). Nhưng những tiếng nói ấy vẫn còn đó, và sẽ được nghe thấy khi thời gian trống ngôi giáo hoàng cho phép thẳng thắn nói ra. Và những tiếng nói đó có lẽ (và hầu chắc) sẽ cho rằng chính sách hiện tại là một thảm họa đối với sứ vụ truyền giáo. Bất kể tuyên bố của các nhà ngoại giao Vatican cho rằng “cần phải làm những điều gì đó”, thực tế vẫn là những gì đã và đang được thực hiện vi phạm giáo luật của chính Giáo Hội, đã làm cho những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với Rôma mất tinh thần, đã thất bại trong việc thuyết phục những kẻ chống đối Kitô Giáo trong chế độ Trung Quốc, và đã tạo cơ hội mới cho chế độ đó thâm nhập và kiểm soát Công Giáo Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho việc truyền giáo của Công Giáo ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong bối cảnh các cộng đồng Tin lành Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Sau đó là tình hình gần đây ở Belarus. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mogilev, đến thăm gia đình ở nước láng giềng Ba Lan, đã bị chế độ côn đồ của Tổng thống Alexander Lukashenko ngăn cản không cho trở về Belarus (quê hương của ngài). Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã ủng hộ nhiều người Belarus đang phản đối một cách ôn hòa điều mà mọi quan sát viên khách quan đều biết là một cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào đầu tháng 8 năm ngoái. Lukashenko và chế độ côn đồ của hắn ta rõ ràng đã cảm thấy tức tối trước sự can đảm mục tử này và thêu dệt các lý do để trừng phạt Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bằng cách ngăn không cho ngài trở về Tòa Giám Mục của mình.

Tình hình dường như đã được giải quyết khi vị tổng giám mục được phép trở lại Belarus để cử hành lễ Giáng Sinh với người dân của mình, những người đã tiếp đón ngài quay về với sự nhiệt tình và tôn kính. Nhưng sau đó vào ngày 3 tháng Giêng, ngay đúng ngày ngài tròn 75 tuổi, lá thư từ chức theo luật định của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã được chấp nhận ngay lập tức và một vị giám quản tông tòa đã được đưa lên để thay ngài. Phải chăng hai nhà ngoại giao của Vatican, không nổi tiếng về khả năng chống lại các hành vi côn đồ, khi được cử đến Minsk để đàm phán cho Đức Tổng Giám Mục trở lại Belarus, đã đồng ý với một thỏa thuận trong đó Vatican sẽ loại bỏ một người khó chịu với chế độ Lukashenko, nếu chế độ này chịu chấp thuận một lễ Giáng Sinh cuối cùng ở Minsk cho vị tổng giám mục? Có vẻ như nhiều khả năng như thế; thực sự, rất có khả năng là điều đó đã xảy ra.

Hành động hiện tại của Vatican nhằm ve vãn các chế độ côn đồ nhân danh đối thoại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người ủng hộ và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Quan trọng hơn nữa, nó đang làm tổn hại đến sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một Giáo Hội không dám nói sự thật trước quyền lực không phải là một Giáo Hội có thể công bố một cách thuyết phục về Chúa Giêsu Kitô, “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6). Thái độ ve vãn không bao giờ có tác dụng với bọn côn đồ, về mặt chính trị. Nó cũng chẳng có hiệu quả về mặt truyền giáo.


Source:First Things