1. Thảm sát trong nhà thờ ở Nigeria: Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc các nạn nhân của 'bạo lực không thể kể xiết'
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “sự gần gũi về mặt tinh thần” với những người Công Giáo Nigeria đang than khóc các nạn nhân của một vụ thảm sát tại một nhà thờ vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Một bức điện được gửi thay mặt Đức Thánh Cha nói rằng ngài đang cầu nguyện “cho sự hoán cải của những người mù quáng vì hận thù và bạo lực.”
Trong vụ tấn công ngày 5 tháng 6, các tay súng không rõ danh tính được tường trình đã nổ súng vào các tín hữu Công Giáo tham dự Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, bang Ondo, phía tây nam Nigeria.
Các báo cáo ban đầu cho rằng hơn 50 người đã thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em và những người khác bị thương.
Bức điện của Đức Giáo Hoàng, được công bố vào ngày 6 tháng 6, đã được gửi cho Đức Cha Jude Ayodeji Arogundade của giáo phận Ondo bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Bức điện cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã vô cùng đau buồn khi biết về vụ tấn công kinh hoàng tại Nhà thờ Thánh Phanxicô ở Owo, và ngài bảo đảm với Đức Cha và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực không thể kể xiết này về sự gần gũi tinh thần của ngài.”
“Đức Thánh Cha phó thác linh hồn của những người đã chết cho lòng thương xót từ ái của Thiên Chúa Toàn năng và cầu xin sự chữa lành và an ủi thiêng liêng cho những người bị thương và những người đang đau buồn, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự hoán cải của những người mù quáng bởi hận thù và bạo lực để họ sẽ quay sang chọn con đường hòa bình và chính nghĩa. “
“Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin các phước lành thiêng liêng, ơn an ủivà sức mạnh khi Đức Cha và anh chị em tiếp tục sống sứ điệp Phúc Âm với lòng trung thành và can đảm.”
Tòa thánh Vatican cũng đưa ra một tuyên bố vào ngày 5 tháng 6 sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô được thông báo về vụ tấn công.
Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết: “Đức Giáo Hoàng đã biết về vụ tấn công nhà thờ ở Ondo, Nigeria và cái chết của hàng chục tín hữu, nhiều trẻ em, trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống”
“Trong khi các chi tiết của vụ việc đang được làm sáng tỏ, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân và cho đất nước, bị ảnh hưởng đau đớn trong giây phút cử mừng, và giao phó các nạn nhân và đất nước Nigeria cho Chúa, xin Ngài gửi Thánh linh của Ngài đến an ủi họ.”
Source:Catholic News Agency
2. Chấn động thế giới Chính Thống Giáo: Kirill sa thải Tổng Giám Mục Hilarion vì khác biệt quan điểm
Dưới tác động của Thượng Phụ Kirill, Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev của tổng giáo phận Volokolamsk, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa kể từ năm 2009, đã bị Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga bãi nhiệm. Orthodox Times, cơ quan thông tấn của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople đã cho biết như trên hôm 7 tháng 6.
Vị Tổng Giám Mục thường được xem là cánh tay phải của Thượng phụ Kirill về các vấn đề đối ngoại, được ghi nhận là có quan điểm khác với Tòa Thượng phụ về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Từ việc coi sóc tổng giáo phận Volokolamsk, nơi có hàng trăm ngàn tín hữu Chính Thống Giáo, Tổng Giám Mục Hilarion giờ đây trở thành Tổng Giám Mục của Budapest và Toàn Hung Gia Lợi. Tên nghe có vẻ kêu nhưng thực tế chỉ có vài trăm tín hữu. Chúa Nhật và các ngày lễ trọng giáo dân ngồi không quá 5 hàng ghế. Tổng giáo phận Budapest cũng không hoàn toàn mới mẻ đối với Tổng Giám Mục Hilarion. Thật vậy, đó là một lãnh thổ mà ngài biết quá rõ vì ngài là Giám Quản Tông Tòa từ những năm 2000. Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 6, Hilarion đã đến thăm Hung Gia Lợi và gặp gỡ với Đức Hồng Y Tổng Giám mục Peter Erdö của Budapest.
Như thế, có thể nói vắn tắt, Tổng Giám Mục Hilarion đã bị loại bỏ hầu hết các chức vụ, và chỉ còn giữ được một chức vụ khiêm tốn nhất trong các chức vụ đã đảm nhận.
Từng là học giả tại Đại Học Oxford, Tổng Giám Mục Hilarion là một trong những kiến trúc sư vĩ đại trong việc mở cửa Giáo Hội Chính thống Nga ra thế giới trong những năm gần đây, trước khi Nga xâm lược Ukraine. Tham gia vào đối thoại giữa các tôn giáo, ngài cũng thể hiện mình trong mối quan hệ hợp tác giữa Mạc Tư Khoa và Rôma, đặc biệt thể hiện qua cuộc gặp gỡ lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill tại Cuba vào năm 2016.
Vào ngày 22 tháng 12, năm ngoái, ngài đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp lần thứ ba trong năm 2021, trong khi cuộc gặp lần thứ hai giữa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Giám mục Rôma đang được xem xét.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion và Đức Bênêđíctô XVI cũng có một mối quan hệ thân tình, một phần vì tình yêu âm nhạc chung của các vị. Tổng Giám Mục Hilarion là một nhà soạn nhạc và vở nhạc kịch Cuộc Thương Khó Chúa Kitô theo Thánh Matthêu của ngài đã được trình bày tại Rôma sau khi ra mắt ở Mạc Tư Khoa.
Cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã làm đảo lộn sự cân bằng trong Giáo hội Chính thống giáo Nga, trong đó Giáo chủ Kirill đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Trong tình huống mới này, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tránh xa những tuyên bố của Kirill, bất kể các ủy nhiệm của Kirill phải thể hiện quan điểm cởi mở này với Putin - nhưng sau đó, có lẽ ngài đã đi xa hơi khi công khai bày tỏ quan điểm đối kháng” Carol Saba, một chuyên gia về Chính thống giáo và một luật sư tại Paris Bar nhận định.
Theo Carol Saba, bất kể quyết định thanh trừng này, Tổng Giám Mục Hilarion vẫn có thể không đóng một vai trò quan trọng trong Giáo Hội Chính thống Nga trong tương lai khi không còn Kirill và cũng chẳng còn Putin.
Source:Aleteia
3. Tổng Giám Mục Hilarion của Chính Thống Giáo Nga đã đến thăm Hung Gia Lợi
Hôm 7 tháng 6 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là DECR, đã ra thông báo cho biết như sau:
Từ ngày 1 đến 3 tháng 6 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, đã đến thăm Hung Gia Lợi theo sự uỷ thác của Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga.
Vào ngày 2 tháng 6, Chủ tịch DECR đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng Giám mục Esztergom – Budapest. Trong cuộc gặp gỡ, hai vị đã đề cập đến một loạt các vấn đề liên quan đến sự hợp tác giữa Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma trong giai đoạn hiện tại. Sau cuộc trò chuyện, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã giới thiệu với Đức Hồng Y phiên bản tiếng Hung Gia Lợi của cuốn sách Giáo lý của ngài. Đến lượt mình, người đứng đầu Tổng giáo phận Esztergom – Budapest đã trình bày với vị Tổng Giám Mục của Chính thống Nga các tài liệu của Đại hội Thánh Thể lần thứ 52 của Giáo Hội Công Giáo, diễn ra vào năm 2021 và tại đó Chủ tịch DECR đã trình bày một bài báo về Sự hiểu biết chính thống về Bí tích Thánh Thể.
Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã có cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Chính phủ Hung Gia Lợi, ông Zsolt Semjén. Chủ tịch DECR thay mặt Giáo hội Chính thống Nga bày tỏ lòng biết ơn đối với Hung Gia Lợi vì lập trường vững chắc của đất nước về việc không thể chấp nhận việc đưa Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga vào danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu. Như Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã nhấn mạnh, trong thời đại khủng hoảng chính trị, tiếng nói của Giáo hội không nên bị dập tắt một cách giả tạo. Họ đã thảo luận về một số vấn đề cùng quan tâm.
Cùng ngày, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga EA Stanislavov đã dùng bữa tối vinh danh Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Giáo hội của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Có mặt tại bữa tối là Linh mục Svyatoslav Bulakh, thư ký của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của Giáo phận Hung Gia Lợi, và phụ tá của chủ tịch DECR.
Cùng với Cha Svyatoslav Bulakh, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã đến thăm Nhà thờ Chính tòa ở Budapest để xem những tiến bộ đạt được trong công tác sửa chữa và trùng tu được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Hung Gia Lợi.
Các nguồn tin từ Hung Gia Lợi cho biết điểm đặc biệt là Tổng Giám Mục Hilarion đã đến thăm Hung Gia Lợi nhưng sau đó, ngài ở lại luôn không về Nga.
Source:patriarchia.ru