Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”
Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này:
“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’
Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, một người đưa ra lời yêu cầu này với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Đây là một tình huống rất phổ biến. Những vấn đề tương tự như thế vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Bao nhiêu anh chị em, bao nhiêu thành viên trong cùng một gia đình, chẳng may cãi nhau về tài sản thừa kế, có lẽ không còn nói chuyện được với nhau!
Đáp lại yêu cầu của người này, Chúa Giêsu không đi vào những chi tiết cụ thể, nhưng đi vào gốc rễ của những chia rẽ gây ra bởi sự sở hữu của cải. Ngài nói rõ ràng: “Hãy đề phòng mọi sự tham lam” (câu 15). “Hãy đề phòng mọi sự thèm muốn”. Lòng tham là gì? Đó là lòng tham của cải không kiềm chế được, luôn ham muốn giàu sang. Đây là một căn bệnh hủy hoại con người, bởi vì sự thèm khát của cải tạo ra một cơn nghiện. Trên tất cả, những người có nhiều không bao giờ bằng lòng, họ luôn muốn nhiều hơn, và chỉ cho bản thân mình. Nhưng như thế, người đó không còn tự do nữa: người đó bị ràng buộc vào của cải, biến thành một nô lệ cho điều nghịch lý thay lẽ ra phải phục vụ họ để họ được sống tự do và thanh thản. Thay vì được phục vụ bởi tiền, người đó trở thành tôi tớ của tiền. Lòng tham cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội - do lòng tham mà ngày nay chúng ta đã đạt đến những nghịch lý khác: một sự bất công chưa từng thấy trong lịch sử, trong đó một thiểu số sở hữu rất nhiều trong khi đại đa số có rất ít hay thậm chí chẳng có gì. Chúng ta hãy xem xét các cuộc chiến tranh và xung đột. Ham muốn tài nguyên và sự giàu có hầu như luôn là động lực. Có bao nhiêu quyền lợi đằng sau chiến tranh! Chắc chắn, một trong số này là buôn bán vũ khí. Vụ mua bán này là một vụ tai tiếng mà chúng ta không bao giờ được cam chịu.
Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng trọng tâm của tất cả những điều này không chỉ là một số người quyền lực, hoặc một số hệ thống kinh tế nhất định. Sự thèm muốn trong trái tim của mọi người là trung tâm. Và vì vậy, chúng ta hãy thử tự hỏi mình: Tôi đang ở đâu trong cố gắng đừng dính bén đến tài sản, tách mình khỏi sự giầu sang? Tôi có phàn nàn về những gì tôi thiếu thốn, hay tôi biết bằng lòng với những gì mình đang có? Tôi có bị cám dỗ để hy sinh các mối quan hệ và thời gian cho người khác vì tiền bạc và cơ hội không? Và một lần nữa, liệu tôi có hy sinh tính hợp pháp và lòng trung thực trên bàn thờ của sự thèm muốn không? Tôi đã nói “bàn thờ”, bàn thờ của sự thèm muốn, nhưng tại sao tôi lại nói bàn thờ? Bởi vì của cải vật chất, và tiền bạc, có thể trở thành một sự sùng bái, một thứ thờ ngẫu tượng thực sự. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Ngài nói, anh chị em không thể phục vụ hai chủ, và - hãy cẩn thận - Chúa Giêsu không nói hai chủ ấy là Thiên Chúa và ma quỷ, không, thậm chí Ngài cũng không nói hai chủ ấy là điều lành và điều ác, nhưng hai chủ ấy là Thiên Chúa và của cải (x. Lc 16:13). Người ta có thể ngờ rằng Chúa Giêsu sẽ nói rằng anh chị em không thể phục vụ hai chủ, Thiên Chúa và ma quỷ, không phải như thế, nhưng là Thiên Chúa và sự giàu có. Sự giàu có phải phục vụ chúng ta; còn phục vụ cho sự giàu có, thì không - đó là thờ ngẫu tượng, đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.
Như thế chúng ta có thể nghĩ, không ai nên khao khát làm giàu? Chắc chắn, anh chị em có thể làm giàu; anh chị em có quyền muốn được làm giàu. Thật đẹp khi trở nên giàu có, nhưng giàu theo ý Chúa! Chúa là Đấng giàu có nhất. Ngài giàu lòng nhân ái, giàu lòng nhân hậu. Sự giàu có của Ngài không làm nghèo đi một ai, không tạo ra những cuộc cãi vã, chia rẽ. Đó là sự giàu có biết cho đi, biết phân phát, biết chia sẻ. Thưa anh chị em, tích lũy của cải vật chất không đủ để sống sung túc, vì Chúa Giêsu cũng nói rằng sự sống không bao gồm những gì người ta sở hữu (x. Lc 12:15). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt - với Chúa, với những người khác, và thậm chí với những người có ít hơn chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: Đối với bản thân, tôi muốn làm giàu bằng cách nào? Tôi muốn làm giàu theo Chúa hay theo lòng tham? Và, quay lại chủ đề thừa kế, tôi muốn để lại di sản gì? Tiền trong ngân hàng, những thứ vật chất, hay những người hạnh phúc xung quanh tôi, những việc tốt không bị lãng quên, những người tôi đã giúp đỡ để trưởng thành và thăng tiến?
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu thế nào là của cải thực sự của sự sống, là của cải tồn tại mãi mãi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Sáng hôm qua, tôi đã trở lại Rôma sau chuyến tông du kéo dài sáu ngày đến Canada. Tôi dự định sẽ nói về điều đó trong buổi Tiếp kiến Chung vào thứ Tư tới đây. Nhưng bây giờ tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp thực hiện cuộc hành hương đền tội này, bắt đầu từ các Nhà chức trách Dân sự, các Thủ lĩnh của Dân tộc Bản địa, và các Giám mục Canada. Tôi chân thành cảm ơn tất cả những người đã cùng tôi cầu nguyện. Cảm ơn các bạn vì tất cả!
Ngoài ra, trong cuộc hành trình này, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang đau khổ và bị vùi dập, cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi tai họa chiến tranh. Nếu người ta nhìn vào những gì đang xảy ra một cách khách quan, xem xét tác hại mà chiến tranh mang lại hàng ngày cho những người đó, và thậm chí cho toàn thế giới, điều hợp lý duy nhất cần làm là dừng lại và thương lượng. Cầu mong sự khôn ngoan truyền cảm hứng cho những bước đi cụ thể hướng tới hòa bình.
Tôi gửi lời chào đến các bạn, những người đến từ Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho các tập sinh của Dòng Nữ tử Đức Bà Giúp đỡ các Kitô hữu sắp sửa tuyên khấn lần đầu; nhóm Công Giáo Tiến hành từ Barletta; các bạn trẻ đến từ Giáo phận Verona; các chàng trai và cô gái của phong trào mục vụ Unità “Pieve di Scandiano”; và nhóm “Gonzaga” từ Carimate, Montesolaro, Figino và Novedrate, những người đã đi bộ trên Via Francigena.
Nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô thành Loyola, tôi gửi lời chào chân thành đến các bạn đồng tu Dòng Tên của tôi. Hãy tiếp tục sốt sắng và vui mừng bước đi trong việc phục vụ Chúa. Hãy dũng cảm lên!
Chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana