GARDEN GROVE - Hôm qua ngày 14/7/2003 từ 2 giờ tới 6 giờ chiều Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã họp đại hội thường niên lần thứ 8 tại Chùa Liên Hoa để báo cáo tình hình sinh hoạt tổng quát trong năm qua và cử Ban Tân Thường Vụ cho Hội Đồng.

Thành phần Đại Diện các tôn giáo tham dự gồm có:

  • Phật giáo: Hòa thượng Thích Chân Thành và Hòa thượng Thích Minh Nguyện
  • Công giáo: Linh mục Trần Công Nghị và Linh mục Nguyễn Ngọc Chuẩn
  • Hòa Hảo: Giáo sư Nguyễn thành Long và Giáo sư Nguyễn thanh Giầu
  • Cao Đài: Hiền tài khâm châu Phạm văn Khảm và Chánh trị sự Hà Vũ Văn
  • Tin Lành: Mục sư Trần Thanh Vân
  • Ngoài ra còn một số các chuyên viên đạo hữu và các tín đồ giáo dân thuộc các phái đoàn tham dự buổi họp nêu trên.
Khai mạc Đại Hội, Hòa thượng Trưởng Hội đồng Liên Tôn, Thích Chân Thành giới thiệu và cám ơn các thành viên thuộc các tôn giáo đã về tham dự ngày Đại Hội hôm nay. Hòa thượng hoan hỉ về những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và cũng nêu lên một số những việc còn cần phải làm, nhất là việc tiếp tục tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Sau đó mục sư Trần thanh Vân, phó ngoại vụ, trình bày về những sinh hoạt đã đạt được trong suốt 2 năm qua, nhất là về nỗ lực hòa giải các ban chấp hành Cộng Đồng, tuy rằng việc này không đưa đến kết quả, nhưng đã chứng tỏ thiện chí của Hội Đồng đối với sinh hoạt Cộng Đồng. Ngoài ra mục sư cũng nêu lên cho biết một việc làm rất đáng khích lệ là Hội đồng Liên Tôn đã kêu gọi và chủ xướng trong việc cùng với Cộng Đồng xây tượng đài chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 2003, đó là một công tác rất đáng tán thưởng. Về mặt tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhiều lần Hội đồng đã tham gia vào các sinh hoạt lên tiếng và viết thỉnh nguyện thư về vấn đề này. Thêm vào đó còn có những sinh hoạt hỗ tương giữa các tôn giáo với nhau, như tham dự các nghi lễ quan trọng của tôn giáo bạn và những sinh hoạt truyền thống của Cộng đồng Việt Nam tổ chức.

Sau đó là phần trình bày tóm lược qua về sinh hoạt của các tôn giáo tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Về phía Phật giáo thì hiện nay tại Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn chồng chất, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền đàn áp và đe dọa, bỏ tù giam cầm các vị đại trưởng lão, v.v... Tại hải ngoại năm vừa qua có cuộc Đại Hội có sự tham gia của rất đông đảo các vị chức sắc tôn trưởng thuộc các nơi về tham dự nói lên tinh thần hợp nhất và cương quyết tranh đaấu cho đạo pháp.

Về phía Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài, các vị đại diện cũng báo cáo cho biết tình trạng các tôn giáo này cũng không khá hơn gì. Các chức sắc bị ngăn cản không được phép tự do thi hành sứ vụ của mình, đang khi đó các giáo hội quốc doanh do nhà cầm quyền Cộng Sản dựng lên được tự do hoạt động, gây tình trạng phân hóa và chia rẽ nội bộ.

Về tình hình sinh hoạt của Công Giáo Việt Nam tại quốc nội, tuy dù bề mặt có những sinh hoạt năng động và thoải mái hơn, nhưng bản chất những việc nồng cốt của Giáo Hội vẫn còn bị vướng mắc như việc bổ nhiệm giám mục, phong chức linh mục, và tài sản bị tịch thu chưa được hoàn trả, v.v... Vào tháng 11, 2004, Hội đồng giám mục Việt Nam đã viết thưu lên chính quyền bày tỏ quan điểm của mình về Sắc Lệnh Tôn giáo và nhận định rằng những quyền căn bản về tự do tôn giáo vẫn chưa được cởi trói. Các giám mục hy vọng rằng chính quyền cần cải tiến thêm về mọi mặt cho sinh hoạt tôn giáo của người Việt Nam được thực thi đúng mức.

Vế phía Tin Lành thì ai cũng đã thất rõ Giáo hội vẫn tiếp tục tranh đấu, dù giữa những bắt bớ và hù dọa. Đặc biệt là các giáo hội tại gia và trên vùng Cao Nguyên Trung phần Việt Nam. Những cuộc tranh đấu đòi tự do này đặc biệt được giới báo chi quốc tế và Hoa kỳ quan tâm nhiều.

Các Đại Biểu các Phái Đoàn cũng rút kinh nghiệm và đề nghị rằng, Hội Đồng Liên Tôn trong các nhiệm kỳ tương lai nên:

  • Trọng tâm vào việc tiếp tục tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam,
  • Giới hạn những sinh hoạt của mình đối với Cộng Đồng, chỉ tham gia vào những sinh hoạt được coi là thực sự cần thiết và nói lên tính cách hòa hợp và gây tình đoàn kết trung dung của Hội đồng, vì thành viên Hội đồng không có nhiều thời giờ và phương tiện,
  • Quan tâm vào sinh hoạt tôn giáo của các tôn giáo bạn, như tham gia vào các cuộc lễ của tôn giáo bạn ít là một năm một lần, chứng tỏ tình liên kết và thương thân tương ái.
  • Nếu được thì nên tổ chức cuộc thuyết trình chung, giới thiệu và trao đổi về giáo lý của tôn giáo mình tạo nên sự đối thoại Liên Tôn về bề sâu.
Sau những ý kiến trên, Hội đồng đã đồng ý tu chính một số điểm trong nội qui sinh hoạt của Hội Đồng.

Tiếp đến là cuộc đề cử Tân Ban Thường Vụ của Hội Đồng cho nhiệm kỳ 2005-2007.

Năm nay đến lượt phía Công Giáo lãnh trách nhiệm vai trò lãnh đạo Hội Đồng, tuy nhiên LM Trần Công Nghị đưa ra ý kiến là vì việc tranh đấu cho nền tự do tôn giáo Việt Nam còn đang được tiếp diễn, nhất là giữa những khó khăn pháp nạn mà Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài còn đang phải gánh chịu. Nhiệm kỳ vừa qua, Phật giáo đã đảm nhiệm trách vụ lãnh đạo Hội đồng, vì thế để tiếp nối công việc đang tiến hành, LM Nghị đề nghị xin Phật Giáo Hòa Hảo đứng ra lãnh trách nhiệm lãnh đạo Hội Đồng trong nhiệm kỳ tới.

Sau một thời gian bàn thảo, giáo sư Nguyễn Thành Long đã vui lòng nhận lời làm Trưởng Ban Thường Vụ Hội Đồng Liên Tôn, và thành phần Tân Ban Thường Vụ như sau:

  • Trưởng Ban: Giáo sư Nguyễn Thành Long (Hòa Hảo)
  • Phó ngoại Vụ: Linh mục Nguyễn Ngọc Chuẩn (Công Giáo)
  • Phó Nội Vụ: Hòa thượng Thích Minh Nguyện (Phật Giáo)
  • Thư ký: Mục sư Nguyễn Thanh Vân (Tin Lành)
  • Thủ Qũi: Chánh trị sự Hà Vũ Văn (Cao Đài)
  • Ban Thường Vụ sẽ mời thêm một số Ủy Viên thuộc các tôn giáo tham gia.
Ngoài các vị nêu trên, các vị Đại diện chính thức của các tôn giáo trong Hội Đồng Lãnh Đạo vẫn bao gồm:

  • Phật giáo: Hòa thượng Thích Chân Thành
  • Công giáo: Linh mục Trần Công Nghị
  • Hòa Hảo: Giáo sư Nguyễn Thanh Giầu
  • Cao Đài: Hiền tài Phạm Văn Khảm
  • Tin Lành: Mục sư Trần Thanh Vân.
Buổi họp đã kết thúc trong tinh thần thân ái tương kính và hết sức đoàn kết.