1. 570 linh mục và nữ tu qua đời vì Covid-19 ở Ấn Độ

Con số các linh mục và nữ tu Công Giáo ở Ấn Độ chết vì coronavirus đã lên tới con số 570, trong đó cái chết mới nhất là của một linh mục ở bang miền đông Odisha vào ngày 18 tháng 8 vừa qua.

Cha Petrus Kullu, linh mục Dòng Ngôi Lời, đã qua đời tại một bệnh viện tư ở Bargarh của Odisha sau khi chiến đấu với virus, Cha Victor Rodrigues, phó giám tỉnh của tỉnh dòng ở miền Đông Ấn Độ cho biết như trên.

Cha Kullu tin rằng mình bị cúm theo mùa từ ngày 12 tháng 8 và phải dùng thuốc. Nhưng thuốc không cải thiện được sức khỏe của ngài, cha Rodrigues nói.

Sau những phàn nàn vì khó thở, ngài được đưa vào Bệnh viện Đức Maria vào ngày 16 tháng 8.

Vào ngày 17 tháng 8, các bác sĩ xác định các triệu chứng của Covid-19, mặc dù xét nghiệm âm tính. Phổi của ngài bị nhiễm trùng nghiêm trọng, và ngài đã chết trong Khoa Covid của bệnh viện vào ngày hôm sau.

Cha Rodrigues cho biết lễ tang và việc chôn cất linh cữu vị linh mục quá cố diễn ra vào ngày 20 tháng 8.

Cha Suresh Matthew, dòng Capuchin, người đã tổng hợp dữ liệu về cái chết của các linh mục và nữ tu Công Giáo Ấn Độ cho biết “Với cái chết của Cha Kullu, Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã mất 304 linh mục và 266 nữ tu do Covid-19”.

Cha Mathew, biên tập viên chính của Indian Currents, một tạp chí tin tức hàng tuần bằng tiếng Anh do Giáo hội điều hành, đã nói chuyện với UCA News vào ngày 19 tháng 8 về sự mất mát to lớn mà Giáo hội Ấn Độ phải gánh chịu vì Covid.

Những cái chết này là “một mất mát to lớn đối với Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ, nơi giáo hội cần có nhiều nhà truyền giáo tận tụy hơn để phục vụ người dân ở các vùng sâu vùng xa”.

Cha Mathew cho biết, hầu hết các trường hợp linh mục và nữ tu tử vong đều được báo cáo từ các cứ điểm truyền giáo xa xôi ở đất nước, nơi không có các cơ sở y tế tốt.

“Nhiều người đã không phát hiện ra bệnh ở giai đoạn đầu hoặc không được điều trị thích hợp dẫn đến cái chết của họ,” vị linh mục nói.

Nhiều người có cơ hội chuyển đến những nơi tốt hơn để điều trị, nhưng họ ở lại với những người không có điều kiện tốt hơn và cuối cùng đã chết, vị linh mục nói thêm.

Cha Mathew đã ghi lại số người chết kể từ tháng 4 năm 2020.

Trong các dòng, Dòng Tên bị thiệt hại nặng nhất với 44 linh mục, tiếp theo là Dòng Salêdiêng Don Bosco mất 17 vị và Dòng Ngôi Lời mất 16 vị.

Trong số các dòng nữ, Dòng Thừa sai Bác ái mất 23 nữ tu, tiếp theo là Dòng Đức Mẹ núi Carmelô mất 12 nữ tu.

Cha Mathew cũng không loại trừ khả năng thiếu hồ sơ về các linh mục và nữ tu đã chết trong giai đoạn ban đầu khi đại dịch bùng phát trong nước.

“Nhưng đó có thể không phải là những con số lớn như vậy,” vị linh mục nói thêm.

Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 44,3 triệu ca nhiễm trùng và khoảng 567.000 ca tử vong do đại dịch. Đó là con số do Cục Thống Kê của Ấn Độ công bố trong một nỗ lực bị các nhà phê bình cáo buộc là nhằm che giấu sự thực. Con số thật sự ít nhất là 5 triệu người chết.
Source:UCANews

2. Vatican vẫn im lặng sau vụ giam giữ vị giám mục Nicaragua

Inés San Martín, trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma, có bài tường trình nhan đề “Vatican still silent after detention of Nicaraguan bishop”, nghĩa là “Vatican vẫn im lặng sau vụ giam giữ vị giám mục Nicaragua”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Sau khi thông tin được loan báo công khai rằng chính phủ Nicaragua đã bắt giam Đức Cha Rolando Alvarez một cách bất hợp pháp vào đầu giờ ngày 19 tháng 8, Vatican đã tiếp tục giữ im lặng về tình hình.

Bất chấp yêu cầu của một số nhà báo, văn phòng báo chí của Tòa thánh đã không đưa ra tuyên bố nào về vụ bắt giữ vị giám mục của Matagalpa.

Đức Cha Alvarez, được nhiều người biết đến là người chỉ trích Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông ta, Phó Tổng thống Rosario Murillo, lần đầu tiên bị ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục của ngài vào đầu tháng 8, khi một số xe tuần tra của cảnh sát bao vây tòa nhà. Đầu ngày thứ Sáu, ít nhất tám xe tuần tra đã được triển khai để đưa vị giám mục đến thủ đô của Nicaragua, nơi ngài bị quản thúc tại nhà riêng. Những người từng ở cùng với ngài bị đưa đến trung tâm giam giữ khét tiếng El Chipote, nơi giam giữ khoảng 190 tù nhân chính trị. Một số người trong số những người đã sống sót khỏi nơi giam giữ này mô tả nó như một trung tâm tra tấn.

Quan chức Vatican duy nhất lên tiếng về việc giám mục bị bỏ tù là giáo dân Mexico Rodrigo Guerra, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh. Nói chuyện với Aleteia, ông nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “biết rõ về tất cả các sự kiện đang diễn ra ở Nicaragua.”

Theo Aleteia, Guerra là một phần của nhóm các cá nhân, bao gồm tổng giám mục của Managua, Hồng Y Leopoldo Brenes, đang tìm cách giải phóng Đức Cha Alvarez.

Guerra nói với trang web tin tức trực tuyến rằng ông “chú ý đến sự im lặng cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng, đó không bao giờ là sự im lặng thờ ơ, mà là sự im lặng của một mục tử quan sát dân tộc của mình trước các lập trường ý thức hệ.”

“Một sự im lặng của Đức Giáo Hoàng không có nghĩa là không hoạt động hoặc thiếu quyết đoán, không, không có gì giống như vậy; nó có nghĩa là họ đang làm việc trên các bình diện khác,” ông nói. “Và vào thời điểm mà Đức Thánh Cha nhìn thấy điều đó một cách thận trọng, tất nhiên, ngài sẽ có một sự can thiệp.”

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước công chúng về Nicaragua là vào năm 2019. Không một nhà ngoại giao cấp cao nào của Vatican đề cập đến đất nước này trong vài tháng qua, ngay cả sau khi Đức Cha Alvarez bị ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục.

Tuy nhiên, bất chấp sự im lặng của Vatican, các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ vị giám mục, bao gồm cả Đức Hồng Y Brenes, người được chính quyền Nicaragua cho phép đến thăm Alvarez.

Một tuyên bố từ Tổng giáo phận Managua nói rằng vị Hồng Y nhận thấy vị giám mục “suy sụp về thể chất,” nhưng mạnh mẽ “về đức tin và tinh thần”.

Tuyên bố cho biết: “Nhận thức rằng cầu nguyện là sức mạnh của Kitô hữu, chúng tôi mời anh chị em tiếp tục cầu xin Chúa Kitô cầu bầu và trông chừng đàn chiên nhỏ bé của Ngài. Chúng tôi hy vọng lý do đó, cũng như sự hiểu biết tôn trọng, sẽ mở ra hướng giải quyết cho tình huống nguy cấp và phức tạp này cho tất cả mọi người.”

Tuyên bố của Tòa Giám Mục Managua được đưa ra ngay sau khi cảnh sát Nicaragua tuyên bố rằng Đức Cha Alvarez đã bị quản thúc tại gia sau khi cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại với vị giám mục. Cảnh sát cho biết họ đang kêu gọi ngài ngừng các hành động “gây bất ổn và khiêu khích”.

Cảnh sát chỉ ra rằng họ đã cho Đức Hồng Y Brenes đã gặp Alvarez và cả hai đã “nói chuyện lâu giờ”.

Vị Hồng Y dự kiến sẽ sớm bay đến Rôma, nơi ngài sẽ tham dự công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, cũng như một loạt các cuộc họp vào tuần sau.

Các nguồn tin tiết lộ với Crux rằng chính phủ Nicaragua muốn Đức Cha Alvarez rời khỏi đất nước hoặc phải ngồi tù. Tuy nhiên, vị giám mục không muốn rời khỏi đất nước. Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã ra lệnh cho Giám mục Silvio Baez, phụ tá của Managua, chạy sang Miami sau khi ngài và các thành viên trong gia đình bắt đầu nhận được những lời đe dọa lấy mạng.

Đức Cha Baez đã lên Twitter để bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Cha Alvarez: “Tôi lên án cuộc đàn áp tồi tệ và hèn nhát đối với Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ độc tài Nicaragua. Giáo hội của cả thế giới phải hướng mắt về đất nước tôi. Chúng ta cần sự cầu nguyện, gần gũi và tố cáo của toàn thể Giáo hội. Tôi cầu xin anh chị em từ trái tim của tôi: Đừng bỏ rơi chúng tôi!”

Trong số những người lên tiếng ủng hộ Đức Cha Alvarez có Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, người đứng đầu ủy ban công lý quốc tế và hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, là người đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “tình đoàn kết bền vững tiếp tục của chúng tôi với những người anh em của chúng tôi ở Nicaragua, cùng với các linh mục và các nhà truyền giáo nước ngoài, trong lời kêu gọi của các ngài để có tự do loan báo Tin Mừng và sống đức tin”.

Đức Tổng Giám Mục Broglio nói: “Đức tin của người dân Nicaragua, những người luôn đoàn kết với các giám mục và linh mục của họ, là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi.”

Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông “rất lo ngại về sự triệt tiêu nghiêm trọng của không gian dân sự và dân chủ ở Nicaragua, và các hành động gần đây chống lại xã hội dân sự, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo”
Source:Crux

3. Đức Hồng Y Dolan khẳng định “Như Chúa Giêsu đã dạy, Giáo hội phải chào đón, giúp đỡ những người di cư mới đến”

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về nhu cầu của các gia đình di cư đến Thành phố New York trên xe buýt từ Texas là được nhìn thấy họ “với đôi mắt của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y Timothy M. Dolan nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngày 16 tháng 8.

“Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: Khi Ta là một người lạ… một người nhập cư, các ngươi đã chào đón Ta,” vị Hồng Y nói.

“Quan điểm của chúng tôi không phải là quan điểm chính trị” mà những người khác có thể có về những gì đã dẫn đến một số lượng lớn những người xin tị nạn từ hàng chục quốc gia qua ngã Mễ Tây Cơ để đến Hoa Kỳ. “Quan điểm của chúng tôi là giúp họ… với cảm giác vinh dự rằng chúng tôi có thể giúp những người mà qua đó chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa.”

Trước cuộc họp báo, Đức Hồng Y Dolan và Đức Ông Kevin Sullivan, giám đốc điều hành của Tổ chức bác ái Công Giáo thuộc Tổng giáo phận New York, đã gặp riêng một số cá nhân và gia đình đã đến trong những ngày gần đây trên xe buýt do Thống đốc Texas Greg Abbott gửi đến.

Hơn 6.000 người di cư đã được đưa đến thành phố cho đến nay và Tổ chức bác ái Công Giáo của Tổng giáo phận New York đã hỗ trợ 1.500 người di cư.

Thống Đốc Abbott cho biết Texas “đã phải thực hiện hành động chưa từng có để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng tôi” vì “Tổng thống Joe Biden tiếp tục từ chối thừa nhận cuộc khủng hoảng do các chính sách mở cửa biên giới của ông ấy gây ra”.

Thị trưởng New York Eric Adams đã gọi việc vận chuyển người di cư đến New York là “kinh khủng” và cáo buộc Abbott sử dụng người di cư như một công cụ chính trị. Adams thông báo thành phố sẽ giữ hàng trăm người di cư trong một khách sạn ở Time Square.

Những người di cư này đang tìm kiếm “sự an toàn, sự bảo vệ và cơ hội” ở Hoa Kỳ, Đức Ông Sullivan nói.

Tổ chức bác ái Công Giáo đã “kiên định đồng hành với những người nhập cư và tị nạn trong hơn một thế kỷ,” và việc phục vụ những người xin tị nạn “đột ngột và bất ngờ đến trước cửa nhà chúng tôi” cũng không có gì khác, Đức Ông nói.

Đức Hồng Y nói thêm rằng: “Họ đã trải qua tình trạng hỗn loạn trong nhiều tháng. Bây giờ họ cảm thấy như ở nhà. Chúng tôi nhìn thấy họ và yêu mến họ và… Giáo hội mà họ yêu mến đã giúp đỡ họ trong suốt chặng đường. Alleluia.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng những người mới đến này “chỉ muốn ổn định và có một cuộc sống bình thường và cho con cái họ đi học.”

Theo Đức Hồng Y, Tổng giáo phận New York sẽ cấp học bổng cho những trẻ em này đi học tại các trường Công Giáo, giống như những gì đã làm cho trẻ em tị nạn Haiti, Afghanistan và Ukraine.
Source:OSVNews