(CNA Newsroom, 20/08/2022) Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ ở Hoa Kỳ, các kho thực phẩm cứu trợ khắp nước - trong đó rất nhiều là cuả các hội từ thiện Công Giáo - đang phải vật lộn vì nhu cầu ngày càng tăng và mức nhập kho ít đi,

Các kho thực phẩm Công Giáo giúp hàng triệu người Mỹ hàng năm- Công Giáo cũng như không Công Giáo -. Đối với những người nghèo này, đó là sự khác biệt giữa việc có thức ăn trên bàn hay là phải nhịn đói.

“Nếu không có những kho hàng này, đã có lúc chúng tôi không có thức ăn,” Cô LaShanda Davis, một nhân viên an ninh đang nhận sự giúp đỡ từ kho của Trung tâm Guadalupe ở Houston, Texas, cho biết.

Bây giờ, dưới sức nặng của lạm phát, nhiều kho thực phẩm đang gặp khó khăn. Giá hàng tạp hóa ở ngoài đã tăng gần 11% trong tháng 7 năm 2022 (so với năm trước.) Sự gia tăng tác động đến bản thân các kho thực phẩm cũng như đến những người cần nó.

Một kho thực phẩm ở St. Louis đã chứng kiến ​​nhu cầu hàng tháng tăng hơn gấp đôi trong những tháng gần đây. Tại Chicago, kho thực phẩm của Mission of Our Lady of the Angels cho biết số lượng các gia đình tìm kiếm sự giúp đỡ đã tăng 50% kể từ mùa hè năm ngoái. Và một trong những kho thực phẩm lớn nhất của Louisiana đang báo cáo rằng số lượng người tìm đến các dịch vụ của họ đang tăng 5% mỗi tháng. Các tổ chức từ thiện Công Giáo ở cả hai nơi Nashville và Gallup cuả New Mexico, cũng nói với CNA rằng các kho thực phẩm của họ đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhu cầu đáng kể kể từ đầu năm 2022.

Người phát ngôn của Tổ chức Từ thiện Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Galveston-Houston nói với CNA rằng những người tìm đến kho thực phẩm không chỉ là vì thực phẩm mà còn để được giúp đỡ những nhu cầu khác, bao gồm quần áo, dụng cụ học tập, tiền thuê nhà và hướng dẫn việc làm và giáo dục.

Trong khi nhu cầu tại các kho thực phẩm dường như chưa vọt lên tới đỉnh điểm cuả cuộc khủng hoảng COVID-19 lúc đầu vào năm 2020, nhưng nạn lạm phát dường như đã tạo cho những nhu cầu này kéo dài lâu hơn.

Cô Haley Calabro, giám đốc Trung tâm St. Augustine Wellston ở St. Louis, nói với CNA rằng họ thường phục vụ 300-400 người trước cuộc khủng hoảng COVID và kỷ lục là 1.400 vào tháng 4 năm 2020, nhưng con số đó cuối cùng đã trở lại bình thường ngay cả khi đại dịch vẫn tiếp diễn. Cô ấy nay nói rằng hiện giờ họ đang phục vụ khoảng 840 người mỗi tháng (hơn gấp đôi số bình thường ngày trước).

Một cái nhìn toàn quốc

Tổ chức từ thiện Công Giáo Catholic Charities, cơ quan quản lý hơn 1.000 ngân hàng thực phẩm và kho đựng thức ăn trên 50 tiểu bang và năm vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ, phục vụ hơn 8,4 triệu cá nhân mỗi năm.

Bà Jane Stenson, phó chủ tịch phụ trách các chương trình và dịch vụ giảm nghèo tại Tổ chức từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ, nói với CNA rằng “nhiều kho đã tuyên bố rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thực phẩm để đưa lên kệ”.

Theo Cục Thống kê Lao động, lạm phát thực phẩm ở Hoa Kỳ đạt 10,9% vào tháng 7 năm 2022, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 1979. Giá thực phẩm tại nhà - nghĩa là giá thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa - tăng 13,1%.

Bà Stenson nói về tác động do lạm phát gây ra, cho biết rằng một số thực phẩm mà họ thường quyên góp được từ các nhà sản xuất và thương gia (vì bất kỳ lý do nào như bị móp méo, gần mãn hạn...) đã khô cạn, vì họ dễ dàng bán các sản phẩm ấy với giá lời hơn.

Ngoài ra, nhiều nhà tài trợ cá nhân - mà nhiều kho thực phẩm vẫn nương tựa vào - đã không cho hoặc đang cho ít hơn, "vì mọi người đều đang phải đối phó với lạm phát", bà nói.

Ông Dave Barringer, Giám đốc điều hành quốc gia của Hiệp hội St. Vincent de Paul, nói với CNA rằng trong đại dịch “chúng tôi đã không thiếu thực phẩm cho bằng làm sao để cung cấp thực phẩm một cách an toàn,” thí dụ như phân phối thực phẩm mà không phải tiếp xúc.

Bây giờ thì khác, nhu cầu là người ta cần thăng bằng tài chánh.

Ông Barringer giải thích: “Họ nói với chúng tôi rằng tuy tiền lương có tăng, nhưng không tăng đủ để đáp ứng chi phí về năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là tiền xăng và tiền điện ở nhà. “Còn về chi phí thực phẩm thì đang tăng một cách quá sức, đến chóng mặt, và vượt quá mức tự túc cuả họ… Họ thường tìm đến chúng tôi trước, rồi thì sau đó, mới ráng mua thêm những gì còn thiếu tại các cửa hàng tạp hóa bên ngoài”.

Ông Barringer cho biết, ông nhận thấy có sự gia tăng lớn trong các xu hướng sau: các thành viên trong gia đình chuyển đến ở với nhau để tiết kiệm tiền thuê nhà, nhiều người làm nhiều công việc hơn và nhiều gia đình nhập cư không thể nhận trợ cấp xã hội vì thiếu giấy tờ hợp pháp.

Ông Barringer nói rằng tuy các kho thực phẩm là quan trọng, nhưng nhấn mạnh rằng chúng “chỉ là những vá víu 'band-aids' cho những gia đình nghèo”.

Ông nói: “Chúng ta không thể cung cấp thức ăn (hoặc ba lô đi học hoặc bất cứ thứ gì khác) để giải quyết vấn đề kinh tế gia đình, chúng ta chỉ có thể xoa dịu nỗi đau mà thôi."

Hiệp hội St. Vincent de Paul đang tập trung vào các giải pháp thay đổi có tính cách hệ thống như quản lý tài chính gia đình (biết cách xài tiền hợp lý ), phát triển ngành nghề, các chương trình giúp đỡ nhập cư và các giải pháp thay thế việc 'cho vay nặng lãi', và giúp các nước láng giềng của chúng ta có các giải pháp lâu dài hơn để thoát khỏi cảnh đói nghèo.”

“Lo lắng và nhu cầu” tăng khắp nơi

Bà Natalie Jayroe, chủ tịch và giám đốc điều hành của Second Harvest Food Bank ở miền Nam Louisiana, nói với CNA rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu, “mức độ lo lắng và nhu cầu” của những người mà họ phục vụ vẫn không suy giảm.

Second Harvest phục vụ khoảng 200.000 người ở Nam Louisiana, và bà Jayroe cho biết số người tìm kiếm dịch vụ của họ đã tăng 5% mỗi tháng kể từ khi lạm phát bắt đầu.

Một vấn đề mà Second Harvest phải đối mặt là phần lớn tiền cứu trợ cuả liên bang phân bổ cho đại dịch đã cạn kiệt, khiến ngân hàng lương thực phải phát ra nhiều giấy nợ hơn so với thời kỳ đầu COVID.

Trung tâm St. Augustine Wellston, ở St. Louis, phân phát thực phẩm cho các gia đình hàng tháng và phần lớn dùng tiền quyên góp mà mua thực phẩm thay vì dựa vào các mặt hàng thu góp được. Cô giám đốc Calabro cho biết hóa đơn hàng tháng của họ đã tăng trung bình từ khoảng 1.200 đô la lên gần 3.000 đô la trong những tháng gần đây.

Cô Calabro cho biết họ đang thấy sự gia tăng không chỉ vì số lượng các gia đình tìm đến xin giúp mà còn tăng vì số lần các gia đình đã quay trở lại với họ.

Ba kho thực phẩm do Tổ chức từ thiện Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Galveston-Houston điều hành “đã chứng kiến ​​một sự gia tăng đáng kể của các gia đình lâm vào tình trạng gọi là 'mất an ninh lương thực'”, phát ngôn viên cuả họ nói.

Những người phụ thuộc vào các kho thực phẩm, như cô LaShanda Davis, đã tỏ ra rất biết ơn.

Cô nói: “Phòng thực phẩm này là một may mắn thực sự cho gia đình tôi và tôi."

Lời kêu gọi cứu đói

Tổ chức từ thiện Công Giáo của Tổng giáo phận Galveston-Houston đã đề ra một lý do rất Công Giáo đằng sau việc giúp đỡ những người cần đến:

“Giáo huấn Xã hội Công Giáo thúc giục chúng ta đối xử với nhau bằng phẩm giá và lòng trắc ẩn."

“Người Công Giáo có thể nghe theo tiếng gọi của Chuá Cứu Thế là đi chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất trong số con cái của Chúa, bằng cách tình nguyện tại các kho thực phẩm và vận dụng mạng lưới quen biết và nguồn lực của họ để giúp nuôi sống thêm nhiều gia đình hơn”.