Lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bẩy, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tấn phong Hồng Y cho 20 tân Hồng Y.
Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa diễn ra ngay trước nghi thức tấn phong Hồng Y, cộng đoàn đã nghe bài Tin Mừng theo Thánh Luca (12:49-50).
Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:Những lời của Chúa Giêsu, ngay giữa sách Phúc Âm Luca, đâm vào chúng ta như một mũi tên: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (12:49).
Khi cùng các môn đệ tiến về Giêrusalem, Chúa công bố điều này theo phong cách tiên tri tiêu biểu, sử dụng hai hình ảnh: lửa và phép Rửa (xem 12: 49-50). Ngài đến là để mang lửa vào thế giới; phép rửa là phép rửa chính Người sẽ lãnh nhận. Tôi xin được tập trung quanh hình ảnh của lửa, ngọn lửa mạnh mẽ của Thần Khí Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, là “lửa đốt cháy” (Đnl 4:24; Dt 12:29). Một tình yêu nồng nàn thanh lọc, tái tạo và biến đổi vạn vật. Ngọn lửa này - nhưng cũng là “phép rửa” - được bày tỏ trọn vẹn trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, khi Người, như cột lửa, mở ra con đường dẫn đến sự sống qua biển đen tội lỗi và sự chết.
Tuy nhiên, có một ngọn lửa khác, ngọn lửa than mà chúng ta tìm thấy trong lời tường thuật của Thánh Gioan về sự xuất hiện lần thứ ba và cuối cùng của Chúa Giêsu Phục sinh với các môn đệ trên bờ biển Galilê (xem 21: 9-14). Đó là một ngọn lửa nhỏ mà chính Chúa Giêsu đã đốt lên gần bờ, khi các môn đệ đang trên thuyền, kéo lưới đầy cá một cách kỳ diệu. Simon Phêrô đến trước, nhảy xuống nước, lòng tràn đầy vui mừng (xem câu 7). Ngọn lửa than đó tuy êm và nhẹ nhàng nhưng lại cháy lâu hơn và được dùng để nấu nướng. Ở đó trên bờ biển, ngọn lửa ấy tạo ra một khung cảnh quen thuộc, nơi các môn đệ, ngạc nhiên và xúc động, thưởng thức sự gần gũi của họ với Chúa của mình.
Hôm nay, cũng thế thưa anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về hình ảnh ngọn lửa dưới cả hai hình thức này, và dưới ánh sáng của nó, để cầu nguyện cho các vị Hồng Y, đặc biệt là cho những người trong anh chị em trong buổi cử hành này sẽ nhận được phẩm giá và nhiệm vụ mà phẩm giá ấy đòi hỏi.
Với những lời được tìm thấy trong Tin Mừng Luca, Chúa kêu gọi chúng ta một lần nữa theo Người trên con đường truyền giáo. Một sứ mệnh rực lửa - giống như sứ mệnh của tiên tri Êlia – không chỉ vì những gì vị tiên tri ấy đã đến để hoàn thành mà còn vì cách ngài ấy hoàn thành sứ mệnh ấy. Và đối với chúng ta, những người trong Giáo Hội đã được chọn trong số dân Chúa cho một chức vụ phục vụ cụ thể, điều đó giống như thể Chúa Giêsu đang trao cho chúng ta một ngọn đuốc được thắp sáng và nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy cái này; như Chúa Cha đã sai Thầy, thì nay Thầy cũng sai các con” (Ga 20:21). Bằng cách này, Chúa muốn ban cho chúng ta lòng can đảm tông đồ của chính Ngài, lòng nhiệt thành của Ngài đối với ơn cứu rỗi của mọi người, không trừ một ai. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta về sự cao cả, tình yêu vô bờ bến và vô điều kiện của Ngài, vì trái tim của Ngài luôn rực cháy lòng thương xót của Chúa Cha. Lòng thương xót của Chúa Cha là điều nung nấu trong lòng Chúa Giêsu. Và trong ngọn lửa này, cũng có sự căng thẳng mầu nhiệm trong sứ mệnh của Người, giữa lòng trung thành với dân tộc của Người, với vùng đất hứa, với những người mà Chúa Cha đã ban cho Người, và đồng thời, một sự cởi mở với tất cả các dân tộc. - sự căng thẳng phổ quát đó - vươn tới các chân trời của thế giới, đến các vùng ngoại vi vẫn chưa được biết đến.
Đây cũng chính là ngọn lửa mạnh mẽ đã thúc đẩy Tông đồ Phaolô trong việc phục vụ Phúc Âm không mệt mỏi, trong “cuộc chạy đua” của ngài, lòng nhiệt thành truyền giáo của ngài không ngừng được Thần Khí và Lời Chúa soi dẫn. Đó cũng là ngọn lửa của tất cả những người truyền giáo nam nữ, những người đã biết đến niềm vui mệt mỏi nhưng ngọt ngào của việc truyền giáo, và chính cuộc sống của họ đã trở thành một phúc âm, vì trước đó họ đã là những nhân chứng.
Thưa anh chị em, đây là ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã giáng trần để “mang đến cho thế gian”, ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần nung nấu trong lòng, trong bàn tay và bàn chân của tất cả những ai theo Người. Ngọn lửa của Chúa Giêsu, ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến.
Sau đó có ngọn lửa khác, ngọn lửa của than. Chúa cũng muốn chia sẻ ngọn lửa này với chúng ta, để giống như Ngài, với sự hiền lành, trung thành, gần gũi và dịu dàng - là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng - chúng ta có thể dẫn dắt nhiều người để họ thưởng thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu sống động giữa chúng ta. Một sự hiện diện dù mầu nhiệm nhưng rất đỗi hiển nhiên đến mức không cần phải hỏi: “Ngài là ai?” Vì chính trái tim của chúng ta nói với chúng ta rằng đó là Người, đó là Chúa. Ngọn lửa này bùng cháy cách đặc biệt trong lời cầu nguyện tôn thờ, khi chúng ta im lặng đứng trước Thánh Thể và đắm mình trong sự hiện diện khiêm nhường, kín đáo và kín nhiệm của Chúa. Như ngọn lửa than ấy, sự hiện diện của Người trở thành hơi ấm và là chất nuôi dưỡng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ngọn lửa đó khiến chúng ta liên tưởng đến tấm gương của Thánh Charles de Foucauld, người đã sống nhiều năm trong một môi trường không Kitô Giáo, trong sự cô độc của sa mạc, ngăn cản mọi sự hiện diện: sự hiện diện của Chúa Giêsu hằng sống, trong lời nói và trong Thánh Thể, và sự hiện diện của chính Người, tình huynh đệ, thân thiện và bác ái. Nó cũng khiến chúng ta nghĩ đến những anh chị em của chúng ta, những người sống đời dâng hiến giữa đời thường, trong thế giới, nuôi dưỡng ngọn lửa âm thầm và bền bỉ trong nơi làm việc của họ, trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, trong những hành động nhỏ của tình huynh đệ. Hoặc của những linh mục kiên trì trong chức vụ quên mình và khiêm tốn ở giữa giáo dân của họ. Một cha sở của ba giáo xứ, ở đây, ở Ý này, nói với tôi rằng ngài có rất nhiều việc. Tôi nói, “Cha có thể đến thăm tất cả mọi người không?” “Vâng, con biết tất cả mọi người!” “Cha có biết tên của mọi người không?” “Vâng, ngay cả tên những con chó trong các gia đình.” Đây là loại lửa ôn hòa dưỡng nuôi hoạt động tông đồ dưới ánh sáng của Chúa Giêsu. Cũng thế, có ngọn lửa tương tự là sự thánh thiện của vợ chồng, hàng ngày sưởi ấm cuộc sống của vô số cặp vợ chồng Kitô hữu, luôn rực cháy bởi những lời cầu nguyện đơn giản, “tự làm”, những cử chỉ và ánh mắt dịu dàng, và tình yêu kiên nhẫn đồng hành cùng con cái của họ trong hành trình trưởng thành. Chúng ta cũng không thể bỏ qua ngọn lửa luôn cháy của những người cao tuổi: - họ là một kho tàng, kho báu của Giáo hội – là lò sưởi của ký ức, cả trong gia đình và cuộc sống của cộng đồng. Ngọn lửa của người già mới quan trọng biết bao! Xung quanh đó, các gia đình đoàn kết và học cách giải thích hiện tại theo kinh nghiệm quá khứ và đưa ra các quyết định khôn ngoan.
Thưa các vị Hồng Y, anh em thân mến, bởi ánh sáng và nhờ sức mạnh của ngọn lửa dẫn dắt dân thánh và trung tín của Chúa mà từ đó chúng ta đã được chọn - chúng ta, những người được chọn từ dân Chúa –chúng ta đã được sai đến với họ như các thừa tác viên của Chúa Kitô. Ngọn lửa gấp đôi này của Chúa Giêsu, ngọn lửa vừa mạnh mẽ vừa dịu nhẹ, nói gì một cách đặc biệt với tôi và với anh em? Tôi nghĩ điều đó nhắc nhở chúng ta rằng một người có lòng nhiệt thành tông đồ được thúc đẩy bởi ngọn lửa của Thánh Linh phải biết can đảm quan tâm đến cả những việc lớn lẫn những việc nhỏ, vì “non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo, divinum est”. Hãy nhớ rằng Thánh Tôma, trong Prima Pars, nói: Non coerceri a maximo, không bị giới hạn bởi cái lớn nhất, contineri tamen a minimo, nhưng cũng không bị cô đọng trong cái nhỏ nhất, divinum est, là thần thánh.
Một vị Hồng Y yêu mến Giáo Hội, luôn luôn có cùng ngọn lửa thiêng liêng ấy, khi phải đối phó với những câu hỏi lớn lao hay trong những vấn đề thường ngày – là điều mà ngài thường phải làm – trước quyền năng của thế giới này hay trước những người bình thường nhưng vĩ đại trong mắt Chúa. Tôi nghĩ đến tấm gương của Đức Hồng Y Agostino Casaroli, người rất nổi tiếng về sự cởi mở thúc đẩy, thông qua đối thoại, một người nhìn xa trông rộng và kiên nhẫn về những triển vọng mới mở ra ở Âu Châu sau Chiến tranh Lạnh - xin Chúa ngăn chặn sự thiển cận của con người đang đóng lại những triển vọng mà Ngài đã mở ra! Tuy nhiên, trong mắt Thiên Chúa, những chuyến thăm mà ngài thường xuyên đến thăm các tù nhân trẻ tuổi trong nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Rôma, nơi ngài được gọi đơn giản là “Don Agostino”, cũng quan trọng không kém. Ngài là một nhà ngoại giao vĩ đại - một người tử vì đạo của lòng kiên nhẫn, đó là cuộc sống của ngài - cùng với chuyến thăm hàng tuần đến Casal del Marmo, để thăm những người trẻ tuổi. Có bao nhiêu ví dụ tương tự khác xuất hiện trong tâm trí anh em! Tôi nghĩ đến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, được kêu gọi để chăn dắt dân Chúa trong một thời khắc quan trọng khác của thế kỷ hai mươi, người được dẫn dắt bởi ngọn lửa tình yêu của Ngài dành cho Chúa Kitô để chăm sóc linh hồn của những người cai ngục đã trông chừng Ngài trước cửa phòng giam của mình. Những người như thế không sợ “vĩ đại” hay “cao nhất”; và họ cũng tương tác với những “người nhỏ bé” mỗi ngày. Sau một cuộc họp, trong đó Đức Hồng Y Casaroli đã thông báo cho Thánh Gioan Phaolô II về sứ mệnh mới nhất của ngài - tôi không biết đó là ở Slovakia hay Cộng hòa Tiệp, một trong những quốc gia đó - khi ngài rời đi, Đức Giáo Hoàng đã gọi ngài và nói, “Đức Hồng Y, còn một điều nữa: ngài có còn đi thăm các tù nhân trẻ tuổi không?” “Dạ có.” “Đừng bao giờ bỏ rơi họ!” Những vấn đề lớn về ngoại giao và những vấn đề nhỏ về mục vụ. Đây là trái tim của một linh mục, trái tim của một Hồng Y.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy một lần nữa chiêm ngắm Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài biết được bí mật của sự hùng vĩ thấp hèn này, sức mạnh vô song này, tầm nhìn phổ quát này chú ý đến từng chi tiết cụ thể. Bí mật về ngọn lửa của Thiên Chúa, từ ngọn lửa trên trời giáng xuống, làm sáng bầu trời từ đầu này đến đầu kia, đến ngọn lửa nấu chín thức ăn của các gia đình nghèo, những người di cư và vô gia cư. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn đem ngọn lửa này đến thế gian. Ngài muốn thắp sáng nó một lần nữa trên những bờ biển của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu gọi đích danh chúng ta, mỗi người trong chúng ta, Người gọi đích danh chúng ta: chúng ta không phải là một con số; Ngài nhìn vào mắt chúng ta - mỗi người chúng ta hãy tự cho phép mình được nhìn vào mắt - và Ngài hỏi: con, là một Hồng Y mới - và tất cả các con, các anh em Hồng Y -, Thầy có thể tin tưởng vào các con không? Đó là câu hỏi của Chúa.
Tôi không muốn kết thúc mà không nhắc nhớ đến Đức Hồng Y Richard Kuuia Baawobr, Giám mục của Wa, người hôm qua, khi đến Rôma, cảm thấy yếu quá và phải nhập viện vì một vấn đề về tim và tôi nghĩ rằng họ đã thực hiện một số loại phẫu thuật. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh em đáng lẽ phải hiện diện ở đây nhưng đang phải nằm bệnh viện. Cảm ơn anh chị em.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana