1. Cố gắng cân bằng tỷ số, Thượng phụ Kirill tuyên bố sẽ không gặp Đức Thánh Cha Phanxicô ở Kazakhstan
Giáo Hội Chính thống Nga sẽ cử một phái đoàn đến đại hội, nhưng Kirill sẽ không đi. Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn giáo ở Kazakhstan vào tháng 9, nơi người ta hy vọng ông sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô để thảo luận về một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài 6 tháng ở Ukraine.
Đức Giáo Hoàng sẽ tới quốc gia Trung Á dự Đại hội VII các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới tại thành phố Nur-Sultan từ ngày 13 đến 15 tháng 9.
Giáo Hội Chính thống giáo Nga sẽ cử một phái đoàn đến đại hội, nhưng Kirill sẽ không đi, Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, người đứng đầu Ủy ban Đối Ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói với RIA-Novosti.
Tổng Giám Mục Anthony nói với RIA-Novosti rằng: “Đã có những trông đợi rằng hai nhà lãnh đạo tôn giáo có thể gặp trực tiếp lần thứ hai, sau cuộc gặp gỡ ở Havana, Cuba, vào năm 2016. Dự kiến hai vị có thể gặp gỡ ở Giêrusalem. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm nay, trước sự ngạc nhiên sâu sắc của chúng tôi, Vatican đã đơn phương thông báo công khai rằng việc chuẩn bị cho cuộc họp đã bị đình chỉ và cuộc họp này sẽ không diễn ra”
Vào cuối buổi tiếp kiến chung của mình hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô, đánh dấu kỷ niệm sáu tháng của cuộc giao tranh, đã yêu cầu những lời cầu nguyện cho “những người Ukraine yêu quý, những người đã phải chịu đựng sự khủng khiếp của chiến tranh trong sáu tháng nay.”
Tòa Thánh từ lâu đã cho biết sẵn sàng hòa giải các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước.
2. Công nghị các giám mục Công Giáo Chanđê nhận định Kitô hữu có nguy cơ “biến mất” ở Iraq
Trong tuần này, từ 21 đến 27 tháng Tám năm 2022, Công nghị các giám mục Công Giáo Chanđê đang tiến hành tại thủ đô Baghdad của Iraq, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Thượng phụ Raphael Louis Sako.
Trong diễn văn khai mạc, Đức Hồng Y tái lên tiếng báo động về tương lai của cộng đoàn Công Giáo tại nước này: Gia sản Hồi giáo làm cho các tín hữu Kitô trở thành những “công dân hạng hai” và ngài kêu gọi các giới chính trị Iraq làm sao có được một chính phủ mới có khả năng đáp ứng những thách đố của đất nước.
Theo Đức Hồng Y Sako, các tín hữu Kitô Iraq cũng như tại các nước khác ở vùng Trung Đông đang dần dần biến mất, nếu không có một sự thay đổi cách suy tư, trong giới chính quyền, xã hội và kinh tế.
Đức Hồng Y cũng tố giác nạn chiếm đoạt tài sản của các Kitô hữu. Vì thế, cần viết lại các qui luật dựa trên sự sống chung, bắt đầu là từ hiến pháp, theo các nguyên tắc và lý tưởng, như đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong cuộc viếng thăm Iraq hồi tháng Ba năm 2021.
Trong lời chào các giám mục lúc khai mạc công nghị, Đức Hồng Y Sako cũng nói đến những vấn đề thiết yếu: đó là trách nhiệm Giáo hội, sức mạnh của Giáo hội ở tại việc phục vụ; đồng hành trong tinh thần phụ tử; ơn gọi linh mục và đan tu, nam và nữ, phụng vụ.
Trong ngày đầu tiên, các giám mục Công Giáo Chanđê đã kêu gọi các nhà chính trị Iraq và nhắc đến 20 năm bạo lực và bất bênh, cũng như giai đoạn bế tắc hiện nay, với những ảnh hưởng tiêu cực trên nền kinh tế quốc gia và xã hội, đồng thời kêu gọi các chính trị gia đẩy nhanh việc thành lập chính phủ mới, có khả năng thực thi những cải tổ cần thiết.
Giáo Hội Công Giáo Chanđê được thành lập hồi năm 1553, sau khi tách rời khỏi Giáo hội Nestorio và trở về hiệp nhất với Tòa Thánh. Hiện nay, Giáo hội này có khoảng 600.000 tín hữu, trong đó có khoảng 250.000 người sống tại Iraq, trước cuộc bách hại của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS. Nay phần lớn các tín Công Giáo Chanđê sống tại nước ngoài, đặc biệt tại Âu châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Úc châu.
3. Tiến sĩ George Weigel: Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “The Pope And The Patriarch Of Moscow”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Mạc Tư Khoa”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn rất đau buồn trước cuộc tàn sát ở Ukraine. Và khi chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đại kết của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Kurt Koch, nói với các nhà báo rằng ngài chia sẻ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng những lời biện minh tôn giáo dành cho hành vi xâm lược là “báng bổ” — tức là cách sử dụng xấu xa những điều thuộc về Chúa — chúng ta có thể chắc chắn rằng điều này cũng là quan điểm của Đức Phanxicô.Vậy thì tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nên gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, như một số cá nhân và phong trào trong Giáo hội đã từng thúc giục? Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, Kirill đã liên tục đưa ra các biện minh tôn giáo cho cuộc tấn công man rợ của Nga vào Ukraine. Vậy thì Kirill có phải là một kẻ báng bổ không?
Một số người trong số những người cổ vũ cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill có khả năng nghĩ mắc chứng “ảo ảnh”. Họ đã tưởng tượng rằng khi hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau trong thời chiến để cầu nguyện cho hòa bình, thì điều đó thể hiện một cách sinh động cho khả năng của người Kitô, nhân danh đức tin Phục sinh và các chuẩn mực đạo đức phổ quát, có thể vượt lên trên lòng căm thù dân tộc và lòng yêu nước. Tuy nhiên, điều đó chỉ là tưởng tượng dựa trên sự nguỵ biện.
Kirill Gundayev bắt đầu sự nghiệp giáo hội của mình tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới trong một công việc chỉ được giao cho một người hoàn toàn được tin cậy và có khả năng làm việc với KGB, là cơ quan tình báo bí mật của Liên Xô. Trong những năm làm giáo chủ Chính thống giáo Nga, Kirill đã thúc đẩy một tầm nhìn mở rộng về “thế giới Nga”, làm sai lệch lịch sử Kitô giáo của người Slav phía đông, và cổ vũ cho sự phục hưng chủ nghĩa đế quốc dựa trên chủ nghĩa Sa hoàng và chủ nghĩa Stalin. Kirill cũng là cơ quan ngôn luận trong chiến dịch thông tin sai lệch của Nga, trong đó tuyên bố bạo chúa Vladimir Putin là vị cứu tinh của nền văn minh chống lại sự suy đồi của phương Tây – đó là một lời nói dối đã đánh lừa được quá nhiều người Công Giáo.
Một cuộc gặp gỡ giữa Giám mục đương nhiệm của Rôma và Đức Thượng phụ đương nhiệm của Mạc Tư Khoa sẽ không phải là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó sẽ là một cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một công cụ quyền lực của nhà nước Nga.
Nhưng, một số có thể nhanh nhẩu trả lời, đó, vấn đề chính là ở chỗ đó. Bằng cách tiếp tục cuộc đối thoại cá nhân với Kirill mà ngài đã mở ra ở Havana vào năm 2015, Đức Phanxicô sẽ trao quyền cho Kirill để có tác động kiềm chế Putin trong khi định vị Vatican là nhà môi giới trung thực trong việc dàn xếp một hòa bình đàm phán ở Ukraine.
Đó cũng là một điều tưởng tượng, ảo ảnh cuộc đời.
Thứ nhất, trong mối quan hệ Putin-Kirill, Thượng Phụ Kirill không có đòn bẩy thực sự. Tổng thống bạo chúa không tìm đến Thượng Phụ để tìm lời khuyên chiến lược, và chắc chắn ông ta cũng không tìm đến ngài Thượng Phụ để hoán cải đạo đức. Ông ta trông đợi Kirill tạo ra vỏ bọc cho mình và hỗ trợ. Là những gì ông ta nhận được.
Thực tế đáng buồn là sự phụ thuộc đối với nhà nước ngăn cản việc lãnh đạo Chính thống giáo Nga nói sự thật với quyền lực Điện Cẩm Linh, hoặc kêu gọi vị sa hoàng thời hậu cộng sản hoán cải. Những gì Kirill và các cộng sự của ông ta (như Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại) đưa ra là một lời biện minh giả danh tôn giáo cho tham vọng đế quốc của Putin, đồng thời bảo đảm với những người Nga thực hiện các hành động bạo lực khủng khiếp chống lại thường dân rằng, họ là những người yêu nước thực sự, và là những người con của Tổ quốc Nga.
Thứ hai, ý tưởng về Vatican là nhà môi giới trung thực toàn cầu dựa trên một quan niệm sai lầm về cách Tòa thánh có thể gây ảnh hưởng trong thế giới ở thế kỷ 21. Vatican ngày nay không phải là Quốc gia của Đức Giáo Hoàng đầu thế kỷ 19: một cường quốc Âu Châu cấp ba vẫn sử dụng đòn bẩy tại các sự kiện như Đại hội Vienna năm 1814–1815. Quốc gia Đức Giáo Hoàng không còn tồn tại, và thế giới của Metternich, Castlereagh, và Hồng Y Ercole Consalvi, bộ trưởng ngoại giao tài giỏi và hiệu quả của Đức Giáo Hoàng Pius Đệ Thất cũng không còn.
Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II đã chứng minh, Tòa Thánh có quyền lực trong thế giới ngày nay: quyền lực của chứng nhân đạo đức, bắt đầu bằng cách gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng. Bài bình luận của Vatican trong cuộc chiến Ukraine vào tháng thứ hai đã sử dụng một từ vựng chân thực hơn những gì được hiển thị trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, kể từ Lễ Phục sinh, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng và Vatican vẫn là tiếng than thở hơn là tiếng nói tiên tri tố cáo hành vi xâm lược và chỉ đích danh kẻ xâm lược. Lỗ hổng đó được kết hợp bởi những lời lẽ thiếu thận trọng gợi ý rằng không có cuộc chiến tranh nào là hợp pháp về mặt đạo đức, điều này không đúng với việc Ukraine bảo vệ lãnh thổ của mình và về sự chuyển đổi văn hóa và chính trị của đất nước bắt đầu với cuộc Cách mạng Nhân phẩm Maidan ở Kyiv vào hai năm 2013 và 2014.
Bằng việc tàn sát dã man những người vô tội ở Bucha, ở Mariupol, và trên khắp Ukraine, Vladimir Putin đã tự bêu xấu mình bằng dấu ấn của Cain. Kirill đã cố gắng che đậy dấu ấn đó. Việc Giám mục Rôma đã gặp Kirill như thể ông Thượng Phụ người Nga này là một nhà lãnh đạo tôn giáo thực sự sẽ khiến những người Ukraine theo Công Giáo và Chính thống giáo thất vọng một cách cay đắng, những người sẽ coi đó là một sự phản bội một cách vô lý; nó sẽ làm cạn kiệt vốn đạo đức của Tòa thánh trong các vấn đề thế giới; và nó sẽ không đóng góp gì cho hòa bình.
Source:First Things