HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI CON TRONG NGƯỜI CON
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, người Cha, dù nhân hậu, lại thật bất hạnh. Ông chỉ có hai đứa con nhưng cả hai đều "có vấn đề". Các con của ông vừa khác nhau nhưng cũng vừa giống nhau.

1. KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.

Người con thứ nổi loạn với cha và gia đình mình. Nó đòi Cha chia gia tài rồi "hốt" tất cả tài sản được chia bỏ ra đi hết sức vô tình, hết sức cứng cỏi, không thèm nhìn lại ngôi nhà của mình, nơi đã từng ôm ấp mình, nơi mình được bảo vệ và bao bọc trong tình thương trời bể, nơi mình đã từng sinh ra, cho mình tuổi thơ và sự trưởng thành...

Nặng hơn, hành động ra đi tàn nhẫn của đứa con không thèm đếm xỉa đến tình cảm của Cha, bỏ mặc nỗi đau quặn thắt khi Cha phải đối diện trước cái chết của linh hồn mà con ông, dù đã lớn nhưng không khôn, đang chọn lựa.

Khi bỏ nhà, bỏ Cha, chối từ luôn cả tình yêu của Cha, đứa con thứ tự coi gia đình là nhà tù đối với bước chân “yêu đời”, là vách núi ngăn cản sức sống đang lên của nó. Nó quyết định cho mình con đường riêng bằng sự phủ nhận tất cả tình yêu và công trạng của người Cha Già chỉ biết yêu thương, suốt đời cặm cụi dành hết mọi tình yêu thương ấy cho con mà thôi.

Trong hành động trác táng, suy đồi, đứa con thứ không chỉ phung phí sạch sức khoẻ bản thân, tài sản, thanh danh gia đình, mồ hôi nước mắt cha mẹ, mà còn phản bội và giẫm đạp tất cả, chỉ để tìm một chút thỏa mãn của bản thân.

Chơi bời vô độ nên chóng suy sụp, trác táng không điểm dừng nên ngày đi huy hoàng bao nhiêu, giờ đây sau bao cuộc vui chí tử, thằng con ra hèn hạ, bần cùng, tàng tạ không còn thể thống, không còn hình người bấy nhiêu.

Sau bao lần ném mình vào chốn không thuộc về loài người, cho nó cái kết bi thảm: Heo là vật người Dothái ghê tởm, vậy mà nó phải đi với heo. Kinh khủng hơn, độ tàn tạ và mất nhân tính của nó lớn đến nỗi, nó muốn nhét thức ăn của heo vào miệng, nhưng cũng chẳng ai cho. Thua cả heo!

Trong sự dơ bẩn tột cùng của bản thân, đứa con thứ nhìn thấy Cha. Tuy nhiên, cho tới lúc đang ở đáy bùn đen, thì động lực trở về vẫn không là tình yêu của Cha, mà chỉ vì bản thân quá tả tơi, quá thê thảm mà thôi.

Thánh Luca cho biết suy nghĩ của đứa con: "Bao nhiêu người làm công cho cha tôi được cơm dư gạo thừa, mà tôi lại chết đói! Thôi, tôi đứng lên, đi về cùng cha". Động lực trở về của đứa con chỉ là cái bao tử, chỉ là miếng ăn!

Chắc chắn, nếu không rơi vào tang thương đầy sỉ nhục, đứa con không bao giờ nhớ Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi. Nó sẽ chẳng mảy may nhìn lại mái ấm mà nó từng dung thân, nơi mà Cha nó đang từng ngày già nua, héo hắt và đau yếu luôn chực chờ tấn công. Nó cũng chẳng bao giờ tiếc xót mớ sản nghiệp mà Cha tần tảo, cặm cụi một đời chỉ để nó phá nát trong phút chốc.

Cho đến ngày nó trở về, cuộc trở về vẫn không trọn vẹn. Nó hoàn toàn không vì Cha yêu hay yêu Cha. Nó trở về không thực sự do lòng thống hối thúc đẩy. Nó trở về chỉ vì hết đường chọn lựa. Nó trở về vì cuộc đời mà nó từng yêu thích và đồng hành đã lột sạch con người nó. Giờ đây nó chỉ là một thứ rác rưởi, bị cuộc đời ghẻ lạnh, bị trôi dạt ra bên lề cuộc đời ấy. Chỉ có đường về nó mới sống. Cứng đầu ở lại, nó sẽ chết. Vì nó đã đói đến tận cùng.

Người con cả thật hoàn hảo. Chẳng những nó không đòi chia gia tài, không đòi của cải, mà hằng ngày còn lo làm lụng để có thể bổ sung vào số tài sản của Cha, hay chí ít là không làm tài sản của Cha hao hụt. Nó nghiêm túc làm việc và có trách nhiệm với công việc, đến nỗi ngày đứa em trở về, nó còn không hay biết. Lúc em trở về, đứa con cả đang ở ngoài đồng.

Cứ nhìn diện mạo thì thấy, nó quá hiếu thảo, quá vâng phục Cha. Nó không bỏ nhà, không bỏ Cha để đi hoang. Nó không ăn chơi, không rượu chè trác táng, ngược lại còn luôn ở bên cạnh Cha, ở trong nhà Cha. Cứ sự thường mà nói, đứa con cả thuộc hàng “công chính”. Trước mắt mọi người, đứa con cả là đứa con mẫu mực, đáng khen, đáng học đòi bắt chước.

Đứa con cả là đại diện cho chúng ta. Hay chúng ta là khuôn đúc của đứa con cả. Chúng ta cũng ở trong nhà Cha của mình, ở cạnh Cha của mình. Bởi hơn ai hết, chúng ta đọc kinh ngày mấy lần, nguyện tắt ngày mấy lượt. Chúng ta suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, dâng thánh lễ mỗi ngày. Chúng ta lần chuỗi đều đặn, viếng Chúa thường xuyên. Chúng ta thấy mình, biết mình, hãnh diện mình thuộc về Chúa… Tắt một lời, chúng ta ở trong “nhà Cha” của mình còn hơn con tim ở trong lồng ngực. Chúng ta có dư lý do để người đời thấy chúng ta là… “thánh”.

Dù vậy, thật mỉa mai: Đứa con cả không vô tội!

2. GIỐNG NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.

Thực ra cả hai đều Đi hoang, phản bội và bất hiếu.

Không đứa nào chia sẻ một chút tâm tư của Cha. Chưa từng có đứa con nào trong hai đứa cho thấy chúng hiểu được những tình thương, tình cảm của Cha. Chúng chưa từng nhận ra bất cứ ưu tư hay hoài bão nào của Cha.

Không một đứa hiểu được tình Cha yêu chúng lớn là dường nào. Cha là tình thương nhưng mỗi đứa con chỉ là một thế giới của ích kỷ. Cha bao dung nhưng con chỉ hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở, ngược lại, tâm hồn của những đứa con lại khép kín.

Trong khi Cha luôn tìm con, thì các con lại không ngừng buông mình ra khỏi lòng Cha. Cha luôn đi về phía các con để mong chúng thấu hiểu mình, thì chúng càng ngày càng ra khỏi nhà Cha, xa cách lòng Cha. Cha sẵn sàng tha thứ, còn các con chỉ biết kết án. Chúng chỉ lo cho bản thân, chỉ muốn hưởng thụ hay kéo mọi thứ về phía bản thân, bất kể Cha đêm ngày vun quén cho chúng.

Không đứa nào thấy hình ảnh Cha già hắt hiu mà động một chút lòng xót thương, thông cảm hay đỡ nâng. Không đứa nào có ít nhất vài lời nghĩa ân, hay tệ lắm cũng là tiếng cám ơn để Cha còn thấy chút gì thương cảm dành cho ông còn sót lại trong cõi lòng chúng.

3. Đừng là ai, dù con cả hay con thứ.

Qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa có một gia đình. Chính Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con. Trong gia đình của Thiên Chúa, có những đứa con đi cùng tội lỗi, ngỗ nghịch, hoang đàng. Cả những người tưởng chừng công chính, vẫn không hoàn toàn công chính. Bất cứ ai trong chúng ta đều có những đổ vỡ, những thấy bại, những tội lỗi. Chúng ta không thể nhớ nổi, trong đời mình, bao nhiêu sa ngã, hư thân và tội lỗi.

Hãy luôn tâm niệm, dù tôi là hình ảnh của đứa con cả hay đứa con thứ, tôi đều cần trở về, đều cần nối lại tình thương của Cha trong tôi, đều cần một vòng ta ôm ấp ấm áp của Cha. Bởi dù tôi chưa đi hoang trong đời sống, chưa rời bỏ đức tin, chắc chắn đã rất nhiều lần, do suy nghĩ, hành động, lối sống của tôi không phù hợp đường lối của Cha mình, là tôi đã đi hoang trong chính tâm hồn.

Đừng bao giờ mang tư tưởng cho rằng, tôi đang ở trong nhà Cha, tôi không cần trở về. Chỉ có đứa con thứ ngỗ nghịch mới phải trở về mà thôi. Không. Nếu đứa con thứ chỉ có một cuộc trở về thì đứa con cả phải cần gấp đôi: Nó phải trở về với Cha và với em nó!

Từng người hãy nhìn vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà ăn năn tội. Hãy vì tình yêu của Chúa mà làm lại cuộc đời, mà vươn lên thoát khỏi những ảnh hưởng và cám dỗ của tội lỗi. Chúng ta hãy đáp trả tình yêu của Chúa bằng nỗ lực liên tục sống trong Chúa, cậy dựa vào Chúa và luôn nỗ lực làm việc thiện, tránh xa những gì dẫn chúng ta đến chỗ xa rời Chúa.

Chúng ta đừng là đứa con nào trong hai đứa con của dụ ngôn, mà hãy là người con theo mẫu của Người Con Một của Thiên Chúa. Hãy mang lấy hình ảnh của Chúa Giêsu. Hãy học lấy tấm gương trung hiếu của Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu. Hãy thực tập gương thảo hiếu mà Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha.

Tắt một lời, chúng ta đừng là đứa con nào của dụ ngôn, nhưng hãy nên những người con trong Một Người Con để gắn bó với Thiên Chúa, để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn gần chúng ta để trao ban tình yêu như Người Cha đến với con mình.