Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ý nghĩ sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine là “điên rồ”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông ta đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong một bài phát biểu vào đầu ngày thứ Tư 22 tháng 9, trước cuộc tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha với các tín hữu 5 tiếng đồng hồ, Đức Giáo Hoàng gọi đó là “sự điên rồ”.

Khi phát biểu trước đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

“Cuộc chiến bi thảm này đưa chúng ta đến điểm mà một số người đang nghĩ đến vũ khí hạt nhân, đó là sự điên rồ.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thừng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong một bài phát biểu trên truyền hình với người dân Nga vào sáng sớm thứ Tư trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.

Putin cho biết ông sẵn sàng đáp trả điều mà ông cáo buộc là “hành động tống tiền hạt nhân” của phương Tây bằng cách sử dụng vũ khí của chính đất nước ông.

Putin nói: “Nếu Nga cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương pháp phòng thủ theo ý của mình và đây không phải là một trò đùa”.

Putin cũng khoe rằng ông có “rất nhiều vũ khí để đáp trả” các mối đe dọa từ các quốc gia phương Tây, những quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt gây tê liệt kinh tế Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2.

Ông Putin nói: “Những ai đang cố gắng tống tiền chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi hướng”.

Buổi tối thứ Tư, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại 38 thành phố của Nga, đông nhất là tại Mạc Tư Khoa để chống chiến tranh Ukraine. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Cảnh sát được ghi nhận là đàn áp thẳng tay.

2. Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về Chuyến Tông du Kazakhstan

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 21 tháng 9, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về chuyến tông du của ngài tại Kazakhstan từ ngày 13 tới ngày 15 cùng tháng.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tuần trước, từ thứ Ba đến thứ Năm, tôi đã đến Kazakhstan, một quốc gia rộng lớn ở Trung Á, dự Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo của các tôn giáo thế giới và truyền thống. Tôi xin nhắc lại lời cảm ơn của tôi tới Tổng thống nước Cộng hòa và các thẩm quyền khác của Kazakhstan về sự chào đón thân tình đã dành cho tôi và vì những nỗ lực hào phóng trong việc tổ chức. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các Giám mục và mọi cộng tác viên vì công việc to lớn mà họ đã làm, và đặc biệt là niềm vui mà họ đã dành cho tôi để tôi có thể gặp gỡ và diện kiến họ tất cả với nhau.

Như tôi đã nói, lý do chính của chuyến đi là để tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo thế giới và truyền thống. Sáng kiến này đã được thực hiện trong 20 năm qua bởi các thẩm quyền của đất nước, vốn chứng tỏ với thế giới như một nơi gặp gỡ và đối thoại, trong trường hợp này là ở bình diện tôn giáo, và do đó, như người đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ nhân bản. Đây là phiên bản thứ bảy của đại hội này. Một quốc gia mới độc lập được 30 năm mà đã có tới bảy kỳ đại hội như thế này, cứ ba năm một lần. Điều này có nghĩa là đặt các tôn giáo làm trung tâm của các nỗ lực xây dựng một thế giới nơi chúng ta lắng nghe nhau và tôn trọng lẫn nhau trong sự đa dạng. Và đây không phải là thuyết tương đối, không, đây là việc lắng nghe và tôn trọng. Và công lao cho điều này phải được dành cho chính phủ Kazakhstan, một chính phủ, sau khi đã tự giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ vô thần, hiện đang đề xuất một con đường văn minh, rõ ràng lên án chủ nghĩa duy văn tự và chủ nghĩa cực đoan. Đó là một chủ trương cân bằng và đoàn kết.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Tuyên bố cuối cùng, tiếp nối với Tuyên bố được ký kết tại Abu Dhabi vào tháng 2 năm 2019 về tình huynh đệ nhân bản. Tôi muốn giải thích bước tiến này như thành quả của một cuộc hành trình bắt đầu từ xa: dĩ nhiên, tôi nghĩ đến Cuộc gặp gỡ liên tôn lịch sử vì Hòa bình do Thánh Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986, từng bị chỉ trích nhiều bởi những người thiếu viễn kiến; Tôi nghĩ đến tầm nhìn thật xa của Thánh Gioan XXIII và Thánh Phaolô VI; và của cả các linh hồn vĩ đại của các tôn giáo khác - tôi chỉ xin nhắc lại Mahatma Gandhi. Nhưng làm sao chúng ta có thể không nhớ đến rất nhiều vị tử đạo, nam nữ ở mọi lứa tuổi, ngôn ngữ và quốc gia, từng trả giá bằng mạng sống của mình vì lòng trung thành với Thiên Chúa của hòa bình và tình huynh đệ? Chúng ta biết: những giây phút trang trọng là quan trọng, nhưng sau đó chính sự dấn thân hàng ngày, chính chứng tá cụ thể đã xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.

Ngoài Đại hội, chuyến đi này đã cho tôi cơ hội gặp gỡ các Nhà chức trách của Kazakhstan và Giáo hội sống ở đó.

Sau khi viếng thăm Tổng thống Cộng hòa - người mà tôi xin cảm ơn một lần nữa vì lòng tốt của ông - chúng tôi đến Phòng hòa nhạc mới, nơi tôi được nói chuyện với các nhà Lãnh đạo chính trị, đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi nhấn mạnh ơn gọi của Kazakhstan là trở thành một quốc gia của gặp gỡ: thực thế, có khoảng một trăm năm mươi dân tộc - một trăm năm mươi dân tộc! - cùng hiện hữu ở đó và hơn 80 ngôn ngữ được sử dụng. Ơn gọi này, vốn do đặc điểm địa lý và lịch sử - ơn gọi trở thành một đất nước của gặp gỡ, của văn hóa, của ngôn ngữ - đã được hoan nghênh và đón nhận như một con đường, đáng được khuyến khích và ủng hộ. Tôi cũng hy vọng rằng việc xây dựng một nền dân chủ ngày càng hoàn thiện, có khả năng đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu của toàn xã hội, có thể tiếp tục. Đây là một nhiệm vụ gian khổ, đòi hỏi thời gian, nhưng phải thừa nhận rằng Kazakhstan đã có những lựa chọn rất tích cực, chẳng hạn như nói “không” với vũ khí hạt nhân và đưa ra các chính sách năng lượng và môi trường tốt. Điều này thật can đảm. Vào thời điểm mà cuộc chiến bi thảm này đưa chúng ta đến mức một số người đang nghĩ đến vũ khí hạt nhân, sự điên rồ đó, đất nước này đã nói “không” với vũ khí hạt nhân ngay từ đầu.

Về phần Giáo Hội, tôi rất vui mừng khi gặp được một cộng đoàn gồm những người vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Người Công Giáo rất ít trong đất nước rộng lớn đó. Nhưng điều kiện này, nếu được sống với đức tin, có thể mang lại những hoa trái tin mừng: trước hết, là mối phúc bé mọn, làm men, làm muối và ánh sáng, chỉ dựa vào Chúa chứ không dựa vào một số hình thức liên quan của con người. Hơn nữa, sự khan hiếm về số lượng mời gọi sự phát triển các mối tương quan với các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác, và cả tình huynh đệ với mọi người. Vì vậy, một đoàn chiên nhỏ, vâng, nhưng cởi mở, không khép kín, không phòng thủ, cởi mở và tin cậy vào hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng tự do thổi ở đâu thì thổi theo ý muốn của Người. Chúng tôi cũng nhớ đến phần u ám đó, tức các vị tử đạo, những vị tử đạo của dân Chúa thánh thiện đó, vì họ đã phải chịu nhiều thập niên bị vô thần áp bức, cho đến khi được giải phóng cách đây ba mươi năm, những người đàn ông và đàn bà đã phải chịu đựng rất nhiều vì đức tin trong thời gian dài bị bách hại. Bị giết, bị tra tấn, bị bỏ tù vì đức tin.

Với đoàn chiên nhỏ bé nhưng vui tươi này, chúng tôi đã cử hành Bí tích Thánh Thể, cũng tại Nur Sultan, trong quảng trường Triển lãm 2017, được bao quanh bởi kiến trúc cực kỳ hiện đại. Đó là ngày lễ Tôn vinh Thánh giá. Và điều này dẫn chúng ta đến suy tư: trong một thế giới mà tiến bộ và thoái trào đan xen nhau, Thập giá của Chúa Kitô vẫn là mỏ neo của ơn cứu độ: một dấu chỉ của niềm hy vọng không làm thất vọng vì nó được thiết lập trên tình yêu của Thiên Chúa, hay thương xót và trung thành. Chúng ta dâng lên Người lòng biết ơn về cuộc hành trình này, và chúng ta cầu xin nó sẽ mang lại hoa trái phong phú cho tương lai của Kazakhstan và cho đời sống của Giáo hội lữ hành ở vùng đất đó. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________________

Các Lời Kêu Gọi

Hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh Alzheimer, một căn bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều người, những người thường bị đẩy ra lề xã hội vì tình trạng này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị bệnh Alzheimer, cho gia đình của họ và cho những người yêu thương chăm sóc họ, để họ có thể ngày càng được hỗ trợ và giúp đỡ. Trong lời cầu nguyện này, tôi cũng liên kết những người đàn ông và đàn bà hiện đối phó với chứng thẩm tách máu, lọc máu và cấy ghép, đang được đại diện tại đây.

Và tôi cũng muốn đề cập đến tình hình khủng khiếp ở Ukraine đang bị hành khổ. Đức Hồng Y Krajewski đã đến đó lần thứ tư. Hôm qua ngài điện thoại cho tôi, ngài đang dành thời gian ở đó, giúp đỡ tại khu vực Odessa và mang lại sự gần gũi. Ngài kể cho tôi nghe về nỗi đau đớn của dân tộc này, sự man rợ, quái dị, những cái xác bị tra tấn mà họ tìm thấy. Chúng ta hãy đoàn kết với dân tộc rất cao cả và chịu tử đạo này.