THƯƠNG XÓT CÒN CÓ TÊN LÀ “CÙNG ĐAU ĐỚN”
“Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” - “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy!”.

Ngày kia, một tín hữu trí thức nói với một mục sư vốn thường giảng rất dài, “Bài giảng của ngài nhắc nhở tôi về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nghĩ, ‘nó’ sẽ tồn tại mãi mãi; bởi lẽ, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. Câu nói sâu sắc pha chút mỉa mai của người tín hữu kia được gặp lại trong phần kết của Tin Mừng hôm nay; câu hỏi của Chúa Giêsu và câu trả lời của người thông luật, “Ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?”; ông không trả lời, “Người Samaritanô!”, thay vào đó là, “Kẻ đã tỏ lòng thương xót!”. Thương xót mới là trọng tâm, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Thật dễ dàng để phán xét và khắc nghiệt với người khác. Đọc báo, nghe tin tức… chúng ta bội thực bởi những lời phán xét và lên án liên tục. Về mặt này, bản chất con người sa ngã dường như phát triển một cách ‘xuất sắc’; vì ai cũng có thể chỉ trích người khác một cách dễ dàng. Hoặc khá hơn, khi không chì chiết, phê phán, chúng ta lại rơi vào cám dỗ để hành động như thầy Lêvi và vị tư tế; chúng ta làm ngơ trước những người cần cứu giúp. Vậy điều quan trọng là phải luôn thể hiện lòng thương xót và thể hiện nó một cách siêu việt, anh hùng; nói cách khác, thương xót là phải chịu thiệt, chịu mất thời giờ, vì ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’.

Ơn gọi của mỗi người chúng ta là trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa. Giữa biển khơi của một thế giới tục luỵ ích kỷ, các Kitô hữu phải là những quần đảo xót thương! Và để lòng thương xót đó có thể trở nên chính hiệu, nó phải đau đớn, phải “tổn thương” thực sự theo nghĩa đòi hỏi bạn phải buông bỏ lòng kiêu hãnh, ích kỷ và giận dữ. Thay vào đó, bạn chọn cách thể hiện yêu thương đến mức nó khiến bạn đau đớn. Tuyệt vời thay! Chính sự tổn thương đó lại là nguồn chữa lành hiệu nghiệm; qua đó, nó giúp bạn tẩy sạch tội lỗi mình. Mẹ Têrêxa nói, “Tôi đã tìm thấy một nghịch lý! Rằng, nếu bạn yêu cho đến khi đau đớn, thì không thể có thêm tổn thương nào nữa; lúc ấy, bạn chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn!”. “Chỉ có thể yêu và yêu nhiều hơn” là loại tình yêu thoạt đầu có thể tổn thương, nhưng cuối cùng, nó chỉ để lại tình yêu và tình yêu!

“Yêu cho đến khi đau đớn, để không thể có thêm tổn thương nào nữa” chính là hoạt động của ân sủng vốn phát xuất từ Đấng đã từng “yêu cho đến cùng”. Trên thập giá, Đức Kitô không thể có thêm tổn thương nào nữa! Chính xác hơn, với Đức Kitô Phục Sinh, nói như thánh Phaolô, “Tội lỗi và sự chết không còn làm chi được Ngài!”.

Anh Chị em,

“Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Người Samaritanô, “kẻ đã tỏ lòng thương xót”, chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Xót Thương; và nạn nhân chính là hình ảnh của cả nhân loại đáng thương; và dĩ nhiên, đó còn là phiên bản của chính bạn và tôi! Khi chúng ta không thể tự cứu mình, khi bạn và tôi bị Thiên Chúa ghẻ lạnh vì tội lỗi chúng ta gây ra, thì chính Chúa Kitô trong tình yêu của Thiên Chúa đã dừng lại để cứu lấy chúng ta. Với Chúa Giêsu, thương xót không chỉ là xúc động hay những tiếc xót đầu môi, nhưng còn chịu đau khổ cùng, liên lụy cùng; nơi Ngài, hình ảnh đó thật đẹp và rõ nét! Ngài đã mang thay những vết thương, để chúng ta được chữa lành; chịu sửa phạt thay, để chúng ta được bình an. Trên thập giá, Ngài đã thể hiện tất cả; ở đó, Ngài định hình và đặt tên cho thương xót, ‘thương xót còn có tên là “cùng đau đớn!”’. “Hãy đi và làm như vậy!”, Ngài đang nói với bạn và tôi hôm nay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến những khoảnh khắc đau đớn của con thành những khoảnh khắc tuyệt vời của ân sủng; hầu con có thể chỗi dậy, trở nên quà tặng tình yêu Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)