KHIÊM NHƯỜNG SẼ ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG

Chúa Giêsu kể chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, rồi Chúa kết luận khiến chúng ta ngỡ ngàng: Người thu thuế tội lỗi được nên công chính, còn người Pharisêu thì không. Vì sao vậy? Vì thái độ cầu nguyện: một người “tự tôn tôi tốt”, một người “tạ tội thương tình”.

1. Tự tôn tôi tốt. Ông Pharisêu đã biến việc cầu nguyện thành việc báo cáo thành tích, biểu dương công trạng của chính mình: ông không tham lam, bất chính, ngoại tình, thường xuyên ăn chay, dâng cúng. Thái độ của ông vênh vang, kiêu ngạo. Ông tự tôn tôi tốt, tôi nhất, tôi chả có tội gì. Từ đó, ông khinh chê, ném đá, dìm hàng người khác. Ông biến mình thành tiêu chuẩn để phán xét chê trách người khác. Cứ tưởng mình hơn người, nào ngờ, Chúa lại phán “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.”

2. Tạ tội thương tình. Ông thu thuế khiêm nhường cúi mặt, đấm ngực cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Trong đời nhiều người phạm tội rồi giấu tội, chối tội, chạy tội, đổ tội, còn ông lại thành tâm nhận tội. Từ thân phận như thế, ông cầu xin lòng Chúa thương xót. Ông tạ tội xin Chúa thương tình. Lời cầu nguyện đã giúp ông đứng xa mà gần tình thương Chúa. Ông không dựa vào công lao mình, mà dựa vào công ơn Chúa, nhờ đó, ông đã trở nên công chính.

Dụ ngôn đã công bố một Tin Mừng: Lòng Chúa thương xót chứ không phải công sức riêng của con người làm cho chúng ta trở nên công chính, hưởng ơn cứu độ. Chúa vẫn luôn yêu thương, lắng nghe tất cả những người tội lỗi, nghèo hèn, bé mọn.

Dụ ngôn cũng soi sáng một triết lý sống: Chúng ta làm được điều gì tốt đẹp là nhờ ơn Chúa ban. Thế nên, hãy sống mối quan hệ đúng đắn là: khiêm nhường trước Chúa và yêu thương người khác kém cỏi hơn mình.

Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Xin cho con biết sống khiêm nhường trong mối liên hệ tình nghĩa với Chúa và với tha nhân. Amen.