1. Ukraine nói: Nga thừa nhận cần 5 triệu quân để chiến thắng
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Admitted It Needs 5 Million Troops to Win War, Ukraine Says”, nghĩa là “Ukraine nói: Nga thừa nhận cần 5 triệu quân để chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Ukraine đã nói rằng Nga có thể đang tìm cách điều động hàng triệu binh sĩ để chiến đấu trong cuộc xâm lược của họ sau khi hàng trăm ngàn người được triệu tập trong đợt huy động một phần gần đây.
Điện Cẩm Linh cho biết lệnh động viên mà nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin công bố hồi tháng 9, nhằm kêu gọi nhập ngũ 300,000 quân dự bị, đã chính thức kết thúc vào ngày 31 tháng 10.
Nhưng thực tế là sắc lệnh chính thức cho lệnh động viên đã không bị thu hồi, và điều đó đã làm dấy lên tin đồn ở Nga rằng Putin vẫn đang để ngỏ các lựa chọn cho một làn sóng huy động khác.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã nói trong một cuộc họp ngắn rằng giới lãnh đạo chính trị của Nga đã lưu hành một tài liệu có tiêu đề “Kết thúc cuộc chiến với NATO ở Ukraine.”
Chuẩn tướng Hromov cho biết tài liệu vạch ra những vấn đề mà quân đội Nga đang phải đối mặt như những thiếu sót trong chuỗi chỉ huy, thiếu kỷ luật và vũ khí lạc hậu.
“Tài liệu cũng nói rằng chưa từng có một cuộc chiến tranh nào như vậy trong hơn 80 năm qua và để Nga giành được chiến thắng, quân số của quân đội nước này phải vào khoảng 5 triệu quân nhân”
Điều này có thể có nghĩa là làn sóng huy động tiếp theo và thiết quân luật ở nước này có thể diễn ra “trong tương lai gần”. Theo Statista, tổng số quân nhân trong lực lượng vũ trang Nga vào khoảng 2 triệu người.
Khi được hỏi phản ứng của Ukraine sẽ hành động như thế nào khi đối mặt với quân đội Nga lớn hơn, Chuẩn tướng Hromov cho biết công việc như vậy đang diễn ra và “các tính toán được thực hiện gần như hàng ngày”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.
Hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin cho rằng sẽ có một cuộc “huy động toàn quốc” sau khi ấn phẩm trực tuyến Pravda.ru nói rằng ông Putin sẽ đưa ra lời kêu gọi vào cuối năm 2022 cho một lệnh động viên toàn quốc.
Ấn phẩm nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ đề cập đến “việc huy động cả binh lính và sĩ quan cũng như nền kinh tế”. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết ông Peskov nói rằng báo cáo đó không đúng sự thật,.
Putin đã bảo vệ lệnh động viên bán phần, nhưng nó đã bị bao vây bởi những lời phàn nàn rằng nó đã bị phá hỏng và những người bị gọi nhập ngũ đã được gửi đến trận chiến với trang bị và đào tạo chưa đầy đủ.
Vào ngày 23 tháng 11, đoạn video cho thấy những tân binh từ Serpukhov, trong vùng Mạc Tư Khoa, 62 dặm về phía nam thủ đô, phàn nàn về quản lý yếu kém và lãnh đạo kém. Một người lính nói với phóng viên “chúng tôi không biết nhiệm vụ chính của mình là gì,” nhưng hiện tại “nhiệm vụ chính của chúng tôi là sống sót”.
Hội đồng các bà mẹ và vợ của các quân nhân bị động viên, là một phong trào quần chúng, đang yêu cầu ông Putin gặp gỡ các thành viên của hội này sau khi Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Nga sẽ nói chuyện với các bà mẹ của quân nhân vào Ngày của Mẹ 27 tháng 11.
Nhóm nói rằng không có thành viên nào của họ được mời tham dự một sự kiện dự kiến vào Chúa Nhật và cáo buộc Putin là đang “trốn tránh”.
2. Cư dân bắt đầu di tản Kherson khi các quan chức cảnh báo về mùa đông khắc nghiệt và pháo kích của Nga
Chính phủ Ukraine cho biết các cuộc di tản tự nguyện cho cư dân khỏi thành phố cảng Kherson mới được giải phóng đang được tiến hành, với chuyến tàu đầu tiên chở 100 người.
Theo Bộ Tái hòa nhập Ukraine, chuyến tàu này sẽ hướng đến thành phố miền tây Khmelnytskyi. Trong số những cư dân “tận dụng việc di tản miễn phí” có 26 trẻ em, 7 bệnh nhân nằm liệt giường và 6 người bị hạn chế khả năng vận động, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết như trên.
Các nhà chức trách ở Kherson đang kêu gọi cư dân rời khỏi thành phố, nơi chủ yếu vẫn chưa có điện, trước khi nhiệt độ giảm xuống hơn nữa. Kherson cũng hứng chịu đợt pháo kích mới kể từ khi quân đội Nga buộc phải rời khỏi bờ tây sông Dnipro.
Theo các quan chức thành phố, những người di tản sẽ nhận được hỗ trợ tài chính, chỗ ở và viện trợ nhân đạo khi họ đến Khmelnytskyi.
Các nhà chức trách cho biết cũng có những chuyến xe buýt chạy từ vùng Kherson đến các thành phố Odesa, Mykolaiv và Kryvyi Rih, nơi mọi người sẽ được “ở trong những nơi trú ẩn được trang bị đặc biệt và sau đó di tản đến những vùng an toàn hơn của Ukraine bằng xe hơi”.
3. Cuộc gặp gỡ được dàn dựng giữa Putin và những người mẹ và vợ của các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ
Putin nói rằng tất cả các binh sĩ Nga đều “bình đẳng” bất chấp những lo ngại rằng các nhóm thiểu số là mục tiêu cho lệnh động viên bán phần của ông ta.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu rằng tất cả những người lính chiến đấu cho Nga ở Ukraine đều “bình đẳng”, khi các nhà hoạt động và quan chức Ukraine nêu lên mối lo ngại rằng các nhóm thiểu số bị gọi nhập ngũ một cách không cân xứng và tình trạng hối lộ tràn lan đã và đang diễn ra.
Hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp gỡ được dàn dựng công phu với các bà mẹ và vợ các của quân nhân bị điều tới Ukraine, Putin nói:
“Tôi biết rằng những người ở đó không phân chia thành bất kỳ giai cấp riêng biệt nào. Mọi người đều bình đẳng, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau và hiểu rằng cuộc sống của họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau này”.
Putin nói thêm rằng “những người lính Nga thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đàng hoàng là điều bẩm sinh, và thậm chí còn hơn thế nữa đối với những người lính từ Kavkaz, từ Dagestan, nơi mọi người có tính khí đặc biệt.”
Vào tháng 9, lệnh động viên của Putin đã gây ra các cuộc biểu tình ở một số vùng dân tộc thiểu số của Nga. Một số video được đăng lên phương tiện truyền thông xã hội, được CNN định vị địa lý ở khu vực Dagestan chủ yếu là người Hồi giáo, cho thấy những người phụ nữ ở thủ đô Makhachkala đang cầu xin cảnh sát bên ngoài một nhà hát.
“Tại sao các ông lại bắt con của chúng tôi? Ai tấn công ai? Chính Nga đã tấn công Ukraine,” người ta có thể nghe thấy họ nói trong video. Các nhóm phụ nữ sau đó bắt đầu hô vang: “Không có chiến tranh.”
4. Người đứng đầu NATO bày tỏ tin tưởng việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được phê chuẩn
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CNN rằng ông “tin tưởng” rằng cả Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh, sau thông báo của Hung Gia Lợi rằng họ sẽ hỗ trợ tư cách thành viên cho cả hai nước vào năm tới.
“Tôi không thể cho bạn biết chính xác khi nào,” ông nói, nhưng nói thêm trên “CNN This Morning” rằng đó là “một trong những quá trình gia nhập nhanh nhất từng có trong lịch sử.”
“Tổng thống Putin đang cố vũ khí hóa mùa đông, và bằng các cuộc tấn công có chủ ý vào cơ sở hạ tầng dân sự, ông ta cố gắng tước đoạt khí đốt, điện lực, nước của người Ukraine, và điều này một lần nữa chứng tỏ sự tàn khốc của cuộc chiến này và tầm quan trọng là Tổng thống Putin, và nước Nga, phải kết thúc cuộc chiến này,” ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết thêm “cách tốt nhất chúng ta có thể giải quyết những cảnh tượng khủng khiếp mà chúng ta chứng kiến từ Ukraine là ủng hộ Ukraine.”
Ông đặc biệt khen ngợi Hoa Kỳ “vì đã cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine.”
Ông Stoltenberg nói với CNN rằng việc hỗ trợ Ukraine là rất quan trọng, “bởi vì lợi ích an ninh của chính chúng tôi là bảo đảm rằng Tổng thống Putin không giành chiến thắng ở Ukraine.”
Khi được hỏi về nhận xét của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley rằng có thể có cơ hội đàm phán để chấm dứt chiến tranh, ông Stoltenberg trả lời: “Những gì xảy ra xung quanh bàn đàm phán phụ thuộc vào điều gì xảy ra trên chiến trường”.
5. Hàng trăm điểm điện được thiết lập cho cư dân Kyiv không có điện ở nhà
Các trường học ở thủ đô Kyiv của Ukraine đã mở cửa cho những cư dân không có điện ở nhà.
Thị trưởng Vitalii Klitschko cho biết thành phố đã thiết lập hàng trăm điểm cung cấp điện trong các cơ sở giáo dục và các cơ sở khác, nơi mọi người có thể sưởi ấm, uống trà, sạc điện thoại và đèn pin.
“Kyiv đã khai trương hơn 400 điểm sưởi ấm. Những điểm này sẽ hoạt động hàng ngày,” Klitschko cho biết trong một bài đăng trên Telegram. Phần lớn trong số đó nằm trong trường học và các cơ sở xã hội khác. Trong trường hợp nhà bạn không có điện trong hơn một ngày, bạn có thể đến điểm sưởi ấm để sạc lại các thiết bị hoặc đèn pin, uống trà và tìm hiểu thông tin về máy bơm nước, cửa hàng và hiệu thuốc gần nhất.”
Một nửa số hộ gia đình của thành phố vẫn không có điện vào sáng thứ Sáu sau những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn quy mô lớn của Nga hai ngày trước đó đã tấn công các cơ sở sản xuất điện trên khắp đất nước.
6. Lukashenko giải thích chi tiết lý do tại sao quân đội Belarus sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko Details Reason Belarusian Troops Will Not Join Putin's War”, nghĩa là “Lukashenko giải thích chi tiết lý do tại sao quân đội Belarus sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bác bỏ suy đoán rằng lực lượng của đất nước ông có thể tham gia cùng quân đội Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi quốc tế vào năm 2020 và sau đó là một cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình và phe đối lập, Lukashenko ngày càng tin tưởng hơn vào Tổng thống Nga Vladimir Putin để duy trì quyền lực.
Mặc dù Belarus đã được sử dụng làm tiền đồn cho các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và Mạc Tư Khoa đã triển khai quân đội và vũ khí ở đó, nhưng nước này đã không đóng vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến, mặc dù tháng trước Lukashenko đã nói về một lực lượng chung giữa Belarus và Nga.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko xem ra đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.
Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó” khi ông đề cập đến lực lượng 40,000 quân của mình.
Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin ông nói với các phóng viên ở thủ đô Yerevan của Armenia rằng “Ngược lại, chúng tôi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Belarus không có vai trò trong cuộc xung đột này”.
Ông nói rằng Belarus đang đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga theo những cách khác nhưng nói rằng “chúng tôi không tham gia, chúng tôi không giết bất kỳ ai, chúng tôi không gửi binh sĩ đến đó vì không cần thiết.” Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để kết thúc chiến tranh.
Tình báo Ukraine cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công giả vào cơ sở hạ tầng ở Belarus để cố gắng kéo Belarus vào cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nghi ngờ rằng điều này sẽ xảy ra do rủi ro mà nó có thể gây ra cho sự tồn tại của chế độ Lukashenko, vì khác với Nga, dân chúng Belarus phản đối chiến tranh một cách áp đảo.
Đầu tháng này, Franak Viačorka, trưởng cố vấn chính trị của thủ lĩnh phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, nói với Newsweek rằng ông không tin rằng Putin quan tâm đến việc gửi quân đội Belarus tới Ukraine.
Tuy nhiên, ông nhắc lại một đánh giá của các quan chức quốc phòng Anh là có thể xảy ra “một diễn biến rất nguy hiểm” trong đó Nga điều động các máy bay phản lực MiG-31K và AS-24 Killjoy phóng hỏa tiễn đạn đạo đến sân bay Machulishchy ở khu vực Minsk.
Ông cho biết có bằng chứng cho thấy hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal đang ở trên lãnh thổ Belarus và ông lo sợ rằng “rất sớm thôi chúng ta sẽ chứng kiến các cuộc tấn công từ không phận Belarus vào cơ sở hạ tầng của Ukraine”.
“Ngoài ra, chúng tôi thấy nỗ lực triển khai thêm hỏa tiễn Iskander của Nga có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc pháo kích hơn từ lãnh thổ Belarus,” Viacorka nói, đồng thời cảnh báo rằng việc Iran cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn cho Nga “sẽ nguy hiểm cho Ukraine vì nước này không có đủ hệ thống phòng không thích hợp.”
Ông nói rằng ít nhất 4,500 binh sĩ Nga đã đến Belarus và đang sử dụng doanh trại của nước này, mặc dù họ được giữ riêng biệt với binh lính Belarus vì thiếu sự tin tưởng giữa các lực lượng của haibên.
“Theo thông tin của chúng tôi, quân đội Belarus có thái độ khá tiêu cực đối với Nga,” ông nói với Newsweek. “Họ sử dụng cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự nhưng không sẵn sàng chấp nhận người Nga trên lãnh thổ Belarus.”
7. Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi binh lính bắn hạ tù binh Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Pundit Urges Soldiers To Shoot Ukrainian POWs”, nghĩa là “Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi binh lính bắn hạ tù binh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết
Một khách mời trên truyền hình nhà nước Nga đã nêu ra khả năng các đơn vị quân đội Nga nên bắn chết tù binh chiến tranh Ukraine.
Thành viên Duma Quốc gia Alexander Kazakov đã đưa ra nhận xét trên truyền hình nhà nước để đáp lại một sự việc gần đây dẫn đến việc Kyiv và Mạc Tư Khoa cáo buộc lẫn nhau về tội ác chiến tranh.
Ukraine đang điều tra đoạn phim mà Nga cáo buộc cho thấy các lực lượng của Kyiv hành quyết hơn 10 binh sĩ Nga có thể đã cố gắng đầu hàng.
Theo Reuters, đoạn phim được ghi lại vào đầu tháng này tại thị trấn Makiivka, thuộc vùng Luhansk, miền đông Ukraine.
Ukraine cũng đã cáo buộc các binh sĩ Nga này trá hàng khi họ tuyên bố đầu hàng nhưng sau đó lại nổ súng vào quân đội Ukraine. Các tình huống xung quanh vụ việc vẫn chưa rõ ràng.
“Về tội ác cụ thể này, chúng ta nên giải quyết nó mà không quan tâm đến ý kiến của phương Tây hay bất kỳ ý kiến nào khác,” Kazakov nói trong một đoạn clip được chia sẻ trên Twitter bởi Julia Davis, một nhà bình luận của The Daily Beast. “Chúng ta phải hành động cực kỳ khắc nghiệt.”
“Chúng ta có các đơn vị chiến đấu tích cực không bắt tù binh. Tôi biết ít nhất một đơn vị như vậy, một đơn vị lớn. Tôi biết tại sao họ lại làm như vậy, tôi đã thấy điều đó trong các video,” ông ta nói.
“Họ không cung cấp chúng cho chúng ta bất kỳ tù binh nào, vì họ không bắt tù nhân và điều đó được bảo đảm tốt. Ban lãnh đạo biết điều này, nhưng mọi người đều im lặng.”
Victor Olevich, một nhà phân tích chính trị, đã phản bác lại đề nghị của Kazakov bằng cách nói rằng giết tù binh Ukraine sẽ là một tội ác chiến tranh.
“Có những cuộc trao đổi tù binh thường xuyên giữa Nga và Ukraine. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng Ukraine không giết tất cả mọi người”.
“Đây là một tội ác chiến tranh. Những gì chúng ta thấy ở đây là một tội ác chiến tranh. Nếu Nga bắt đầu không bắt bất kỳ tù binh nào mà chỉ bắn tất cả mọi người, thì phía Ukraine cũng sẽ bắn chúng ta. Đây có phải là những gì Nga cần hay không? Không, tất nhiên đây không phải là điều Nga cần,” Olevich nói.
Chính quyền Nga và Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng cả hai nước đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác.
Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết 35 binh sĩ và một thường dân đã trở về Ukraine sau khi bị giam cầm.
“Trong số những người được trả tự do có những người đã bảo vệ Mariupol và ở Azovstal, cũng như các Vệ binh Quốc gia bị bắt tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong những ngày đầu của cuộc xâm lược,” Yermak nói, đồng thời cho biết thêm rằng thường dân được trả tự do đã bị cắt cụt một chân.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết “do kết quả của quá trình đàm phán, 35 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chế độ Kyiv kiểm soát”.
Bộ cho biết các binh sĩ Nga sẽ được gửi đến Mạc Tư Khoa để điều trị và phục hồi chức năng.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.