1. Đức Giáo Hoàng bỏ cuộc rước Thứ Tư Lễ Tro?
Hôm 12 tháng Giêng, Đức Ông Diego Ravelli, Chủ sự các nghi lễ phụng vụ của Đức Giáo Hoàng, đã công bố lịch cử hành từ tháng Giêng đến tháng Hai do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.
Không có trong danh sách các lễ kỷ niệm là cuộc rước sám hối Thứ Tư Lễ Tro và cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Santa Sabina, nơi theo truyền thống Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức xức tro. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng Hai.
Người ta không biết liệu sự thiếu sót này là do sơ suất hay là dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không tham gia cuộc rước và Thánh lễ ngày hôm đó.
Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.
Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.
Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.
Năm ngoái, Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.
Source:Catholic World News
2. Các giám mục Thụy Sĩ kêu gọi tôn trọng 'các quy tắc' sau khi một linh mục mời một người phụ nữ đồng tế trong Thánh lễ
Chỉ có các linh mục được thụ phong mới có thể chủ sự Thánh lễ, và phụng vụ không nên là “nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân”, ba giám mục Thụy Sĩ đã đưa ra lập trường trên. Sự can thiệp của họ diễn ra sau cuộc tranh cãi trên mạng về một đoạn video quay cảnh một nữ giáo dân đang đồng tế với các linh mục.
“Tất cả anh chị em đều biết rằng chỉ có linh mục mới thành sự chủ sự Thánh Thể, ban bí tích hòa giải và xức dầu cho bệnh nhân. Đây chính là lý do tại sao ngài được phong chức. Quy tắc này của đức tin Công Giáo Rôma phải được tôn trọng không có bất cứ ngoại lệ nào trong các giáo phận của chúng ta,” các Giám mục Joseph Bonnemain của Chur, Felix Gmür của Basel, và Markus Büchel của Sankt Gallen cho biết trong một bức thư ngày 5 tháng Giêng gửi cho những người hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ. Báo Công Giáo La Croix đưa tin.
Ba giáo phận của họ là những giáo phận chủ yếu nói tiếng Đức của Thụy Sĩ.
Các giám mục thừa nhận mong muốn của mọi người tham gia phụng vụ nhưng cho biết phụng vụ Công Giáo có đặc tính phổ quát, và điều này đặc biệt liên quan đến việc cử hành các bí tích.
“Chứng tá chung yêu cầu các hình thức và quy tắc chung. Các giám mục chúng ta thường xuyên nhận được các yêu cầu và phản ứng lo lắng: các tín hữu có quyền tham gia các nghi lễ tôn giáo xứng đáng, tôn trọng các quy tắc và hình thức của Giáo hội,” lá thư của các ngài viết.
Bức thư của các ngài được đưa ra sau cuộc tranh cãi về một Thánh lễ vào tháng 8 năm 2022 tại Giáo phận Chur mà tại đó một quản trị viên giáo xứ là bà Monika Schmid, cư dân Zurich, một người tham gia quản lý giáo xứ lâu năm đã được cha sở mời đồng tế Thánh Lễ để đánh dấu sự nghỉ hưu của bà.
Giám mục Bonnemain đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra giáo luật sơ bộ về hành động này với lý do bị cáo buộc lạm dụng phụng vụ. Điều 907 của giáo luật Giáo Hội Công Giáo cấm các phó tế Công Giáo và giáo dân Công Giáo dâng lời cầu nguyện Thánh Thể và thực hiện các hành động “chỉ phù hợp với linh mục cử hành lễ.”
Schmid đã phủ nhận hành động của cô ấy là một nỗ lực để đồng tế Thánh lễ hoặc khiêu khích, cổng thông tin internet Công Giáo Thụy Sĩ Cath.ch đưa tin. Schmid thừa nhận rằng là một phụ nữ, cô ấy không thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách hợp lệ như các linh mục Công Giáo đã được phong chức. Cô cho biết cuộc tranh cãi dựa trên một video clip được tải lên internet mà tất cả những người tham gia đều không hề hay biết.
Bà ấy nói: “Và một số người đã đỏ mắt khi nhìn thấy một người phụ nữ trên bàn thờ trong một bức ảnh.”
Trong khi đó, mạng Cath.ch quả quyết rằng bà ấy đã đồng tế trong thánh lễ. Video về Thánh lễ “cho thấy rõ bà ấy, trong bộ quần áo dân sự, ở bàn thờ, được bao quanh bởi hai linh mục và cùng với họ, dang rộng hai tay, đọc văn bản truyền phép bánh và rượu và phép Thánh Thể như một linh mục.”
La Croix đưa tin vào tháng Chín rằng bản văn của kinh nguyện Thánh Thể đã được “sửa đổi rộng rãi,” cho thấy việc đồng tế của bà Schmid là một hành động đã được tính toán trước và có chủ ý rõ rệt, không phải là một hành động bốc đồng của các linh mục đồng tế.
Trong lá thư của mình, các giám mục của Thụy Sĩ nói tiếng Đức cho biết họ biết rằng một số người đã lập luận rằng phụ nữ tham gia phụng vụ.
“Chúng ta nghe thấy yêu cầu của nhiều người để có thể tham gia phụng vụ theo những cách khác, chẳng hạn như phụ nữ,” họ nói. “Tuy nhiên, chúng ta kêu gọi các bạn đừng biến dấu hiệu hiệp nhất là phụng vụ thành nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân. Chính trong việc cử hành cùng một phụng vụ trên toàn thế giới mà chúng ta là người Công Giáo và đoàn kết với nhau.”
Các giám mục bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cho rằng họ đang bảo vệ “chủ nghĩa giáo quyền gia trưởng”. Thay vào đó, họ nói, “các linh mục, khi cử hành và cử hành các bí tích, làm cho thấy rằng chính Chúa Giêsu Kitô hành động trong và qua các bí tích.” Các linh mục “có thể nói là để ngỏ không gian cho hoạt động của Thiên Chúa trong phụng vụ”.
Trước đó, Schmid phủ nhận việc đồng tế với hai linh mục. Tuy nhiên, một phụ nữ trong giáo xứ đã xác nhận rằng trong thánh lễ ấy Schmid đã đồng tế. Người phụ nữ này được tường trình đã chạm trán với cha sở ngay sau thánh lễ và nêu thắc mắc nửa đùa nửa thật rằng “con còn đẹp hơn bà Schmid, sao cha không cho con đồng tế?”
Giờ đây, bà Schmid không phủ nhận nữa nhưng đã chỉ trích lá thư của các giám mục. Bà ấy nói mình ủng hộ một cử hành phụng vụ, theo quan điểm của bà, là “tiếp cận với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ, bằng ngôn ngữ của họ và trong sự hiểu biết của họ về chính họ”
Các giám mục đề cập đến tông thư Desiderio desideravi vào tháng 6 năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông thư nhấn mạnh đến phẩm chất của các nghi thức phụng vụ, sự chú ý cẩn thận đến mọi khía cạnh của việc cử hành phụng vụ và việc tuân thủ mọi tiêu chí đánh giá.
Theo La Croix, các giám mục Đức mời gọi người Công Giáo sử dụng “sự đa dạng của các hình thức cử hành phụng vụ mà Giáo hội cung cấp… để cá nhân bạn có thể là một phần của nó.”
Source:Catholic News Agency
3. Các nhà hoạt động nói rằng trẻ em thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy khi Miến Điện đánh bom các làng dân tộc Karen
Các cuộc không kích của quân đội Miến Điện vào hai ngôi làng có phần lớn người dân tộc Karen sinh sống đã giết chết 5 dân thường, trong đó có một người mẹ và cô con gái 2 tuổi, đồng thời phá hủy hai nhà thờ, hai tổ chức cứu trợ cho biết hôm thứ Sáu. Những người thiệt mạng trong các cuộc không kích hôm thứ Năm còn có mục sư của một nhà thờ Baptist, một phó tế Công Giáo và một giáo dân trong nhà thờ, theo Tổ chức Phụ nữ Karen và Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do. Họ cho biết một phụ nữ khác và con của cô ấy bị thương ở ngôi làng thứ hai.
Người Karen, sống chủ yếu ở phía đông Miến Điện dọc biên giới với Thái Lan, là một trong những lực lượng nổi dậy dân tộc thiểu số lâu đời nhất và đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị lớn hơn từ chính quyền trung ương. Giao tranh gia tăng sau tháng 2 năm 2021, khi quân đội cướp chính quyền từ chính phủ dân cử của Aung San Suu Kyi.
“Các cuộc không kích đang giết chết dân thường và phá hủy nhà cửa, trung tâm y tế, nhà thờ, trường học, thư viện và tu viện,” nhóm phụ nữ Karen cho biết trong một tuyên bố.
Quân đội đã sử dụng vũ lực chết người để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc cuộc đảo chính, điều này đã gây ra sự phản kháng vũ trang của các lực lượng ủng hộ dân chủ đã bắt tay với một số nhóm nổi dậy sắc tộc, bao gồm cả người Karen. Sau đó, chính phủ do quân đội thành lập đã phát động các cuộc tấn công ở vùng nông thôn để cố gắng bảo vệ lãnh thổ bằng cách sử dụng các cuộc không kích và đốt cháy các ngôi làng.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia, một nhóm ngầm tự xưng là chính phủ hợp pháp của đất nước và đóng vai trò là tổ chức bảo trợ cho những người chống lại sự cai trị của quân đội, cho biết trong một tuyên bố trong tuần này rằng kể từ khi quân đội tiếp quản, “trong khu vực Karen 460 thường dân vô tội, chủ yếu là trẻ em, đã mất mạng sống do các cuộc không kích lặp đi lặp lại của quân đội”.
Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do cho biết các tình nguyện viên của họ đã quan sát từ xa khi các máy bay phản lực thực hiện hai đợt ném bom hôm thứ Năm xuống Lay Wah, một trong những ngôi làng bị tấn công ở quận Mutraw của bang Karen, còn được gọi là Papun. Họ cho biết các tình nguyện viên đến Lay Wah sau khi trời tối, nơi có 5 người thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy.
“Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy ở cuối làng là một con trâu bị đứt nửa chân trước lảo đảo trong đau đớn và chúng ta thấy những ngôi nhà bị hư hại do mảnh đạn và mái nhà bị thổi bay”.
Ngôi làng bị đánh bom khác là Paw Khee Lah, nơi một phụ nữ và trẻ em bị thương.
Vì dân làng Karen đã quen sống chung với chiến tranh nên họ tiến hành nhiều hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi học, trong rừng.
Vụ đánh bom ở bang Karen là cuộc không kích thứ hai được báo cáo của quân đội Miến Điện trong tuần này. Vào thứ Ba và thứ Tư ở bang Chin phía tây Miến Điện, máy bay quân sự đã ném bom trụ sở của Mặt trận Quốc gia Chin, một lực lượng dân quân nổi dậy sắc tộc khác có liên hệ mật thiết với phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước.
Các lực lượng kháng chiến ở Miến Điện đã ngăn chặn được quân đội giành quyền kiểm soát vững chắc trên những vùng đất rộng lớn của đất nước, nhưng lại gặp bất lợi lớn về vũ khí, nhất là trong việc chống trả các cuộc tấn công bằng đường không. Nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ quân sự, nhưng các nhà hoạt động cũng ủng hộ việc cấm hoặc hạn chế bán nhiên liệu máy bay cho Miến Điện để làm tê liệt lợi thế về sức mạnh không quân của quân đội.
Source:AP