1. Một giám mục trẻ tại Nga lên án chiến tranh tại Ukraine
Một giám mục Chính thống Nga, người Moldavia đã lên án chiến tranh tại Ukraine và nói rằng “không có các cuộc thánh chiến, nhưng chỉ có hòa bình là thánh thiêng”.
Đó là Đức Cha Tetru Pruteanu, được Đức Thượng phụ Giáo chủ Kirill truyền chức linh mục, hồi tháng Mười Một năm ngoái, 2022, và phụ trách cộng đoàn Chính thống Nga tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Mỹ The Pillar, hôm 02 tháng Hai vừa qua, Đức Cha Pruteanu, 43 tuổi, không ngại phê bình lập trường của Đức Thượng phụ Kirill và nói rằng “Tôi nghĩ Đức Thượng phụ Kirill cũng như phần lớn những người Nga trên 50 tuổi đều tiếc nuối đế quốc Nga và Liên bang Xô Viết”.
Đức Cha cho biết mình không nhận được chỉ thị nào từ Mạc Tư Khoa và cảm thấy tự do bày tỏ ý kiến trong tư cách là Kitô hữu. Ngài nói: “Tôi đồng ý với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô, các vị nói rằng: “Không có các cuộc chiến tranh thánh, chỉ có hòa bình là thánh”. Bản thân tôi, tôi không thể nghĩ đến một cuộc chiến tranh vô bổ và không ích lợi như cuộc chiến tại Ukraine”.
Đức Cha Pruteanu cho biết ngài không tin những biện minh lịch sử Nga đưa ra để đòi đất đai cho Nga, tại miền Donbass cũng như tại bán đảo Crimea: “Trong nhiều thế kỷ, Crimea không thuộc Nga và cũng chẳng thuộc Ukraine, nhưng là miền đất của những người Tartare Hồi giáo. Nhà độc tài Stalin đã ồ ạt lưu đày người Tartare tới Kazactan, và đưa người Nga di cư đến lập nghiệp tại Crimea, và ngày nay người Nga chiếm đa số tại bán đảo này. Khi kỷ niệm 300 năm kết hiệp giữa Ukraine và Nga vào năm 1654, Krouchtcheđ đã tặng miền Crimea cho Ukraine, dù miền này không bao giờ thuộc về Ukraine. Đàng khác Nga đã nhìn nhận nền độc lập của Ukraine hồi năm 1991, với biên giới như hiện nay, và năm 1997, Nga cam kết tôn trọng chủ quyền cũng như các biên giới của Ukraine”.
Đức Cha Pruteanu đang cư ngụ tại Bồ Đào Nha, đối với ngài, cuộc chiến tranh tại Ukraine thật là một “xì căng đan”, không ai nghĩ nó có thể xảy ra vào thế kỷ XXI, nhất là giữa các nước cùng một chủng tộc và cùng tôn giáo”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Pruteanu không nghĩ rằng người Tây phương nhận được những tin tức hoàn toàn trung lập về cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay, vì “các cơ quan truyền thông Tây phương phản ánh lập trường rõ ràng phò Ukraine của các chính phủ Tây phương”. Tuy nhiên, theo Đức Cha, dân chúng ở Tây phương được thông tin rõ hơn so với người Nga.
2. Giảm bớt 30% phí tổn dựng lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon
Hôm 10 tháng Hai vừa qua, Thị trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, ông Carlos Moedas, thông báo sẽ giảm bớt 30% chi phí thiết lập lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Công viên Tejo và tại Công viên Eduardo 7, vào đầu tháng Tám năm nay.
Trong cuộc họp báo cùng với Đức Cha Américo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá Lisbon, kiêm trưởng ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ Bồ Đào Nha, ông Carlos Moedas cho biết phí tổn kiến thiết do Hội đồng thành phố Lisbon tài trợ là 2 triệu 900.000 Euro, so với 4,2 triệu Euro trong dự án ban đầu, và phí tổn cho cơ cấu tại Công viên Eduardo 7 là 450.000 Euro, do Quỹ Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon tài trợ.
Ông Moedas cho biết để giảm bớt chi phí lễ đài tại công viên Tejo, ban phụ trách hạ thấp chiều cao từ 9 mét xuống còn 4 mét, và thu hẹp diện tích lễ đài xuống còn 3250 mét vuông, có thể đón nhận trên đó 1.240 người.
Trong thời gian qua, dư luận đã phê bình phí tổn dự kiến cho lễ đài khoảng 5 triệu Euro, nên ban tổ chức đã quyết định giảm bớt chi phí.
Tại công viên Eduardo 7, lễ đài sẽ được dùng cho thánh lễ khai mạc ngày 01 tháng Tám, và buổi đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ban chiều cùng ngày, cũng như buổi đi đàng Thánh giá trọng thể, thứ Sáu, ngày 04 tháng Tám, còn lễ đài tại Công viên Tejo dành cho buổi canh thức tối thứ Bảy, ngày 05 tháng Tám và thánh lễ Chúa nhật hôm sau, ngày 06 tháng Tám để bế mạc Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Ông Thị trưởng Moedas nói rằng: “Lisbon sẽ là trung tâm của thế giới trong một tuần lễ và Ngày Quốc tế Giới trẻ sẽ là biến cố lớn nhất của thành Lisbon. Chưa bao giờ chúng ta đón tiếp 1 triệu 500.000 người đến tham dự một biến cố như vậy. Đây là một biến cố hòa bình và bao dung, trong một thời kỳ rất khó khăn”. Theo ông, người Bồ Đào Nha ý thức rằng một biến cố như Ngày Quốc tế Giới có phí tổn tương xứng, và nó cũng mang lại lợi ích cho thành Lisbon, đi xa hơn lợi nhuận về tài chánh”.
Ông Moedas nói thêm rằng thành Lisbon đầu tư 35 triệu Euro, trong đó 25 triệu là cho thành phố và 10 triệu vì Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Trong cuộc họp báo, Đức Cha Aguiar cho biết số người ghi danh tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon đã lên tới gần nửa triệu người, đến từ các nước trên thế giới. Ngài nói: “Chiếu theo danh sách các nước của Liên Hiệp Quốc, thì còn thiếu 14 hoặc 15 nước chưa có người ghi danh. Phải chăng đó chẳng phải là một điều tuyệt vời và quan trọng đối với thành Lisbon và đất nước Bồ Đào Nha vì đón tiếp các bạn trẻ từ các nơi trên trái đất sao?”
Trước đó, Tổng thống Bồ Đào Nha, ông Marcelo Rebelo de Sousa, cũng bày tỏ hài lòng vì cố gắng của ban tổ chức giảm bớt gần một nửa chi phí tố chức lễ đài Ngày Quốc tế Giới trẻ.
3. Vì sao Vatican trấn an các giám mục về thượng hội đồng đồng nghị?
Tờ The Pillar tường trình rằng: Hai nhân vật trung tâm trong tiến trình thượng hội đồng hoàn cầu đã công bố một bức thư dài gửi cho các giám mục thế giới hôm thứ Hai.
Trong bức thư, được công bố bằng sáu thứ tiếng, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nhấn mạnh rằng các giám mục có vai trò quyết định trong sáng kiến, được một số nhà bình luận mô tả là sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II.
Tổng thư ký của văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục, và Tổng Tường trình viên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, cho biết các ngài chia sẻ những suy tư của mình với cảm thức “khẩn cấp” trước một giai đoạn mới quan trọng trong tiến trình hoàn cầu.
Sự can thiệp của các ngài theo sau những lời chỉ trích rằng các giám mục chỉ là những tác nhân hỗ trợ trong tiến trình Thượng Hội Đồng, chứ không phải là những nhân vật hàng đầu được dự kiến khi thành lập Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội. Bức thư cũng xuất hiện ngay sau một loạt khiếu nại của các giáo phẩm nổi tiếng, những người đã ta thán rằng sáng kiến này đang tạo ra những kỳ vọng sai lầm về những thay đổi đối với các tín lý và thực hành gây tranh cãi của Giáo hội.
Chính xác thì bức thư nói gì? Và tại sao Hai vị Hồng Y Grech và Hollerich cảm thấy cần phải nói điều đó ngay bây giờ? The Pillar giải thích như sau:
Bức thư nói gì?
Bức thư dài khoảng 1,700 chữ nhấn mạnh trong đoạn mở đầu rằng “không có việc thực thi tính đồng nghị của giáo hội nếu không thực hiện tính hiệp đoàn giám mục”.
Nó nâng đỡ điều này với việc tham chiếu văn kiện Episcopalis communio, tông hiến năm 2018 của Đức Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục, một cơ quan cố vấn thường trực cho Đức Thánh Cha do Đức Phaolô VI thành lập vào năm 1965. Bức thư nói rằng điểm mới của Episcopalis communio là nó “đã biến đổi Thượng hội đồng từ một sự kiện thành một diễn trình, được khớp nối theo từng giai đoạn.”
Bức thư lập luận rằng, như Đức Phaolô VI đã nói trong tài liệu thành lập Apostolica sollicitudo, Thượng hội đồng “có thể được cải thiện theo thời gian,” và đây là điều đang xảy ra hiện nay.
Bức thư viết, “Episcopalis communio không hề làm suy yếu định chế giám mục, trái lại, trong việc làm nổi bật bản chất định hướng theo tiến trình của Thượng Hội đồng, đã làm cho vai trò của các Mục tử và sự tham gia của các ngài trong các giai đoạn khác nhau thậm chí còn quan trọng hơn”.
Sau đó, bức thư nhấn mạnh rằng “chủ đề duy nhất” để thảo luận trong giai đoạn cao điểm của tiến trình Thượng Hội Đồng, khi các giám mục gặp nhau tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024, là chủ đề “Đối với một Giáo hội Đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh”.
Đây là chủ đề chính thức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn cho hai cuộc họp được gọi tắt là “thượng hội đồng về tính đồng nghị” và gọi đầy đủ là Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục.
Bức thư bác bỏ ý kiến cho rằng có thể “biết trước những kết luận của Thượng Hội đồng sẽ là gì” hoặc “áp đặt một chương trình nghị sự cho Thượng Hội đồng, với ý định lèo lái cuộc thảo luận và xác định kết quả của nó”.
Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich nói: “Những người tuyên bố áp đặt bất cứ một chủ đề nào lên Thượng Hội đồng đã quên luận lý học vốn điều hướng tiến trình của Thượng Hội đồng: chúng ta được kêu gọi vạch ra một ‘đường lối chung’ bắt đầu với sự đóng góp của tất cả mọi người”.
Sau đó, bức thư mô tả tiến trình của sáng kiến kể từ khi bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, lập luận rằng vì các giai đoạn của nó được liên kết chặt chẽ với nhau nên “các chủ đề khác không thể được đưa ra một cách lén lút, qua đó lợi dụng Đại hội đồng và bỏ qua sự tham khảo ý kiến của dân Chúa”.
Các tác giả của bức thư thừa nhận rằng “phạm vi hoặc giới hạn của chủ đề [Thượng Hội đồng Giám mục] không được xác định rõ ràng” trong giai đoạn lắng nghe ban đầu. Nhưng họ lập luận rằng “sự thiếu rõ ràng này đã giảm đi trong các bước tiếp theo.” Họ nói rằng điều này có thể được nhìn thấy trong các đệ trình của hội đồng giám mục lên Vatican trong giai đoạn cấp giáo phận, đó là “kết quả của việc biện phân của các Mục tử về những đóng góp được thực hiện trong quá trình tham khảo ý kiến của dân Chúa.”
Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich sau đó giải thích cách các giám mục nên xử lý “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” (DCS), một bản văn nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận trong giai đoạn lục địa.
Họ nói: “Các chủ đề mà Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đề xuất không cấu thành chương trình nghị sự của Phiên họp Khoáng đại tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng trung thành gửi lại những gì phát xuất từ các bản tổng hợp do Thượng Hội đồng/Hội đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập] và các Hội Đồng Giám mục gửi về’, cung cấp một cái nhìn thoáng qua về khuôn mặt của một Giáo hội đang học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần thông qua việc lắng nghe lẫn nhau.”
Các Hồng Y nói thêm rằng các phiên họp khoáng đại cấp châu lục, sẽ được tổ chức trên khắp thế giới vào tháng tới, có nhiệm vụ xác định “các ưu tiên, chủ đề định kỳ và lời kêu gọi hành động” trong khu vực của họ thông qua phản ánh về Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Các hội đồng là những sự kiện trung tâm trong giai đoạn lục địa của tiến trình đồng nghị, diễn ra giữa giai đoạn cấp giáo phận và giai đoạn phổ quát.
Bức thư đề nghị rằng không thể giải quyết các câu hỏi “thường gây chia rẽ” mà không trả lời trước điều mà nó gọi là “câu hỏi lớn” sau Vatican II: “Này Giáo Hội, bạn nói gì về chính mình?” Nó nói rằng “câu trả lời nằm trong Giáo hội ‘có tính đồng nghị trong cơ cấu’, nơi tất cả được kêu gọi thực thi đặc sủng giáo hội của mình nhằm thực hiện sứ mệnh chung là truyền giảng Tin Mừng”.
Bức thư kết thúc với ba đoạn dày đặc nói về vai trò của các giám mục trong tiến trình thượng hội đồng.
Đoạn đầu tiên nói rằng hợp đoàn giám mục trên toàn thế giới tham gia vào sáng kiến ở “hai thời điểm”: “khi mỗi giám mục khởi xướng, hướng dẫn và kết thúc việc tham khảo ý kiến của dân Chúa được ủy thác cho ngài,” và “trong các giai đoạn liên tiếp, khi Các Giám mục cùng nhau thi hành đặc sủng biện phân của mình trong các Thượng hội đồng/Công đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập], trong các Hội đồng Giám mục, trong các Phiên hoáng đại lục địa và đặc biệt là trong Phiên họp Toàn thể của Thượng hội đồng”.
Đoạn thứ hai thúc giục các giám mục tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra trong giai đoạn đầu tiên, coi tính đồng nghị không phải là “một phương pháp đơn thuần” mà là “một hình thức của Giáo hội và một phong cách để hoàn thành sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng chung”.
Đoạn thứ ba và cũng là đoạn cuối cùng, chứa đầy những tham chiếu đến các tài liệu của Công đồng Vatican II, lập luận rằng việc tham gia vào tiến trình thượng hội đồng sẽ củng cố “sự liên kết hợp đoàn” của các giám mục trên thế giới.
Việc trích dẫn nhiều lần các tài liệu của Vatican II có thể là một phản ứng gián tiếp đối với cuộc tranh luận về việc liệu tiến trình đồng nghị có phải là một sự phát triển hữu cơ của tầm nhìn của Công đồng hay mâu thuẫn với sự khẳng định mạnh mẽ của nó về quyền hạn và trách nhiệm của các giám mục. Đây là bằng chứng, mà các tác giả của bức thư dường như đang gợi ý, rằng sáng kiến này phù hợp với Công đồng Vatican II.
Tại sao bây giờ?
Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich giải thích rằng các ngài viết bức thư này với cảm thức “khẩn cấp” vì các phiên họp khoáng đại cấp châu lục sẽ được tổ chức trong vài ngày nữa.
Điều mà các Hồng Y khẩn thiết muốn truyền đạt là “một vài cân nhắc” mà các ngài tin là cần thiết để hình thành “một sự hiểu biết chung về tiến trình thượng hội đồng, sự tiến triển của nó và ý nghĩa của giai đoạn lục địa hiện nay”.
Một cách mặc nhiên, các ngài lo ngại rằng hiện đang thiếu “sự hiểu biết chung” giữa các giám mục.
Có lẽ cũng có những lý do không được nói ra để công bố bức thư ngay bây giờ: tiến trình thượng hội đồng đã bị Đức Hồng Y George Pell chỉ trích dữ dội ngay trước khi ngài qua đời vào ngày 10 tháng Giêng.
Trong một bài báo cho tạp chí Spectator của Vương quốc Anh, người đả kích hạng nặng người Úc đã mô tả sáng kiến này là một “cơn ác mộng độc hại” và Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa là “một trong những tài liệu rời rạc nhất từng được gửi đi từ Rome.”
Trong khi đó, cựu bộ trưởng tín lý của Vatican, Đức Hồng Y Gerhard Müller, đã mô tả sáng kiến này là một “sự dân chủ hóa, một sự Thệ phản hóa trên thực tế”.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Đức Hồng Y Robert McElroy của Hoa Kỳ — một người nhiệt tình ủng hộ tiến trình thượng hội đồng — gợi ý rằng các thượng hội đồng quốc tế vào năm 2023 và 2024 sẽ là diễn đàn cho các cuộc tranh luận gay gắt về các chủ đề như nữ phó tế và linh mục.
Những cách giải thích tương phản rõ rệt của các Hồng Y về sáng kiến này có thể đã thuyết phục hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich rằng họ cần can thiệp và trao đổi trực tiếp với hàng giám mục hoàn cầu về thiết kế và nội dung của tiến trình Thượng Hội Đồng.
Ngoài những can thiệp thu hút sự chú ý, dường như có sự nghi ngờ lớn hơn trong Hồng Y đoàn về vai trò của các giám mục trong tiến trình Thượng Hội Đồng. Một số trình thuật nói rằng mối lo ngại đã được nêu ra trong cuộc họp kín của các Hồng Y ở Rome vào tháng 8.
Sự dè dặt đã được thể hiện một lần nữa vào tháng 10 năm ngoái khi các nhà tổ chức thượng hội đồng công bố Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa, tức tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa.
Một phân tích của The Pillar vào thời điểm đó cho biết hướng dẫn của các nhà tổ chức thượng hội đồng gợi ý rằng, cho đến giai đoạn cuối cùng, “nhiệm vụ chính của các giám mục giáo phận là thu thập thông tin, thu thập ấn tượng, đối chiếu và tổ chức các câu trả lời cho các báo cáo, thu thập câu trả lời cho các câu hỏi”.
Phân tích trên viết: “Dường như không có chỗ cho phần biện phân được gọi là phán đoán”.
Bức thư của Vatican nhằm trấn an các giám mục rằng không ai mong các ngài khoanh tay ngồi đó trong các giai đoạn đầu của tiến trình thượng hội đồng, chỉ đóng vai trò đơn thuần làm máng chuyển cho vox populi (tiếng nói giáo dân), bất chấp hướng dẫn ban đầu từ các viên chức thượng hội đồng dường như gợi ý một vai trò hạn chế đối với các giám mục giáo phận.
Mặc dù bức thư mới dài nhưng nội dung của nó không có gì đặc biệt đột phá. Như Đức Hồng Y Grech đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News hôm thứ Hai, trong căn bản, ngài và Đức Hồng Y Hollerich chỉ nhắc nhở các giám mục “về những sự thật căn bản mà chúng tôi đã đề cập ngay từ đầu của diễn trình này”.
Đức Hồng Y Grech nói một cách gượng gạo “Như người ta nói, repetita iuvant [việc lặp lại có ích]”.
Các nhà tổ chức Thượng hội đồng có thể hy vọng rằng nếu họ giải quyết các dè dặt ngay bây giờ, thì một hàng giám mục hợp tác và đoàn kết hơn sẽ tập hợp tại Vatican vào tháng 10 này. Nhưng nếu nỗ lực trấn an không thành công, thì giai đoạn “hành trình đồng nghị” vào tháng 10 ở Rôma có thể là một giai đoạn không thoải mái.