Một thuật ngữ thường được nhắc đến trong những ngày này là “inclusion” hay “hòa nhập”, hoặc nôm na hơn là “bao gồm”, được ví von trong Tài Liệu Làm Việc về Thượng Hội Đồng về đồng nghị như cái lều thật to bao gồm càng nhiều người càng tốt.

Hòa nhập đã là chiêu bài để vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Thượng hội đồng của Anh Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất của Hạ viện về việc chấp thuận chúc lành cho các cuộc hôn nhân đồng giới. Phản ứng lại diễn biến này 25 trong số 42 Giáo tỉnh trong Hiệp thông, trải rộng trên 165 quốc gia quyết định tách ra khỏi khối Hiệp Thông Anh Giáo.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “INCLUSION” AND CATHOLICISM, nghĩa là “‘HÒA NHẬP’ VÀ Công Giáo”.



Ngày trước, những trẻ nhỏ Công Giáo được dạy rằng Giáo Hội có bốn “dấu ấn”: Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo (hay “phổ quát”) và tông truyền. Những dấu ấn này bắt nguồn từ Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinople, mà chúng ta đọc trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các lễ trọng phụng vụ. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội “không sở hữu” những thuộc tính “liên kết bất khả phân ly” này “của chính mình”; đúng hơn, “chính Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, làm cho Giáo Hội của Người trở nên duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, và chính Người kêu gọi Giáo Hội thể hiện các thuộc tính ấy” (GLCG 811).

Bạn sẽ lưu ý rằng “bao gồm” không phải là một trong những dấu ấn của Giáo Hội do Chúa Kitô ban cho, mặc dù “phổ quát” là một dấu ấn như vậy. Sự khác biệt, như mọi khi, là quan trọng.

Tính phổ quát phải là đặc điểm của sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, vì Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mat. 28:19). Và một loại bao gồm nhất định biểu thị một thực tế quan trọng của Giáo Hội: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Galat 3:27-28). Hơn nữa, Giáo Hội được Chúa mời gọi để phục vụ mọi người chứ không chỉ phục vụ những người của riêng Giáo Hội; như nhà xã hội học lịch sử Rodney Stark đã chỉ ra, việc chăm sóc những bệnh nhân không phải Kitô Hữu trong thời tiên khởi đã thu hút nhiều người cải đạo sang Kitô Giáo trong thời cổ đại, khi người bệnh thường bị bỏ rơi, ngay cả bởi chính gia đình của họ.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận, những biểu hiện về tính bao gồm của Giáo Hội (hay còn gọi là tính Công Giáo, hoặc tính phổ quát) không phải là điều mà nền văn hóa thức thời đương đại muốn nói trong thuật ngữ “bao gồm”. Như thường được sử dụng ngày nay, “bao gồm” là mật mã để chấp nhận định nghĩa về bản thân của mọi người như thể định nghĩa về bản thân đó rõ ràng gắn liền với thực tế, vốn dĩ không thể thách thức, và do đó là sự khẳng định mang tính mệnh lệnh.

Điều đáng lưu ý trong bối cảnh này là đôi khi chính Chúa Giêsu thực hành một số loại trừ nghiêm trọng. Chẳng hạn, Ngài đã loại trừ khỏi các mối phúc một loại tội nhân: “Ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, thì không bao giờ được tha thứ” (Mc 3:29). Và sự lên án của Ngài cũng rất nghiêm khắc đối với những kẻ tàn ác: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.”(Mt. 25:41). Và đây là số phận của những kẻ cám dỗ những người đơn sơ: “Thà buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Lc 17,2). Và quyết tâm của Ngài là ném “lửa xuống thế gian” (Lc 12:49) và thiêu rụi tất cả những gì chống lại Nước Đức Chúa Trời.

Câu hỏi về “sự hòa nhập” và sự tự hiểu của Giáo Hội gần đây đã được nêu lên trong một bài báo xuất bản ở Mỹ của Đức Hồng Y Robert McElroy, bởi vì tính nhạy cảm được thể hiện trong bài báo của Đức Hồng Y không phải là tính nhạy cảm của Kinh thánh, của các Giáo phụ trong Giáo Hội, của Công Đồng Vatican, hay Sách Giáo Lý Công Giáo. Đó là sự nhạy cảm của nỗi ám ảnh về “sự hòa nhập” của nền văn hóa thức thời.

Một cách giản lược, bài báo gợi ý rằng, vì những lo ngại về tính bao gồm, việc phong chức linh mục thừa tác cho phụ nữ và sự nhất quán đạo đức liên quan đến tình dục đồng giới phải là những câu hỏi mở. Nhưng đó không phải là giáo huấn đã được thiết định của Giáo Hội Công Giáo. Làm sao một người đàn ông cực kỳ thông minh, là người đã long trọng tuyên thệ chấp nhận giáo lý đó và hứa sẽ tuân giữ nó, lại có thể nghĩ khác được?

Giống như nền văn hóa thức thời đương đại, bài báo của Đức Hồng Y dường như coi lý thuyết giới tính là một hình thức thế tục của chân lý được mặc khải. Trên thực tế, các lý thuyết về “giới tính” và “tính linh hoạt của giới tính” được xây dựng theo văn hóa hoàn toàn mâu thuẫn với sự mặc khải của Thiên Chúa: “Ngài dựng nên họ có nam và nữ” (Sáng. 1:27).

Bài báo đưa ra những tuyên bố ngông cuồng (và không có nguồn gốc) về “những động cơ” phổ biến chống lại “cộng đồng LGBT”, coi những thái độ “nội tạng” như vậy là “ma quỷ”. Nhưng Đức Hồng Y McElroy không có gì để nói về những áp lực văn hóa, nghề nghiệp và luật pháp nghiêm trọng (và dễ ghi chép lại) mà người ta đang gây ra cho những người xiển dương trật tự đúng đắn của tình yêu con người, và từ chối chạy theo não trạng thức thời.

Bài ca của cơn cuồng hòa nhập thức thời là khái niệm tự do trẻ con của Frank Sinatra: “Tôi đã làm theo cách của mình.” Thắp hương trước bàn thờ của chủ nghĩa ấu trĩ như vậy sẽ không đưa những người nam nữ đến với Chúa Kitô, Đấng đã liên kết tự do với sự thật: “anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Gioan 8:32). Giáo Hội Công Giáo là một sự hiệp thông giữa những người nam và nữ, tất cả đều đấu tranh với sự yếu đuối của con người khi đối mặt với những thăng trầm của thân phận con người. Nhưng sự hiệp thông các môn đệ ấy cũng đã được chính Chúa ban cho những chân lý thực sự giải thoát – những chân lý không bị các nhóm thảo luận khẳng định hay phủ nhận. Như tác giả Kinh Thánh đã nhắc nhở độc giả của mình (và cả chúng ta), “Đừng để bị lôi cuốn bởi đủ thứ giáo huấn lạ lùng” (Dt 13:9), vốn đe dọa việc rao giảng Tin Mừng.

“Bao gồm” theo kiểu thức thời không phải là Công Giáo đích thực.
Source:First Things