Theo John L. Allen Jr., chủ bút CruxNow, khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tiếp tục “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình” tới Mạc tư khoa để thắt chặt quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin, chuyến đi đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các thủ đô phương Tây, nơi các quan chức lo lắng, bên cạnh những điều khác, rằng sự ủng hộ ngầm từ trước đến nay của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể trở thành công khai.



Nói rộng hơn, các nhà lãnh đạo phương Tây dường như lo sợ các nhà lãnh đạo của hai quốc gia độc tài lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới đang củng cố một liên minh phản dân chủ. Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby ta thán rằng “đây là hai quốc gia từ lâu đã bất mãn với sự lãnh đạo của Mỹ trên khắp thế giới,” trong khi Ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken, cảnh báo rằng chuyến thăm của ông Tập diễn ra ngay sau khi ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố về các tội ác chiến tranh, “cung cấp vỏ bọc ngoại giao để Nga tiếp tục thực hiện những tội ác đó.”

Như nhà bình luận Gideon Rachman của Financial Times đã nói: “Nga và Trung Quốc vẫn là đối tác thân thiết — được liên kết bởi sự thù địch chung của họ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ”.

Tuy nhiên, có một trung tâm quyền lực truyền thống của phương Tây dường như không lây nhiễm sự lo lắng trên: Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Cách đưa tin về hội nghị thượng đỉnh trên các phương tiện truyền thông chính thức của Vatican là từ trung lập đến tích cực. Một tiêu đề phụ trên trang “Vatican News” hôm thứ Hai đã mô tả “những kỳ vọng lớn lao” cho chuyến thăm, “ngoài việc củng cố các mối quan hệ qua lại, còn có mục đích đã nêu là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”. Bài đưa tin trên tờ L’Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, nhấn mạnh kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc đối với Ukraine, đồng thời ghi nhận sự dè dặt của Mỹ.

Tại sao vậy?

Càng ngày, Vatican càng được coi là một thể chế “phương Tây” chỉ theo nghĩa hạn chế là nó có vị trí thể lý ở Tây Âu. Tuy nhiên, xét về định hướng địa chính trị dưới thời vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ thế giới đang phát triển, Vatican dường như ngày càng giống thủ đô của một thể chế hoàn cầu tự định vị để hoạt động trong kỷ nguyên đa cực.

Khi NATO được thành lập vào năm 1949, Đức Piô XII là giáo hoàng và ngài được mệnh danh là “tuyên úy” của liên minh mới vì lập trường chống Cộng công khai của Vatican. Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã nói rõ rằng ngài đại diện cho sự đứt đoạn với việc phụ thuộc theo bản năng vào sự bảo trợ của châu Âu và Bắc Mỹ; chẳng hạn như vào tháng 9 năm 2013, ngài đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình khi có vẻ như các cường quốc phương Tây đã sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để đánh đổ chế độ Bashar al-Assad ở Syria.

Trên thực tế, quan điểm của Đức Phanxicô về Syria, trong căn bản, gần gũi với Putin hơn là Nhà Trắng hoặc số 10 Phố Downing, một sự liên kết đã được phê chuẩn khi Putin gặp tân giáo hoàng vào tháng 11 năm 2013 và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về sự cần thiết của một giải pháp thương lượng.

Một phần, quan điểm đa cực của Đức Phanxicô là sản phẩm của tiểu sử ngài. Jorge Mario Bergoglio đã mang cùng một thái độ nước đôi về Hoa Kỳ khi lên ngôi giáo hoàng như nhiều vị giáo phẩm Mỹ Latinh khác, dựa trên lịch sử đầy trắc trở về sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực.

Một phần nữa, chủ nghĩa đa cực của Vatican là sự xác nhận câu châm ngôn nổi tiếng của Auguste Comte rằng “nhân khẩu học là định mệnh”. Đức Phanxicô lãnh đạo một Giáo Hội có 1.3 tỷ người, hai phần ba trong số họ ngày nay sống bên ngoài phương Tây, một tỷ lệ sẽ đạt ba phần tư vào giữa thế kỷ. Người Công Giáo ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông, tất cả đều nhìn bàn cờ hoàn cầu khác với người phương Tây, một sự thật được xác nhận bởi thái độ đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Vì vậy, khi Tập nói với Putin hôm thứ Hai rằng “Trung Quốc sẽ hợp tác với Nga để duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự, thúc đẩy một thế giới đa cực và nền dân chủ lớn hơn trong quan hệ quốc tế, đồng thời giúp quản trị hoàn cầu công bằng và bình đẳng hơn,” đó là lời hoa mỹ được dành để chơi đẹp với Rome.

Thay vì lo ngại, có mọi lý do để tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi chuyến đi của ông Tập đến Mạc tư khoa là một cơ hội tích cực, như một cơ hội để thúc đẩy mong muốn của chính ngài về một cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh, bao gồm cả việc ngăn chặn dòng chảy vũ khí của phương Tây vào khu vực.

Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây phần lớn đã bác bỏ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đối với Ukraine, coi đó chỉ là phần thưởng cho sự xâm lược của Nga, thì Vatican lại âm thầm khuyến khích.

Một phần nào đó, Vatican hy vọng về một kết quả tích cực đối với sứ mệnh của Tập Cận Bình có thể đã được khích lệ bởi thành công gần đây của Trung Quốc trong việc môi giới một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Iran nhằm thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai đối thủ truyền thống này. Mặc dù Vatican không bình luận công khai về bước đột phá này, nhưng các nguồn tin thân cận với Thủ tướng lâm thời của Lebanon Najib Mikati cho biết thỏa thuận này đã được thảo luận tích cực trong các cuộc gặp của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phụ tá ngoại giao hàng đầu của ngài, Hồng Y người Ý Pietro Parolin, vào thứ Năm tuần trước.

Theo những cách khác nữa, Vatican đã hết sức thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc. Buổi tiếp kiến tuần trước với một nhóm Phật tử đến từ Đài Loan và Nhật Bản, trong đó bất cứ đề cập nào đến Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa đều không có một cách rõ mồn một, là một lời nhắc nhở rằng Đức Phanxicô đã đóng cánh cửa đối với ngay cả những cuộc gặp gỡ riêng tư mà Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã từng sẵn sàng chấp nhận cái gai hàng đầu đối với phía Bắc Kinh.

Gần đây, Đức Phanxicô cũng đã gặp Xiao Wunan, một doanh nhân Trung Quốc có quan hệ thân thiết với Tập, người đã tặng ngài một món quà là tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số và nói với Đức Giáo Hoàng, “Chúng tôi biết rõ rằng dưới sự hướng dẫn của ngài, quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican đã được cải thiện.”

Mong muốn địa chính trị hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày nay là sự hồi sinh của tiến trình Helsinki từ những năm 1970, coi đó là tiền lệ cho một cách tiếp cận đa phương thực sự đối với các vấn đề hoàn cầu. Trong nỗ lực đó, Đức Phanxicô nhận ra rằng ngài không thể chỉ dựa vào các đối tác phương Tây, mà sẽ cần sự hỗ trợ của các trung tâm quyền lực khác – có lẽ, trên hết là Trung Quốc, khi Tập Cận Bình tìm cách tái định hình mình thành một chính khách hoàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của mình trong tư cách nhà lãnh đạo.

Tóm lại: Các quan chức ở Washington, London và Brussels hôm nay có thể thức giấc trong lo lắng. Tuy nhiên, Rome – ít nhất là Rome theo giáo hội – có thể sẽ thoải mái hơn, coi những trao đổi của Tập với Putin không phải là lò luyện kim cho một “trục ma quỷ” mới, mà là một khoản đặt cọc cho một thế giới đa cực hơn.