Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “PACEM IN TERRIS AFTER 60 YEARS”, nghĩa là “Thông Điệp Hòa Bình Tại Thế 60 năm sau”
Vào ngày 11 tháng 4 năm 1963, Đức Gioan XXIII đã ban hành thông điệp Pacem in Terris hay Hòa Bình Tại Thế, một lời kêu gọi mạnh mẽ cho một thế giới không có nạn nhân cũng như không có đao phủ, điều này đã củng cố danh tiếng của vị giáo hoàng này là “vị Giáo Hoàng Gioan nhân từ”. Khi thế giới đang mấp mé bên bờ vực chiến tranh hạt nhân trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba tháng 10 năm 1962, lời kêu gọi “Hòa Bình Tại Thế” của Đức Giáo Hoàng đã được đón nhận nồng nhiệt ở khắp mọi nơi, kể cả Liên Xô - mặc dù quan điểm ở một số thành phần ở ngay Vatican lại cho rằng những người chủ của Điện Cẩm Linh đã coi nội dung của thông điệp này là một điều khá ngây thơ.
Vậy thì Pacem in Terris đã dạy điều gì? Và phân tích của nó về các vấn đề thế giới trông như thế nào, sáu thập kỷ sau?
Đức Gioan XXIII đã dạy rằng thế giới đã bước vào một thời điểm lịch sử mới, được đặc trưng bởi niềm tin phổ biến rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng vì phẩm giá tự nhiên của họ.” Niềm tin đó ngụ ý rằng nguyên tắc học thuyết xã hội Công Giáo cổ điển về thiện ích chung có chiều kích toàn cầu chứ không chỉ quốc gia - điều này có nghĩa là “Hòa Bình Tại Thế” phải được theo đuổi thông qua việc thiết lập một “cơ quan công quyền trên toàn thế giới”. Cơ quan có thẩm quyền toàn cầu đó phải coi việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền – mà Đức Giáo Hoàng Gioan đã định nghĩa một cách rộng rãi – là mục tiêu cơ bản của nó.
Đối với các quốc gia cộng sản, họ cũng phải được bao bọc trong cộng đồng chính trị toàn cầu, vì các phong trào cộng sản, bất kể “những lời dạy triết học sai lầm” của họ, có thể vẫn “chứa đựng những yếu tố tích cực và đáng được tán thành”. Cuối cùng, Pacem in Terris đã dạy rằng cuộc chạy đua vũ trang là một cái bẫy và một ảo tưởng; giải trừ quân bị phổ quát là một mệnh lệnh đạo đức được yêu cầu bởi lý trí đúng đắn, vì “trong thời đại như của chúng ta, một thời đại tự hào về năng lượng nguyên tử của mình, thật trái với lý trí khi cho rằng chiến tranh hiện nay là một cách thích hợp để khôi phục các quyền đã bị vi phạm.”
Đối với tất cả những điều đó, tầm nhìn vĩ đại của Đức Gioan XXIII đã truyền cảm hứng cho niềm hy vọng rằng thế giới có thể tìm ra con đường thoát khỏi thế bế tắc của lưỡi dao Chiến tranh Lạnh, điểm thiếu sót trong thông điệp mà các nhà phê bình thân thiện đã chỉ ra sau khi thông điệp được ban hành - đó là sự thiếu chú ý đến thực tế của quyền lực trong nền chính trị thế giới, sự hiểu sai về mối liên hệ nội tại giữa các ý tưởng của chủ nghĩa Mác và chính trị toàn trị, sự thờ ơ đối với những tác động lâu dài của tội tổ tông trong lĩnh vực chính trị—khi nhìn lại sáu mươi năm, thực sự là những thiếu sót.
Chiến tranh Lạnh kết thúc, không phải vì “lòng tin” (một chủ đề quan trọng khác trong thông điệp) đã được thiết lập giữa các nền dân chủ không hoàn hảo và các chế độ chuyên chế đa nguyên; nó đã kết thúc nhờ điều mà William Inboden (trong The Peacemaker: Ronald Reagan, The Cold War, and the World on the Brink) mô tả là chiến lược “thương lượng đầu hàng” do Hoa Kỳ nghĩ ra và được các đồng minh phương Tây ủng hộ. Và trong khi một cuộc chạy đua vũ trang, vào những năm 1980, đã làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở một số thời điểm, nó cũng phá vỡ khả năng và ý chí của Liên Xô trong việc tiếp tục chạy đua.
Đối với đề xuất của thông điệp về việc phát triển một “cơ quan công quyền toàn cầu” có khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng toàn cầu, sự bất lực và tham nhũng mà Liên Hiệp Quốc đã thể hiện kể từ khi Pacem in Terris được ban hành, nhất là trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cả tính khả thi, thậm chí là mong muốn, của bất kỳ tổ chức nào như vậy.
Sự nhấn mạnh đáng hoan nghênh của Đức Gioan XXIII về nhân quyền như một vấn đề quan trọng trong đời sống công cộng quốc tế đã được chứng thực bằng cuộc cách mạng lương tâm—cuộc cách mạng nhân quyền—mà người kế vị thứ ba của ngài, Đức Gioan Phaolô II, đã châm ngòi ở Đông Trung Âu vào năm 1979: một cuộc cách mạng đóng vai trò then chốt trong sự sụp đổ bất bạo động của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu. Nhưng cả Giáo hội lẫn chính trị thế giới đều không được phục vụ tốt bởi xu hướng trong Pacem in Terris coi hầu như mọi mong muốn về chính trị, xã hội và kinh tế đều là “nhân quyền”: một xu hướng sau đó đã trở thành một cám dỗ không thể cưỡng lại đối với Tòa thánh khi đề cập đến chính trị thế giới.
Trong bài bình luận về thông điệp này, nhà thần học vĩ đại của Dòng Tên John Courtney Murray lập luận rằng quan niệm của Đức Gioan XXIII về cộng đồng chính trị lý tưởng—điều mà Murray mô tả là “người tự do dưới một chính phủ hạn chế”—được rút ra từ Thánh Thomas Aquinas. Tuy nhiên, nếu Pacem in Terris lấy một phần cảm hứng từ vị Tiến sĩ Hội Thánh, thì ở đâu trong thông điệp người ta tìm thấy tiếng vang của Augustinô, một bậc thầy vĩ đại khác của lý thuyết chính trị Công Giáo cổ điển? Một số người hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nhận thức đầy đủ về sự bành trướng trong sự điên rồ chính trị của con người, và sự nguy hiểm của chế độ chuyên chế gắn liền với những tầm nhìn không tưởng về sự hoàn hảo của con người, như Thánh Augustinô đã chắc chắn không?
Một tầm nhìn đầy cảm hứng và cao cả, đi kèm với một phân tích không đầy đủ về những trở ngại đối với việc hiện thực hóa tầm nhìn đó: có lẽ là một đánh giá hợp lý về Pacem in Terris nhân dịp kỷ niệm 60 năm công bố.
Source:First Things