1. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thủ tướng Ukraine vào ngày thứ Năm
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, tại Vatican vào sáng thứ Năm. Hai vị gặp nhau lần cuối tại Vatican vào tháng 3 năm 2021 trong bối cảnh đụng độ giữa Ukraine và Nga ở vùng Donbas. Shmyhal là thủ tướng Ukraine kể từ tháng 3 năm 2020.
Theo lịch trình của Đức Thánh Cha ngày 27 tháng 4, ngài đã tiếp thủ tướng vào lúc 9 giờ sáng
Đức Phanxicô đã thẳng thắn ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia này vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Ngài thường nói về những người Ukraine “tử vì đạo” và cầu xin hòa bình giữa hai quốc gia. Vào tháng 3 năm 2022, ngài đã thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Đức Giáo Hoàng cũng bị chỉ trích vào đầu năm ngoái vì đã không trực tiếp chỉ đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin là kẻ xâm lược trong cuộc chiến.
Vào tháng 10 năm 2022, ngài trực tiếp kêu gọi Tổng thống Nga ngừng bắn ngay lập tức, cầu xin ông ta chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc” ở Ukraine.
Lời kêu gọi đánh dấu một sự phá vỡ thói quen chỉ trình bày các suy tư liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày của Đức Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chọn dành toàn bộ suy nghĩ của mình cho Ukraine vì diễn biến của cuộc chiến “đã trở nên quá nghiêm trọng, tàn khốc và đe dọa đến mức gây ra mối lo ngại lớn”.
Đức Thánh Cha cũng cho thấy ngài sẵn sàng giúp đàm phán hòa bình giữa hai nước.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy.
Source:Catholic News Agency
2. Năm linh mục Pháp tử đạo trong cuộc nổi dậy chống Công Giáo năm 1871 được phong chân phước ở Paris
Năm linh mục người Pháp bị hành quyết bởi một nhóm nổi loạn có khuynh hướng bài giáo sĩ ở Paris năm 1871 đã được phong chân phước như những vị tử đạo vào Thứ Bảy, ngày 22 tháng Tư, trong một Thánh lễ với các biện pháp phòng ngừa an ninh tăng cường trước tình hình bất ổn chính trị gần đây.
“Là những mục tử được khơi dậy bởi lòng nhiệt thành tông đồ, các linh mục đã hiệp nhất trong việc làm chứng cho đức tin cho đến mức tử đạo, mà các ngài đã phải chịu đựng ở Paris vào năm 1871 trong thời kỳ được gọi là ‘Công xã’ Paris,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói một ngày sau lễ phong chân phước trong Thánh lễ Chúa Nhật, ngày 23 tháng 4 - sau buổi đọc Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật của ngài. “Một tràng pháo tay cho các Tân Chân Phước!”
Năm linh mục được phong chân phước hôm thứ Bảy là các vị tử đạo, được Vatican công nhận là chết vì “thù ghét đức tin của mình,” là Cha Henri Planchat của Dòng Thánh Vincent de Paul và bốn linh mục thuộc Dòng Thánh Tâm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria: là các Cha Ladislas Radigue, Cha Polycarpe Tuffier, Cha Marcellin Rouchouze, và Cha Frézal Tardieu.
Các linh mục đã bị xử bắn vào ngày 26 tháng 5 năm 1871, trong vụ thảm sát trên phố Haxo diễn ra vào cuối hai tháng cầm quyền của Công xã Paris, là phong trào cách mạng và chống Công Giáo đã kiểm soát Paris từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871. Cuộc nổi dậy bị quân đội Pháp đánh bại trong “Tuần lễ đẫm máu” khiến khoảng 20.000 người bị giết.
Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước tại Nhà thờ Saint-Sulpice ở Paris với Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Paris và khoảng 2.500 người tham dự.
Sau thất bại trong Chiến tranh Pháp-Phổ, Đế chế thứ hai của Napoléon Đệ Tam sụp đổ. Đệ tam Cộng hòa Pháp được thành lập để cai trị đất nước. Một cuộc đàm phán hòa bình với người Phổ, cho phép họ chiếm thành phố Paris, đã gây ra một cuộc nổi dậy của cánh tả được gọi là Công xã Paris. Trong thời gian trị vì ngắn ngủi của những người nổi dậy, quyền lực và tài nguyên của Giáo Hội Công Giáo đã bị tước đoạt, và một chính phủ thế tục khắc nghiệt đã được áp đặt lên người dân địa phương.
Công xã Paris đã tiến hành các cải cách xã hội chủ nghĩa như tuần làm việc 10 giờ nhưng cũng đóng cửa các nhà thờ và trường học Công Giáo, tịch thu tiền và tài sản của Giáo hội, đồng thời bắt giữ hàng trăm linh mục, tu sĩ và nữ tu sau khi cáo buộc Giáo hội đồng lõa với chế độ quân chủ. Hệ thống trường học của Pháp cũng bị thế tục hóa bởi chính phủ chống giáo quyền nghiêm ngặt.
Mọi người bị bắt vì bị cho là đồng lõa với chế độ quân chủ với tư cách là “con tin của người dân Paris” và bị đe dọa hành quyết nếu bất kỳ người ủng hộ nào của họ bị hành quyết. Theo sắc lệnh, ba tù nhân sẽ bị xử tử ngẫu nhiên cho mỗi một người ủng hộ họ bị xử tử: “Bất kỳ vụ hành quyết nào đối với một tù nhân chiến tranh hoặc một người ủng hộ chính quyền bình dân của Công xã Paris sẽ được thực hiện ngay sau đó, gấp ba lần số lượng con tin bị bắt giữ... và họ sẽ được bốc thăm chỉ định.”
Khi quân Pháp chiếm được đất và Công xã Paris gần như bị đánh bại, chính phủ theo chủ nghĩa nổi dậy đã thực hiện hơn 100 vụ hành quyết. Nhiều người trong số những người thiệt mạng là thành viên của hàng giáo sĩ, bao gồm cả Tổng giám mục Paris Georges Darboy.
Năm linh mục được phong chân phước hôm thứ Bảy đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là tử đạo vào tháng 11 năm ngoái:
Cha Henri Planchat
Cha Henri Planchat sinh năm 1823 và qua đời năm 1871 lớn lên trong một gia đình Kitô giáo sùng đạo ở vùng Loire của Pháp và được truyền cảm hứng từ khi còn trẻ để phục vụ người nghèo. Ngài vào chủng viện Thánh Xuân Bích ở Paris và được thụ phong linh mục năm 1850. Ngài có biệt danh là “thợ săn linh hồn” và “tông đồ của vùng ngoại ô” vì công việc của ngài với người nghèo và những nỗ lực của ngài để bảo đảm mọi người được lãnh nhận các bí tích. Theo Dòng Thánh Vincent de Paul, ngài phục vụ vùng ngoại ô Grenelle và Vaugirard, nơi ngài tìm cách truyền bá Tin Mừng cho những người thuộc tầng lớp lao động, một số người trong số họ có thái độ thù địch với Giáo hội. Mặc dù được nuôi dạy trong gia đình giàu có, nhưng ngài đã dành phần lớn cuộc đời mình cho người nghèo.
Cha Ladislas Radigue
Cha Ladislas Radigue sinh năm 1823 và qua đời năm 1871, lớn lên ở Normandy và theo đuổi ơn gọi làm linh mục tại Học viện Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trong 20 năm, ngài huấn luyện các tập sinh và được bầu làm bề trên nhà mẹ của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nơi ngài và các linh mục đồng tế bị bắt vào ngày 12 tháng 4 năm 1871.
Cha Polycarpe Tuffier
Cha Polycarpe Tuffier sinh năm 1807 và qua đời năm 1871 được gửi đến các cha Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu khi còn nhỏ và tuyên khấn năm 16 tuổi. Cha trở thành kiểm sát viên của giáo đoàn, dạy triết học, và sau đó làm việc tại một số trường đại học ở Bỉ với tư cách là một tu sĩ trước khi thụ phong linh mục và làm tổng thư ký của hội dòng.
Cha Frézal Tardieu
Cha Frézal Tardieu sinh năm 1814 và qua đời năm 1871. Ngài sinh tại Lozère, miền nam nước Pháp, đã khấn dòng năm 1839. Khi còn là giám đốc tập viện Vaugirard, cha được gửi đến Louvain ở Bỉ trước khi trở thành tổng cố vấn của hội dòng. Ngài được nhớ đến vì lòng trắc ẩn và sự khiêm tốn của mình. Ngài nổi tiếng với câu nói “Nói chuyện với Chúa thì tốt hơn là nói về Chúa”.
Cha Marcellan Rouchouze
Cha Marcellan Rouchouze sinh năm 1810 và qua đời năm 1871. Ngài sinh ra ở vùng Loire nước Pháp, là con cả trong một gia đình có ba người con, tất cả đều trở thành tu sĩ của Dòng Thánh Tâm. Ngài tuyên khấn năm 1837 nhưng mãi đến năm 42 tuổi mới trở thành linh mục sau khi gặp Thánh Gioan Vianney, người đã nói với ngài: “Con ơi, con phải là linh mục! Chúa tốt lành có những kế hoạch tuyệt vời dành cho con.”
Đức Hồng Y Semeraro đã nói trong bài giảng của mình trong Thánh lễ phong chân phước rằng những vị này “đã bị tàn sát bởi sự điên cuồng bạo lực của những người cách mạng.”
Đức Hồng Y nói thêm rằng sự kiện này cũng là “một lời cảnh báo cho ngày hôm nay.” Ngài nói rằng mặc dù điều tốt “có vẻ như bị đánh bại bởi sự lạm dụng và xảo quyệt, nhưng trên thực tế, nó vẫn tiếp tục hoạt động trong im lặng và thận trọng, mang lại kết quả lâu dài.”
Đức Hồng Y Semeraro nói: “Đó là sự đổi mới xã hội Kitô giáo, được thiết lập trên sự biến đổi của lương tâm, trên sự hình thành đạo đức và trên lời cầu nguyện.
Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh an ninh được đề phòng để bảo đảm an toàn cho những người tham dự vì bạo lực bùng phát khi người Công Giáo cố gắng tôn vinh các vị tử đạo gần hai năm trước đó. Khi những người Công Giáo tổ chức một cuộc rước ở Paris vào ngày 29 tháng 5 năm 2021, để tôn vinh các nạn nhân nhân dịp kỷ niệm 150 năm vụ thảm sát, anh chị em Công Giáo Paris đã vấp phải phản ứng dữ dội từ những người biểu tình phản đối. Khoảng 50 người cuối cùng đã chặn đoàn diễn hành tiến về phía trước và buộc những người tổ chức phải chạy vào một nhà thờ để trú ẩn.
Source:Catholic News Agency
3. Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi
Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ nhất nói về các vị thánh vĩ đại đã xây dựng gia sản tinh thần của Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, qua phần trình bày của Túy Vân.
Trước hết, Túy Vân xin giới thiệu Thánh Quirinô thành Sescia qua đời năm 309 là vị tử đạo đầu tiên của Hung Gia Lợi.
Sinh ra ở Sabaria –ngày nay gọi là Szombathely – vào đầu thế kỷ thứ 4, Quirinus là một Kitô hữu tử vì đạo, người đã từ chối từ bỏ đức tin của mình trong cuộc đàn áp của Đại Đế Điôclêtiô vào năm 309. Bị tra tấn bởi thống đốc Pannonia, lúc bấy giờ Hung Gia Lợi chỉ là một tỉnh của Đế chế Rôma và được gọi là Pannonia, anh ta bị ném xuống sông Sibaris với một cối xay trói vào chân. Thi thể của anh đã được các Kitô hữu địa phương vớt lên và bảo quản. Các thánh tích của anh sau đó đã được chuyển đến Rôma để bảo vệ vị tử đảo khỏi bị phá hoại trong các cuộc xâm lược lớn. Ngày nay hài cốt của ngài được an nghỉ tại Vương cung thánh đường Thánh Sêbastianô trên đường Via Appia.
Vị thứ hai là Thánh Martin Thành Tours
Xuất thân từ Sabaria ở Pannonia, lúc bấy giờ Hung Gia Lợi chỉ là một tỉnh của Đế chế Rôma và được gọi là Pannonia, vào đầu thế kỷ thứ 4, là con trai của một quan tòa quân sự của Đế chế Rôma, anh đã trở thành lính viễn chinh và được đưa đến Gaul. Bị cuốn hút vào Kitô giáo mặc dù được nuôi dưỡng theo ngoại giáo, Martin đã trải qua một cuộc cải đạo thần bí nổi tiếng vào một ngày nọ trên đường đi. Tình cờ gặp một người đàn ông nghèo, anh ta quyết định cắt đôi chiếc áo choàng lính viễn chinh của mình để chia sẻ với người đàn ông đáng thưo8ng. Sau đó, Chúa Kitô hiện ra với anh mặc một phần chiếc áo choàng mà anh đã tặng. Đột nhiên được cải đạo, anh tiếp tục chiến đấu trong quân đội trong hai năm, sau đó được rửa tội và bắt đầu sống cuộc đời của một ẩn sĩ. Nổi tiếng vì sự thánh thiện trong suốt cuộc đời của mình, ngài được bầu làm giám mục Tours vào năm 371. Là một nhà truyền giáo vĩ đại, ngài được tôn kính ở Pháp, nhưng cũng ở quê hương của ngài, đặc biệt là ở nơi sinh của ngài, Szombathely.