1. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Hung Gia Lợi
Chuyến tông du thứ 41 của Đức Phanxicô bên ngoài Italia sẽ đưa ngài đến Hung Gia Lợi từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4 năm 2023. Đây là lần thứ hai ngài đến Budapest, thành phố ngài đã đến ngày 12 tháng 9 năm 2021, nhân dịp bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Chuyến đi Hung Gia Lợi lần này mang một ý nghĩa khác vì Hung Gia Lợi là quốc gia mà hoạt động ngoại giao của Tòa thánh đã trở nên gần gũi hơn trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.
Chuyến tông du thứ 41 của Đức Thánh Cha là để đáp lại lời mời của tổng thống Hung Gia Lợi Katalin Novák trong cuộc gặp gỡ vào tháng 8 năm ngoái. Chuyến tông du lần này có khẩu hiệu: “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”. Trong chuyến thăm ba ngày tới thủ đô Hung Gia Lợi, cách Rôma khoảng 990 cây số và có cùng múi giờ với Rôma, Đức Phanxicô sẽ đọc 5 bài diễn văn bằng tiếng Ý, một bài giảng và một số cuộc gặp gỡ riêng, đặc biệt là với Tổng thống Cộng hòa và Thủ tướng, cũng như với trẻ em mù và với các tu sĩ Dòng Tên tại địa phương.
Chương trình chuyến tông du cụ thể như sau:
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2023 ROME – BUDAPEST
Lúc 08:10 sáng, Đức Thánh Cha khởi hành bằng máy bay từ sân bay quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến Budapest
Lúc 10:00, ngài đến Sân bay Quốc tế Budapest. Tại đây sẽ có lễ nghi chào mừng chính thức.
Lúc 11:00 sẽ có lễ chào mừng tại quảng trường Cung điện “Sándor”. Sau đó, Đức Thánh Cha thăm xã giao Tổng thống Cộng hòa tại Cung điện “Sándor”. Ngài cũng gặp gỡ Thủ tướng tại đây ngay sau đó.
Lúc 12:20, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ Chính quyền, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn tại Tu viện Cát Minh cũ
Lúc 17:00, ngài gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, Chủng sinh và Nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Stêphanô.
Thứ Bảy, ngày 29 tháng 4 năm 2023
Lúc 08:45, Đức Thánh Cha sẽ thăm các em tại Viện “Chân Phước László Batthyány-Strattmann”
Lúc 10:15, ngài Gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ Thánh Elizabeth của Hung Gia Lợi
Lúc 11:30, ngài thăm Cộng đoàn Công Giáo Đông phương tại Nhà thờ Công Giáo Đông phương Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu
Lúc 16:30, Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại “Papp László Budapest Sportaréna”
Lúc 18:00, Đức Thánh Cha gặp gỡ riêng với các Thành viên Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.
Chúa Nhật, 30 tháng 4 năm 2023
Lúc 09:30, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos
Lúc 16:00, ngài gặp gỡ với Thế giới Văn hóa và Học thuật tại Khoa Công nghệ Thông tin và Sinh học của Đại học Công Giáo “Péter Pázmány”
Lúc 17:30 Lễ chia tay tại sân bay quốc tế Budapest
Lúc 18:00, Đức Thánh Cha khởi hành bằng máy bay từ sân bay quốc tế Budapest đến Rome. Dự kiến, ngài sẽ đến nơi lúc 19:55
2. Chuyến tông du thứ 41 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu đất nước Hung Gia Lợi
Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, là một quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Trung Âu. Có diện tích 93,030 kilômét vuông thuộc lưu vực Carpathian, nước này giáp với Slovakia về phía bắc, Ukraine về phía đông bắc, Romania về phía đông và đông nam, Serbia về phía nam, Croatia và Slovenia về phía tây nam, và Áo ở phía tây.
Hung Gia Lợi có dân số 10 triệu người, chủ yếu là người gốc Hung Gia Lợi và một dân tộc thiểu số Romani đáng kể. Budapest là thủ đô và thành phố lớn nhất của đất nước này; các thành phố lớn khác là Debrecen, Szeged, Miskolc, Pécs và Győr.
Lãnh thổ Hung Gia Lợi ngày nay trong quá khứ đã từng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, bao gồm người Celt, người La Mã, các sắc tộc Đức, người Hung, người Tây Slav và người Avar. Nền tảng của nhà nước Hung Gia Lợi được thành lập vào cuối thế kỷ thứ chín sau Chúa Giáng Sinh với cuộc chinh phục lưu vực Carpathian của hoàng tử Hung Gia Lợi Árpád. Cháu cố của ông là Stephen I lên ngôi vào năm 1000, chuyển đổi vương quốc của mình thành một vương quốc Kitô Giáo. Đến thế kỷ 12, Hung Gia Lợi trở thành một cường quốc trong khu vực, đạt đến tầm cao văn hóa và chính trị vào thế kỷ 15.
Ngày nay, Hung Gia Lợi là một cường quốc hạng trung trong các vấn đề quốc tế, phần lớn là do ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế của nó. Nước này được coi là một quốc gia phát triển với nền kinh tế thu nhập cao và xếp hạng rất cao trong Chỉ số Phát triển Nhân văn. Công dân được chăm sóc sức khỏe và giáo dục trung học miễn phí. Hung Gia Lợi có một lịch sử lâu đời với những đóng góp đáng kể về nghệ thuật, âm nhạc, văn học, thể thao, khoa học và công nghệ. Đây là điểm đến du lịch nổi tiếng thứ mười ba ở Âu Châu, thu hút 15.8 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2017.
Lịch sử cận đại
Sau khi Phát xít Đức thất bại, Liên Sô đã chiếm đóng đất nước này và biến Hung Gia Lợi thành một nước cộng sản. Sau năm 1948, lãnh tụ cộng sản Mátyás Rákosi đã thiết lập chế độ theo kiểu Stalin. Các chính sách của Rákosi đã vượt quá sức chịu đựng của người dân Hung Gia Lợi. Điều này đã dẫn tới cuộc chính biến tại Hung Gia Lợi vào năm 1956 và quốc gia này tạm thời rút khỏi khối Hiệp ước Warszawa. Liên Sô đã đưa trên 150,000 quân và 2,500 xe tăng vào đàn áp. Gần 200,000 người đã bỏ chạy khỏi đất nước trong khoảng thời gian ngắn khi các biên giới bị bỏ ngỏ vào năm 1956. Người lính Liên Sô cuối cùng rời đất nước Hung Gia Lợi vào năm 1991.
Cuối thập kỷ 1980, Hung Gia Lợi đã dẫn đầu phong trào giải tán Hiệp ước Warszawa và chuyển sang một thể chế dân chủ và một nền kinh tế thị trường. Vào ngày 23 tháng 10 năm 1989, Mátyás Szűrös tuyên bố thành lập Cộng hòa Hung Gia Lợi thứ III và trở thành tổng thống lâm thời. Bầu cử tự do ở Hung Gia Lợi diễn ra lần đầu tiên vào năm 1990. Theo sau sự sụp đổ của Liên Sô vào năm 1991, Hung Gia Lợi phát triển một mối quan hệ gần hơn với Tây Âu cũng như các nước Trung Âu. Nước này trở thành một thành viên của nhóm Visegrad vào năm 1991, gia nhập NATO năm 1999, và trở thành một nước thành viên của Liên minh Âu Châu vào ngày 1 tháng 5 năm 2004.
Hung Gia Lợi theo mô hình Cộng hòa nghị viện. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội chỉ có một viện gồm 386 ghế với nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng do Tổng thống đề cử từ đảng hoặc liên minh giành được đa số trong Quốc hội và phải được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Các thành viên Chính phủ do Thủ tướng đề cử và Tổng thống bổ nhiệm.
Tổng thống hiện nay là cô Katalin Éva Veresné Novák. Cô sinh ngày 6 tháng 9 năm 1977, là một chính trị gia người Hung Gia Lợi. Cô đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Novák là người phụ nữ đầu tiên giữ chức tổng thống, đồng thời là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Hung Gia Lợi, được bầu ở tuổi 44. Là thành viên của Fidesz, Novák cũng đã từng là thành viên của Quốc hội từ năm 2018 đến 2022, và với tư cách là Bộ trưởng Bộ Gia đình trong Chính phủ Orbán thứ tư từ năm 2020 đến năm 2021.
Thủ tướng Hung Gia Lợi là Ông Viktor Mihály Orbán. Ông sinh ngày 31 tháng 5 năm 1963. Ông đã giữ chức Thủ tướng Hung Gia Lợi từ năm 2010, trước đó ông cũng đã từng giữ chức vụ này từ năm 1998 đến năm 2002. Ông Viktor Mihály Orbán theo Tin lành cải cách Calvin, nhưng vợ và cả 5 đứa con của ông theo đạo Công Giáo.
3. Các vị thánh sáng lập của Hung Gia Lợi
Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ hai nói về các vị thánh vĩ đại của Hung Gia Lợi trong thời kỳ lập quốc qua phần trình bày của Túy Vân.
Trước hết, Túy Vân xin giới thiệu Thánh Stêphanô vị vua đầu tiên của Hung Gia Lợi.
Là con trai của một viên chức ngoại giáo của Hung Gia Lợi vào thế kỷ thứ 10, Vajk đã gặp Giám mục Adalbert của Praha, người đã rửa tội cho anh và đổi tên anh thành Stêphanô. Năm 996, Stêphanô kết hôn với Gisele, em gái của Hoàng đế Henry Đệ Nhị. Sau cái chết của cha mình, Stêphanô kế vị ông và thành lập vương quốc Hung Gia Lợi vào năm 1000. Ông được đăng quang với vương miện do Đức Giáo Hoàng Sylvestrô Đệ Nhị gửi đến, người đã phong cho ông danh hiệu “vua tông đồ”. Trong 40 năm, ông đã tổ chức vương quốc của mình và truyền giáo bằng cách đưa các nhà truyền giáo vào và xây dựng nhiều nhà thờ. Được coi là hình mẫu của một vị vua Công Giáo, ngài là vị thánh bảo trợ của Hung Gia Lợi. Ngài được chôn cất tại vương cung thánh đường Alba Regia - ngày nay là Székesfehérvar.
Vị thứ hai là Chân phước Gisele của Hung Gia Lợi: một hoàng hậu ngoan đạo
Em gái của Hoàng đế Henry Đệ Nhị, Gisele đã nhận được một nền giáo dục Công Giáo rất kỹ lưỡng tại xứ Bavaria. Trong khi cha mẹ của họ đã chiến đấu trong một thời gian dài, Gisele đã kết hôn với Stêphanô, người đã thành lập vương quốc Hung Gia Lợi vào năm 1000 với sự chúc phúc của Đức Giáo Hoàng và hoàng đế. Sự kết hợp này có thể thực hiện được là nhờ sự cải đạo của Gisele. Cô và chồng có nhiều con, trong đó có Thánh Emeric của Hung Gia Lợi. Cô góa chồng vào năm 1038, và người kế vị của Stêphanô, Peter, cư xử như một bạo chúa và buộc cô phải sống lưu vong ở Bavaria. Ở đó, cô lui về tu viện Bênêđíctô ở Passau.
Vị thứ ba là Thánh Emeric sinh năm 1007 và qua đời năm 1031: Hoàng tử-Tu sĩ Hung Gia Lợi
Con trai út của Vua Stêphanô và Nữ hoàng Gisele, Emeric có Thánh Gerard, một tu sĩ dòng Biển Đức và là giám mục tương lai của Csanád, làm gia sư. Anh trai của anh ấy đã chết khi còn trẻ, Emeric đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoàng gia, và sống một cuộc sống đặc biệt ngoan đạo, thậm chí là khổ hạnh trong tu viện Pannonhalma, kết bạn với Thánh Maurus. Tuy nhiên, tương lai hoàng gia của anh buộc anh phải kết hôn với một công chúa Byzantine, và cha anh đã cố gắng để anh kế vị Hoàng đế Henry Đệ Nhị ở Bavaria sau cái chết của nhà vua vào năm 1024. Mặc dù anh là người thân nhất, nhưng sự nghiệp của anh đã không thành công. Conrad Đệ Nhị lên ngôi và gây chiến với Hung Gia Lợi. Emeric tham gia trận chiến và quân đội của anh ta đã chiến thắng, nhưng hoàng tử đã từ bỏ yêu sách của mình đối với vương miện xứ Bavaria. Anh không bao giờ trị vì và đã sống ẩn tu trong dòng Biển Đức. Năm 1301, anh bị giết bởi một con lợn rừng khi đang đi săn. Anh được chôn cất tại Vương cung thánh đường Alba Regia - ngày nay là Székesfehérvar - bên cạnh cha mình.