1. Anh giáo tan nát: Các giáo tỉnh Phi châu bỏ phiếu bất tín nhiệm Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo
Đại hội thứ tư của Liên hiệp Anh giáo, Global Fellowship of Confessing Anglican, gọi tắt là GAFCON, đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Giáo phận Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, vì đã ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng phái.
Liên hiệp GAFCON được thành lập năm 1994 và quy tụ 14 trong 25 giáo tỉnh Anh giáo, hiện có khoảng 40 triệu tín hữu Anh giáo, gồm đa số các tín hữu sống tại Nigeria, Uganda và Kenya bên Phi châu, nhưng cũng có những giáo phận ở Bắc Mỹ và Úc châu, tức là chiếm một nửa tổng số tín hữu Anh giáo trên thế giới.
Đại hội thứ tư của Liên hiệp này nhóm tại Kigali thủ đô Ruanda, từ ngày 17 đến ngày 21 tháng Tư vừa qua, với sự tham dự của 1.302 đại biểu, gồm 315 giám mục, 456 giáo sĩ và 531 giáo dân. Trong tuyên ngôn chung kết, các tham dự viên Đại hội khẳng định rằng quyết định của Giáo hội Anh giáo tại Anh quốc chúc lành cho các cặp đồng phái là điều “lừa đảo và phạm thượng về mặt mục vụ”. Mặc dù những lời cảnh giác từ 25 năm qua, do phần lớn các vị Tổng giám mục Trưởng các giáo tỉnh Anh giáo, sự tiếp tục xa lìa quyền bính của Lời Chúa đã làm hao mòn Liên hiệp Anh giáo. Những lời cảnh giác đó đã bị cố tình làm ngơ và bất chấp, và nay nếu không có sự thống hối thì nước này không thể được chữa lành”.
Hồi tháng Hai năm nay, Đại hội đồng của Giáo hội Anh giáo tại Anh đã bỏ phiếu chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng phái trong các hôn thú dân sự. Liên hiệp GAFCON coi đó là “một bước tiến đi xa hơn”, rời bỏ giáo huấn của Kinh thánh và gây thiệt hại cho Liên hiệp Anh giáo
2. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người Ukraine chạy trốn chiến tranh ở biên giới phía đông của Hung Gia Lợi hôm thứ Bảy, nói với những người tị nạn rằng một tương lai khác có thể xảy ra.
Đức Phanxicô đã gặp khoảng 600 người tị nạn, người nghèo và người vô gia cư trong chuyến viếng thăm nhà thờ Thánh Elizabeth ở Budapest vào ngày thứ hai của chuyến thăm, bắt đầu vào hôm thứ Sáu khi ngài cảnh báo rõ ràng về những nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở Âu Châu.
Đức Phanxicô đã được một ban nhạc người Di-gan gốc Hung Gia Lợi mặc quần áo có hoa văn đàn hát và dường như thưởng thức âm nhạc khi họ lượn quanh ngài khi ngài ngồi trên xe lăn.
Nhưng những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nghe trước đó ảm đạm hơn nhiều.
Oleg Yakovlev kể về việc ông và vợ Lyudmila cùng 5 đứa con của họ phải rời Dnipro, Ukraine một năm trước sau các cuộc ném bom của Nga.
“Chúng con được chào đón ở đây và chúng con đã tìm thấy một ngôi nhà mới nhưng nhiều người vẫn phải chịu đau khổ và đau đớn vì chiến tranh,” Yakovlev nói với Đức Thánh Cha.
Ngồi ở hàng ghế đầu tiên của nhà thờ cùng với gia đình, đứa con út của gia đình Yakovlev, một cậu bé khoảng bốn tuổi, thích thú với sự chú ý mà cậu đang nhận được, làm mặt nhăn nhó với các phóng viên khi cha cậu nói về hỏa tiễn, những tòa nhà đổ nát và một quãng đường dài 1.500 km trong chuyến đi đến nơi an toàn.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, hàng triệu người tị nạn đã chạy trốn qua Trung Âu, bao gồm cả Hung Gia Lợi, và chuyển đến các quốc gia khác. Khoảng 35.000 người đã nộp đơn xin quy chế bảo vệ tạm thời ở Hung Gia Lợi.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người đang phải chịu cảnh nghèo đói và bi kịch là một phần không thể thiếu để trở thành một Kitô hữu, ngay cả khi những người gặp khó khăn đó không cùng tôn giáo với mình.
“Ngay cả giữa đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình yêu, chúng ta sẽ tìm thấy can đảm cần thiết để tiếp tục tiến về phía trước: chúng ta tìm thấy sức mạnh để tin rằng tất cả sẽ không mất đi, và một tương lai khác là có thể,” ngài nói.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã gặp Tổng Giám Mục Hilarion, đại diện của Giáo Hội Chính thống Nga tại Budapest.
Dưới tác động của Thượng Phụ Kirill, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của tổng giáo phận Volokolamsk, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa kể từ năm 2009, đã bị Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga bãi nhiệm.
Vị Tổng Giám Mục thường được xem là cánh tay phải của Thượng phụ Kirill về các vấn đề đối ngoại, được ghi nhận là có quan điểm khác với Thượng Phụ Kirill về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Từ việc coi sóc tổng giáo phận Volokolamsk, nơi có hàng trăm ngàn tín hữu Chính Thống Giáo, Tổng Giám Mục Hilarion giờ đây trở thành Tổng Giám Mục của Budapest và Toàn Hung Gia Lợi. Tên nghe có vẻ kêu nhưng thực tế chỉ có vài trăm tín hữu. Chúa Nhật và các ngày lễ trọng giáo dân ngồi không quá 5 hàng ghế. Tổng giáo phận Budapest cũng không hoàn toàn mới mẻ đối với Tổng Giám Mục Hilarion. Thật vậy, đó là một lãnh thổ mà ngài biết quá rõ vì ngài là Giám Quản Tông Tòa từ những năm 2000. Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 6, Tổng Giám Mục Hilarion đã đến thăm Hung Gia Lợi và gặp gỡ với Đức Hồng Y Tổng Giám mục Peter Erdö của Budapest. Trong khi ngài đang ở đó, Thượng Phụ Kirill triệu tập một cuộc họp tại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa với kết quả là yêu cầu Tổng Giám Mục Hilarion ở lại Hung Gia Lợi, không cần về Nga nữa.
Như thế, có thể nói vắn tắt, Tổng Giám Mục Hilarion đã bị loại bỏ hầu hết các chức vụ, và chỉ còn giữ được một chức vụ khiêm tốn nhất trong các chức vụ đã đảm nhận.
Từng là học giả tại Đại Học Oxford, Tổng Giám Mục Hilarion là một trong những kiến trúc sư vĩ đại trong việc mở cửa Giáo Hội Chính thống Nga ra thế giới trong những năm gần đây, trước khi Nga xâm lược Ukraine. Tham gia vào đối thoại giữa các tôn giáo, ngài cũng thể hiện mình trong mối quan hệ hợp tác giữa Mạc Tư Khoa và Rôma, đặc biệt thể hiện qua cuộc gặp gỡ lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill tại Cuba vào năm 2016.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion và Đức Bênêđíctô XVI cũng có một mối quan hệ thân tình, một phần vì tình yêu âm nhạc chung của các vị. Tổng Giám Mục Hilarion là một nhà soạn nhạc và vở nhạc kịch Cuộc Thương Khó Chúa Kitô theo Thánh Matthêu của ngài đã được trình bày tại Rôma sau khi ra mắt ở Mạc Tư Khoa.
Cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã làm đảo lộn sự cân bằng trong Giáo hội Chính thống giáo Nga, trong đó Giáo chủ Kirill đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Trong tình huống mới này, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tránh xa những tuyên bố của Kirill, bất kể các ủy nhiệm của Kirill phải thể hiện quan điểm cởi mở này với Putin - nhưng sau đó, có lẽ ngài đã đi xa hơi khi công khai bày tỏ quan điểm đối kháng” Carol Saba, một chuyên gia về Chính thống giáo và một luật sư tại Paris Bar nhận định.
Theo Carol Saba, bất kể quyết định thanh trừng này, Tổng Giám Mục Hilarion vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong Giáo Hội Chính thống Nga trong tương lai khi không còn Kirill và cũng chẳng còn Putin.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã chia rẽ thế giới Chính thống giáo và làm căng thẳng mối quan hệ giữa Vatican và Chính Thống Giáo Nga.
Thượng phụ Kirill, là một đồng minh thân cận của Putin. Kirill hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến như một bức tường thành chống lại một phương Tây mà ông mô tả là suy đồi.
Liên minh Âu Châu đã cố gắng đưa Kirill vào danh sách trừng phạt của mình vào năm ngoái nhưng các quốc gia thành viên đã không tìm được sự nhất trí về vấn đề này vì Hung Gia Lợi phản đối việc đưa ông vào.
Mối quan hệ giữa Vatican và Chính Thống Giáo Nga trở nên lạnh nhạt kể từ khi Đức Phanxicô nói vào năm ngoái rằng Kirill không nên là “cậu bé giúp lễ của Putin”.
3. Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với người tị nạn
Trong phần tiếp theo của chương trình, Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha với người tị nạn qua phần trình bày của Túy Vân
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Tôi rất vui khi được ở đây với anh chị em. Xin cảm ơn Đức Giám Mục Antal vì những lời chào mừng và đã mô tả sự phục vụ quảng đại mà Giáo hội Hung Gia Lợi thực hiện cho và với người nghèo. Những người túng thiếu – chúng ta đừng bao giờ quên – là tâm điểm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để đem tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4:18). Do đó, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách thức lớn: chúng ta phải bác bỏ việc để đức tin mà chúng ta tuyên xưng bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một lòng đạo đức dẫn đến một loại “chủ nghĩa vị kỷ thiêng liêng”, một nền linh đạo do chính tôi sáng tạo để duy trì sự yên tĩnh và tự mãn bên trong của chính tôi. Đức tin đích thực luôn thách thức, chấp nhận rủi ro, nó dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và nói ngôn ngữ bác ái bằng chứng tá cuộc sống của chúng ta. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, có nhiều khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu thiếu bác ái, chúng ta chẳng có gì và chẳng là gì cả (x. 1 Cr 13:1-13).
Ngôn ngữ của lòng bác ái. Đó là ngôn ngữ được nói bởi Thánh Êlidabét, người mà người dân Hung Gia Lợi rất sùng kính và yêu mến. Khi đến đây sáng nay, tôi đã nhìn thấy bức tượng của thánh nữ ở quảng trường, với phần đế cho thấy thánh nữ đang nhận sợi dây của Dòng Phanxicô và cho nước để làm dịu cơn khát của một người đàn ông nghèo. Đây là một hình ảnh hùng hồn của đức tin: những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người là nguồn cảm hứng cho Thánh Êlidabét, đều trở nên có lòng bác ái đối với người nghèo. Vì “nếu ai nói: 'Tôi yêu Thiên Chúa ' mà ghét anh em mình, thì người ấy nói dối; vì ai không yêu anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình không thấy được” (1 Ga 4:20). Thánh Êlidabét, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự thoải mái của cuộc sống tại cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi được chạm đến và biến đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, bà cảm thấy ghê tởm sự giàu có và phù phiếm của thế gian, và tìm cách từ bỏ chúng và quan tâm đến những người túng thiếu. Vì thế, bà không chỉ bán tài sản của mình mà còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đó là ngôn ngữ của bác ái.
Brigitta đã nói chuyện với chúng ta về điều này, và tôi cảm ơn cô vì sự làm chứng của cô. Cô kể cho chúng ta nghe về những thiếu thốn, những khó khăn và vất vả của cô để cố gắng vượt qua và giữ cho những đứa con của cô không bị đói. Sau đó, vào thời điểm tàn khốc nhất, Chúa đã đến giúp đỡ cô. Cô nói với chúng ta cách Chúa đến can thiệp. Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, Đấng “bảo vệ công lý cho kẻ bị áp bức, Đấng ban bánh cho kẻ đói ăn” và “nâng đỡ những kẻ đang cúi đầu”, hầu như không bao giờ can thiệp bằng cách giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao. Thay vào đó, Người đến gần chúng ta với vòng tay yêu thương dịu dàng của Người, khơi dậy lòng cảm thương nơi các anh chị em của chúng ta, những người lưu ý và chọn không thờ ơ. Như Brigitta đã đề cập, cô có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, nhờ rất nhiều người đã cố gắng hết sức để giúp đỡ cô, khuyến khích cô, tìm cho cô một công việc và hỗ trợ cô cả về nhu cầu vật chất lẫn hành trình đức tin của cô. Đó là loại chứng tá mà chúng ta được yêu cầu đưa ra: thể hiện lòng cảm thương đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang gặp cảnh nghèo đói, bệnh tật và đau đớn; cảm thương, có nghĩa là “chịu đựng cùng”. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa chúng ta nhất, kể cả những người không có tín ngưỡng.
Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Giáo hội ở Hung Gia Lợi vì đã phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Anh chị em đã xây dựng một mạng lưới liên kết các nhân viên mục vụ, tình nguyện viên, các tổ chức Caritas của giáo xứ và giáo phận, đồng thời thu hút các nhóm cầu nguyện, các cộng đồng tín hữu và các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng vẫn đoàn kết trong mối hiệp thông đại kết phát sinh từ lòng bác ái. Cũng xin cảm ơn anh chị em vì đã chào đón rất nhiều người tị nạn từ Ukraine– không những chỉ với lòng quảng đại mà còn với sự nhiệt tình –. Tôi đã cảm động khi lắng nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh ấy. “Hành trình đến tương lai” của họ - một tương lai khác, khác xa với nỗi kinh hoàng của chiến tranh - thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh đã nhận được ở Hung Gia Lợi nhiều năm trước, khi anh đến làm việc ở đây với tư cách là một đầu bếp. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh được tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình yêu nhận được thắp lại hy vọng và thôi thúc con người bắt đầu một hành trình mới trong cuộc sống. Ngay cả giữa đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình yêu, chúng ta sẽ tìm thấy can đảm cần thiết để tiếp tục tiến về phía trước: chúng ta tìm thấy sức mạnh để tin rằng tất cả sẽ không mất đi, và một tương lai khác là điều có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta thực hành có thể giúp nhổ bật gốc rễ những sự dữ của tính ích kỷ và tai họa của sự thờ ơ khỏi xã hội, khỏi các thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta sống, đồng thời thắp lại hy vọng về một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi tất cả mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.
Đáng buồn thay, nhiều người, ngay cả ở đây, thực sự là người vô gia cư. Nhiều anh chị em dễ bị tổn thương hơn của chúng ta – sống một mình, vật lộn với nhiều khuyết tật về thể chất và tinh thần, bị tàn phá bởi chất độc của ma túy, ra tù hoặc bị bỏ rơi vì già yếu – đang phải chịu cảnh nghèo khó trầm trọng về vật chất, văn hóa và tinh thần; họ không có mái che và không có nhà để ở. Zoltàn và vợ của anh ấy là Anna đã cung cấp cho chúng tôi lời chứng của họ về vấn đề to lớn này – cảm ơn vì những lời của anh chị! Cũng xin cảm ơn anh chị vì đã đáp lại sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, đã dẫn dắt anh chị với lòng can đảm và quảng đại xây dựng một trung tâm tiếp nhận những người vô gia cư. Tôi rất cảm động khi biết rằng, cùng với nhu cầu vật chất của họ, anh chị quan tâm đến những câu chuyện cá nhân và phẩm giá bị tổn thương của họ, chăm sóc họ trong sự cô đơn và cuộc đấu tranh của họ để cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Anna nói với chúng tôi rằng, “Chúa Giêsu, Lời hằng sống, chữa lành tâm hồn và các mối quan hệ của họ, bởi vì người ta được xây dựng lại từ bên trong”; một khi họ nhận ra rằng trong mắt Thiên Chúa họ được yêu thương và ban phước, họ được tái sinh. Đây là một bài học cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp bánh cho no bụng thì không đủ; chúng ta cần lấp đầy trái tim của người ta! Từ thiện không chỉ là trợ giúp vật chất và xã hội. Nó liên quan đến toàn bộ con người; nó cố gắng đưa con người đứng dậy bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp họ phục hồi vẻ đẹp và phẩm giá của họ.
Làm từ thiện có nghĩa là can đảm nhìn vào mắt mọi người. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác trong khi ngoảnh mặt đi. Làm bác ái đòi hỏi can đảm tiếp xúc: chúng ta không thể bố thí từ xa mà không đụng chạm. Phải chạm và phải nhìn. Bằng cách này, bằng cách chạm và nhìn, chúng ta bắt đầu hành trình với những người đang gặp khó khăn. Và điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cần cái nhìn và sự đụng chạm của Chúa xiết bao.
Thưa anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em luôn nói ngôn ngữ bác ái. Bức tượng ở quảng trường này tượng trưng cho phép lạ nổi tiếng nhất của Thánh Êlidabét: chúng ta được kể rằng Chúa đã từng biến những ổ bánh mì mà bà mang đến cho người nghèo thành rất nhiều hoa hồng. Đây cũng là trường hợp của anh chị em: bất cứ khi nào anh chị em cố gắng cung cấp bánh cho người đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa trong anh chị em và truyền vào cuộc sống của anh chị em hương thơm của món quà tình yêu mà anh chị em trao tặng. Thưa anh chị em, hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là anh chị em sẽ luôn lan tỏa hương thơm bác ái trong Giáo hội và trên đất nước của mình. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.