1. Cần 30.000 người thiện nguyện cho Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon
Ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Bồ Đào Nha cho biết đang cần thêm nhiều người thiện nguyện cho công trình to lớn này.
Hãng tin “Ecclesia” của Công Giáo Bồ Đào Nha đưa tin, theo Ban tổ chức, đã có 20.000 người tại nước này ghi danh sơ khởi để phụ giúp các sinh hoạt của Ngày Quốc tế Giới trẻ, nhưng vì những lý do khác nhau, nhiều ứng viên không hoàn tất được tiến trình ghi danh. Vì thế, Ban tổ chức tiếp tục chiến dịch cổ võ để thu hút nhiều người thiện nguyện nhằm đạt tới con số 30.000 người cần thiết.
Đức Cha Américo Aguiar, Trưởng ban tổ chức, nói với báo Sapo24 ở Bồ Đào Nha rằng: “Chúng ta cần thêm nhiều người thiện nguyện, nhưng không phải ai cũng có thể ngưng cuộc sống nghề nghiệp hoặc học hành của họ để dấn thân trong công việc của Ngày Quốc tế Giới trẻ. Tại nhiều nước khác, những người trẻ tạm ngưng việc học hoặc công việc làm để tham gia một công tác bác ái là điều bình thường, nhưng tại Bồ Đào Nha này, đó chưa phải là điều thuộc văn hóa của chúng ta”.
Đức Cha Aguiar giải thích rằng: “Chúng ta cần những người từ 18 đến 60 tuổi, có tinh thần trách nhiệm, phục vụ và khả năng làm việc trong êkíp và với sự tự lập, có thể hỗ trợ các tín hữu tham gia các sinh hoạt của Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon”.
Chúa nhật, ngày 23 tháng Tư vừa qua, lúc 8 giờ 23 phút tối, tất cả hơn 900 giáo xứ ở Bồ Đào Nha đã gióng chuông để đánh dấu: còn đúng 100 ngày nữa là đến Ngày Quốc tế Giới trẻ! Nhiều đền đài lịch sử ở Bồ cũng được chiếu đèn trên mặt tường, với màu cờ Bồ Đào Nha và huy hiệu của Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Mặt khác, hôm thứ Bảy, ngày 22 tháng Tư trước đó, Thị trưởng thành Lisbon, ông Carlos Moedas, đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican. Trong dịp này, ngài nói với ông rằng: “Tôi vui mừng trở lại Lisbon và Bồ Đào Nha. Tôi hài lòng vì những gì anh chị em đang làm. Và tôi cũng xin lỗi vì sáng kiến tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon có thể gây xáo trộn cho đời sống của anh chị em. Tôi cầu chúc anh chị em những gì tốt đẹp nhất và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Cám ơn vì những gì anh chị em đang làm”.
Theo Ban tổ chức, ngoài số người hơn nửa triệu đã ghi danh tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon, số người đến Bồ Đào Nha trong tuần lễ đầu tiên của biến cố này có thể lên tới hơn một triệu người.
2. Thánh Kinga của Ba Lan: Vị thánh bảo trợ của Ba Lan
Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ sáu nói về Thánh Elizabeth của Hung Gia Lợi qua phần trình bày của Túy Vân.
Còn được gọi là Cunegunda, Kinga là em gái của Thánh Margaret của Hung Gia Lợi. Trái với ý muốn của mình, cô đã kết hôn với Vua Boleslas V của Ba Lan. Giống như Margaret, cô ấy mơ ước được gia nhập một dòng tu. Chồng cô đã chấp nhận ý muốn của cô và quyết định sống một cuộc sống khó nghèo và khiết tịnh với cô. Rất được người dân Ba Lan yêu mến, cô đã bán tất cả những gì mình sở hữu sau cái chết của chồng và gia nhập tu viện Thánh Clara Khó Nghèo mà cô đã thành lập ở Stary Sacz. Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho cô vào năm 1999.
Thánh Stêphanô Pongracz vị tử đạo thành Košice
Sinh ra vào cuối thế kỷ 16 tại Rumani trong một gia đình người Hung Gia Lợi, Stêphanô Pongracz gia nhập Dòng Tên và được đào tạo tại Praha, Ljubljana và sau đó là Áo, nơi ngài được thụ phong linh mục. Được gửi đến giảng dạy gần Košice, thuộc Slovakia ngày nay, ngài bị bắt cùng với hai người bạn đồng hành khác – là tu sĩ Dòng Tên Melchior Grodziecki và một linh mục người Croatia, Cha Marko Krizin - bởi quân đội Tin Lành Calvin của Bethlen, hoàng tử của Transylvania. Bị buộc phải nhịn ăn trong vài ngày, sau đó họ bị tra tấn dã man và tất cả đều chết vì vết thương. Điều này đã gây ra đau buồn sâu sắc trong dân chúng, vì họ đánh giá cao ba linh mục, và Hoàng tử Bethlen buộc phải chôn cất họ một cách đàng hoàng. Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho các ngài ở Košice vào năm 1995.
3. Đức Hồng Y Farrell nói: Vatican chuẩn bị văn bản cho các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống của Vatican đang chuẩn bị một tài liệu đề cập đến các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, theo lời bộ trưởng thánh bộ, là Đức Hồng Y Kevin Farrell.
Đức Hồng Y Farrell đã đề cập đến tài liệu đang được tiến hành trong một bài phát biểu bằng tiếng Ý vào ngày 22 tháng 4, khai mạc một cuộc họp của thánh bộ, nhằm thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ gia đình và sứ mệnh của giáo dân. Ngài đã nói về tầm quan trọng của việc cung cấp sự giúp đỡ và hướng dẫn cho “những người đang trải qua đủ loại khủng hoảng trong hôn nhân.”
“Về mặt này, bộ cũng đang làm việc để chuẩn bị một văn bản sẽ đặc biệt quan tâm – như Ngài mong muốn, thưa Đức Thánh Cha – đến những người đàn ông và phụ nữ, sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, sẽ sống trong những cuộc hôn nhân mới,” Đức Hồng Y Farrell nói.
Ngài không cho biết khi nào tài liệu sẽ được phát hành.
Giáo hội dạy rằng những người Công Giáo đã ly hôn và tái hôn mà không bị hủy hôn thì không được rước lễ, một giáo huấn đã được Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị tái khẳng định trong tông huấn Familiaris Consortio năm 2005. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng có thể tùy từng trường hợp mà những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể đến với Bí tích Thánh Thể, kể cả những trường hợp mà vợ chồng thực hành tiết dục trong hôn nhân của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi về việc liệu những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hay không bằng cách nói: “Chúng ta không thể giản lược tình trạng con người thành một tình trạng bắt buộc”. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nên xem xét điều mà vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI đã nói về chủ đề tiêu hôn, khẳng định rằng “phần lớn các cuộc hôn nhân trong nhà thờ là vô hiệu vì thiếu đức tin”.
“Và hãy nghĩ về điều này: Đôi khi một người đi dự đám cưới và có vẻ như đó là một buổi tiếp đón xã giao chứ không phải một bí tích,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Khi những người trẻ tuổi nói 'mãi mãi', ai biết được ý của họ đối với từ 'mãi mãi.'“
Source:Catholic News Agency