1. Liên Hiệp Quốc cảnh báo hơn 800.000 người có thể rời khỏi Sudan
Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cảnh báo rằng 800.000 người có thể phải chạy trốn khỏi Sudan trong bối cảnh giao tranh dữ dội giữa các phe phái quân sự đối địch.
Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương kể từ khi xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF nổ ra vào ngày 15/4.
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc,, gọi tắt là UNHCR, cho biết: “UNHCR, cùng với các chính phủ và đối tác, đang chuẩn bị cho khả năng hơn 800.000 người có thể chạy trốn chiến sự ở Sudan sang các nước láng giềng,” giám đốc cơ quan Filippo Grandi cho biết trong một tweet.
“Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra, nhưng nếu bạo lực không dừng lại, chúng ta sẽ thấy nhiều người buộc phải chạy trốn khỏi Sudan để tìm kiếm sự an toàn.”
Dòng tweet của Grandi được đưa ra khi các cuộc đấu súng và các vụ nổ một lần nữa làm rung chuyển thủ đô của Sudan hôm thứ Hai bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được chính thức đồng ý giữa các bên tham chiến và trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đã đưa đất nước đến gần “điểm phá vỡ”.
Sự hỗn loạn, hiện đã bước sang tuần thứ ba, đã gây ra làn sóng di cư ồ ạt sang các nước láng giềng, bao gồm Nam Sudan, Ai Cập, Ethiopia và Chad.
Sudan đã tiếp nhận 1,13 triệu người tị nạn trước khi xung đột bắt đầu, trong đó có khoảng 800.000 người từ Nam Sudan.
Cuộc chiến cũng đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt của người nước ngoài và nhân viên quốc tế.
Source:radiotamazuj.org
2. Thông tấn xã Nga cho rằng 'Sứ mệnh hòa bình' của Vatican liên quan đến các nỗ lực hòa giải giữa Nga và Ukraine
Trong bản tin đánh đi hôm 2 Tháng Năm, trích dẫn một quan chức Vatican không được nêu tên, thông tấn xã TASS của Nga nói rằng “Sứ mệnh hòa bình của Vatican” được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trước đó là một phần trong nỗ lực hòa giải của Tòa thánh nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, và các đại diện của Đức Thánh Cha có thể được cử đến cả Mạc Tư Khoa và Kyiv vì mục đích này.
“Đây có thể là đại diện của Giáo triều Vatican hoặc các nhà ngoại giao,” quan chức này nói. Ông nhắc lại rằng Đức Thánh Cha đã nói với các phóng viên khi đi từ Budapest về Rôma vào ngày 30 tháng 4 rằng sáng kiến này “chưa được công khai”. Theo quan chức này, Tòa thánh và Đức Phanxicô luôn bày tỏ thiện chí hòa giải hòa bình, và Đức Thánh Cha cho biết ngài sẵn sàng viếng thăm cả hai thủ đô.
Trong Thánh lễ cuối cùng khi kết thúc chuyến viếng thăm Budapest vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha kêu gọi người dân Hung Gia Lợi cầu nguyện cho các dân tộc Nga và Ukraine. Sau đó, Đức Phanxicô xác nhận rằng ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được một giải pháp hòa bình. Ngài cũng đề cập đến cuộc gặp “bị hoãn” với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, và nói rằng cuộc gặp này phải được tổ chức.
Các nguồn tin trong Giáo hội Chính thống Nga cho biết không có ai tích cực làm việc để cuộc họp này diễn ra.
Source:Tass
3. Ý cầu nguyện tháng 5 của Đức Thánh Cha: Cầu cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội
Đức Thánh Cha Phanxicô xin cầu nguyện cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội, vì đây là những “món quà” và “kho báu” trong Giáo hội.
Trong thông điệp video của mình, được phát hành hàng tháng bởi Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Những phong trào và hội đoàn làm đổi mới Giáo hội với khả năng đối thoại để phục vụ sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.” Ngài cũng lưu ý rằng mỗi nhóm có đặc sủng riêng, cho phép họ thể hiện cả vẻ đẹp và sự mới lạ của việc loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha giải thích, mỗi đặc sủng đều khác nhau nhờ tính sáng tạo là đặc điểm của các nhóm và phong trào khác nhau. Họ dường như đang nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chúng ta có thể hiểu họ.
Đồng thời, Đức Thánh Cha cảnh báo họ tránh cám dỗ thu mình lại, bằng cách mời gọi họ tiếp tục làm việc “để phục vụ các Giám mục và các giáo xứ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích họ “luôn luôn đổi mới, đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần trước những thách thức trong thế giới ngày nay,” trong khi vẫn “kết hợp với Giáo hội, vì sự hợp nhất là quà tặng của Chúa Thánh Thần.”
Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp của mình bằng lời cầu nguyện “xin cho các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội mỗi ngày mỗi khám phá lại sứ mệnh của mình, sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, để họ dùng các đoàn sủng của mình mà phục vụ các nhu cầu của thế giới.”
Trong thông cáo báo chí quảng bá ý cầu nguyện của tháng này, Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu nêu bật một số phong trào giáo hội và hiệp hội giáo dân truyền bá Tin Mừng khắp thế giới, bao gồm Shalom, Rước lễ và Giải phóng, Chân trời mới, Cộng đồng Sant'Egidio và Focolare : “Nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng một sứ mạng duy nhất: loan báo Tin Mừng cho những nơi khác nhau và bằng những cách thức khác nhau.”
Thông cáo báo chí giải thích rằng “Các phong trào trong Giáo hội là những nhóm người cam kết hoạt động tông đồ với đặc sủng riêng của mình, mà Chúa Thánh Thần ban cho vì lợi ích chung của Giáo hội. Bao gồm chủ yếu là các thành viên giáo dân, việc tìm kiếm một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô liên kết họ. Đồng thời, để phục vụ Tin Mừng, họ đối thoại với những người khác ngày nay, bất kể họ ở đâu.”
Video Giáo hoàng là một sáng kiến toàn cầu chính thức với mục đích phổ biến ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha. Nó được thực hiện bởi Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng (Tông đồ Cầu nguyện). Kể từ năm 2016, Video về Giáo hoàng đã có hơn 196 triệu lượt người vào xem trên các mạng xã hội của Vatican và được dịch ra hơn 23 ngôn ngữ, được báo chí đưa tin ở 114 quốc gia. Các video được dàn dựng và phát hành do nhóm Mạng lưới Cầu nguyện Video Giáo hoàng, điều phối bởi Andrea Sarubbi, và được phân phối bởi La Machi Communication. Dự án được tài trợ bởi Vatican Media.