HÃY ĐI!
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.

“All Hallows College”, một đại học danh tiếng ở Ái Nhĩ Lan, nơi đào tạo các linh mục truyền giáo tại các nước nói tiếng Anh. Trên cánh cửa của đại học, người ta có thể đọc thấy khẩu hiệu ghi rõ mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.
Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật Thăng Thiên hôm nay ghi lại mệnh lệnh dứt khoát của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài về trời, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.

Vào thời Chúa Giêsu và những năm đầu tiên của Giáo Hội, thật khó để tưởng tượng Phúc Âm sẽ được rao giảng cho mọi quốc gia. Bởi lẽ, cộng đồng những người tin chỉ là một nhóm thiểu số, rải rác trên một khu vực rất nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, Giáo Hội đã có mặt khắp cả địa cầu; Tin Mừng đã đến với mọi đất nước, mọi dân tộc; Thánh Kinh được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ và các môn đệ của Chúa Giêsu tiếp tục được đào tạo, tiếp tục được sai, ‘Hãy đi!’.

Vậy mà, không ít người trong chúng ta có thể dễ dàng chán nản khi chỉ tập trung vào những gì đang xảy ra trong đời sống Hội Thánh ở một nơi nào đó. Edward Schillebeeckx từng cho rằng, “Chúng ta đang sống chính sự nản lòng của các tông đồ tiên khởi trong thời gian giữa ‘cái chết của Chúa Giêsu và lúc họ nhận ra Ngài đã phục sinh’. Như họ, chúng ta có cùng cảm nhận, cùng hoài nghi với sự mơ hồ của họ trên đường Emmaus. Chúng ta biết Chúa Kitô, nhưng là một Chúa Kitô từng bị đóng đinh; vì thế, chúng ta không nhận ra Ngài đang đi, đang sống giữa chúng ta hơn bao giờ hết, dù theo một cách khác. Như các môn đệ Emmaus, chúng ta thường cúi mặt bước đi đầy hoang mang. Phải, chúng ta cần Chúa Kitô xuất hiện trong một hình hài mới để tái định hình chân dung của Ngài, hầu có thể nhận ra Ngài đang hiện diện!”.

Đồng ý một phần với Schillebeeckx, cha Ron Rolheiser còn có một cái nhìn khác, “Giáo Hội ngày nay đang ở trong khoảng thời gian ‘giữa phục sinh và thăng thiên’; Giáo Hội cảm nhận sự nản lòng đáng kể, với những ‘dung mạo’ phù hợp của một nhận thức cũ về Chúa Kitô, nên không nhận ra Ngài trong giây phút hiện tại. Với những ai lớn lên trong một nhận thức đức tin nào đó, thì Chúa Kitô đã bị đóng đinh. Thế nhưng, Chúa Kitô không chết, Hội Thánh không chết. Cả Chúa Kitô và Hội Thánh đang rất sống động bước đi với chúng ta; Ngài đang dần dần tự mình tái định hình ‘dung mạo’ cho chúng ta, diễn giải Thánh Kinh cho chúng ta, và một lần nữa nói với chúng ta rằng: Không phải Chúa Kitô và Hội Thánh cần chịu nhiều đau khổ sao?”.

Anh Chị em,

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”. Lễ Chúa Lên Trời mời gọi chúng ta đến với một sự thật; rằng, có một Đấng đã chết! Nhưng có một sự thật khác còn phong phú hơn; rằng, Đấng ấy cần từ bỏ cách thức hiện diện trước đây để có thể hiện diện theo một cách mới. Thần học và linh đạo thăng thiên, căn bản gói gọn trong những lời này: Từ chối bám chặt vào những gì từng có, buông bỏ nó, để có thể nhận ra sự sống mới; đón nhận sinh khí của sự sống ấy và thi hành mệnh lệnh ‘Hãy đi!’ Ngài giao phó. Vì thế, lễ Thăng Thiên là lễ của niềm hy vọng; lễ mời gọi chúng ta hãy hy vọng về Chúa Kitô, về Hội Thánh. Nó không phải là một lễ kỷ niệm sự ra đi của Chúa Giêsu; đúng hơn Ngài đi vào trong một sự hiện diện mới với các tông đồ, với chúng ta cách tuyệt vời hơn trong Thánh Thần và qua Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù con gần đất hơn gần trời, xin đừng để lòng con nặng ‘mùi đất’; cho con luôn hướng lên cao, để có thể ngát thơm ‘mùi trời’ và sẵn sàng ra đi để toả hương!”, Amen.

(Tgp. Huế)