1. Người lái xe tông thẳng vào Tòa Thánh khiến hiến binh Vatican phải nổ súng được đưa vào nhà thương tâm thần
Văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết một người đàn ông không được nêu danh tính đã được đưa vào khu tâm thần của nhà thương Santo Spirito, gần Vatican.
Đương sự chỉ được xác nhận là người Ý, 40 tuổi, bị xáo trộn tâm thần, nhưng ông đã ngưng các biện pháp trị liệu trong những ngày qua.
Chiều ngày 19 tháng Năm, ông đã bị pháp quan ở Vatican thẩm vấn trước sự hiện diện của một luật sư bênh vực. Các bác sĩ của sở y tế Vatican đã khám nghiệm và thấy đương sự ở trong trạng thái thay đổi nghiêm trọng về tâm sinh lý. Thẩm phán quyết định rằng ông buộc phải được chữa trị tại nhà thương.
Tưởng cũng nên nhắc lại là đương sự đã bị giam giữ sau khi lái xe hơi với tốc độ cao vượt qua cổng vào Vatican hôm thứ Năm.
Một lính gác ở lối vào Santa Anna đã bắn về hướng lốp trước của chiếc xe, trúng vào tấm chắn bùn trước bên trái, nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục lao vào khuôn viên Vatican cho đến khi người lái xe vào được Sân San Damaso, là sân chính của Điện Tông Tòa. Tại đó, người đàn ông đã bị Lực lượng hiến binh chặn lại và quản thúc, văn phòng báo chí cho biết.
Vụ việc xảy ra sau 8 giờ tối tại một trong những lối vào chính của Thành phố Vatican bằng xe hơi. Nó nằm ở phía bắc quảng trường Thánh Phêrô và bên cạnh doanh trại Vệ binh Thụy Sĩ. Văn phòng báo chí cho biết ban đầu người đàn ông đến gần lối vào, và vẫn ngồi trong xe của anh ta và bị từ chối vì anh ta không có giấy phép ra vào.
“Bất chấp những chỉ dẫn do Đội Vệ binh Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng cung cấp cho anh ta, là anh ta không thể vào Vatican mà không có sự cho phép của giới hữu trách, anh ta tạm thời lùi ra khỏi lối vào và sau đó quay trở lại với tốc độ cao, tông thẳng vào hai cổng kiểm soát, của Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ và Hiến binh của Quốc gia Thành phố Vatican.
“Người đàn ông, khoảng 40 tuổi, ngay lập tức được các bác sĩ của Tổng cục Y tế và Vệ sinh của Nhà nước Thành phố Vatican đến thăm khám, họ đã phát hiện ra tình trạng thay đổi tâm sinh lý nghiêm trọng,” tuyên bố cho biết.
Ông ta luôn miệng bảo rằng cần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô có một việc rất hệ trọng.
2. Đức Thánh Cha ủy thác cho Đức Hồng Y sứ mệnh hòa bình Ukraine
Theo văn phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, dẫn đầu một sứ mệnh hòa bình để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.
Nhiệm vụ này nhằm mục đích góp phần “làm giảm căng thẳng trong cuộc xung đột Ukraine, với hy vọng rằng điều này có thể khởi xướng những con đường hòa bình, điều mà Đức Thánh Cha không bao giờ từ bỏ,” Matteo Bruni, giám đốc văn phòng, nói với các nhà báo hôm thứ Bảy trong một tuyên bố.
Tuyên bố nói thêm rằng Vatican vẫn đang xem xét cách thức và thời điểm Đức Hồng Y Zuppi sẽ thực hiện sứ mệnh.
Công việc của Đức Hồng Y Matteo Zuppi chắc chắn sẽ rất khó khăn. Cho đến nay, Nga không có ý muốn thương lượng bất kể những tổn thất rất lớn trên chiến trường. Sau khi Tổng thống Zelenskiy đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị G20 tại Bali Indonesia hôm 14 tháng 11 năm ngoái, cựu tổng thống Nga Medvedev, nay là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói 10 điểm là nhiều quá, ông ta có một kế hoạch hòa bình chỉ có một điểm duy nhất đó là Ukraine buông súng đầu hàng vô điều kiện. Điều này xem ra có vẻ vô lý nhưng đó là lập trường chính thức của Nga cho đến nay.
Các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần nêu ra viễn cảnh chiến tranh hạt nhân trong những tháng gần đây. Trước các mối đe dọa này, Mỹ và các đồng minh của họ đã theo dõi các lực lượng hạt nhân của Nga để tìm dấu hiệu di chuyển hoặc chuẩn bị triển khai chúng.
Gần đây nhất, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hồi cuối tháng 4 cho biết mối đe dọa xung đột hạt nhân đang “tăng lên mỗi ngày”.
“Ngày nay có triển vọng như vậy không? Không may là đúng vậy. Và nó đang phát triển mỗi ngày vì những lý do ai cũng biết,” ông ta nói.
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay Medvedev nêu ra viễn cảnh chiến tranh hạt nhân. Vào Tháng Giêng, ông ta đã đăng lên Telegram về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và NATO đối với Ukraine, lưu ý rằng, “thất bại của một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.”
3. Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương cải chính tin tức của các phương tiện truyền thông
Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cải chính tin một số báo chí trong những ngày qua cho rằng ngài sẽ được gửi sang Mạc Tư Khoa để giải thích với Tổng thống Vladimir Putin, rằng chiến tranh tại Ukraine không mang lại gì cả, trái lại càng làm cho vấn đề mà ông muốn giải quyết trở nên phức tạp hơn.
Trong thông cáo ngày 19 tháng Năm, Đức Tổng Giám Mục Tổng trưởng xác quyết rằng ngài không được ủy thác sứ vụ hòa bình như vậy.
Trên chuyến bay từ Hung Gia Lợi về lại Roma, ngày 30 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha tiết lộ là có một sứ vụ hòa bình đối với cuộc chiến tại Ukraine nhưng chưa thể nói được. Khi điều này diễn ra và có kết quả, giới báo chí sẽ được thông báo.
Từ đó đã có nhiều giả thuyết đã được báo chí đưa ra. Nhưng cho đến nay không có tin gì thêm về vấn đề này.
Trong khi đó, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin nhiều lần xác nhận mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Tòa Thánh không từ bỏ cơ hội nào để góp phần mang lại hòa bình, còn Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Ukraine đau thương.
Với thông cáo báo chí của Tòa Thánh vào hôm thứ Bẩy, chúng ta biết Đức Thánh Cha đã chính thức trao sứ vụ này cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý.
Trong khóa họp vừa qua tại Hiroshima, Nhật Bản, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Năm, các nước G7 cảm thấy không có viễn tượng thương thuyết nào với Nga.
Đến nay đã có ba kế hoạch hòa bình cho Ukraine được biết đến. Đó là kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelenskiy trong đó quan trọng nhất là Nga rút quân khỏi biên giới đã được quốc tế công nhận vào năm 1991 của Ukraine.
Kế hoạch hòa bình thứ hai là cựu tổng thống Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev, nay là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia của Nga. Sau khi Tổng thống Zelenskiy đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị G20 tại Bali Indonesia hôm 14 tháng 11 năm ngoái, Medvedev nói 10 điểm là nhiều quá, ông ta có một kế hoạch hòa bình chỉ có một điểm duy nhất đó là Ukraine buông súng đầu hàng vô điều kiện. Kế hoạch hòa bình này xem ra có vẻ vô lý nhưng đó là kế hoạch hòa bình chính thức của Nga cho đến nay.
Kế hoạch hòa bình thứ ba là của Tập Cận Bình bao gồm 12 điểm bị cả Nga lẫn Ukraine phản đối. Tập Cận Bình kêu gọi ngưng bắn tại chỗ. Kyiv, NATO và Hoa Kỳ coi đó là một cái bẫy để quân Nga có thời gian dưỡng quân, tái tổ chức và tấn công tàn bạo hơn sau đó.