1. Quân đội Ukraine báo cáo những thành tựu và sự kháng cự quyết liệt của Nga dọc theo mặt trận phía nam. Nga tuyên bố quân Ukraine bất ngờ chuyển hướng tấn công Mariupol.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 17 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết đã có giao tranh ác liệt dọc theo mặt trận phía nam, với các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine thực hiện gần 1.500 nhiệm vụ hỏa lực chỉ trong ngày cuối qua. Nga đã chịu hàng trăm tổn thất trong cuộc giao tranh gần đây. Nhưng cô nhấn mạnh rằng:
“Các lực lượng xâm lược của Nga ở miền nam Ukraine đang kháng cự quyết liệt, đôi khi kéo thêm quân dự bị từ tuyến phòng thủ thứ hai.”
Theo các blogger quân sự Nga, trái với dự đoán là Ukraine sẽ tấn công Melitopol hay Berdiansk, quân Ukraine đang chuyển hướng tấn công thành phố Mariupol. Các căn cứ quân sự của Nga trong thành phố Mariupol đã trúng phải hàng loạt các cuộc pháo kích gần như liên tục trong 24 giờ qua.
Khi được hỏi về những bình luận này, Thứ trưởng Hanna Maliar xác nhận quân Ukraine đang tấn công theo hướng thành phố Mariupol, nhưng cho rằng quân Ukraine vẫn tiếp tục tấn công ở các hướng khác.
Cô cho biết các đơn vị Ukraine đang củng cố các bước tiến xung quanh các thành phố phía nam Melitopol, Berdiansk và Mariupol, ba mục tiêu chính của họ trong cuộc tấn công ở phía nam. Nhưng cô ước tính lợi ích của Ukraine trong khu vực chỉ giới hạn ở những khoảng cách nhỏ từ một km trở xuống.
“Đối phương đã xây dựng các công sự kỹ thuật, điều này làm phức tạp bước tiến của chúng ta và rất khó giành được các thắng lợi lớn một cách dễ dàng.”
Xa hơn về phía bắc, Maliar cho biết các đơn vị Ukraine đang bảo vệ thị trấn tiền tuyến Avdiivka ở khu vực Donetsk, nơi lực lượng Nga đã cố gắng bao vây trong nhiều tháng.
Cô cho biết các lực lượng của Kyiv đã đạt được một số thành công hạn chế ở những nơi khác trong khu vực Donetsk như xung quanh thị trấn Vuhledar và thành phố Bakhmut vốn có tranh chấp từ lâu.
Hôm thứ Sáu, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, đã lạc quan về tiến bộ của quân đội ông bên ngoài Bakhmut. Ông cho biết các lực lượng chính quy của Nga, hiện đã thay thế nhóm quân sự tư nhân Wagner trong thành phố, đã không đưa ra được mức độ chiến đấu tương tự như quân Wagner.
2. Crimea đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khi Ukraine kêu gọi người dân địa phương chống lại người Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Faces Drone Blitz as Ukraine Urges Locals to Resist Russians”, nghĩa là “Crimea đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khi Ukraine kêu gọi người dân địa phương chống lại người Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Chín máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở Crimea vào rạng sáng ngày thứ Năm, theo các cơ quan xâm lược do Mạc Tư Khoa cài đặt. Đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất chống lại các lực lượng Nga trên bán đảo khi Ukraine tìm cách cô lập và cuối cùng là giải phóng khu vực.
Người đứng đầu Crimea, ông Serge Aksyonov đã viết trên kênh Telegram của mình hôm thứ Năm rằng “chín máy bay không người lái đã được nhìn thấy trên lãnh thổ Crimea: sáu chiếc bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không, và ba chiếc bị gây nhiễu và buộc phải hạ cánh bằng phương tiện tác chiến điện tử”.
“Một máy bay không người lái đã phát nổ ở làng Dokuchayevo,” Aksyonov nói thêm. “Không ai bị thương. Cửa sổ bị vỡ ở một số ngôi nhà.” Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.
Các làn sóng máy bay không người lái trên không và các thuyền không người lái đã trở nên tương đối phổ biến trong 16 tháng chiến tranh toàn diện. Nga cáo buộc các vụ tấn công này là công việc của Ukraine, nhưng các quan chức ở Kyiv thường phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.
Cuộc giao tranh khốc liệt nhất đang diễn ra ở phía bắc và phía đông của bán đảo bị tạm chiếm, nhưng Ukraine đã nói rõ rằng họ coi việc giải phóng Crimea - viên ngọc trên vương miện của nước Nga đế quốc mới của Putin - là trung tâm của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.
Việc giải phóng bán đảo sẽ mất thời gian, mặc dù các quan chức chính trị và quân sự Ukraine cho biết họ không thể ước tính chính xác khi nào việc giải phóng sẽ khả thi. Trong khi đó, cuộc phản công non trẻ của Kyiv đang đẩy mạnh vào miền nam Ukraine bị tạm chiếm, dường như nhằm vào thành phố chiến lược Melitopol và bờ biển Biển Azov xa hơn.
Tiếp cận bờ biển sẽ cắt “cây cầu trên đất liền” của Nga tới Crimea. Nó sẽ hạn chế nguồn cung cấp cho các lực lượng Nga ở đó và cho phép vũ khí tầm xa của Ukraine tấn công các mục tiêu trên bán đảo.
Trong khi các đơn vị Ukraine chiến đấu ở phía bắc, cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine đang kêu gọi các nhóm kháng chiến thân Kyiv ở Crimea đóng góp. Họ đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Tư, kêu gọi cư dân Crimea cung cấp thông tin về các hoạt động quân sự, chính trị và thương mại của Nga, cũng như các vị trí quân sự quan trọng và trung tâm cung ứng.
“Những người Ukraine hiện đang bị tạm chiếm, chúng tôi nhắc nhở các bạn rằng các bạn có thể mang việc giải phóng các vùng đất của chúng ta bởi các lực lượng phòng thủ của Ukraine đến gần hơn,” tuyên bố viết.
“Nhờ có các bạn, chúng ta không chỉ có thể tiêu diệt đối phương mà còn cứu được mạng sống của những người lính và dân thường của chúng ta. Sự đóng góp của các bạn có thể mang tính quyết định trong việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi biên giới năm 1991.”
“Ukraine chắc chắn sẽ đòi lại được Crimea,” tuyên bố nói thêm. “Chúng ta càng có nhiều thông tin, bán đảo Crimea sẽ càng sớm được giải phóng.”
Theo phong trào kháng chiến dân sự Dải băng vàng, các phong trào kháng chiến địa phương đang gia tăng. Nhóm này—được thành lập vào tháng 4 năm 2022 sau cuộc xâm lược của Nga vào các vùng phía nam và phía đông Ukraine— đã và đang dựng các dải ruy băng màu vàng xung quanh các khu vực bị tạm chiếm, cũng như phân phát các áp phích và tờ rơi tìm cách phá hoại các câu chuyện của Nga.
Một bài đăng trên kênh Telegram của nhóm cho biết các dải băng màu vàng đang xuất hiện “hàng loạt” trên khắp Crimea, bao gồm cả ở các thành phố Simferopol, Sevastopol, Yalta và Feodosia.
“Chúng tôi đã phân phát được hơn 400 dải ruy băng. Vâng, điều đó thật khó khăn, bởi vì những kẻ theo chủ nghĩa phát xít đang đẩy mạnh các biện pháp phản gián, họ sợ sự phản kháng của người Ukraine, vì vậy họ lắp đặt camera ở mọi ngã rẽ”.
3. Tổ trác: Nga Vô Tình Khoe Xe Tăng Bị Phá Hủy Của Chính Mình
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Accidentally Shows Off Its Own Destroyed Tank”, nghĩa là “Nga Vô Tình Khoe Xe Tăng Bị Phá Hủy Của Chính Mình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cố gắng giả mạo chiếc xe tăng bị phá hủy của mình là của Ukraine.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết “Các đơn vị chống tăng đã phá hủy một hàng xe bọc thép của Lực lượng Vũ trang Ukraine tại khu vực mỏm đá Vremevsky”. Tuy nhiên, Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Odessa, cho biết Konashenkov đã chia sẻ một đoạn clip về một chiếc xe tăng bị cháy, hóa ra là chiếc T-80BV của chính Nga.
Đoạn phim được công bố một tuần sau khi Ukraine nỗ lực tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga xâm lược. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một xác nhận hiếm hoi về tổn thất quân sự của Điện Cẩm Linh, nói với các blogger quân sự Nga hôm thứ Ba rằng Nga đã mất 54 xe tăng trong các nỗ lực phản công của Kyiv cho đến nay. Newsweek không thể xác minh ngay con số đó.
Đoạn video hôm thứ Ba cũng cho thấy những cảnh quay cận cảnh chiếc xe tăng bị phá hủy và cắt ngang một khẩu hiệu viết bằng tiếng Nga dù bị cháy vẫn có thể đọc được là: “Gấu Chiến thuật Nga”.
Konashenkov tuyên bố: “Một cuộc tấn công không thành công khác đã khiến chế độ Kyiv phải trả giá bằng một số đơn vị xe bọc thép. Các chiến binh của nhóm quân “Miền Đông” đã không cho phép các đơn vị Ukraine tiếp cận tuyến phòng thủ của chúng ta, bắn phá đoàn xe đối phương bằng lựu đạn phóng rocket và hỏa tiễn chống tăng có điều khiển”
Bratchuk viết trên kênh Telegram của mình: “Kênh mini-kill chính thức của Liên bang Nga đã đăng tải đoạn phim 'phá hủy một cột xe bọc thép của Lực lượng vũ trang Ukraine', nơi chiếc xe tăng T-80BV bị phá hủy được thắp sáng. Nhưng có một sắc thái nhỏ - chiếc xe tăng hóa ra là của Nga”
Một trong những trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Mykhailo Podolyak, cho biết hôm thứ Năm rằng một trong những mục tiêu hiện tại của Kyiv là tiêu diệt càng nhiều quân được huy động của Nga và phá hủy càng nhiều thiết bị của Nga càng tốt.
“Tôi nói thẳng thắn, càng nhiều càng tốt để gây áp lực tâm lý lên quân đội Nga,” ông nói.
Ông Podolyak nói thêm rằng những tiến bộ hiện tại của lực lượng vũ trang Ukraine đối với lãnh thổ do Nga xâm lược trong tuần qua là một phần của bài kiểm tra nhằm tìm ra điểm yếu của Mạc Tư Khoa và cuộc phản công quyết định của Ukraine vẫn chưa bắt đầu.
Zelenskiy nói với NBC News trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm rằng quân đội của ông đang “gặp phải sự kháng cự rất quyết liệt,” nhưng “mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp.”
“Tôi có thể nói rằng nhìn chung là tích cực, nhưng rất khó khăn,” ông nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.
4. Các lực lượng Nga chịu tổn thất nhiều vì loại máy bay không người lái đặc biệt của quân Ukraine.
Các nhiệm vụ ban đêm cho đến nay vẫn là một đặc điểm nổi bật trong giai đoạn đầu của cuộc phản công của Ukraine, đặc biệt là ở phần phía nam của đất nước. Các cuộc tấn công của Ukraine có thể làm rung chuyển các tòa nhà cho đến tận thành phố Melitopol và các vụ nổ thắp sáng bầu trời, mặc dù thành phố này cách chiến tuyến khoảng 48 km.
Ukraine vẫn e dè về các cuộc phản công và thậm chí còn dè dặt hơn khi đề cập đến các chi tiết chiến thuật của các hoạt động thăm dò và thúc đẩy dọc theo tiền tuyến. Nhưng về phía Nga, họ có một niềm tin rõ ràng là Ukraine có lợi thế đặc biệt trong lĩnh vực này.
Vào ban ngày, CNN đã theo dõi một đơn vị máy bay không người lái đã dành hàng giờ để tìm kiếm các địa điểm phóng vào ban đêm mà họ có thể tấn công, cũng như tìm ra tọa độ chính xác của mục tiêu.
Quá trình chuẩn bị toàn diện liên quan đến việc bay các máy bay không người lái giám sát khác nhau tới các vị trí của Nga, nhưng cũng dựa vào thông tin tình báo bổ sung từ các đơn vị khác của Ukraine cho đến khi họ có bức tranh hoàn chỉnh về mục tiêu.
Trước khi phóng, họ lái xe trong bóng tối hoàn toàn, tắt đèn pha và sử dụng kính nhìn ban đêm để nhìn đường và đến địa điểm phóng được chỉ định.
Họ che giấu phương tiện của mình và đi bộ vài trăm mét, trong khi lực lượng Ukraine và Nga trao đổi pháo binh. Chỉ dựa vào ánh sáng đỏ - mà theo họ, đó là máy bay không người lái của Nga, đặc biệt là khi chúng không nhìn thấy chúng mở đèn để chiếu sáng đường đi.
Tất cả đều được dàn dựng cẩn thận để che giấu dấu vết của họ và bảo đảm vị trí của họ không bị máy bay không người lái của Nga nhìn thấy và làm mồi cho pháo binh của Putin trong khi họ thực hiện cuộc tấn công của mình.
Tại chỗ, họ chuẩn bị máy bay không người lái - một chiếc 4 cánh quạt lớn do Ukraine sản xuất - và chất nổ để thả xuống vị trí của Nga. Thiết bị này có thể mang trọng tải lên tới 45 pound, nhưng đôi khi họ cũng tạo ra một quả mìn ngẫu hứng – sử dụng những thứ do do lực lượng Nga bỏ lại khi rút lui khỏi Kherson.
Các máy bay không người lái của Ukraine có hệ thống quang nhiệt có thể nhìn thấy ban đêm mà không cần mở đèn, lặng lẽ bay đến các mục tiêu đã được xác định vào ban ngày và thả chất nổ xuống, rồi chuồn êm.
5. Tổng thống Biden sẵn sàng loại bỏ những rào cản để Ukraine gia nhập NATO
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảm thấy thoải mái với việc loại bỏ một trong những rào cản để Ukraine gia nhập NATO, một nguồn tin quen thuộc với tình hình nói với CNN.
Theo nguồn tin này, Biden sẽ sẵn sàng từ bỏ Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên, gọi tắt là MAP, cho Ukraine, vốn được mô tả trong một thỏa thuận năm 2008 là “bước tiếp theo của Ukraine... trên con đường trở thành thành viên trực tiếp của họ”. MAP, được mô tả là “chương trình tư vấn, và hỗ trợ thiết thực phù hợp với nhu cầu cá nhân của các quốc gia muốn gia nhập Liên minh,” là một quá trình mà các quốc gia khác phải thực hiện để gia nhập NATO.
Tại sao điều này lại quan trọng: Việc loại bỏ nó sẽ thể hiện một bước nhằm tăng tốc sự gia nhập của Ukraine vào liên minh phòng thủ.
Nguồn tin cho biết đây là một phần đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và đã được thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Washington hồi đầu tuần.
Nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ quan tâm nhất đến việc tìm ra một đề xuất cụ thể sẽ được các đồng minh còn lại ủng hộ và sẽ báo hiệu cho Ukraine rằng họ đang đạt được tiến bộ trong việc trở thành thành viên.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn không coi việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh là sắp xảy ra do những cải cách mà Kyiv cần phải thực hiện, và nguồn tin cho biết đề xuất của ông Stoltenberg phản ánh điều này.
Đề xuất của người đứng đầu NATO không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc Ukraine trở thành một thành viên của liên minh, đây là điều đã được một số thành viên trong liên minh thúc đẩy.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông hiểu rằng đất nước của ông không thể trở thành thành viên của NATO khi vẫn còn chiến tranh.
6. Thất bại trên chiến trường, Nga đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về chiến tranh hạt nhân
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Issues Dire Warning About Nuclear War”, nghĩa là “Nga đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về chiến tranh hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một cách để tự vệ trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine bắt đầu từ tháng 2 năm ngoái.
Maria Zakharova, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số tình huống nghiêm trọng.
Bà ta nói: “Chính sách răn đe hạt nhân của Nga mang tính phòng thủ nghiêm ngặt. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân rõ ràng bị hạn chế bởi các tình huống bất thường trong khuôn khổ các mục đích phòng thủ nghiêm ngặt”.
Zakharova nói tiếp rằng: “Không thể có người chiến thắng trong đó. Nó không bao giờ nên được tung ra. Chúng tôi liên tục kêu gọi tất cả các bên khác tham gia tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo của năm quốc gia hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và không thể chấp nhận một cuộc chạy đua vũ trang không tuân thủ các định đề này.”
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã được thảo luận nhiều lần trên truyền hình nhà nước Nga, nhưng một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thực sự sử dụng chúng và đặt câu hỏi về lợi ích chiến lược của việc làm như vậy.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga cũng ám chỉ rằng nước bà có thể đảo ngược quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, có tên là Khởi đầu Mới, gọi tắt là START, là thỏa thuận 10 năm mà Nga và Mỹ bắt đầu từ năm 2010 về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Theo thỏa thuận, cả hai nước không được phép triển khai hơn 1.550 vũ khí hạt nhân chiến lược. Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với các nhà lập pháp vào tháng 2 rằng Mạc Tư Khoa sẽ tạm thời đình chỉ vai trò của mình trong thỏa thuận nhưng sẽ không rút hoàn toàn. Putin sau đó đã ký một đạo luật vào ngày 1 tháng 3 đình chỉ vai trò của Mạc Tư Khoa trong hiệp ước.
“Trong trường hợp này, vâng, chỉ khi Washington thể hiện ý chí chính trị và nỗ lực giảm căng thẳng, xuống thang và tạo điều kiện để nối lại hoạt động đầy đủ của hiệp ước,” bà Zakharova cho biết hôm thứ Năm, theo hãng thông tấn Nga..
Cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra khi Nga tiếp tục chiến đấu với Ukraine, quốc gia gần đây được cho là đã bắt đầu cuộc phản công được chờ đợi từ lâu trong nỗ lực giành lại lãnh thổ của mình. Cuộc chiến giữa quân đội Nga và Ukraine kéo dài khắp các thành phố lớn ở Ukraine, bao gồm Kyiv, Odesa, Kherson và Bakhmut. Chiến tranh vẫn chưa có hồi kết, nhưng các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine để giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này duy trì và tự vệ.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.
7. Những bình luận hiếm hoi của Putin có thể là chiến lược chiến tranh mới
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Rare Comments Could Be New War Strategy”, nghĩa là “Những bình luận hiếm hoi của Putin có thể là chiến lược chiến tranh mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần qua đã công khai thừa nhận một số thiếu sót của quân đội, từ việc không đủ vũ khí cho đến tổn thất các thiết bị đắt tiền.
Đối với một nhà lãnh đạo ít khi thừa nhận những thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine, sự thừa nhận gần đây của Putin đã làm nảy sinh suy đoán rằng ông ta có thể đang áp dụng một chiến lược mới.
Trong một cuộc họp báo ở Sochi hôm thứ Sáu 9 Tháng Sáu, Putin đã phát biểu về việc Ukraine phát động cuộc phản công trong cuộc chiến mà ông ta bắt đầu với cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022. Trong các bình luận của mình, Putin cho biết quân đội của ông thiếu “vũ khí hiện đại” trước khi nói thêm rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ giải quyết vấn đề này.
Putin đã thừa nhận nhiều hơn về những thiếu sót liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine trong cuộc gặp hôm thứ Ba với các blogger quân sự ủng hộ Cẩm Linh. Ông nói rằng lực lượng phòng không của ông đã không được chuẩn bị đầy đủ để đáp trả các cuộc tấn công gần đây vào các khu vực biên giới như Belgorod, và ông nói thêm rằng Nga đã mất 54 xe tăng trong quá trình phản công hiện tại của Ukraine. Chỉ vài ngày trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga đã mất 15 xe tăng.
Putin tại một thời điểm trong cuộc gặp gỡ với các blogger cũng nói rằng “trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, rõ ràng là có sự thiếu hụt nhiều thứ—đạn dược dẫn đường chính xác, thiết bị liên lạc, máy bay, máy bay không người lái, v.v.”.
Giáo sư Mark N. Katz của Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason lưu ý rằng một số blogger quân sự mà Putin nói chuyện hôm thứ Ba đã chỉ trích cuộc chiến của ông ở Ukraine.
“Những tuyên bố của Putin, sau đó, thừa nhận những gì họ đã nói là đúng,” Katz nói với Newsweek. “Ông ấy dường như đang ám chỉ rằng Nga có thể đánh bại Ukraine nếu Mạc Tư Khoa sẵn sàng hy sinh nhiều hơn, hoặc họ có thể giữ vững lập trường chống lại việc Ukraine giành được lợi thế trước Nga với cái giá phải trả thấp hơn cho Nga. Và chỉ có ông ấy, Putin, mới có thể quyết định.”
“Theo quan điểm của tôi, ông ấy dường như đang báo hiệu cho Ukraine rằng nước này nên ngừng nỗ lực giành lại nhiều lãnh thổ nếu không Putin sẵn sàng trả bất cứ giá nào cần thiết để đánh bại Ukraine. Nhưng điều này không nhất thiết phải xảy ra nếu Ukraine chấp nhận các yêu sách của ông ta”.
David Silbey - phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell và giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington - nói với Newsweek rằng việc thừa nhận gần đây của Putin dường như “giống như hai điều hơi khác nhau”.
“Sự thiếu hụt thiết bị giống như một cái cớ phủ đầu nếu cuộc tấn công của Ukraine thành công,” Silbey nói, đồng thời cho biết thêm rằng Putin sau đó có thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất vũ khí Nga vì đã không chế tạo đủ vũ khí cho lực lượng của mình.
Ông nói: “Cách nào cũng hiệu quả – nếu người Ukraine thất bại, thì Putin được vẻ vang vì ông ta có thể thắng bất chấp sự thiếu hụt.”
Đối với các hệ thống phòng không của Nga, Silbey nói, “Putin hơi bế tắc.”
Ông nói thêm: “Các cuộc tấn công xảy ra xuyên biên giới và do đó, ông ấy khó kiểm soát tin tức hơn vì điều đó. “Vì vậy, tôi nghĩ, ông ta thừa nhận một chút bởi vì không thừa nhận gì cả sẽ có vẻ như ông ta hoàn toàn lạc lõng, không nắm được tình hình.”
Tài khoản Twitter bảo thủ Politique Republic đưa ra giả thuyết rằng có lẽ Putin đang lấy một trang trong Binh pháp Tôn Tử để cố gắng khiến Ukraine đánh giá thấp ông ta.
Trong một tweet về việc Putin thảo luận về tình trạng thiếu vũ khí, Politique Republic đã đăng một hình ảnh với câu nói của chiến lược gia quân sự Trung Quốc: “Hãy tỏ ra yếu đuối khi bạn mạnh mẽ, và mạnh mẽ khi bạn yếu đuối”.
Theo Katz, kết quả tổng thể của chiến lược đằng sau những bình luận của Putin có thể không tốt cho hầu hết mọi người.
Katz nói: “Có thể tôi đang hiểu quá nhiều về Putin ở đây, nhưng tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng thoát khỏi tình trạng tồi tệ cho Nga bằng cách đe dọa tạo ra một tình huống tồi tệ hơn cho người Nga, người Ukraine và người phương Tây.
8. Đồng minh của Putin cảnh báo: Nói về vũ khí hạt nhân là 'vô trách nhiệm'
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Nuclear Weapons Talk 'Irresponsible', Warns Putin Ally”, nghĩa là “Đồng minh của Putin cảnh báo: Nói về vũ khí hạt nhân là 'vô trách nhiệm'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Alexander Dugin, một đồng minh có ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cảnh báo hôm thứ Năm rằng nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “vô trách nhiệm”.
“Tôi nghĩ đây là một trường hợp cực đoan. Tôi tin rằng chúng ta còn lâu mới tận dụng hết mọi khả năng chiến thắng mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân,” nhà bình luận chính trị người Nga nói với hãng tin Fontanka bên lề hội nghị kinh tế quốc tế ở thành phố St. Petersburg.
Dugin, 61 tuổi, được cho là kiến trúc sư chủ chốt trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Con gái của ông, nhà hoạt động chính trị Darya Dugina, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe vào tháng 8 năm 2022. Ông đã trả lời bình luận của cố vấn Điện Cẩm Linh, Serge Karaganov, người đã viết trong một bài báo gần đây rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Âu Châu để phá vỡ sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.
Dugin nhấn mạnh rằng: “Như tổng thống của chúng ta đã nói, sẽ không có thế giới nếu không có nước Nga. Điều này cần phải được suy nghĩ nghiêm túc”
Ông nói: “Hiện tại, thật vô trách nhiệm khi nói về ngày tận thế hạt nhân trước thời hạn.”
Dugin cho biết những người như Karaganov hoặc “tôn vinh nền văn minh phương Tây trong nhiều thập kỷ” hoặc họ “trở thành những người Nga yêu nước cực đoan”.
“ Chúng ta chưa cạn kiệt mọi thứ để phải đề cập đến vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta cũng không được quên điều này, đây là lối thoát cuối cùng. Mọi người nên hiểu rằng đây là phương sách cuối cùng,” ông nhấn mạnh.
Trong một bài báo có tiêu đề “Một quyết định khó khăn nhưng cần thiết,” được xuất bản bởi trang web Russia in Global Affairs có liên kết với Điện Cẩm Linh, Karaganov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng của Nga, đề nghị nước ông nên tăng cường tung ra các hăm dọa hạt nhân để thúc đẩy phương Tây “ lùi lại.”
“Đây là một sự lựa chọn tồi tệ về mặt đạo đức. Nếu điều này được thực hiện, không chỉ nước Nga có thể bị diệt vong, mà rất có thể, toàn bộ nền văn minh nhân loại sẽ kết thúc”
Putin đã nói trong một bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào tháng 9 năm 2022 rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga.
“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta – đây không phải là một trò lừa bịp”, nhà lãnh đạo Nga khi đó cho biết.
Nhiều người lo ngại rằng nỗ lực chiếm lại Crimea của Ukraine, mà Putin đã sáp nhập vào năm 2014, sẽ là một lằn ranh đỏ đối với Nga và rằng tổng thống Nga có thể sử dụng năng lực hạt nhân của nước mình để bảo vệ lãnh thổ.
Boris Bondarev, một cựu quan chức ngoại giao Nga đã từ chức công khai vì cuộc xâm lược Ukraine năm ngoái, nói với Newsweek vào tháng Hai rằng các mối đe dọa hạt nhân của Putin chỉ là một trò lừa bịp.
“Hôm nay hắn ta đang bịp bợm và chúng ta biết rằng hắn ta đã bịp bợm về các mối đe dọa hạt nhân. Người Ukraine đã giành lại được một số phần lãnh thổ của họ và không có sự trả đũa hạt nhân nào cả”, ông Bondarev nói. “Nếu bạn sợ Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, thì bạn đã thua trong cuộc chiến chống lại ông ta và ông ta sẽ thắng.”