1. Các nhà hoạt động người Nga kêu gọi giáo dục dân chúng lòng yêu chuộng hòa bình để nước Nga có thể sống được với thế giới
Trong một thông cáo báo chí, nhóm của Navalny, nhà lãnh đạo đối lập Nga, cho biết họ đang lên kế hoạch cho một “chiến dịch lâu dài, quyết liệt và không mệt mỏi và về cơ bản là rất quan trọng, trong đó chúng tôi vận động mọi người yêu chuộng hòa bình và chống lại chiến tranh”. Đó là một nỗ lực mà họ cho rằng Chính Thống Giáo Nga đã thất bại khi giáo chủ Chính Thống Giáo Nga, Thượng Phụ Kirill, quyết liệt ủng hộ cuộc chiến của Vladimir Putin.
Chiến dịch của họ có tên “Hãy chống lại ngõ cụt mà Putin điên cuồng và ngu ngốc đã đưa đẩy chúng ta vào từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.”. Mục tiêu của chiến dịch là thay đổi cơ bản dư luận Nga trong vòng vài tháng.
Nga đã ban hành luật nghiêm ngặt cấm chỉ trích các hành động của quân đội nước này ở Ukraine. Các tổ chức và luật sư vận động cho những người Nga chỉ trích cuộc tấn công đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng.
Hôm thứ Hai, truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng Agora, một nhóm nhân quyền hàng đầu cung cấp trợ giúp pháp lý trong các vụ án chính trị, đã bị dán nhãn là “không mong muốn”.
Navalny, 47 tuổi, đã thụ án tổng cộng 11 năm rưỡi và hiện đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan đến hoạt động bị cáo buộc là “cực đoan”.
Các nhà báo đã tới khu vực nhà tù hình sự nơi Navalny bị giam giữ ở Melekhovo, cách Mạc Tư Khoa khoảng 145 dặm về phía đông. Họ đã bị cấm vào phòng xử án nhưng ban đầu có thể theo dõi quá trình tố tụng qua video từ một căn phòng gần đó, mặc dù âm thanh hầu như không nghe được.
Navalny, trông gầy gò với mái tóc cắt ngắn và mặc bộ đồng phục tù nhân màu đen, đứng và nói to trong ba phút.
Anh ta yêu cầu cha mẹ già của mình được vào phòng xử án nhưng không thành công, và tranh chấp thẩm quyền của thẩm phán từ Mạc Tư Khoa trong việc xét xử anh ta trong một nhà tù cách xa thủ đô.
Nhưng nguồn cấp dữ liệu sau đó đã bị cắt và một phát ngôn viên của tòa án cho biết các thủ tục tố tụng tiếp theo sẽ diễn ra sau cánh cửa đóng kín… Những người ủng hộ Navalny cáo buộc Mạc Tư Khoa đang cố gắng tống anh ta vào tù. Anh ta đã có thời gian dài bị biệt giam, để bịt miệng những lời chỉ trích của anh đối với Putin.
2. Phát động chiến dịch mới yêu cầu trả tự do cho Đức Cha Rolando Álvarez tại Nicaragua
Một chiến dịch quốc tế mới đang được phát động để yêu cầu nhà cầm quyền Nicaragua trả tự do cho Đức Cha Rolando Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa, bị nhà nước độc tài kết án 26 năm bốn tháng tù về tội gọi là “phản quốc”.
Chiến dịch do ông Felix Maradiaga, cựu tù nhân chính trị, cựu ứng viên tổng thống Nicaragua, phát động trong dịp ông tham dự Diễn đàn tự do thứ 15 (Oslo Freedom Forum) cùng với những người bênh vực nhân quyền từ các nơi trên thế giới, nhóm tại Genève, Thụy Sĩ. Chiến dịch mang tựa đề “Chấm dứt sự giam cầm độc đoán”.
Trong một Video truyền đi trên tài khoản Twitter của mình, ông Maradiaga nói rằng: “Như chúng tôi đã thông báo tại Genève, trong dịp này, chúng tôi bắt đầu một chiến dịch hoàn cầu chống lại sự giam cầm độc đoán vị giám mục của chúng tôi, Rolando Álvarez, đang bị cầm giữ tại Nicaragua”.
Đức Cha Álvarez bị bắt từ ngày 10 tháng Hai năm nay. Ngài đã từ chối đi cùng nhóm 222 người bị nhà nước Nicaragua trục xuất sang Mỹ, và muốn ở lại với 37 tù nhân chính trị khác và họ vẫn còn bị cầm tù trong nước.
Trong 5 năm gần đây, chế độ của Tổng thống Daniel Ortega đã tấn Công Giáo hội ít nhất 529 lần, trong đó có 90 vụ năm nay, theo phúc trình của nữ chuyên gia Martha Patricia Molina với tựa đề “Nicaragua, phải chăng là một Giáo hội bị bách hại?”.
Trong Phúc trình có nói đến vụ cầm tù Đức Cha Álvarez, vụ trục xuất 32 nữ tu ra khỏi Nicaragua, bảy cơ sở của Giáo hội bị chế độ tịch thu và nhiều cơ quan truyền thông bị đóng cửa. Trong những ngày gần đây, nhà nước chiếm hữu tài sản của 222 người bị trục xuất, và trước đó đã hủy bỏ quốc tịch Nicaragua của họ.
Trên trang mạng trình bày chiến dịch hoàn cầu vừa nói, có giải thích rằng mục đích chiến dịch là cổ võ một hiệp ước quốc tế cấm sự giam cầm độc đoán những người tham gia các hoạt động chính trị: “Chúng tôi tập trung vào việc bảo vệ những người tranh đấu cho các quyền con người, những người đối lập và các chính trị gia đứng trước các chế độ độc tài sử dụng các biện pháp giam cầm độc đoán, như phương thế bóp nghẹt những tiếng nói phê bình”.
Chiến dịch “Chấm dứt giam cầm độc đoán” cũng nhận xét rằng những vụ bắt bớ trái phép và giam cầm chính trị là một vấn đề nghiêm trọng, lan rộng trên thế giới: Từ Cuba đến Venezuela, Nicaragua, Trung Quốc, Nga, và các chế độ độc đoán khác, hàng ngàn người bị giam giữ bất công vì tranh đấu cho dân chủ và các quyền con người”.
“Tuy đã có các hiệp định quốc tế bảo vệ các quyền con người, nhưng chúng tôi tin rằng một sự dấn thân mạnh mẽ và tập trung hơn sẽ đòi hỏi hữu hiệu hơn trong việc bài trừ bệnh dịch hoàn cầu này”.
3. Khách hành hương đi bộ 59 dặm hay 95 km đến đền thờ Đức Mẹ Walsingham của nước Anh vào mùa hè này
Theo Hiệp hội Thánh Lễ Latinh, gọi tắt là LMS, của Anh và xứ Wales, là nhóm đang tổ chức sự kiện mùa hè này, “Số người tham dự kỷ lục” dự kiến sẽ diễn ra trong cuộc hành hương hàng năm sắp tới tại Đền thờ Đức Mẹ Walsingham nổi tiếng của nước Anh.
Được biết đến với cái tên “Nazareth của nước Anh”, ngôi đền nổi tiếng nằm ở bờ biển phía bắc của East Anglia và được thành lập vào khoảng năm 1061.
Lấy cảm hứng từ cuộc hành hương đi bộ nổi tiếng từ Paris đến Chartres, những người hành hương sẽ gặp nhau ở Ely, East Cambridgeshire, vào Thứ Năm, ngày 24 tháng 8, và đi bộ khoảng 59 dặm hay 95km đến Walsingham, nơi hành trình của họ sẽ kết thúc với Thánh lễ tại Nhà nguyện Hòa giải của Walsingham, sau đó là các buổi tĩnh tâm vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 8.
Trong một email trao đổi với CNA vào ngày 13 tháng 6, Joseph Shaw, chủ tịch Hiệp hội Thánh Lễ Latinh, cho biết: “Năm ngoái chúng tôi có 160 người hành hương, kể cả các tình nguyện viên; đây là một bước nhảy vọt so với năm trước, bản thân nó đã là một sự gia tăng lớn so với mức trước COVID… Những dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng tôi sẽ có một năm phá kỷ lục khác trong năm nay, như người Pháp đã có trong chuyến hành hương Chartres.
Trong suốt cuộc hành hương sẽ có ca hát, đọc kinh Mân Côi, cử hành thánh lễ hàng ngày và xưng tội trên đường.
Khi được hỏi điều gì làm cho cuộc hành hương này khác với những cuộc hành hương khác đến Walsingham, Shaw nói: “Rất nhiều người hành hương đến Walsingham mỗi năm, một số đi bộ, một số đi theo nhóm. Điều đặc biệt về cuộc hành hương của chúng tôi là nó mở cửa cho tất cả mọi người — không giống như một chuyến dã ngoại của giáo xứ — và tinh thần của cuộc hành hương, vốn được gợi hứng bởi cuộc hành hương Chartres ở Pháp là: ca hát, đọc kinh Mân Côi, cử hành thánh lễ hàng ngày, xưng tội trên đường, ngày càng nhiều quy mô lớn, và đòi hỏi vật chất.
“Chúng tôi nhỏ hơn rất nhiều so với Chartres, nhưng trải nghiệm khá giống nhau. Chuyến đi bộ hàng ngày ngắn hơn một chút và chúng tôi cố gắng tận dụng tối đa kích thước nhỏ bé của mình bằng cách chuẩn bị bữa tối mới nấu cho những người hành hương: Thức ăn trong chuyến hành hương Chartres rất cơ bản! Chúng tôi cũng có một ca trưởng trong mỗi chặng hàng hương để dẫn dắt việc ca hát.”
Đền thờ Đức Mẹ Walsingham được biết đến với tên gọi là “Nazareth của nước Anh,” tọa lạc trên bờ biển phía Bắc của Đông Anglia và được thành lập vào khoảng năm 1061. Một nữ quý tộc Công Giáo sùng đạo người Anh - Richeldis de Faverches - đã cầu nguyện rằng bà có thể đảm nhận một số công việc đặc biệt để vinh danh Đức Mẹ. Qua những lời cầu nguyện của mình, Đức Maria đã chỉ cho cô ấy Ngôi nhà Truyền tin ở Nazareth và yêu cầu cô ấy xây dựng một bản sao ở Walsingham như một đài tưởng niệm lâu dài về Lễ Truyền tin.
Shaw nói với CNA rằng những người hành hương đã tham dự cho đến nay là một nhóm đa dạng nhưng độ tuổi trung bình nghiêng về phía trẻ hơn, nhờ sự hiện diện của sinh viên, chuyên gia trẻ và trẻ em.
Source:Catholic News Agency