1. Vị Giám Mục đe dọa trừng phạt trong tranh chấp phụng vụ tồi tệ nhất thế giới Công Giáo

Trong lần leo thang mới nhất về tranh chấp phụng vụ nghiêm trọng nhất trong thế giới Công Giáo, vị Giám Quản Tông Tòa có thẩm quyền lớn nhất trong Giáo hội Syro-Malabar được Đức Giáo Hoàng chỉ định đã ban hành một sắc lệnh cáo buộc các linh mục và giáo dân “nổi loạn và thù hận chống lại giáo quyền” và cho họ đến hạn chót là ngày 2 tháng 7 phải tuân thủ một thể thức mới để cử hành Thánh lễ trước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Sắc lệnh dài bảy trang của Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath đề ngày 22 tháng 6 và được gửi tới cha sở của nhà thờ chính tòa Đức Bà ở Ernakulam ở tây nam Ấn Độ, là một phần của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly.

Giáo Hội Syro-Malabar, có trụ sở tại Ấn Độ, là Giáo Hội lớn thứ hai trong số các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma, và đã vướng vào một cuộc tranh chấp gay gắt về phụng vụ trong nhiều tháng.

Vào năm 2021, thượng hội đồng của Giáo hội đã quyết định áp dụng một phương thức cử hành phụng vụ thống nhất, theo đó các linh mục quay mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó là quay lên bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, rồi lại quay lại về phía cộng đoàn sau khi rước lễ.

Trong khi hầu như tất cả các giáo phận của Giáo hội đã áp dụng hình thức phục vụ mới, các giáo sĩ và giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, cho đến nay là khu vực tài phán lớn nhất của Syro-Malabar, đã bác bỏ nó, cho rằng việc đối mặt với mọi người trong suốt Thánh lễ là một biến thể phụng vụ hợp pháp và phù hợp với những cải cách của Công đồng Vatican II (1962-65).

Tranh chấp về cơ bản đã đóng cửa nhà thờ chính tòa Đức Bà và dẫn đến các cuộc biểu tình gây tranh cãi bên ngoài và đôi khi, ngay cả bên trong các nhà thờ Syro-Malabar.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy động thái mới nhất của Đức Cha Thazhath g sẽ giải quyết được vấn đề, khi các đại biểu từ một số giáo xứ đã tập trung vào hôm Chúa Nhật tại thành phố Kochi, nơi đặt Tòa Giám Mục của Đức Cha Thazhath, để đốt sắc lệnh của ngài trước công chúng.

Riju Kanjukkaran của “Alamaya Munnettam,” một diễn đàn của các giáo dân ủng hộ thông lệ hiện tại là chủ tế đối mặt với cộng đoàn trong suốt Thánh lễ, cho biết cuộc biểu tình được tổ chức để phản đối hạn chót vào ngày 2 tháng 7, là thời hạn do Đức Cha Thazhath ấn định, với sự tham gia của các đại biểu từ tất cả các giáo xứ trực thuộc tổng giáo phận.

Trong sắc lệnh của mình, Thazhath gọi tranh chấp, bao gồm cả việc đóng cửa nhà thờ đang diễn ra, là “một vấn đề vô cùng đau đớn và xấu hổ đối với Giáo hội của chúng ta.”


Source:Crux

2. Rước kiệu tại Rôma tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã dẫn đầu một cuộc rước qua các đường phố của Rôma vào hôm Chúa Nhật để tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và mừng ngày lễ này được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu.

Cuộc rước Mân Côi bắt đầu với Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Anphongsô Liguori ở Rôma, nơi lưu giữ ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,.

Hơn 70 linh mục và nữ tu tham gia cuộc rước kiệutheo sau một bức ảnh lớn của ảnh Đức Mẹ ở Via Merulana, con đường dẫn từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Con đường hiện đại đi theo con đường lịch sử mà Đức Giáo Hoàng Gregoriô thứ 13 đã tạo ra cho các cuộc rước tôn giáo giữa hai vương cung thánh đường trong Năm Thánh 1575.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, là một bức họa Byzantine được vẽ trên gỗ, và được cho là có từ thế kỷ 13.

Bức ảnh được mang từ Hy Lạp đến Rôma vào gần cuối thế kỷ 15 và được cất giữ vào năm 1499 tại Nhà thờ Thánh Matthêu, tọa lạc tại khu vực ngày nay là Via Merulana, nơi những người hành hương đã tôn kính bức ảnh trong nhiều thế kỷ.

Linh ảnh cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đang bồng Chúa Hài đồng, người đang được các tổng lãnh thiên thần Micae và Gabriel cho xem thánh giá, đinh và các dụng cụ khác trong Cuộc khổ nạn của Ngài. Trong hình ảnh, hài nhi Giêsu bị mất dép, điều này khiến một số người giải thích rằng Chúa hài nhi được miêu tả đã chạy vội đến vòng tay của Đức Mẹ.

Nhà thờ Thánh Matthêu đã bị phá hủy khi Rome bị quân đội Pháp của Napoléon xâm lược và linh ảnh đã bị thất lạc trong nhiều thập kỷ cho đến khi được phát hiện lại trong một nhà thờ của các Giáo phụ Augustinô vào những năm 1860.

Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín, người có ký ức về việc cầu nguyện trước bức ảnh linh ảnh khi còn là một cậu bé khi được treo trong Nhà thờ Thánh Matthêu, đã yêu cầu trả lại bức ảnh về vị trí ban đầu trên tuyến đường hành hương giữa Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả. Vào thời điểm đó, Dòng Chúa Cứu Thế đã xây dựng một nhà thờ trên địa điểm của Nhà thờ Thánh Matthêu trước đây.

Năm 1866, bức ảnh được rước trong một cuộc rước lớn qua các đường phố của Rôma đến Nhà thờ Thánh Alphonsô đệ Liguori của Dòng Chúa Cứu Thế, nơi bức ảnh được đặt trên bàn thờ cao. Tin tức về sự chữa lành thần kỳ lan truyền nhanh chóng khắp thành phố Rôma và hàng trăm người đã đến thăm đền thờ.

Hai tuần sau, chính Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã đến nhà thờ để cầu nguyện trước linh ảnh. Vị Giáo Hoàng kế nhiệm ngài, là Đức Giáo Hoàng Leô XIII, đã giữ một bản sao của linh ảnh trên bàn làm việc của mình để ngài có thể nhìn thấy bức ảnh liên tục trong ngày làm việc của mình.

Thánh Piô X đã gửi một bản sao của bức ảnh cho Nữ hoàng Ethiopia và ban ân xá 100 ngày cho bất cứ ai lặp lại câu “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu cho chúng con.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cho đặt ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ngay trên chiếc ghế của ngài trong phòng ngai vàng. Ở đây mọi người có thể nhìn thấy nó ngay trên đầu ngài, như muốn nói: “Đây là Nữ hoàng thực sự của anh chị em!”

Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã xây dựng một nhà thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Boston, sau này được Đức Giáo Hoàng Piô XII nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Source:Catholic News Agency

3. Ý nghĩa linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Linh ảnh là một dụng cụ Thiên Chúa dùng để nói với con người. Nó tiếp tục con đường Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể làm người, để qua Ngài, Thiên Chúa tiếp tục ngỏ lời với con người.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như chúng ta có hiện nay mang những yếu tố của một truyền thống đã có từ trước, đó là truyền thống Đức Trinh Nữ Thương Khó (qua những biểu tượng của đồi Calvary), Đức Trinh Nữ Hodigitria (Mẹ Chỉ Đường Của Chúa Giêsu), và Đức Trinh Nữ Eleusa (Đấng Cảm Thương).

Chữ tắt Hy Lạp MP OY = Mẹ Thiên Chúa.mhcg_2_2

Chữ tắt Hy Lạp OAPM = Tổng lãnh thiên thần Micae.

Chữ tắt Hy Lạp OAPG = Tổng lãnh thiên thần Gabriel.

Chữ tắt Hy Lạp IC XC = Giêsu Kitô.

Màu vàng nền của Linh ảnh tượng trưng cho thiên đàng. Khi chiêm ngắm Linh ảnh, chúng ta được mời gọi đọc các ý nghĩa dưới ánh sáng của đức tin.

Ánh mắt của Đức Mẹ nhìn đến chúng ta và cái nhìn của Chúa Giêsu hướng về thánh giá dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Vì vậy, trong Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Linh ảnh này được gọi là “Linh Ảnh Của Tình Yêu”.

Đức Mẹ có dáng vẻ buồn, nhưng không phải nỗi buồn của tuyệt vọng. Vì Mẹ là người mẹ nên Mẹ lo lắng cho con.

Chúa Giêsu dường như nhìn về thánh giá nhưng cũng có vẻ nhìn xa hơn nữa. Ngài tín thác vào sự trung tín của Chúa Cha, nhất là trong cuộc Thương Khó.

Hai tay của Đức Mẹ mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Tay phải của Mẹ mà Chúa Giêsu đang nắm chính là trung tâm của Linh ảnh. Nó diễn tả mối tương quan độc nhất giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ cưu mang trong lòng. Tay trái của Mẹ nâng Chúa Giêsu. Đây là tư thế của Đức Giám Mục nâng Sách Tin Mừng trong phụng vụ. Đức Mẹ nâng Ngôi Lời Nhập Thể bằng tay trái của Mẹ.

Tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Đó là di sản thiêng liêng của Đức Mẹ để lại cho các tín hữu.

Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Biểu tượng sự sống như một “con đường” (đạo) cũng được Hội Thánh sơ khai sử dụng (x. Cv 9,2; 19,9). Kitô giáo là một cách sống, là đường đưa chúng ta đến sự sống hoàn hảo.

Ngôi sao trên đầu của Đức Mẹ là biểu tượng cho ánh sáng đức tin. Mẹ Maria là người nữ của đức tin một cách tuyệt hảo. “Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Bàn tay phải của Mẹ không chỉ tham gia vào đời sống trần thế của Chúa Giêsu mà còn chỉ cho chúng ta Đường (Đạo) để chúng ta đi theo, nếu chúng ta muốn sống như những người con của Chúa.



Source:Nhà Thờ Thái Hà