LỄ CHÚA BIẾN HÌNH
Đn 7,9-10.13-14; 2 Pr 1,16-19; Mt 17,1-9
CHÚA GIÊSU LÀ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta mừng trọng thể lễ Chúa Giêsu Biến Hình trên núi. Trong thánh lễ này, phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề: “Chúa Giêsu là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta.”
1. Chân dung Con Người
Trong bài đọc I, trích từ sách tiên tri Đanien (Đn 7,9-10.13-14), chúng ta có một thị kiến về Con Người xuất hiện và đón nhận từ một vị Bô Lão vinh quang, sức mạnh và quyền thống trị. Muôn dân thuộc mọi dân tộc, mọi quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quả thế, đây là một hình ảnh về Con Người đến từ trên cao, đồng thời cũng giống với một dung mạo con người; Người đón nhận từ Thiên Chúa muôn vàn ơn phúc; Người là niềm hy vọng cho tất cả những ai bị bách hại trong thế giới này.
Đây cũng là chân dung về Con Thiên Chúa được trình bày trong bài đọc II, trong đó, thánh Phêrô một lần nữa gửi tới các Kitô hữu đang bị bách hại. Thánh Phêrô minh chứng cho họ về đặc điểm chân thật của Chúa Giêsu thành Nadarét, Người là Đấng mà khi ở trên núi chúng tôi đã nghe tiếng nói từ trời phán ra: “Đây là Con Yêu Dấu đẹp lòng ta mọi đàng.” Chúa Giêsu không phải là một người bình thường. Người là một con người thực sự, nhưng Người cũng thực sự là Con Thiên Chúa. Người là Đấng cao trọng và vinh quang trong căn tính thần linh của Người, đặc biệt trong mầu nhiệm phục sinh và như thế, những người bị bách hại có thể bám chặt vào Người trong lúc gian nan thử thách, đồng thời họ cũng phải luôn chăm chú vào niềm hy vọng mà Con vinh hiển của Thiên Chúa sẽ ban cho họ, bởi vì niềm hy vọng đó sẽ hướng dẫn họ và cả chúng ta tới ánh sáng, dẫu chúng ta vẫn còn bị bủa vây trong bóng tối của cuộc sống.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín của mình là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi, và ở đó Người biến hình trước mặt các ông.
2. Chân dung Đấng Mêsia
Trước đoạn Tin Mừng này, trong chương 16 của Mátthêu, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ:
“Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Sau những câu trả lời khác nhau, Phêrô đại diện cho nhóm Mười Hai tuyên xưng rằng:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Và Chúa Giêsu xác nhận rằng câu trả lời này là mạc khải đến từ Thiên Chúa Cha. Ông nhận biết căn tính của Chúa Giêsu bởi vì Chúa Cha ở trên trời đã soi sáng cho ông biết. Sau đó Chúa Giêsu giải thích cho họ biết Người thuộc loại Mêsia nào; Con Thiên Chúa hằng sống là Đấng Mêsia, Đấng đó sẽ phải chịu đau khổ bởi những Luật Sĩ và Biệt Phái, Người sẽ phải bị giết, nhưng ngày thứ ba, Người sống lại.
Phêrô không chấp nhận mạc khải này, ông không nghĩ Đấng Mêsia phải chịu đau khổ như thế được. Bởi lẽ, trong quan niệm của họ lúc bấy giờ, Đấng Mêsia đến phải là Đấng uy quyền và đầy sức mạnh của Thiên Chúa; Người đến để giải thoát họ khỏi mọi sự nô lệ và áp bức của xã hội, chính trị, cũng như tôn giáo. Đó không phải là Đấng Mêsia mà họ chờ đợi và theo đuổi. Đấng Mêsia chịu đau khổ không mang lại niềm hy vọng cho Ítraen. Có lẽ trong đầu Phêrô lảng vảng nhưng câu hỏi này: “Lạy Chúa, làm sao có thể chúng con dám đi theo Ngài khi Ngài sẽ bị bắt và bị giết? Làm sao chúng con sẽ không khủng hoảng khi chứng kiến Người bị bắt bởi vì chúng con đặt tin tưởng nơi Ngài? Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu phán cùng Phêrô: “Hỡi Satan, hãy lùi lại đằng sau Thầy.” Thánh Phêrô là đá tảng của Giáo Hội, nhưng giờ đây ông không thể hiểu nổi Đấng Mêsia theo kiểu này, ông không thể hiểu Con Thiên Chúa theo cách thức mà Chúa Giêsu đang mạc khải cho ông.
Chúng ta có thể hiểu rằng vào thời điểm đó các môn đệ chưa hề có một quan niệm về sự sống lại từ cõi chết. Đó là mạc khải vinh quang về căn tính đích thực của Chúa Giêsu, nhưng Thiên Chúa thì tốt lành vô cùng, ngay lập tức sau đó Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi và ở đó, Người biến hình, mặt người chiếu sáng và áo người trắng như tuyết. Và lúc đó, có tiếng phán ra với họ rằng: Đấng sẽ bị bắt, bị giết chết, sẽ được vinh hiển, các anh hãy mở mắt ra, hãy nhìn ngắm vinh quang của Người. Lúc đó, họ nhìn thấy Môsê và Êlia đến đàm đạo với Người. Đây là hai nhân vật đại diện cho Cựu Ước. Môsê là người đã lên núi và đã được Thiên Chúa hiện ra, ông trở thành trung gian và phương tiện của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Chúa nhờ lề luật được ban cho ông. Còn Êlia là một tiên tri lớn của Cựu Ước, ông đại diện cho các ngôn sứ là những người có sứ mạng thanh tẩy và chỉnh đốn tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người. Đây là hai dung mạo vĩ đại và là hai nền tảng của dân Ítraen, là một dân tộc đã được kết ước nhờ lề luật và ngôn sứ. Cả hai tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa giờ đây cùng xuất hiện và đàm đạo với Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, chúng ta có ai đó còn vĩ đại hơn là những tôi tớ của Thiên Chúa, bởi vì, ở đây, từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng:
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người” ( Mt 17, 5).
Đây không chỉ là người tôi tớ, nhưng đây chính là Con Ta, Người cùng chia sẻ vinh quang với Ta. Vì thế, ở đây Chúa Cha mời gọi chúng ta: “Hãy lắng nghe Lời Người.” Bởi nếu chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta chu toàn lề luật; nếu chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu, chúng ta chu toàn tất cả mọi lời ngôn sứ.
3. Tin và làm chứng
Như thế, khi biến hình trên núi, Chúa Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ nhận biết căn tính đích thực của Người là Con Thiên Chúa; Người muốn mạc khải cho họ nhận ra vinh quang của Người để họ nhận ra Người và tin. Đồng thời, Chúa Giêsu chuẩn bị cho họ đón nhận mầu nhiệm tử nạn mà Con Thiên Chúa phải trải qua để đi tới vinh quang và phục sinh. Để dù bị thử thách hay bị bách hại, họ vẫn luôn giữ vững niềm tin vào Chúa Giêsu và can đảm làm chứng cho thế giới với một niềm tin tưởng sắt son vào Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, chúng ta có một Phêrô trong bài đọc II trở thành một chứng nhân tuyệt vời không chỉ cho sự biến hình nhưng còn cho sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Cũng như các môn đệ, chúng ta được củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ biến cố biến hình của Người. Bởi vì Người mạc khải cho chúng ta biết Người là Con Thiên Chúa, đã chịu đau khổ, tử nạn và phục sinh, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, để dẫn chúng ta tới vinh quang vĩnh cửu. Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta trên hành trình dương thế. Người là niềm hy vọng về vinh quang và sự phục sinh mà Thiên Chúa sẽ ban cho mỗi người. Chúng ta được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng và làm chứng cho Người trong cuộc sống hôm nay như các Tông Đồ đã làm xưa kia. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/