1. Cảnh rước kiệu Đức Mẹ trên sông thật ngoạn mục tại Luxembourg
Trong thời đại dịch coronavirus, tại làng Công Giáo Seehusen xảy ra hiện tượng đáng mừng là không một ai bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, Lễ Đức Mẹ Lên Trời vẫn được tổ chức tưng bừng. Chỉ có điều là thiếu đi những du khách từ các nơi đổ về.
Năm nay, mọi thứ trở lại như bình thường. Gần ngày Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhiều du khách kéo đến vùng này để tham gia hay ít nhất là có cơ hội ngắm một cảnh tượng thật hùng vĩ khi hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ bao quanh một con thuyền lớn. Trên con thuyền lớn đó, cha chánh xứ cử hành thánh lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Tiếng cầu kinh, những bài thánh ca và những lời cầu nguyện vang vọng cả một vùng sông nước. Đó là một cảnh tượng không phải ai cũng may mắn được chứng kiến tận mắt trong cuộc đời mình.
Luxembourg có 650, 370 dân trong đó có 459, 160 tín hữu Công Giáo, tức là chiếm 70.6% dân số. Riêng tại làng Seehusen, dân số hầu như toàn tòng Công Giáo.
Giáo Hội Luxembourg chỉ có một tổng giáo phận duy nhất là tổng giáo phận Luxembourg được coi sóc bởi 186 linh mục, 8 vị phó tế vĩnh viễn trong 275 giáo xứ. Bên cạnh đó còn có 67 nam tu sĩ không có chức linh mục và 343 nữ tu.
2. Lịch sử Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời
Ngày 1 tháng 5 năm 1946, với Thông điệp “Deiparae Virgins” gửi các Giám mục khắp thế giới, Đức Piô thứ 12 cho biết từ năm 1840 đến năm 1940 những đơn thỉnh nguyện tâu xin Toà thánh định tín Mẹ Maria hồn xác lên trời đã đóng thành hai cuốn sách. Những đơn thỉnh nguyện này do các Đức Hồng Y, các Thượng phục Giáo chủ, các Giám mục, đặc biệt 200 Nghị phụ Công đồng Vatican thứ nhất, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các trường Đại học, các đoàn thể và đông đảo giáo dân. Đức Thánh Cha xin các Đức Giám Mục cho ngài biết lòng sùng kính Đức Mẹ lên trời của hàng giáo sĩ, giáo dân của giáo phận các ngài và xin các ngài theo sự khôn ngoan xét đoán thế nào về việc tuyên tín.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Piô thứ 12 ban hành thông điệp “Munificentissimus Deus” long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin. Đại lược thông điệp bất hủ này là: Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an ủi cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người lầm lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Mẹ hồn xác lên trời.
Đức Piô thứ 12 quy định Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là Lễ Trọng đặc biệt trong khắp Giáo hội cùng với luật buộc mọi người tham dự Thánh lễ. Năm 1970, Phụng vụ qui định lễ Mẹ lên trời là một lễ Đức Mẹ duy nhất có lễ Vọng vào chiều ngày 14 trước ngày chính lễ 15 tháng 8.
Đối với nhiều người Âu Châu, Lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời là một ví dụ về sự lạ lùng của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa. Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.
Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15 tháng 8 để tôn vinh Mẹ Maria. Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm. Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông. Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.
Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa. Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat : “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc”.
3. Không Kể Chúa Ba Ngôi, Quỷ Sợ Ai Nhất?
Nhân nói về quyền phép Đức Mẹ, xin được kể hầu quý vị và anh chị em câu chuyện “Không Kể Chúa Ba Ngôi, Quỷ Sợ Ai Nhất?”
Tại thành Marcasona nước Pháp, có một chàng thanh niên khô đạo, dám ngạo mạn khinh chê phép lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ đã truyền dạy thánh Đaminh phải cổ võ mọi người thi hành. Chúa đã để cho y bị quỷ ám để tỏ rõ uy quyền Đức Mẹ.
Các gia nhân phải khó khăn lắm mới đưa được anh ta đến với cha thánh Đaminh xin ngài trừ quỷ. Cha truyền đưa anh ta đến nhà thờ. Và trước mặt đông đảo giáo dân, cha thánh Đaminh lớn tiếng hỏi ma quỷ:
– Trên Thiên đàng, không kể Chúa Ba Ngôi, còn đấng nào mày sợ hơn cả?
Tên quỷ la hét, tru trếu ghê rợn, hắn nhất định không chịu trả lời. Cha Đaminh truyền cho nó phải nói sự thật. Nhưng hắn miễn cưỡng chỉ xin nói nhỏ vào tai cha Đaminh chứ không muốn cho mọi người nghe.
Cha Đaminh nhất định không chịu. Cha liền sấp mình xuống đất nài xin Đức Mẹ bắt ma quỷ nói công khai.
Ma quỷ tinh khôn và xảo quyệt đáo để, nó giả vờ khiêm nhường nói với cha:
– Chúng tôi là kẻ nói dối, xin ngài đừng tin. Xin ngài hãy nhờ các Thiên thần là những kẻ thật thà trả lời cho ngài biết.
Cha Đaminh đâu có chịu thua ma quỷ. Ngài sấp mình xuống trước tòa Đức Mẹ van nài Mẹ dùng quyền phép bắt ma quỷ phải xưng thú ra, để giáo dân biết rõ.
Nhận lời van xin của cha thánh Đaminh, Đức Mẹ thân hiện ra, cầm roi đánh tên quỷ bắt buộc ma quỷ phải nói ra sự thật. Bấy giờ hắn kêu la có vẻ hằn học tức tối với Đức Mẹ. Hắn biết rằng nói ra sự thật thì thiệt hại cho nó lắm, vì như thế người ta sẽ tôn kính Đức Mẹ hơn, và các linh hồn sẽ vuột khỏi tầm tay của hắn. Bất đắc dĩ ma quỷ phải to tiếng công khai rằng:
– Tất cả mọi người hãy lắng tai mà nghe: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có quyền phép gìn giữ, bảo vệ những ai tôn kính Ngài khỏi sa Hỏa ngục. Ai sùng kính yêu mến Ngài thật tình thì thoát khỏi tay chúng tao. Mỗi lời Bà ấy xin cùng Thiên Chúa thì thần thế và hiệu nghiệm hơn mọi lời các thánh. Ai sắp mất linh hồn sa Hỏa ngục mà kêu tên Mẹ Maria thế nào cũng được cứu giúp. Nếu không có Mẹ Maria giúp đỡ che chở, thì đạo Công Giáo đã phải vô cùng khốn đốn, khó lòng mà đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của chúng tao. Bà ấy ban cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi được khỏi sự dữ, được ơn ăn năn thống hối mọi tội và được về Thiên đàng.
Bấy giờ cha thánh Đaminh bảo tất cả mọi người đọc kinh Mân Côi thật chậm và thật sốt sắng. Và một sự lạ đã xảy ra, sau mỗi kinh Kính Mừng mà cha Đaminh và dân chúng đọc chung với nhau, thì một nhóm ma quỷ xuất ra từ thân xác khốn khổ của người đó, dưới hình dạng những cục than đỏ. Khi bọn quỷ ám xuất ra hết, thì người lạc giáo ấy hoàn toàn trở lại bình thường.
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Chúa Nhật 13 Tháng Tám, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 19 Mùa Quanh Năm.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thầy ơi, cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tin Mừng hôm nay thuật lại một việc làm đặc biệt phi thường của Chúa Giêsu: ban đêm Người đi trên mặt nước hồ Galilê tiến về phía các môn đệ đang đi thuyền qua hồ (x. Mt 14:22-33). Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Chúa Giêsu làm điều này? Giống như một màn biểu diễn chăng? KHÔNG! Nhưng tại sao? Có thể vì một nhu cầu cấp bách, không lường trước được để giúp đỡ các môn đệ của mình đang bị cản trở bởi một cơn gió ngược? Không, vì chính Ngài đã lên kế hoạch mọi việc, Ngài đã bắt họ khởi hành vào tối hôm đó. Bản văn thậm chí còn nói rằng ông “đã bắt họ” (xem câu 22). Có lẽ Chúa Giêsu đã làm điều đó để cho họ thấy sự vĩ đại và quyền lực của mình chăng? Nhưng nó không đơn giản như vậy với Ngài. Như thế, tại sao Ngài làm điều đó? Tại sao Ngài muốn đi trên mặt nước?
Có một thông điệp không dễ thấy, một thông điệp chúng ta cần nắm bắt. Trên thực tế, vào thời điểm đó, những vùng nước rộng lớn được coi là nơi ám ảnh của những thế lực xấu xa mà con người không thể làm chủ được. Đặc biệt khi những cơn bão khiến chúng trở nên hỗn loạn, những vực thẳm này là biểu tượng của sự hỗn loạn và gợi nhớ đến bóng tối của thế giới ngầm. Bấy giờ, các môn đệ thấy mình ra giữa hồ khi trời đã tối. Họ sợ chìm đắm, sợ bị ma quỷ hút vào. Và Chúa Giêsu đến với họ, đi trên mặt nước, nghĩa là trên quyền lực của sự dữ. Chúa Giêsu đi trên quyền lực của cái ác và nói với các môn đệ của mình: “Hãy yên tâm; chính Thầy đây. Đừng sợ” (c. 27). Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Đây là ý nghĩa của biến cố này: quyền lực của sự dữ làm chúng ta sợ hãi, mà chúng ta không thể chế ngự được, lập tức chiếm tỷ lệ nhỏ hơn với Chúa Giêsu. Bằng cách đi trên mặt nước, Ngài muốn nói: “Đừng sợ. Thầy đặt đối phương của anh chị em dưới chân Thầy” - một thông điệp tuyệt vời - Thầy đặt đối phương của anh chị em dưới chân Thầy - đối phương chứ không phải con người! – không phải loại đối phương đó, nhưng là sự chết, tội lỗi, ma quỷ – đây là những đối phương của con người, đối phương của chúng ta. Và Chúa Giêsu chà đạp lên những đối phương này vì chúng ta.
Hôm nay, Chúa Kitô lặp lại với mỗi người chúng ta: “Hãy can đảm lên; Thầy đây mà. Đừng sợ! Hãy vững lòng vì có Thầy ở đây, vì anh chị em không còn đơn độc trên mặt nước sóng gió của cuộc đời này. Và vì vậy, chúng ta nên làm gì khi thấy mình ở ngoài biển khơi trước những cơn gió ngược? Chúng ta phải làm gì khi đối mặt với nỗi sợ hãi trước biển khơi, khi chúng ta chỉ thấy bóng tối và cảm thấy mình đang chìm dưới đáy? Chúng ta cần làm hai việc mà các môn đệ đã làm trong Tin Mừng. Các môn đệ làm gì? Thưa: Các ngài kêu gọi và chào đón Chúa Giêsu. Vào những thời khắc tồi tệ nhất, trong cơn bão tố đen tối nhất, hãy kêu cầu Chúa Giêsu và chào đón Chúa Giêsu.
Các môn đệ kêu cầu Chúa Giêsu: Phêrô đi một chút trên mặt nước tiến về phía Chúa Giêsu, nhưng rồi đâm ra sợ hãi. Thánh nhân chìm xuống rồi kêu lên: “Thầy ơi, cứu con với!” (câu 30). Gọi Chúa Giêsu, kêu cầu Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện này thật đẹp. Nó diễn tả sự chắc chắn rằng Chúa có thể cứu chúng ta, rằng Người chiến thắng sự dữ và những nỗi sợ hãi của chúng ta. Tôi mời tất cả anh chị em lặp lại câu đó ngay bây giờ. Ba lần cùng nhau: Chúa ơi, cứu con với! Chúa ơi, cứu con với! Chúa ơi, cứu con với!
Và rồi các môn đệ chào đón, đầu tiên họ kêu gọi, sau đó họ chào đón Chúa Giêsu vào thuyền. Bản văn nói rằng ngay khi Chúa Giêsu vừa lên thuyền thì “gió lặng” (c. 32). Chúa biết rằng con thuyền của cuộc đời chúng ta, cũng như con thuyền của Giáo hội, luôn bị đe dọa bởi những cơn gió ngược, và biển cả mà chúng ta chèo lái thường có nhiều sóng gió. Người không tha cho chúng ta công việc chèo thuyền vất vả, đúng hơn – Tin Mừng nhấn mạnh – Người bắt các môn đệ ra đi. Ngài mời gọi chúng ta đương đầu với những khó khăn để những gian truân ấy cũng trở thành cơ hội cứu độ, để Chúa Giêsu có thể chinh phục chúng, để chúng trở thành cơ hội gặp gỡ Người. Thực vậy, trong những giây phút tăm tối của chúng ta, Người đến gặp chúng ta, yêu cầu được đón tiếp như đêm trên hồ.
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi phản ứng thế nào khi tôi sợ hãi, gặp khó khăn? Tôi tiến bước một mình, với sức riêng của mình, hay tôi kêu cầu Chúa với lòng tín thác? Và đức tin của tôi như thế nào? Tôi có tin rằng Chúa Kitô mạnh hơn sóng gió không? Nhưng trên hết: Tôi có đang chèo thuyền với Ngài không? Tôi có chào đón Ngài không? Tôi có dành chỗ cho Người trên con thuyền cuộc đời tôi – để tôi không bao giờ cô độc, luôn ở với Chúa Giêsu không? Tôi có trao quyền lái cho Chúa Giêsu không?
Trong những lúc băng qua tăm tối, xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là Ngôi Sao Biển, giúp chúng ta tìm kiếm ánh sáng Chúa Giêsu.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Một vụ đắm tàu bi thảm khác đã xảy ra cách đây vài ngày ở Địa Trung Hải – 41 người đã thiệt mạng. Tôi đã cầu nguyện cho họ. Và thật đáng buồn và xấu hổ, chúng ta phải nói rằng từ đầu năm nay, gần hai nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng khi cố gắng đến Âu Châu. Đây là một vết thương hở trên nhân loại của chúng ta. Tôi khuyến khích các cường quốc chính trị và ngoại giao đang cố gắng hàn gắn điều này trong tinh thần đoàn kết và huynh đệ, cũng như sự việcng hiến của tất cả những người đang làm việc để ngăn chặn các vụ đắm tàu và đang trợ giúp những người di cư.
Ngày mai, tại Bafoussam ở Cameroon, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bạo lực và chiến tranh, vào đêm trước Lễ Đức Maria Rất Thánh Hồn Xác Lên Trời, một cuộc hành hương cầu hòa bình cho đất nước sẽ diễn ra. Chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện với các anh chị em Cameroon của chúng ta để nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa có thể nâng đỡ niềm hy vọng của những người đang đau khổ trong nhiều năm, và mở ra những con đường đối thoại để đạt được hòa bình và hòa hợp.
Và chúng ta hãy cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang chịu nhiều đau khổ vì cuộc chiến này.
Tôi cũng muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn đã tàn phá đảo Maui của Hawaii.
Bây giờ tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào một số nhóm đã tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon – và có rất nhiều!...Tôi thấy cờ – Ba Lan, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Ý, El Salvador, nhiều nước khác…các linh mục và các bạn trẻ từ El Salvador, những người rất ồn ào; các sinh viên đến từ Đại học Iberoamericana, Puebla, Mễ Tây Cơ; và các bạn trẻ đến từ Đài Loan. Hãy tận hưởng chuyến đi nhé!
Và tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.