1. Tòa án Paris khẳng định Tổng Giám mục Paris chưa bao giờ có hành vi lạm dụng.

Đức Tổng Giám Mục Aupetit được xác nhận là vô tội. Ngài là nạn nhân của một hệ thống vu khống nhằm mục đích ám sát nhân cách đối thủ.

Văn phòng Công tố Paris, cơ quan đã triệu tập Tổng giáo phận để điều tra, đã khẳng định điều này hôm thứ Sáu 15 Tháng Chín. Tờ Silere non possum, nghĩa là Tôi không thể im lặng nhận xét chua chát rằng “Tai họa lạm dụng ngày nay được lợi dụng để loại bỏ kẻ thù. Báo chí đã treo cổ vị tổng giám mục ở quảng trường công cộng ngay cả trước khi có bất cứ cuộc điều tra nào được tiến hành.”

Đức Cha Aupetit được cho là đã đệ trình đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối tháng 11 năm 2021 sau khi tạp chí Le Point đăng một bài báo miêu tả vị tổng giám mục này là một nhân vật gây chia rẽ và độc đoán.

Bài báo cũng nêu lên những lo ngại về các cuộc tiếp xúc của Đức Cha Aupetit với một phụ nữ từ năm 2012, khi ngài còn là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris. Vị tổng giám mục 70 tuổi cho biết ngài không có quan hệ tình cảm với người phụ nữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit vào ngày 2 tháng 12, nhưng sau đó bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thực trong những lời chỉ trích chống lại Đức Tổng Giám Mục.

Trong một cuộc họp báo trên chuyến bay vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, Đức Giáo Hoàng nói với các nhà báo rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Aupetit vì Đức Tổng Giám Mục đã “đánh mất danh tiếng của mình một cách công khai”.

Đức Cha Aupetit, sau đó cho rằng lá thư ngài viết cho Đức Thánh Cha không phải là thư từ chức nhưng là thư trình bày sự việc và để Đức Giáo Hoàng tùy ý quyết định.

Tờ Silere non possum cho rằng lý do loại trừ Đức Tổng Giám Mục Aupetit là không thuyết phục. Vấn đề tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ là một vấn đề đặc biệt tế nhị cần được giải quyết một cách nghiêm túc. Ngày nay, Giáo hội Thụy Sĩ cũng đang tiến hành một loạt các cuộc thanh trừng và cáo buộc chẳng dựa trên cơ sở nào. Khi kết thúc các cuộc điều tra về lạm dụng, một số lượng lớn luôn được đưa ra nhưng không ai giải thích tiêu chí khoa học và bằng chứng nào đã được sử dụng để xác định số lượng những kẻ lạm dụng và bị lạm dụng.

Thật vậy, vài giờ sau khi công bố báo cáo không có gì mang tính khoa học này, Linh mục Jean Scarcella, Tu viện trưởng St. Maurice, đã từ chức. Các giám mục khác đã thông báo rằng họ sẵn sàng từ chức.

Trong khi xã hội tiếp tục đưa ra những thử thách chống lại Giáo hội chỉ để lấy đi uy tín của Giáo hội thì chúng ta ở đây phải chịu sự im lặng. Thực tế là chúng ta thường xúi giục họ đánh chúng ta. Đây chắc chắn không phải là công lý mà Chúa nói đến trong Tin Mừng. Tờ Silere non possum kết luận.


Source:Sismografo

2. Đức Hồng Y Zuppi có thể trở lại Mạc Tư Khoa

Thứ Sáu tuần này, Đức Hồng Y Zuppi đã trở về từ Bắc Kinh và có thể đã chuẩn bị một chuyến đi mới như một phần của sứ mệnh hòa bình cho Ukraine do Đức Phanxicô ủy nhiệm. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, vài giờ sau khi trở về từ Trung Quốc, đã tới Palermo để chủ sự Thánh lễ tưởng nhớ Chân phước Pino Puglisi nhân kỷ niệm 30 năm ngài tử đạo. Vị linh mục bị bọn mafia Cosa Nostra sát hại vào ngày 15 tháng 9 năm 1993, ngày sinh nhật thứ 56 của ngài, đã trở thành vị tử đạo người Ý đầu tiên bị mafia sát hại. Ngài được phong chân phước vào ngày 25 tháng 5 năm 2013.

Những cam kết quốc gia và quốc tế khiến chương trình nghị sự của Đức Hồng Y luôn bận rộn. Tại Trung Quốc, ngài đã nói chuyện với Lý Huy, đại diện cho nhà cầm quyền Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, là người có liên quan đến nỗ lực hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố ngắn gọn từ Tòa Thánh bảo đảm rằng họ đã thảo luận về những cách thức khả thi để chấm dứt cuộc xung đột và những hậu quả nghiêm trọng của nó cũng như về “vấn đề an ninh lương thực, với hy vọng rằng việc xuất khẩu ngũ cốc có thể sớm được bảo đảm”. Chính từ Palermo, Đức Hồng Y Zuppi đã trả lời trên đài truyền hình của các giám mục Ý, TV2000, về kết quả chuyến viếng thăm Trung Quốc của ngài. Đức Hồng Y cho rằng “một cuộc trò chuyện thẳng thắn” đã diễn ra ở Trung Quốc và cho biết rằng ngài đã nhận thấy sự quan tâm to lớn của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine. Ngoài sứ mệnh hòa bình cho Ukraine, chuyến thăm còn tạo nên một cột mốc quan trọng cho mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc cũng như cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vốn bị phá vỡ vào năm 1951.

Đặc phái viên của Đức Thánh Cha “sẽ sớm trở lại Nga”

Có vẻ như sự quan tâm đến đề xuất của Đức Giáo Hoàng cũng đã được khơi dậy ở Mạc Tư Khoa theo tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, là người cách đây vài giờ đã bảo đảm rằng đặc phái viên của Giáo hoàng “sẽ sớm trở lại Nga” vì Nga sẵn sàng “gặp gỡ” mọi người và nói chuyện với mọi người. Đức Hồng Y Zuppi tích cực đánh giá cao sự cởi mở mới mẻ này của Nga và sự sẵn sàng này “đi theo hướng mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn”.

Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm Mạc Tư Khoa, nơi ngài không được tiếp đón bởi Putin hay Lavrov, mà bởi cố vấn ngoại giao của Điện Cẩm Linh, Yuri Ushakov, và bởi Maria Llova-Belova, người phụ trách trẻ em và là người kiến tạo phần lớn các vụ bắt cóc trẻ em Ukraine sang lãnh thổ Nga. Về phần mình, Thượng Phụ Kirill đã mở cửa nơi ở của mình cho Đức Hồng Y Zuppi bất chấp sự bất đồng với Đức Thánh Cha Phanxicô do cuộc xâm lược của Nga.

Đức Thánh Cha đã giao phó cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi sứ mệnh hòa bình này vào tháng Năm. Vào đầu tháng 6, ngài đã đến Kyiv và được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiếp đón. Cuối tháng đó, ngài đến thăm Mạc Tư Khoa và vào tháng 7, ngài tới Washington, nơi ngài gặp tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden.

3. Nỗi lo lương thực. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine 'đã phá hủy đủ lương thực để nuôi sống một triệu người trong một năm'

Ký giả Jerome Starkey của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “FOOD FEARS. Russian missile attacks on Ukraine ‘have destroyed enough food to feed a million people for a year’”, nghĩa là “Nỗi lo lương thực. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine 'đã phá hủy đủ lương thực để nuôi sống một triệu người trong một năm'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các ước tính cho thấy rằng số lương thực đủ để nuôi một triệu người trong một năm đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào các cảng, tàu và nhà kho.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết 280.000 tấn ngũ cốc đã bị phá hủy trong 3 tháng trong 26 cuộc tấn công riêng biệt vào Ukraine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga phá hủy thực phẩm được đưa ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân lên một chuyến tàu bọc thép để gặp Putin.

Nó xảy ra khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân lên chuyến tàu bọc thép tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước này Vladimir Putin để đổi súng lấy thực phẩm.

Mỹ đã cảnh báo rằng hai nhà lãnh đạo bị cô lập, gặp nhau lần cuối vào năm 2019, đang “tích cực thúc đẩy” các thỏa thuận vũ khí của họ.

Ngoại trưởng James Cleverly chỉ trích Putin trong tình cảnh “tuyệt vọng” đã “làm tổn thương phần còn lại của thế giới”.

Ông cũng cáo buộc nhà độc tài đã cố gắng đánh chìm một tàu chở hàng dân sự bằng hỏa tiễn hành trình, nhưng may mắn con tàu thoát chết nhờ lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ hết các hỏa tiễn này.

Ông Cleverly nói: “Putin đang cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc chiến mà ông ấy sẽ không thắng, và những cuộc tấn công này cho thấy ông ấy tuyệt vọng đến mức nào”.

Bộ Ngoại giao Vương Quốc Anh lên án Nga đã “tấn công một cách có hệ thống vào cảng và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine” kể từ khi Putin từ bỏ thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc.


Source:The Sun