1. Ukraine cho biết 'nhiều' người Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bí mật vào Crimea
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Many' Russians Killed During Secret Strike on Crimea: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết 'nhiều' người Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bí mật vào Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Ukraine hôm thứ Tư cho biết các đơn vị thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của nước này gần đây đã tiến hành một cuộc tấn công thành công vào quân đội Nga ở Crimea.
Các quan chức Kyiv không nói rõ thời điểm cuộc tấn công diễn ra, ngoài việc nói rằng nó xảy ra vào ban đêm và có sự tham gia của hai đơn vị.
Crimea được nhiều nước công nhận là lãnh thổ Ukraine, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm chiếm và sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. Khu vực này chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công vào các vị trí của Nga trong những tuần gần đây và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi lại Crimea.
Andriy Yusov, đại diện cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, nói với thông tấn xã Ukrainska Pravda rằng các đơn vị quân đội Ukraine tham gia vào hoạt động ở Crimea đã chịu một số tổn thất. Tuy nhiên, phía Nga chứng kiến thêm “nhiều” binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương, ông nói.
“Có một trận chiến với quân xâm lược của Nga; nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong số quân của quân xâm lược,” Yusov nói. “Thật không may, cũng có tổn thất trong số quân phòng thủ Ukraine, mặc dù con số này không nhiều như quân Nga.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.
Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công vào Crimea như trên.
“Các đơn vị hoạt động đặc biệt Stugna và Bratstvo, thuộc đơn vị đặc biệt của Tình báo Quốc phòng Ukraine do Tymur đứng đầu, đã đổ bộ lên lãnh thổ bán đảo Crimea và bắn vào quân xâm lược Mạc Tư Khoa! Crimea sẽ là của Ukraine! Niềm tự hào cho Ukraine!” cơ quan tình báo đã viết.
Ukrainska Pravda lưu ý rằng “Tymur” được đề cập trong bài đăng trên Telegram có thể ám chỉ một chỉ huy các đơn vị lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine, người được biết đến với bí danh Tymur. Tờ báo này cho biết Tymur có liên quan đến việc Ukraine chiếm lại Đảo Rắn từ tay Nga vào năm 2022 sau khi hải quân của Putin nắm quyền kiểm soát đảo Hắc Hải trong một thời gian ngắn.
Một đoạn video do cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đăng trên YouTube cho thấy các đơn vị lực lượng đặc nhiệm đến Crimea bằng đường biển để tấn công.
Tymur cũng có liên quan đến sứ mệnh bí mật trong đó lực lượng Kyiv cắm cờ Ukraine trên đất Crimea vào ngày 24 tháng 8, ngày Độc lập của Ukraine. Phát ngôn nhân của Kyiv nói với truyền thông Ukraine sau sứ mệnh rằng quân đội Ukraine đã làm hư hại 4 tàu cao tốc của Nga và giết chết ít nhất 30 binh sĩ Nga.
Theo báo cáo, không có binh sĩ Ukraine nào thiệt mạng trong cuộc tấn công hồi tháng 8.
2. Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất nổ vũ khí hạt nhân ở Siberia của bà đầm hạt nhân
Chiều Chúa Nhật vừa qua, quân Ukraine đã tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Sochi. Margarita Simonyan, một nhà tuyên truyền nổi tiếng người Nga và tổng biên tập cơ quan truyền thông Russia Today của nhà nước, tuyên bố trên Telegram rằng một phần của máy bay không người lái đã va chạm gần nhà của gia đình bà ta ở quận Adler. Bà nói thêm, cuộc tấn công này sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa hạt nhân tiếp theo.
Simonyan tuyên bố rằng: “Đêm qua, một chiếc máy bay không người lái chiến đấu đã rơi ngay đối diện ngôi nhà của gia đình chúng tôi ở Adler, nơi cả mẹ tôi và tôi đều lớn lên, cũng như nơi người thân của tôi vẫn sống cùng những đứa con nhỏ của họ”. “Các mục tiêu mỗi lúc một xa hơn, táo bạo hơn và điều đó chứng tỏ rằng phải có tối hậu thư hạt nhân, chứ không còn lựa chọn nào khác”.
Trong mấy ngày vừa qua, bà ta đã hô hào tung vũ khí hạt nhân ngay lập tức để trả thù quân Ukraine to gan dám phóng máy bay không người lái vào gần nhà bà ta.
Tuy nhiên, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Shuts Down Suggestion to 'Nuke Siberia'“, nghĩa là “Điện Cẩm Linh từ chối đề xuất 'nổ vũ khí hạt nhân ở Siberia'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất của Margarita Simonyan, tổng biên tập đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT, rằng Mạc Tư Khoa có thể thử bom nguyên tử trên Siberia như một lời cảnh báo đối với phương Tây.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, cho biết trong một tuyên bố được hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti đăng tải: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa rời bỏ chế độ phản đối thử nghiệm hạt nhân”. “Điều này vẫn chưa xảy ra cho đến bây giờ, vì vậy tôi không nghĩ rằng những cuộc thảo luận như vậy hiện có thể thực hiện được từ quan điểm chính thức.”
Là một phần của phân đoạn dài 8 phút đánh dấu kỷ niệm đầu tiên Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Simonyan nói rằng Mạc Tư Khoa không cần thiết phải tấn công trực tiếp vào phương Tây, là lời kêu gọi phổ biến trên truyền hình nhà nước Nga. Thay vào đó, bà ta đề nghị Nga nên “tiến hành một vụ nổ nhiệt hạch, cách xa lãnh thổ của chúng ta hàng trăm km ở đâu đó ở Siberia” để chứng tỏ sức mạnh của mình.
Simonyan tiếp tục cho rằng một vụ nổ như vậy sẽ “phá hủy tất cả các thiết bị điện tử vô tuyến” và ảnh hưởng đến vệ tinh, máy ảnh và điện thoại, đồng thời khẳng định cuộc sống sẽ quay trở lại như năm 1993 và cô sẽ rất vui khi được sống trong một thế giới có ít thiết bị hơn.
Lời kêu gọi thử vũ khí hạt nhân ở Siberia đã gây ra phản ứng giận dữ từ một số chính trị gia địa phương, trong đó có Maria Prusakova, một thành viên của Đảng Cộng sản liên kết với Điện Cẩm Linh tại Duma Quốc gia đại diện cho Lãnh thổ Altai phía đông.
Cô nhận xét: “Ít nhất bạn nên xin lỗi tất cả người dân Siberia, và thậm chí còn hơn thế nữa với những người cho đến ngày nay phải gánh chịu hậu quả của các cuộc thử nghiệm tại địa điểm thử nghiệm Semipalatinsk”.
Anatoly Lokot, thị trưởng thành phố Novosibirsk ở miền nam Siberia, cho biết: “Là một nhà vật lý được đào tạo bài bản, tôi sẽ bình luận. Không có gì tốt đẹp về các vụ nổ nhiệt hạch trên mặt đất. Hậu quả có thể ảnh hưởng không chỉ hàng trăm năm mà là hàng thiên niên kỷ. Bởi vì các yếu tố không ổn định được hình thành, chu kỳ bán rã của chúng là hàng trăm năm, thậm chí một số có thể lên đến nghìn năm.”
“Vấn đề thử nghiệm nhiệt hạch trên mặt đất và bất kỳ vụ nổ nào liên quan đến việc giải phóng năng lượng nhiệt hạch, năng lượng hạt nhân, phải được giải quyết rất có trách nhiệm.”
Quân đội Ukraine đang tiến bộ dần dần nhưng vẫn chưa đạt được bước đột phá nào kể từ khi phát động cuộc phản công chống lại lực lượng Nga vào tháng 6. Kyiv đang hy vọng cắt cầu đất liền của Nga tới Crimea nối bán đảo mà Putin đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014 với đất liền Nga.
Hình ảnh vệ tinh được công bố gần đây cho thấy một số tàu Nga thuộc Hạm đội Hắc Hải đã rời cảng Sevastopol của Crimea, nơi đã bị hỏa tiễn và máy bay không người lái của Ukraine tấn công liên tục trong vài tuần qua.
Các bức ảnh dường như cho thấy các tàu khu trục Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov của Nga, 3 tàu ngầm diesel, 5 tàu đổ bộ lớn, một số tàu hỏa tiễn nhỏ, một tàu đổ bộ lớn, một số tàu quét mìn và các tàu nhỏ khác đều đã rời cảng.
Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Đô đốc Rob Bauer, nhà lãnh đạo ủy ban quân sự của NATO, đã cảnh báo rằng kho dự trữ đạn dược của liên minh đang cạn kiệt và kêu gọi các thành viên “tăng cường sản xuất với nhịp độ cao hơn nhiều”.
Ông cảnh báo: “Chúng tôi bắt đầu viện trợ cho Ukraine những nhà kho đã đầy một nửa hoặc thấp hơn ở Âu Châu. Vì thế bây giờ có thể nhìn thấy đáy thùng.”
Tưởng cũng nên biết thêm: Một số blogger quân sự Nga cho rằng những lời kêu gọi tung vũ khí hạt nhân chỉ vì máy bay không người lái rơi gần nhà bà ta, khiến bà ta và má bà ta kinh sợ, chứng minh mối quan hệ được đồn thổi giữa người đàn bà này và Vladimir Putin. Tuy nhiên, bạo chúa có nhiều người tình và câu trả lời của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov, cho thấy Margarita Simonyan, biệt danh bà đầm hạt nhân, có lẽ đã thất sủng.
3. Mỹ đã chuyển hơn 1 triệu viên đạn của Iran bị tịch thu sang Ukraine
Các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ sẽ chuyển hàng nghìn vũ khí và đạn dược bị tịch thu của Iran sang Ukraine, một động thái có thể giúp giảm bớt một số tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt khi nước này chờ đợi thêm tiền và thiết bị từ Mỹ và các đồng minh.
Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết Hoa Kỳ đã chuyển hơn một triệu viên đạn Iran bị tịch thu cho lực lượng vũ trang Ukraine. Việc chuyển giao được tiến hành vào hôm thứ Hai.
Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết: “Chính phủ đã giành được quyền sở hữu số vũ khí này vào ngày 20 tháng 7 năm 2023, thông qua yêu cầu tịch thu dân sự của Bộ Tư pháp đối với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran”.
Bộ Tư pháp đã công bố vào tháng 3 rằng họ đang yêu cầu tịch thu một triệu viên đạn của Iran, hàng nghìn ngòi nổ, và lựu đạn mà Hải quân đã tịch thu từ Iran đang trên đường tới Yemen.
“Số đạn dược này ban đầu bị lực lượng hải quân Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ tịch thu từ tàu du hành quá cảnh MARWAN 1 không quốc tịch, vào ngày 9 tháng 12 năm 2022. Những quả đạn này đang được chuyển từ Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đến Houthis ở Yemen vi phạm Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Biden trong nhiều tháng đã cân nhắc cách gửi hợp pháp số vũ khí bị tịch thu, được cất giữ tại các cơ sở của quân đội Hoa Kỳ trên khắp Trung Đông, cho người Ukraine.
4. Về ATACMS cho Ukraine: Tổng thống Biden tuyên bố chúng tôi đã giải quyết mọi thứ được yêu cầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng mọi yêu cầu của Tổng thống Zelenskiy liên quan đến việc chuyển hỏa tiễn tầm xa ATACMS cho Ukraine đều đã được giải quyết.
Biden đã nói điều này sau bài phát biểu của ông về nỗ lực xóa nợ cho sinh viên của Chính quyền Hoa Kỳ.
“Tôi đã nói chuyện với Zelenskiy và mọi thứ ông ấy yêu cầu, chúng tôi đều giải quyết được,” Tổng thống Biden nói.
Ông đã tuyên bố như trên để trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có hứa với Tổng thống Ukraine sẽ cung cấp hỏa tiễn ATACMS hay không.
Một tuần trước, Trợ lý Bộ trưởng Quân đội về Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ Hoa Kỳ Douglas Bush cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số hỏa tiễn tầm xa ATACMS được trang bị đạn chùm ngay sau khi Tổng thống Biden chấp thuận.
5. Ukraine tuyên bố đã tạo ra cái gọi là “áo choàng tàng hình” để che giấu binh lính khỏi máy ảnh nhiệt và máy bay không người lái
Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov hôm thứ Tư đã tiết lộ một phát minh mới gọi là “áo choàng tàng hình”, mà ông khẳng định có thể che giấu binh lính khỏi máy chụp ảnh nhiệt và máy bay không người lái.
Những chiếc áo choàng ngăn chặn bức xạ nhiệt, được cho là khiến người lính trở nên vô hình trước đối phương.
Nó được tạo ra bởi Brave1, một dự án công nghệ quốc phòng được chính phủ Ukraine tài trợ.
Maxim Boryak, một trong những nhà phát triển áo choàng, nói với CNN rằng chiếc áo choàng này đã được phát triển từ năm 2015, khi nó được dự định sẽ được sử dụng bởi các tay súng bắn tỉa và các binh sĩ hoạt động đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine ở khu vực phía đông Donbas. Sự phát triển lại bắt đầu một cách ráo riết khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022.
Áo choàng sử dụng các vật liệu thường được lính cứu hỏa sử dụng, giúp giữ không khí nóng thoát ra ngoài và hiển thị trên camera chụp ảnh nhiệt, đồng thời hệ thống thông gió tích hợp làm mát không khí nóng mắc kẹt bên trong áo choàng.
Boryak gọi nó là một “hệ thống đơn giản” nặng tới 2,5 kg. Áo choàng có khả năng chống mưa và không bắt lửa.
Boryak cho biết những chiếc áo choàng này đã được Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 sử dụng trong cuộc phản công của Ukraine.
Những chiếc áo choàng lần đầu tiên được công khai trong một video được Fedorov chia sẻ vào thứ Tư. Ông nói rằng video “cho thấy một mẫu hoàn thiện đã được thử nghiệm thành công trên thực tế”.
6. Tướng quân Ngày Tận Thế bị Putin sa thải lên tiếng sau khi bước ra từ một nhà thờ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “General Armageddon Fired by Putin Breaks Silence after Attending Church”, nghĩa là “Tướng Armageddon bị Putin sa thải phá vỡ sự im lặng sau khi đến nhà thờ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Cựu chỉ huy các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, còn được gọi là “Tướng Armageddon”, được tường trình đã bình luận về việc ông bị sa thải lần đầu tiên kể từ cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner bị hủy bỏ vào tháng 6.
Surovikin, người có biệt danh là Tướng quân Ngày Tận Thế trên truyền thông Nga vì chiến thuật quân sự hung hãn ở Chechnya và Syria, chỉ xuất hiện hai lần kể từ khi người ta nhìn thấy ông trong một video kêu gọi chấm dứt cuộc binh biến ngày 24 tháng 6 được lãnh đạo bởi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, người được cho là có mối quan hệ thân thiết với ông.
Ông được cho là đã bị bắt vào tháng 6 và bị sa thải khỏi chức vụ nhà lãnh đạo Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga vào tháng 8. Có tin đồn rằng Surovkin đã được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo Ủy ban điều phối các vấn đề phòng không thuộc Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng của Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CIS, nhưng điều đó chưa được xác nhận.
Novye Izvestia hôm thứ Ba đưa tin rằng họ đã nói chuyện với Surovikin bên ngoài một nhà thờ ở khu vực Mạc Tư Khoa.
“ Tôi phục vụ tổ quốc. Không có bình luận nào nữa”, Surovikin nói với thông tấn xã này. Cơ quan truyền thông này đã đăng một bức ảnh của vị tướng trong chuyến thăm “một trong những nhà thờ gần Mạc Tư Khoa”.
Novye Izvestia không nêu rõ Surovikin đã đến thăm nhà thờ nào, nhưng Agentstvo, một trang điều tra ra mắt vào năm 2021, đưa tin rằng bức ảnh được chụp tại Nhà thờ Thánh Demetrius thành Thessaloniki Tử Đạo ở làng Dmitrovskoe — nằm không xa một thương xá nơi Surovikin được chụp ảnh một tháng trước.
Các câu hỏi đã được đặt ra về nơi ở của Surovikin sau khi anh ta mất tích đáng chú ý trong cuộc họp ngày 10 tháng 7 với các quan chức quân sự. Một chính trị gia cao cấp của Nga hồi tháng 7 cho biết Surovikin đang “nghỉ ngơi”.
Các báo cáo vào tháng 7 dựa trên một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ cho thấy vị tướng này đã biết trước về kế hoạch hành quân vào Mạc Tư Khoa của Prigozhin. Reuters đưa tin tình báo Mỹ cho biết Surovikin có thiện cảm với cuộc nổi dậy của Wagner, nhưng không rõ liệu ông có tích cực ủng hộ nó hay không.
Vài ngày sau cuộc nổi dậy thất bại của Prigozhin, tờ The Moscow Times phiên bản tiếng Nga trích dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Surovikin đã bị bắt vì đứng về phía Prigozhin khi anh ta lên kế hoạch cho cuộc binh biến nửa vời của mình.
Blogger quân sự người Nga Vladimir Romanov cũng cho biết trên Telegram rằng Surovikin đã bị bắt vào ngày 25/6.
Các quan chức Nga không xác nhận việc bắt giữ Surovikin. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Vào đầu tháng 9, Viktor Zavarzin, thành viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga cho rằng Surovikin đang làm việc “ở CIS”.
7. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin một người Ukraine bị bắt sau cuộc đột kích vào bờ biển Crimea
Tình báo Quốc phòng Ukraine đã công bố một đoạn video có nội dung chiếu cảnh một cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển Crimea bị Nga tạm chiếm, khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin một “kẻ phá hoại” người Ukraine đã bị bắt.
Trong một tuyên bố ngắn gọn Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết Lực lượng đặc biệt Ukraine “đã đổ bộ lên lãnh thổ bán đảo Crimea và nổ súng vào quân xâm lược Mạc Tư Khoa!”
Ngày và giờ của cuộc tấn công không được tiết lộ. Hoạt động cuối cùng như vậy được quân đội Ukraine công bố là vào tháng 8 vừa qua.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm thứ Tư đưa tin rằng đoạn video thẩm vấn một kẻ phá hoại người Ukraine bị bắt ở Crimea đã được cơ quan an ninh Nga, FSB công bố.
“ Một kẻ phá hoại Ukraine bị bắt ở Crimea nói rằng nhóm này gồm 16 người, được cho là đã treo cờ và chứng minh việc Tình báo Quốc phòng Ukraine tiến vào Crimea,” cơ quan này đưa tin.
Họ nói rằng “máy bay của không quân Nga đã ngăn chặn một nỗ lực khác của lực lượng vũ trang Ukraine nhằm đổ bộ biệt kích gần Mũi Tarkhankut ở Crimea từ ba ván trượt phản lực và một tàu cao tốc ở phía tây bắc Hắc Hải.”
RIA nêu tên người bị bắt là thành viên của Tình báo Quốc phòng Ukraine. Nó nói rằng anh ta đã nói với những người thẩm vấn rằng mục đích của cuộc đổ bộ là để treo cờ Ukraine.
Ukraine tuyên bố thiệt hại cho cả hai bên: Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, thừa nhận Ukraine có tổn thất trong cuộc đột kích.
Yusov nói với hãng truyền thông RBC của Ukraine rằng biệt kích “đã có một trận chiến khốc liệt ở Crimea bị tạm chiếm. Người Nga đã chịu tổn thất đáng kể và nhóm của chúng tôi đã trở về sau chiến dịch đặc biệt.”
Yusov cho biết đây là một hoạt động phá hoại và trinh sát, không phải chỉ để treo cờ như các phương tiện truyền thông Nga cố ý hạ thấp.
Yusov nói: “Thật không may, lực lượng đặc biệt của chúng tôi cũng có tổn thất, nhưng không tương xứng với phía Nga”.
“Không thể không có tổn thất. Ukraine chắc chắn sẽ chiếm lại Crimea và toàn bộ vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”,
8. Bộ Ngoại Giao Nga tấn công Na Uy và Moldova
Tuần trước Na Uy tuyên bố cấm xe hơi ghi danh ở Nga, phản ánh các lệnh trừng phạt trước đó của Liên minh Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa.
Hôm thứ Năm, 5 Tháng 10, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích thái độ này của Na Uy là “bài Nga” và “gây hấn vô cớ.”
Zakharova cũng gọi lệnh cấm là “một nỗ lực khác nhằm khôi phục bức màn sắt ở Âu Châu”.
Trong khi đó, Quốc hội Moldova bắt đầu các động thái vào hôm thứ Tư nhằm ngăn chặn các thành viên của đảng Shor thân Nga không được tham gia các cuộc bầu cử địa phương với tư cách là đại diện cho đảng Shor và ngay cả với tư cách là ứng cử viên độc lập.
Reuters đưa tin, tòa án hiến pháp đã tuyên bố đảng đối lập là vi hiến vào tháng 6, nhưng hôm thứ Ba cho biết các thành viên của đảng này có quyền tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 5 tháng 11 nếu họ không đại diện cho đảng bị cấm.
Đảng do doanh nhân lưu vong Ilan Shor đứng đầu, đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình phản đối Tổng thống Maia Sandu và chính phủ của bà về việc giá cả tăng cao. Sandu đã cáo buộc Shor và Nga đang cố gắng gây bất ổn cho Moldova kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine, điều mà cô đã chỉ trích gay gắt.
Trong một động thái nhằm chống lại các thành viên Shor, quốc hội Moldova hôm thứ Tư đã thông qua việc sửa đổi bộ luật bầu cử để cấm họ ra tranh cử ngay cả với tư cách cá nhân.
Bản sửa đổi, hiện đã hoàn tất việc thông qua quốc hội, yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật gửi danh sách những người ra tranh cử cho ủy ban bầu cử trung ương để lập danh sách cuối cùng. Các thành viên của đảng Shor sẽ bị loại ngay từ đầu.
Zakharova đã lên án lệnh cấm là “một biểu hiện sợ Nga” của Moldova.
9. Quan chức Ukraine chỉ trích “giới tinh hoa bảo thủ phương Tây” miễn cưỡng đối đầu với Nga
Một quan chức cao cấp Ukraine đã chỉ trích “giới tinh hoa bảo thủ phương Tây” vì đề nghị đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Mykhailo Podolyak, cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết hôm thứ Tư, “Khi bất kỳ đại diện nào của giới tinh hoa bảo thủ phương Tây nói về sự cần thiết phải đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, tôi có một câu hỏi trực tiếp : động cơ của bạn là gì?
“Tại sao các bạn lại kiên quyết chống lại việc… tiêu diệt quân đội Nga, vốn là quốc gia đáng sợ trong nhiều thập kỷ, và tại sao các bạn lại phản đối việc phải giảm đáng kể khả năng của Nga tiến hành ‘các hoạt động hủy diệt đặc biệt’ ở các quốc gia khác nhau và trên các lục địa khác nhau?” Podolyak nói thêm.
Ông không đề cập cụ thể đến việc Mỹ phong tỏa viện trợ cho Ukraine trong biện pháp chi tiêu tạm thời đã được Quốc hội thông qua cuối tuần qua, cũng như việc phế truất Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.
Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại Washington hôm thứ Tư cho biết đại sứ quán đã có cuộc đối thoại tốt với “đại đa số” các ứng cử viên có khả năng thay thế chủ tịch Hạ viện bị lật đổ.
Đại sứ Oksana Markarova cho biết: “Chúng tôi, Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ tiếp tục làm việc tích cực với các cuộc họp kín, ủy ban, các cá nhân dân biểu và tất nhiên là cả Thượng viện để thảo luận về nhu cầu của chúng tôi cũng như các giải pháp khả thi cho gói hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine”..
Cô nói rằng còn quá sớm để thảo luận về các ứng cử viên cụ thể, đồng thời nói thêm, “Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã xây dựng một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tốt với đại đa số những nhân vật đang được nhắc đến và đội của họ.”
10. Biden nói rằng ông lo lắng về tương lai của viện trợ Ukraine khi tranh chấp về quyền Chủ tịch Hạ viện diễn ra tại Hạ viện Hoa Kỳ
Sự xáo trộn trong hàng ngũ Đảng Cộng hòa tại Điện Capitol đang khiến Tổng thống Joe Biden lo ngại khi ông đang nỗ lực bảo đảm nguồn tài trợ mới cho Ukraine, điều mà ông cho biết sẽ sớm có bài phát biểu quan trọng.
Tổng thống Biden nói một ngày sau khi Dân biểu Kevin McCarthy bị phế truất khỏi vị trí chủ tịch Hạ viện, “Điều đó làm tôi lo lắng, nhưng tôi biết có đa số thành viên Hạ viện và Thượng viện ở cả hai đảng đã nói rằng họ ủng hộ việc tài trợ cho Ukraine.”
Bình luận của Biden được đưa ra khi đảng Cộng hòa đang tìm kiếm một Chủ tịch Hạ viện Hạ viện mới. Các ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ này đã bày tỏ quan điểm khác nhau về Ukraine. Một nhóm ủng hộ Kyiv cho rằng Dân biểu Steve Scalise, người đã bỏ phiếu cho các gói hỗ trợ cho Ukraine trước đó, là niềm hy vọng của họ.
Trong khi Dân biểu Jim Jordan là mối lo, vì những phiếu bầu trước đó của ông đều chống lại nguồn tài trợ dành cho Ukraine. Cả Scalise và Jordan đều đã thông báo rằng họ có ý định tranh cử vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Biden lập luận rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine vẫn mang lại lợi ích cho người Mỹ và cho biết ông sẽ có bài phát biểu nêu quan điểm đó. Tòa Bạch Ốc không cung cấp ngay thông tin chi tiết về bài diễn văn dự kiến này.
Trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Ba, Biden cho biết ông “đã chứng minh rằng tôi biết phần lớn người dân Mỹ vẫn ủng hộ Ukraine và phần lớn các thành viên Quốc hội cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều ủng hộ điều đó”.
Vì tương lai của khoản hỗ trợ đã được quốc hội phê duyệt dành cho Ukraine vẫn còn bị đặt dấu hỏi, Biden cho biết có thể có những phương pháp thay thế để hỗ trợ Kyiv.
Ông nói: “Chúng tôi có thể hỗ trợ Ukraine trong đợt tiếp theo mà chúng tôi cần và có một cách khác để chúng tôi có thể tài trợ cho khoản tài trợ này”.
11. NATO tái khẳng định hỗ trợ lâu dài cho Ukraine sau cuộc họp hội đồng quốc phòng chung
NATO tái khẳng định sự hỗ trợ lâu dài của mình đối với Ukraine hôm thứ Tư sau cuộc họp của hội đồng quốc phòng mới giữa liên minh quân sự và Ukraine.
Phó Tổng thư ký liên minh Mircea Geoana đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine, gọi tắt là NUC, tại Brussels, nơi Geoana khen ngợi các đồng minh và nỗ lực của Ukraine trong việc nhanh chóng thực hiện các quyết định từ hội nghị thượng đỉnh Vilnius của NATO.
Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, được tổ chức tại thủ đô Lithuania vào tháng 7, là cuộc họp đầu tiên của NUC và có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Một trong những mục tiêu chính của nó là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Cuộc họp hôm thứ Tư tại Brussels có sự tham dự của Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna.
Tuyên bố của NATO cho biết các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả thông qua Gói hỗ trợ toàn diện của liên minh và bảo đảm các lực lượng của Ukraine “có thể tương tác hoàn toàn với NATO”. Tuyên bố nói thêm rằng Ukraine “gần gũi với NATO hơn bao giờ hết”.
Một số thông tin cơ bản về Hội đồng NATO-Ukraine: NUC là một cơ quan chung nơi Ukraine và các đồng minh gặp nhau để tham vấn về khủng hoảng và “đưa ra các quyết định một cách bình đẳng”.
Năm nay, Hội đồng NATO-Ukraine đã thay thế Ủy ban NATO-Ukraine, cơ quan ra quyết định chịu trách nhiệm phát triển mối quan hệ NATO-Ukraine và chỉ đạo các hoạt động hợp tác từ năm 1997.