Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register nhan đề “Pope Francis on Imperialism: Is Russia a Special Case?”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về chủ nghĩa đế quốc: Nước Nga có phải là một trường hợp đặc biệt không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với những lời lẽ có lợi về quá khứ đế quốc của Nga, những chia rẽ về mặt ngoại giao vẫn còn vang dội. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã nhận được ủy nhiệm thư của tân đại sứ Nga, một cuộc gặp gỡ khá thường lệ, mặc dù có một tuyên bố của Vatican cho thấy cuộc gặp gỡ thân thiện như thế nào.

Vài ngày sau, vào hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã tiếp đón đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh trong một buổi tiếp kiến riêng, đây hoàn toàn không phải là một cuộc gặp gỡ thường lệ. Các đại sứ tại Tòa thánh có hai cuộc gặp với Đức Thánh Cha, cả hai đều có tính chất hình thức - một là khi họ trình ủy nhiệm thư và một cuộc gặp khác là khi họ hết nhiệm vụ. Thông thường, họ chỉ gặp gỡ các quan chức trong Bộ Ngoại giao và, trong những thời điểm đặc biệt nghiêm trọng, với chính Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nhưng do người Ukraine cũng như các nước Trung và Đông Âu khác đã thất vọng như thế nào với những bình luận của Đức Thánh Cha liên quan đến Nga, nên có thể cần phải cử đại sứ Ukraine đến ngay lập tức để ngăn chặn bất kỳ mối quan hệ nào xấu đi hơn nữa.

Tòa Thánh không đủ khả năng gánh chịu một cuộc khủng hoảng tháng Tám khác.

Ngày độc lập của Ukraine là ngày 24 tháng 8. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngày đó vào năm ngoái 2022 – năm đầu tiên của cuộc chiến tranh toàn diện – để thương tiếc “những người vô tội” Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Điều đó gây ra sự tố cáo mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngoại giao gần đây của Đức Giáo Hoàng. Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không có khả năng nhận ra được sự khác biệt giữa “kẻ hiếp dâm và nạn nhân bị hiếp dâm”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Daria Dugina, 30 tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cô ấy là con gái Alexander Dugin, một người được mô tả như một quân sư chiến tranh, một “nhà tư tưởng” và là nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin.

Bản thân Daria Dugina cũng là một nhân vật diều hâu, cô ta diễn thuyết trên truyền hình và viết sách hô hào chiến tranh để tái lập đế quốc Nga.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 24 tháng Tám, 2022, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine yêu quý, từ sáu tháng nay đang chịu kinh hoàng của chiến tranh, và ngài nhớ đến các tù nhân, các trẻ em, những người tị nạn, các em mồ côi và ngài ứng khẩu nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mạc Tư Khoa. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”

Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv, đến để bày tỏ sự bất mãn về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến Daria Dugina.

Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba kể với báo Pravda.ua rằng việc triệu Sứ thần Tòa Thánh tới bộ này, tự nó là một trường hợp chưa từng có và tự nó có ý nghĩa. “Tôi muốn nói thẳng rằng những lời Đức Giáo Hoàng làm đau lòng người Ukraine. Thật là điều bất công. Ukraine rất thất vọng vì những lời Đức Giáo Hoàng đã coi kẻ tấn công ngang với nạn nhân. Đồng thời quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khuôn khổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhắc đến cái chết của một công dân Nga trên lãnh thổ Nga, mà Ukraine không có gì liên hệ tới, đó là điều tạo nên sự không thể hiểu nổi”.

Sự bất mãn của người Ukraine có lẽ cũng chưa bằng những tuyên bố rất nặng nề tại Ba Lan quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan cho rằng cô Daria Dugina, người đã nhiều lần hô hào tấn công Ba Lan, không phải là người vô tội như Đức Giáo Hoàng nói.

Cha de Souza cho biết tiếp rằng: Việc Tòa thánh ngoan ngoãn chấp nhận lời quở trách đáng kinh ngạc đó và không gửi trả Yurash về Ukraine, bản thân nó đã thừa nhận rằng người Ukraine đã trở nên thất vọng như thế nào. Có thể đoán rằng những lời nhận xét về kẻ hiếp dâm đã bị bỏ qua một cách kín đáo trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu tuần trước. Yurash mang theo một chú gấu bông để tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của trẻ em Ukraine.

Tháng 8 này mang đến một cuộc khủng hoảng khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với giới trẻ Nga qua liên kết video một ngày sau ngày độc lập của Ukraine. Ngài khuyến khích họ nhìn vào Peter Đại đế và Catherine Đại đế để tìm gương mẫu về một “đế chế khai sáng với nền văn hóa vĩ đại và tính nhân bản vĩ đại”.

Có khả năng là những vết thương từ nhận xét đó của Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ lành ở Ukraine, Ba Lan, Lithuania và những vùng đất khác bị đế quốc Mạc Tư Khoa chinh phục.

Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng Giáo phận Philadelphia của Ukraine lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ có tỷ lệ tín nhiệm là 6% ở Ukraine sau 18 tháng chiến tranh. Vladimir Putin sẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất ở Ukraine ít được ưa chuộng hơn Đức Thánh Cha. Điều đó vừa gây sốc vừa vô cùng đau buồn – đặc biệt là chưa đầy 20 năm sau cái chết của Thánh Gioan Phaolô II, có lẽ là vị Giáo Hội Đông Âu được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ qua, nếu không nói là trong thiên niên kỷ qua.

Đức Thánh Cha cố gắng giải thích nhận xét của mình bằng cách nói rằng khi nói về Peter Đại đế và Catherine Đại đế, ngài thực sự có ý ca ngợi không phải chủ nghĩa đế quốc của Nga mà là di sản văn hóa như được đại diện bởi Fyodor Dostoevsky, người sinh sau Peter gần một thế kỷ. Đại đế đã chết.

Nỗi nhức nhối trong nhận xét về “đế quốc khai sáng” Nga nằm ở điều Đức Thánh Cha chưa nói. Đã có những đế chế khác. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Mỹ ưa thích những cuộc phiêu lưu đế quốc của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân hay vùng Caribe không?

Những bình luận liên quan đến đế quốc Nga đã bùng nổ mạnh mẽ vào cuối tháng 8 vì những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào đầu tháng 8. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Vida Nueva của Tây Ban Nha, được phát hành trong khi Đức Thánh Cha đang ở Bồ Đào Nha dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, chủ đề chủ nghĩa đế quốc đã được đề cập. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những cường quốc Công Giáo có thuộc địa ở hải ngoại. Đức Thánh Cha Phanxicô có tận dụng cơ hội này để khuyến khích thanh niên Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha tự hào về quá khứ đế quốc của họ không? Ngược lại.

Đức Thánh Cha nói: “Chủ nghĩa đế quốc rất mạnh mẽ và nước Mỹ là nạn nhân của đủ loại đế quốc”. “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, bất kể loại nào. Vì lý do này, tôi biết rằng tôi là một hòn đá trong chiếc giày đối với một số người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Hung Gia Lợi vào tháng Tư năm nay. Triều đại Habsburg là đế chế lục địa Âu Châu lớn nhất trong lịch sử, là trụ sở của quyền lực Công Giáo ở Âu Châu trong nhiều thế kỷ. Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Hung Gia Lợi trân trọng nhìn lại lịch sử của đế quốc Áo-Hung không? Nếu muốn làm như vậy, ngài có thể đã được đại sứ đương nhiệm của Hung Gia Lợi tại Tòa thánh, Eduard Habsburg, thông báo đầy đủ. Không cần thiết phải làm điều đó.

Các đế chế Mỹ, các đế chế Công Giáo - không được ca ngợi mà còn bị chỉ trích ngầm, như trong cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Vida Nueva. Nhưng chỉ vài tuần sau Đức Thánh Cha lại ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga, điều đó đã khiến những nhận xét trước đó của ngài – “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, thuộc bất kỳ loại nào” - dường như là sai.

Buổi tiếp kiến đặc biệt dành cho Đại sứ Yurash, sau các cuộc gặp kéo dài với vị giám mục Ukraine hồi đầu tháng này, là một phần trong nỗ lực phục hồi sau những lời ca ngợi dành cho chủ nghĩa đế quốc Nga. Giờ đây tất cả mọi người đều rõ ràng rằng lẽ ra Đức Thánh Cha không nên nói như vậy. Nhưng vẫn còn những câu hỏi – đặc biệt là ở những vùng đất trước đây bị Mạc Tư Khoa chinh phục – liệu đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự nghĩ trong lòng hay không.

Với câu hỏi đó, tân đại sứ Nga đã bắt đầu công việc của mình với điều mà ông ta coi là một dấu hiệu tích cực.


Source:National Catholic Register