Phil Lawler của Catholic World News có bài nhận định nhan đề “Synodality and the Strickland case”, nghĩa là “Tính đồng nghị và trường hợp Đức Cha Strickland”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sau một tháng Vatican nhất quyết lắng nghe mọi quan điểm, thật là mỉa mai khi tin tức lớn tiếp theo là việc cách chức một giám mục người Mỹ, rõ ràng là vì ngài đã nói quá nhiều. Nhưng đừng bận tâm đến những thông điệp lẫn lộn. Việc cách chức Đức Cha Joseph Strickland có thể gây tổn hại cho chính nghĩa của thẩm quyền thượng hội đồng theo một cách quan trọng khác.Trong thông báo ngắn gọn về việc cách chức giám mục, Vatican đã không giải thích lý do tại sao Giám mục Strickland phải ra đi. Những thông báo như vậy từ Rôma không bao giờ đi kèm với lời giải thích. Vì vậy, khi một giám mục ra đi trước tuổi nghỉ hưu thông thường, các tín hữu sẽ tự hỏi: ngài đã bước xuống hay bị gạt ra? Phải chăng ngài bị buộc phải từ chức vì một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, hay vì sắp bị phát hiện một hành vi sai trái nghiêm trọng nào đó? Vì những lý do, mà tôi không thể giải thích được, Vatican không phân biệt giữa các giám mục đã phản bội lòng tin của mình và những người chỉ đơn giản là ngã bệnh. Phải chăng đó là một ác cảm kinh niên đối với sự minh bạch?
Trong trường hợp của Đức Cha Strickland, chúng ta biết rằng ngài đã bị gạt ra vì ngài đã tuyên bố trước đó rằng ngài sẽ không từ chức theo yêu cầu của Tòa Thánh. Nhưng chính ngài cũng nói rằng ngài không hoàn toàn rõ ràng về lý do khiến Vatican nhất quyết yêu cầu ngài không được lãnh đạo Giáo phận Tyler, Texas nữa.
Sau thông báo này, một số người chỉ trích vị giám mục cho rằng ngài bị cách chức không phải vì lý do rõ ràng là ngài đã chỉ trích thẳng thắn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà vì thành tích kém cỏi của ngài trong việc quản lý giáo phận. Quan điểm đó càng được củng cố bởi lời khai của một linh mục từ Tyler, là người đã tuyên bố rằng nhiều người Công Giáo ở Texas đã bị tổn hại bởi những thiếu sót trong việc cai quản của Đức Cha Strickland. Nhưng những lời phàn nàn khác từ các tín hữu Tyler rất khó tìm thấy, trong khi ít nhất một giáo dân trung thành mô tả việc loại bỏ vị giám mục là một cú đấm mạnh mẽ.
Đúng là Đức Cha Strickland không có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh. Nhưng thực sự chúng ta mong đợi điều gì từ một giám mục về mặt quản lý giáo phận? Tình hình tài chính của giáo phận Tyler rõ ràng là ổn định. Nhưng thước đo tốt hơn về khả năng lãnh đạo của giám mục sẽ là số lượng chủng sinh trong giáo phận. Nếu như thế Đức Cha Strickland đã thành công rực rỡ; có nhiều thanh niên từ Giáo phận Tyler bé nhỏ đang học làm linh mục hơn là từ một số tổng giáo phận lớn nhất nước Mỹ. Rõ ràng, những thiếu sót được cho là của vị giám mục với tư cách là người quản lý đã không ngăn cản những người đàn ông này muốn phục vụ trong giáo phận của mình.
Nhưng khi Giám mục Strickland thảo luận về việc loại bỏ ngài với Raymond Arroyo trên chương trình phát sóng “The World Over” của EWTN, ngài đã báo cáo rằng các vấn đề hành chính (thực sự hay tưởng tượng) không xuất hiện trong vụ kỷ luật của Vatican chống lại ngài. Ngài nói rằng ngài đã bị cách chức vì “thiếu tình huynh đệ với các giám mục anh em của tôi”. Nói cách khác, ngài không phải là một cầu thủ của đội.
Đúng vậy, Giám mục Strickland có tiếng nói mạnh mẽ hơn nhiều so với các giám mục Mỹ khác. Những bình luận công khai gây tranh cãi của ngài – đặc biệt là việc ngài tham gia vào mạng xã hội và xu hướng “thích” các bài đăng thể hiện quan điểm thậm chí còn gây tranh cãi hơn – chắc chắn đã khiến các giám mục khác khó chịu. Những phát biểu của ngài thường có vẻ bốc đồng, thiếu chính trị, thiếu thận trọng. Có lẽ các giám mục khác lẽ ra phải khuyên ngài nên thận trọng hơn. Có lẽ một số vị đã làm như thế, một cách lặng lẽ. Nhưng ít nhất theo Đức Giám Mục Strickland, mối quan hệ của ngài với các giám mục Mỹ khác luôn thân mật.
Phải chăng ngài đã lạc nhịp với đoàn thể các giám mục. Đúng. Nhưng Đức Giám Mục Strickland sẽ nhấn mạnh rằng việc bảo vệ đức tin quan trọng hơn việc giữ vững bước đi. Thánh Athanasiô không phải là một cầu thủ có tinh thần đồng đội. Các giám mục người Anh dưới thời Henry VIII đã duy trì sự hiệp nhất của họ - tất cả trừ Thánh John Fisher.
Trong những trường hợp hiếm hoi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đã loại bỏ các giám mục vi phạm tính đồng đoàn của hàng Giám Mục khi đặt câu hỏi về những điểm cơ bản của giáo huấn Công Giáo. Trong trường hợp này, có vẻ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cách chức Giám mục Strickland vì ngài quá ồn ào trong việc bảo vệ giáo lý Công Giáo.
Trường hợp Đức Cha Strickland đặt ra một câu hỏi nghiêm chỉnh: Hành vi nào là thích hợp đối với một giám mục, khi ngài tin rằng giáo lý Công Giáo đang bị tấn công? Nếu ngài tin rằng Giám mục Rôma đang gây nguy hiểm cho đức tin thì sao? Công đồng Giêrusalem, có lẽ là kiểu mẫu của phương thức cai quản đồng nghị, tại đó Thánh Phaolô đã không ngần ngại đối đầu với Thánh Phêrô. Nếu tin rằng các chính sách của Đức Giáo Hoàng là sai lầm, thì người kế vị các tông đồ không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ phải lên tiếng. Nếu những lời chỉ trích của Giám mục Strickland không đúng mục tiêu thì các giám mục khác có nhiệm vụ phải nói như vậy. Đây chẳng lẽ không phải chính xác là kiểu trao đổi cởi mở đã được tán thành một cách chân thành tại Thượng hội đồng về Tính đồng nghị sao?
Giám mục Strickland, người đã nghiên cứu giáo luật, thừa nhận rằng Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền loại ngài ra khỏi chức vụ. Các nhà giáo luật khác không đồng ý, cho rằng một giám mục giáo phận chỉ có thể bị cách chức “có lý do” sau một thủ tục giáo luật chính thức. Câu hỏi rõ ràng đề cập đến bản chất cơ bản của thẩm quyền của Giáo hoàng đối với giám mục đoàn - nghĩa là, bản chất của phương thức cai quản đồng nghị.
Như tôi đã quan sát trước đây, các giáo hội Đông phương rất tự hào về phương thức cai quản đồng nghị của các vị:
Mỗi Giáo hội Chính thống độc lập được điều hành bởi Thượng hội đồng Giám mục riêng. Các thượng hội đồng bổ nhiệm các giám mục mới, đặt ra các chính sách giáo hội và bầu các Thượng Phụ đóng vai trò “đầu tiên trong số những người bình đẳng” trong việc quản trị. Chúng ta biết rằng phương thức quản trị này tương thích với Công Giáo, bởi vì các giáo hội Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma – Công Giáo Ukraine, Công Giáo Maronite, Công Giáo Syro-Malabar, v.v. – đều có công nghị riêng của họ.
Bây giờ hãy tưởng tượng các giáo hội Đông phương – tự hào về các công nghị của họ, nhiệt thành bảo vệ truyền thống chính thống và nghi ngờ về quyền tối thượng của giáo hoàng – nhìn nhận trường hợp này như thế nào. Một Giáo hoàng Rôma, sử dụng quyền lực của mình mà không giải thích hay tham khảo ý kiến, đã cách chức một giám mục vì vị Giám Mục đó nghi ngờ sự lãnh đạo của Giáo hoàng. Trường hợp này là một bước thụt lùi cả về tính đồng nghị lẫn phong trào đại kết.
Source:Catholic World News