1. Vatican ra vạ tuyệt thông cho Đức Tổng Giám Mục Viganò vì ly giáo

Vatican đã chính thức rút phép thông công Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, Bộ Giáo lý Đức tin công bố hôm thứ Sáu mùng 5 Tháng Bẩy.

Đức Tổng Giám Mục Viganò bị kết tội ly giáo, từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng, không hiệp thông với Giáo hội, khi kết thúc quá trình hình sự ngoại tụng của Vatican vào ngày 4 tháng 7.

Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican đã công bố vạ tuyệt thông “latae Senentiae” hay tiền kết vào ngày 5 tháng 7, trích dẫn “những tuyên bố công khai của Đức Tổng Giám Mục Viganò thể hiện việc ngài từ chối công nhận và phục tùng Đức Giáo Hoàng, từ chối hiệp thông với các thành viên của Giáo hội, và về tính hợp pháp cũng như thẩm quyền về huấn quyền của Công đồng Vatican II.”

Cựu Sứ thần Giáo hoàng tại Hoa Kỳ hiện đã bị vạ tuyệt thông, là hình phạt nghiêm trọng nhất mà một người đã được rửa tội có thể phải gánh chịu, bao gồm việc bị đặt ra ngoài sự hiệp thông của các tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo và bị từ chối tiếp nhận các bí tích.

Phán quyết này được đưa ra sau khi Đức Tổng Giám Mục Viganò bất chấp lệnh triệu tập của Vatican yêu cầu xuất hiện trước Bộ Giáo lý Đức tin để đối mặt với cáo buộc ly giáo vào tuần trước.

Cựu nhà ngoại giao Vatican – người đã gây chú ý vào năm 2018 vì cáo buộc rằng các quan chức cao cấp của Giáo hội che đậy các hành vi lạm dụng của cựu Hồng Y Theodore McCarrick – đã nhiều lần bác bỏ quyền lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể từ đó và đã kêu gọi ngài từ chức.

Trong một tuyên bố dài được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 28 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô là “dị giáo và ly giáo” về việc ngài quảng bá vắc xin ngừa Covid-19 và việc ngài ủng hộ thỏa thuận Vatican-Trung Quốc năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục.

Ngài cũng nói rằng ngài “không có lý do gì để coi mình là tách biệt khỏi sự hiệp thông với Giáo hội thánh thiện và với sứ vụ giáo hoàng, mà tôi luôn phục vụ với lòng sùng kính con thảo và lòng trung thành”.

Đức Tổng Giám Mục Viganò viết: “Tôi khẳng định rằng những sai sót và dị giáo mà Đức Phanxicô đã tuân theo trước, trong và sau khi được bầu, cùng với ý định mà ngài có trong việc chấp nhận chức giáo hoàng rõ ràng, đã khiến cho việc lên ngôi Giáo Hoàng của ngài trở nên vô hiệu”..

Đức Tổng Giám Mục Viganò, người đã ẩn náu trong nhiều năm, đã thông báo trên mạng xã hội vào ngày 20 tháng 6 rằng ngài đã được triệu tập đến Rôma để trả lời các cáo buộc chính thức về ly giáo.

Các cáo buộc cụ thể chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò, theo một tài liệu do chính ngài đăng tải, liên quan đến việc đưa ra các tuyên bố công khai phủ nhận các yếu tố cơ bản cần thiết để duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Điều này bao gồm việc phủ nhận tính hợp pháp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với tư cách là giáo hoàng hợp pháp và sự bác bỏ hoàn toàn Công đồng Vatican II.

Để đáp lại các cáo buộc, Đức Tổng Giám Mục Viganò cho biết trong một tuyên bố ngày 21 tháng 6 rằng ngài đã không gửi bất kỳ tài liệu bào chữa nào cho Vatican, đồng thời lưu ý rằng ngài không công nhận thẩm quyền của Bộ Giáo lý Đức tin “cũng như thẩm quyền của Bộ trưởng, hay thẩm quyền của người bổ nhiệm vị Bộ Trưởng”.

Việc rút phép thông công của Đức Tổng Giám Mục Viganò chỉ có thể được dỡ bỏ bởi Tòa thánh.

Vạ tuyệt thông dành cho Đức Tổng Giám Mục Viganò không nhận được sự đồng thuận ngay cả ở Giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha bày tỏ sự ngưỡng mộ Đức Tổng Giám Mục và buồn bã, hoang mang trước tất cả những gì đang diễn ra.

“Tôi luôn đánh giá cao Đức Tổng Giám Mục như một người làm việc rất tốt, rất trung thành với Tòa Thánh, ở một khía cạnh nào đó, ngài cũng là một tấm gương”, Đức Hồng Y Parolin nói về Đức Tổng Giám Mục Viganò cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. “Khi còn là sứ thần Tòa thánh, ngài đã làm việc rất xuất sắc, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.”

Đức Tổng Giám Mục Viganò đã có một sự nghiệp được nhiều người đánh giá cao. Việc bổ nhiệm đầu tiên của ngài với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh, dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là đến Nigeria, có lẽ là vị trí quan trọng nhất ở Phi Châu. Sau đó, ngài trở lại Rôma trong một vị trí hết sức nhạy cảm, đại diện cho các cơ quan đại diện của Đức Giáo Hoàng, vừa là giám đốc nhân sự vừa là người giám sát các nhà ngoại giao trên toàn thế giới. Sau đó, ngài giữ chức tổng thư ký của quốc gia Thành Vatican, nổi tiếng về việc quản lý hiệu quả và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Trở lại vai trò Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, ngài được nhiều người kính trọng khi nghỉ hưu vào năm 2016.

Khi Đức Tổng Giám Mục Viganò đưa ra tuyên bố đầu tiên vào năm 2018, một số giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tin tưởng vào danh tiếng về sự trung thực của ngài và nói rằng những tuyên bố của ngài cần được điều tra.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố cảng Trieste

Sáng Chúa nhật, ngày 07 tháng Bảy năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tạm ngưng những ngày nghỉ hè, bay đến thành phố cảng Trieste, ở mạn đông bắc Ý, cách Roma 700 cây số, để bế mạc Tuần lễ xã hội thứ 50 của Giáo Hội Công Giáo Ý, gặp gỡ những người di dân, tị nạn, người khuyết tật, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Lúc quá 10 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thống Nhất, ở trung tâm thành phố Trieste, trước sự hiện diện của hơn 10.000 tín hữu, trong đó cũng có phái đoàn tín hữu từ hai nước láng giềng, là Áo và Cộng hòa Slovenia lân cận.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ, có khoảng 100 giám mục và 260 linh mục. Ngoài ra, hiện diện trong thánh lễ cũng có các giám mục và linh mục của các Giáo hội Chính thống Serbia, Chính thống Đông Phương và các mục sư Tin lành Luther.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy sống niềm tin chân thực, năng động, được biểu lộ qua những dấn thân bác ái hằng ngày. Ngài nói: “Chúng ta cần có một đức tin ăn rễ trong Thiên Chúa làm người, và vì thế, một đức tin nhân bản, một đức tin bằng xương bằng thịt, đi vào trong lịch sử, yêu thương cuộc sống của dân chúng, chữa lành những con tim tan vỡ, trở thành men hy vọng và mầm mống một thế giới mới. Đó là một đức tin thức tỉnh lương tâm khỏi tình trạng ngái ngủ, dí ngón tay vào những vết thương của xã hội, khơi lên những câu hỏi về tương lai con người và lịch sử; đó là một đức tin gây thao thức, giúp chúng ta vượt thắng sự tầm thường và sự lười biếng của tâm hồn, trở thành một cái gai trong thân thể của một xã hội thường bị gây mê và choáng váng vì chủ nghĩa tiêu thụ. Đặc biệt, đó là một đức tin loại bỏ mọi tính toán ích kỷ của con người, tố giác sự ác, chống những bất công, làm đảo lộn những mưu đồ của người dưới bóng của quyền lực, đùa giỡn trên thân phận của những người yếu thế”.

Đức Thánh Cha nhắc đến một thi sĩ ở thành phố này, mỗi khi trở về nhà vào ban tối, thường đi qua một con đường có phần tối tăm, nơi có sự sa đọa, tại đó, con người và hàng hóa ở cảng là những đồ phế thải của nhân loại, nhưng thi sĩ ấy viết: “Chính tại đây, khi bước qua, tôi tìm lại được điều vô biên của khiêm hạ”, vì người gái điếm và thủy thủ, người phụ nữ đang cãi vã, và chàng lính…., “tất cả đều là những thụ tạo của cuộc sống và đau khổ. Chúa hành động trong đó, cũng như trong tôi” (U. Saba, Città vecchia, in “Il canzoniere” (1900-1954), Ed. definitiva, Torino, Einaudi, 1961).

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ẩn náu trong những góc tối tăm của cuộc sống và trong các thành thị của chúng ta; sự hiện diện của Chúa được tỏ lộ chính nơi những khuôn mặt có những vết hằn lên vì đau khổ và nơi mà dường như sự suy thoái hiển thắng. Sự vô biên của Thiên Chúa ẩn nấp trong lầm than của con người. Chúa tác động và tỏ lộ sự hiện diện thân hữu chính trong thân thể bị thương tổn của những người rốt cùng, những người bị lãng quên và gạt ra ngoài lề. Và chúng ta, đôi khi chúng ta lấy làm gương mù vô ích vì bao nhiêu những chuyện lặt vặt, nhưng tốt hơn chúng ta hãy tự hỏi: tại sao đứng trước sự ác lan tràn, trước cuộc sống bị hạ nhục, những vấn đề của công việc, đau khổ của những người di cư, chúng ta không cảm thấy bức xúc? Tại sao chúng ta lãnh đạm và dửng dưng trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không quan tâm đến tình trạng các tù nhân, cả từ thành phố Trieste này cũng đang gióng lên như một tiếng kêu lo âu?”

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Cả chúng ta cũng được kêu gọi trở thành những ngôn sứ và chứng nhân về Nước Trời, trong mọi hoàn cảnh chúng ta sinh sống, trong mỗi nơi chúng ta cư ngụ”.

“Từ thành phố Trieste này, hướng ra Âu châu, ngã tư của các dân tộc và văn hóa, miền đất biên giới, chúng ta hãy nuôi dưỡng ước mơ một nền văn minh mới, được xây dựng trên hòa bình và tình huynh đệ; chúng ta đừng coi Chúa Giêsu là cớ vấp phạm, nhưng hãy phẫn nộ trước tất cả những tình trạng, trong đó cuộc sống bị hành hạ, bị thương tổn và bị sát hại, với những chọn lựa trước khi bằng những lời nói. Và tôi muốn nói với Giáo phận Trieste rằng: hãy tiến bước, hãy tiếp tục dấn thân tiên phong để loan báo Tin mừng hy vọng, đặc biệt đối với những người đến đây từ lộ trình Balkan và đối với tất cả những người đang cần được khích lệ và an ủi trong thân xác và tinh thần. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân: vì khi tái khám phá chúng ta được Chúa Cha yêu thương, tất cả chúng ta có thể sống với nhau như anh chị em”.

3. Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp biển

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi các bên có yêu sách ở khu vực Biển Tây Phi Luật Tân “tuân thủ luật pháp quốc tế” và giải quyết những khác biệt của họ thông qua các biện pháp hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, đặc trách quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo của Phi Luật Tân để thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cả các yêu sách hàng hải chồng chéo.

“Trong những hoàn cảnh như vậy, những tình huống xung đột như vậy, bất kể chúng là gì, trước hết, phải thực hiện mọi nỗ lực để mọi khác biệt, xung đột đều được giải quyết một cách hòa bình”, vị Giám Mục người Anh nói trong một cuộc họp báo hôm Thứ Bẩy, 06 Tháng Bẩy.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi sẽ khuyến khích các bên xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế và theo đuổi luật pháp đó như một cách giải quyết những khó khăn và vấn đề vì lợi ích tốt nhất của tất cả các bên liên quan”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Phi Luật Tân và đã phát biểu trước các giám mục Phi Luật Tân tụ tập trong buổi tĩnh tâm hàng năm tại Tu viện Biến hình ở Thành phố Malaybalay vào hôm thứ Năm mùng 4 Tháng Bẩy,.

Ngoại trưởng Manalo cho biết ông và Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã trao đổi quan điểm về đối thoại khu vực và quốc tế, đồng thời thảo luận các vấn đề khu vực, chẳng hạn như xung đột ở Ukraine và Gaza, bên cạnh vấn đề Biển Tây Phi Luật Tân.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân cho biết: “Chúng tôi ghi nhận quan điểm chung rằng giữa những thách thức và xung đột quốc tế khác nhau, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để bảo vệ một thế giới nơi những khác biệt được giải quyết một cách hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng trong bối cảnh Phi Luật Tân thực hiện các nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế cho một tàu cũ đang mắc cạn tại Bãi cạn Ayungin.

Bắc Kinh cũng đã cấm ngư dân Phi Luật Tân vào bãi cạn Scarborough, một ngư trường truyền thống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân.

Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của trọng tài quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách lịch sử của nước này đối với Biển Tây Phi Luật Tân.

Ngoại trưởng Manalo nói với các phóng viên rằng Phi Luật Tân và Tòa thánh đã chia sẻ quan điểm ủng hộ việc quản lý di cư và đã nhất quán tán thành các quan điểm tương tự về biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi khí hậu.

Ông nói: “Chúng tôi đã tích cực hợp tác để chống lại nạn buôn người trên toàn cầu.”

Ngoại trưởng Manalo và Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng thảo luận về một bản ghi nhớ được đề xuất để Phi Luật Tân và Tòa thánh công nhận lẫn nhau các bằng cấp mà các tu sĩ Phi Luật Tân nhận được từ các cơ sở giáo dục Công Giáo.


Source:CBCP News