Vatican (UCAN 21/09/2005) - Hôm 20/09/2005, Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli đã lên tiếng phát biểu: “Ngay từ ngày mai, Toà Thánh luôn sẵn sàng, sẵn lòng, bất kể lúc nào: từ sáng đến tối, để khởi đầu một cuộc đối thoại có tính cách xây dựng với những đồng sự Trung Quốc nhằm đạt đến bình thường hoá”. Ngài cho biết: “Mục đích của chúng tôi không chỉ là quan hệ ngoại giao. Quan hệ ngoại giao là vì sự tốt đẹp cho Giáo Hội… Thật là vô ích để có một vị đại diện Toà Thánh ở Bắc Kinh nếu vị này không liên quan gì đến đời sống Giáo Hội”.

Bình luận của Đức Tổng là sự tỏ lộ công khai sự sẵn lòng của Toà Thánh mong muốn đối thoại trực tiếp ngay tức khắc với Trung Quốc, trên quan điểm hướng đến thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện. Chúng mang một ý nghĩa đặc biệt vì Đức Tổng Giám Mục Celli là người có vai trò chủ chốt của Toà Thánh Vatican trong công việc ngoại giao nhạy cảm này. Hiện nay ngài là Thư ký Văn Phòng Hành Chánh Gia sản (Patrimony) của Tòa Thánh nhưng ngày từng phục vụ Toà Thánh với cương vị Phó Tổng trưởng Thánh Bộ Quan hệ với các Quốc gia từ tháng 12/1990 đến tháng 12/1995. Đức Tổng Giám Mục Celli nói rõ thêm rằng thật là “không chính xác” khi nói bắt đầu một cuộc đối thoại có tính cách xây dựng với Trung Quốc, vì “đều đó hiển nhiên đã bắt đầu từ vài năm trước”.

Đức Tổng Giám Mục Celli vừa nhận được phần thưởng Freinademetz vì những đóng góp vượt bậc của ngài nhằm tạo ra những hiểu biết tốt đẹp hơn về văn hoá và con người giữa Trung Hoa và Âu Châu. Phần thưởng này lấy tên của Thánh Joseph Freinademetz (1852-1908) - được phong thánh vào năm 2003, là linh mục Dòng Ngôi Lời đầu tiên đến Trung Quốc. Cha Antonio Pernia, người Phi Luật Tân, Bề trên Tổng quyền Dòng Ngôi Lời đã trao phần thưởng này cho ĐTGM Celli tại tụ sở Dòng. Đức Hồng Y Roger Etchegeray và ĐHY Achille Silvestrini cũng đến tham dự lễ trao giải này cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ từ nhiều quốc gia, đa số trong họ làm việc phục vụ có liên quan đến Trung Quốc và có một số người đến từ Trung Hoa lục địa. Nổi lên trong số họ là những tham dự viên của Hội nghị Đại kết Trung Quốc tại Âu Châu lần thứ 5, được tổ chức từ ngày 16-20 tháng Chín ở Rôma.

Trong lễ trao giải, Cha Pernia đã nêu bật những kỹ năng ngoại giao của ĐTGM Celli, cha nhắc lại vai trò quyết định của ngài trong cuộc đàm phán đi đến Hiệp định Cơ bản giữa Toà Thánh và Israel năm 1993, cũng như các hiệp định với Cam bốt và Việt Nam. Cha nói kể từ năm 1982 ĐTGM là nhân vật chủ chốt của Toà Thánh Vatican trong ngoại giao với Trung Quốc. Đức TGM Celli đã tiếp đón rất nhiều du khách Trung Quốc đến Rôma, trong đó có con gái của Đặng Tiểu Bình và nhiều viên chức của Đảng Cộng sản. Trong dịp này, Ðức Cha Louis Kim Lữ Hiền (Jin Luxian), giám mục Thượng Hải (Shanghai) đã “đại diện cho Giáo Hội ở Trung Quốc và Thượng Hải” để gửi thư chúc mừng ĐTGM Celli. Trong thư Đức Cha cũng hy vọng ĐTGM Celli “tiếp tục cống hiến sự thông thái của ngài nhằm đại được bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Toà Thánh Vatican trong tương lai gần”.

Đứng trước bản đồ Trung Quốc và phát biểu “bằng cả con tim”, Đức TGM Celli nhắc lại tình yêu lớn lao của Đức Gioan Phaolô II dành cho Trung Quốc. Ngài tiết lộ rằng Đức Cố Giáo Hoàng luôn nhận được thư từ và các báo cáo từ các giám mục, giáo sĩ và tu sĩ ở Trung Quốc trong 26 năm của triều giáo hoàng. Ngay trước khi qua đời, Đức Thánh Cha đã nói với TGM Celli rằng: “Cha cầu nguyện hằng ngày cho Giáo Hội Trung Quốc”. Ngài mô tả sự gần gũi của Đức Gioan Phaolô II đối với Giáo Hội Trung Quốc thật đơn giản: “Chúng ta phải ủng hộ Giáo hội thầm lặng, nhưng chúng ta cũng bằng mọi cách thuận tiện nhất để hiệp thông với cộng đoàn khác”. Ngài nói tình cảm của Đức Gioan Phaolô II “sát cánh với Giáo Hội thầm lặng, nhưng con tim ngài là một vị mục tử của Giáo Hội hoàn vũ nên cũng gần gũi và sát cánh với các thành viên của Giáo hội chính thức”.

ĐTGM Celli cho hay thỉnh thoảng Đức Cố Giáo Hoàng đề cập với ngài về “Đức Cha Á Châu của Cha” và thường đặt câu hỏi cho đến thời điểm 1 tháng trước khi ngài qua đời: “Khi nào chúng ta đến Bắc Kinh?”. Đức Tổng nhận xét: “Chúng ta có thể mỉm cười, nhưng câu hỏi này cho ta thấy rằng ngài bày tỏ sự tận tụy của ngài đối với Giáo hội vẻ vang đó như thế nào. Tôi thường nói rằng nếu Bắc Kinh đang mở rộng cửa thì Đức Gioan Paholô II đã đến Bắc Kinh trên xe lăn”.

ĐTGM thừa nhận “những khó khăn” mà Giáo Hội Trung Quốc đã kinh qua và trong quan hệ với Toà Thánh, nhưng ngài cũng nói rằng những điều đó đã giảm bớt trong 20 năm qua. “Ngày nay thì dễ dàng hơn”. Ngài thừa nhận: “Không phải mọi vấn đề đều đã được giải quyết. Nhiều khó khăn vẫn đang còn tồn tại -- những khó khăn tột độ. Nhưng rõ ràng là bây giờ không phải là những năm 1982-85”. Ngài cũng nói đến những đau đớn mà người Công Giáo Trung Quốc đã cam chịu: “Chúng ta biết đích xác sự vẻ vang và chứng nhân từ cộng đoàn thầm lặng mang lại. Đó là mặt vẻ vang của đời sống Giáo Hội Trung Quốc”. “Nhưng, nhưng… trong cộng đoàn chính thức, chúng ta (cũng) có nhiều, nhiều tín hữu”.

Nhìn về tương lai, ngài tiên báo: “Mai này, khi văn khố của chúng ta được mở ra, các bạn sẽ phải thừa nhận sự vĩ đại của lịch sử Giáo Hội Trung Quốc. Thật vĩ đại! Chúng ta từ Âu Châu sẽ cảm thấy một ít xấu hổ và kinh ngạc. Những gì là bằng chứng của đức tin, của đời sống, Giáo Hội Trung Quốc đã mang đến cho Đức Kitô và cho chúng ta!”.

Đức TGM Celli kết luận: Tương lai “sẽ là những gì Chúa Chúng ta mang đến cho chúng ta. Nhưng giờ chúng ta mở ra cuộc đối thoại nài với những đồng sự chúng ta ở Trung Quốc vì sự tốt đẹp của Giáo Hội chứ không chỉ vì có được quan hệ ngoại giao”.