
Cyprien Viet của Aleteia, ngày 29/03/25, nhận định rằng: Chỉ riêng cái chết được cho là sắp xảy ra của nhiều vị giáo hoàng trong hai thế kỷ qua đã là chủ đề của sự suy đoán và cường điệu của giới truyền thông. Một số vị đã bất chấp mọi chấp đoán.
Thực vậy, trong những tuần gần đây, việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhập viện đã làm dấy lên nhiều tin đồn về nguy cơ tử vong sắp xảy ra hoặc kế hoạch nghỉ hưu của vị giáo hoàng. Mặc dù ngài đã trải qua hai cơn khủng hoảng khi gần kề cái chết, nhưng giờ đây ngài đã trở về Vatican. Lịch sử của các vị giáo hoàng cho thấy nhiều ví dụ về tuổi thọ đáng kinh ngạc của các vị mà cái chết được giới truyền thông coi là sắp xảy ra.
Đức Gioan Phaolô II
Vào ngày 22 tháng 9 năm 1996, khoảng 200,000 tín hữu đã có mặt tại Reims để tham dự Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành nhân kỷ niệm 1,500 năm ngày Clovis chịu phép rửa tội. Nhiều người trong số họ có cảm giác ít nhiều rõ ràng là muốn tạm biệt một giáo hoàng kiệt sức. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị suy yếu rất nhiều do bệnh Parkinson, nhưng cũng do viêm ruột thừa, và cuối cùng ngài đã phải phẫu thuật vài ngày sau đó tại Rome.
Trong mắt những người quan sát, nỗi đau khổ của vị giáo hoàng người Ba Lan khiến cho triển vọng của Ngày Giới trẻ Thế giới được lên kế hoạch tổ chức tại Paris vào mùa hè năm 1997 vẫn còn rất không chắc chắn, thậm chí là không thể xảy ra. Và số lượng đăng ký rất thấp đã phản ảnh điều này.
Không ai có thể đặt cuộc vào thành công của quần chúng sẽ quy tụ hơn một triệu người trẻ xung quanh một vị Giáo hoàng kiệt sức nhưng vui mừng! Và cũng không ai tưởng tượng được sự xuất hiện của một Đức Gioan Phaolô II đã ngoài 80 tuổi tại Lourdes vào năm 2004, cho chuyến đi thực sự cuối cùng của ngài ở nước ngoài.
Tin đồn của các chuyên gia Vatican
Trong cuốn sách Un automne romain (“Mùa thu Rôma”), do Les Belles Lettres xuất bản năm 2018, nhà báo Michel de Jaeghere kể lại bầu không khí rất đặc biệt ngự trị ở Rome vào tháng 10 năm 1996 khi Đức Gioan Phaolô II II, lúc đó 76 tuổi, phải nhập viện. Jaeghere, hiện là giám đốc của Figaro Histoire, được nhóm biên tập của mình cử đến đó.
Ông mô tả bầu không khí kỳ lạ giữa các chuyên gia Vatican, những người đang chuẩn bị trải nghiệm “khoảnh khắc vinh quang” của mình và quan sát với sự khinh thường sự xuất hiện của các phóng viên quốc tế phát hiện ra “cỗ máy Vatican”.
“Những tin đồn đan xen, tác động lẫn nhau và cứ xoay vòng. Một chuyện vặt vãnh có thể biến thành chi tiết quan trọng; một sự vắng mặt, một sự kiện; một cái nhíu mày, thông tin độc quyền,” ông nhận xét một cách mỉa mai.
Nhưng ca phẫu thuật cắt ruột thừa đã thành công và cuối cùng đã giúp vị Giáo hoàng thoát khỏi những cơn đau ruột đã tấn công ngài nhiều lần trong năm trước.
Sức khỏe của Đức Gioan Phaolô II, do vụ ám sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 và hậu quả nghiêm trọng của nó, là một câu chuyện truyền thông dài bất tận và thử thách. Tờ báo quốc tế Courrier của Pháp đã đưa tin trên ấn bản ngày 26 tháng 10 năm 1994 với tiêu đề gây sốc: “Đức Giáo Hoàng đang hấp hối”.
“Liệu Đức Giáo Hoàng có dẫn dắt Giáo hội, như ngài hy vọng, vào thiên niên kỷ thứ ba không?”, tờ báo hàng tuần tự hỏi sáu năm trước Đại lễ 2000, cuối cùng sẽ được lãnh đạo bởi một Đức Gioan Phaolô II mạnh mẽ hơn mong đợi.
Từ Đức Lêô XIII đến Đức Bênêđictô XV
Đức Gioan Phaolô II không phải là vị giáo hoàng duy nhất làm chủ đề của những suy đoán về cái chết sắp xảy ra của ngài. Đức Lêô XIII, người qua đời năm 1903 ở độ tuổi cực kỳ hiếm khi đó là 93 — cao gấp đôi tuổi thọ trung bình của dân số nói chung vào thời điểm đó — là tâm điểm của nhiều tin đồn về bệnh tật và cái chết vào cuối thế kỷ 19.
Đoạn phim về ngài được quay vào năm 1896, hiện là nội dung video lâu đời nhất được ghi lại ở Ý, được coi là phản ứng táo bạo đối với những tin đồn này. Do đó, ngài đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên được quay phim, nhưng cũng là một trong những nhân vật công chúng đầu tiên xuất hiện trên phương tiện truyền thông như vậy.
Người kế nhiệm ngài, Thánh Piô X, có thời gian tại vị ngắn hơn. Cái chết của ngài vào mùa hè năm 1914 đã bị lu mờ bởi sự khởi đầu của Thế chiến thứ nhất. Cái chết của người kế nhiệm ngài là Bênêđictô XV vào năm 1922 đã nhận được rất ít sự đưa tin của giới truyền thông, trong bối cảnh tầm nhìn quốc tế của Tòa thánh suy yếu.
Trường hợp bất thường của Đức Piô XI
Vào năm 1936, tình hình đã khác, khi Piô XI được báo cáo là sắp qua đời. “Vào ngày 5 và 6 tháng 12 năm 1936, các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Rome để đưa tin về những giờ phút cuối cùng của vị giáo hoàng cường tráng này, một vận động viên thể thao tài năng chưa bao giờ phải gặp bác sĩ”, Bernard Lecomte viết trong cuốn sách Le Dictionnaire amoureux des papes (“Từ điểu Yêu thương về các vị Giáo hoàng, Plon, 2016).
Nhưng sau 10 ngày đau khổ, Đức Piô XI đã trải qua một “sự thuyên giảm không thể hiểu nổi”, được một số người coi là một phép lạ.
Cái chết thực sự của ngài vào ngày 10 tháng 2 năm 1939 vẫn còn là một mầu nhiệm. Nhân dịp kỷ niệm Hiệp định Lateran, Đức Giáo Hoàng phát biểu rất kiên quyết và chỉ trích về chế độ phát xít của Mussolini. Ngài qua đời hai ngày trước khi phát biểu, và do đó bài phát biểu đã bị bỏ qua.
Sự hiện diện trong nhóm bác sĩ của ngài là một bác sĩ Francesco Petacci, không ai khác chính là cha của tình nhân của Mussolini, Clara Petacci, khiến Hồng Y người Pháp Eugène Tisserant tin rằng vị Giáo hoàng đã bị ám sát.
Từ Đức Piô XII đến Đức Bênêđictô XVI
Đức Piô XII qua đời năm 1958 tại Castel Gandolfo, sau một triều đại được đánh dấu bằng nhiều căn bệnh về thể chất và tinh thần. Sức khỏe của ngài cũng chịu ảnh hưởng từ bác sĩ riêng của ngài, Tiến sĩ Galeazzi-Lisi. Bác sĩ này là một nhân vật gây tranh cãi, thậm chí đã bán ảnh của vị giáo hoàng hấp hối cho tạp chí Paris-Match của Pháp.
Cái chết của Đức Gioan XXIII vào tháng 6 năm 1963, trong hoàn cảnh tỉnh táo và thanh thản hơn nhiều, đã kết tinh tình yêu của người Rôma dành cho "buono Papa" của họ. Họ đã tháp tùng ngài trong những giờ phút cuối cùng bằng cách canh thức và cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, như người ta vẫn thường tháp tùng những khoảnh khắc cuối cùng của một người ông ở nhà.
Cái chết của Đức Phaolô VI vào năm 1978, giữa cơn buồn ngủ mùa hè, không phải là điều bất ngờ thực sự vì ngài đã kiệt sức rõ rệt. Tuy nhiên, cái chết của người kế nhiệm ngài là Đức Gioan Phaolô I, chỉ sau một tháng trị vì, đã gây ra cú sốc lớn và làm dấy lên sự hoài nghi. Hoàn cảnh cái chết bất ngờ của ngài vẫn là chủ đề tranh luận cho đến ngày nay, và chỉ sau khi ngài qua đời, sức khỏe của ngài mới trở thành chủ đề của nhiều bài báo.
Việc Vatican truyền đạt yếu ớt và mơ hồ về cái chết của Đức Gioan Phaolô I cũng góp phần vào cơn sốt truyền thông dữ dội xung quanh Đức Gioan Phaolô II, người đã mỉa mai tuyên bố rằng nếu cần kiểm tra sức khỏe của mình, ngài chỉ cần "đọc báo".
Về phần mình, Đức Bênêđictô XVI, mặc dù thể chất yếu ớt, nhưng vẫn có sức khỏe tương đối ổn định trong suốt triều giáo hoàng của mình và sống sót gần 10 năm sau khi từ chức.
Đức Phanxicô đã về nhà
Việc Đức Phanxicô trở lại Vatican vào ngày 23 tháng 3 năm 2025 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử của các vị giáo hoàng “được hồi sinh” sau khi trở thành chủ đề của những tin đồn về cái chết sắp xảy ra. Nhưng nếu ngài tiếp tục nhiệm kỳ giáo hoàng của mình với ít nhất là một phần các hoạt động của mình được khôi phục, thì những hạn chế về thể chất và tuổi 88 của ngài chắc chắn sẽ ngụ ý một nhịp độ chậm hơn và sự giám sát y tế liên tục.