Đối với tôi, đọc báo là một nhu cầu gần như bữa điểm tâm hằng ngày. Báo chí và những phương tiện truyền thông khác là cánh cửa sổ mở ra bên ngoài, giúp tôi giữ được mối tiếp xúc với xã hội Việt Nam và với thế giới, cung cấp chất liệu cho tôi suy tư và cả cầu nguyện nữa. Tôi có thói quen ghi chép vào sổ tay những thông tin, những sự kiện và những tư tưởng xét là hữu ích cho tôi, rải rác trên báo chí hằng ngày, đôi khi kèm theo một vài nhận định riêng của tôi về những điều ghi chép đó.

Đã lâu rồi tôi có ý định viết một bài suy nghĩ về một vài khía cạnh của đời sống đất nước hiện nay, do được thúc đẩy bởi hiện tượng cán bộ tham nhũng và làm khổ người dân, -một hiện tượng khá phổ biến mà báo chí hầu như ngày nào cũng có đưa tin, trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng tôi ái ngại. Sổ ghi chép của tôi tuy đã dồi dào về loại thông tin này, nhưng đã đủ để “khái quát” chưa? Và làm thế nào để tránh được vơ đũa cảnắm? Nhưng mới đây, đọc hai bài trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật (=TTCN) ngày 19-9-2005, nhan đề Tiếng kêu giữa rừng U Minh Hạ của Hoàng Trí Dũng, và Chia chác đất công của Vân Trường, thì tôi thấy không thể do dự thêm được nữa. Thật ra, bài của Vân Trường không gây “ấn tượng” gì đặc biệt nơi tôi.Giở lại sổ tay, tôi đọc : Hiện tượng cán bộ chiếm đất công phổ biến, như ở Phú Quốc, hồ Trị An, Thác Mơ, khu công nghệ cao Láng-Hoà Lạc, Đồ sơn …(x. TTCN 4-5-2005); hoặc mới mẻ hơn : Trà Vinh : Đất công được bán cho quan chức với giá “siêu rẻ” (TT 19-8-2005), Nghệ an : Đất rừng về tay cán bộ, dân trắng tay (TT 22-9-2005), Tiền Giang phát hiện nhiều cán bộ xà xẻo đất công (TT 22-9-2005), Bạc Liêu : chính quyền lấy đất cho người nghèo để cấp cho cán bộ từ tỉnh trở xuống, khiến dân bất bình gọi số đất đó là đất “hoàng gia” (TTCN số 14-2005).

Chính bài Tiếng kêu giữa rừng mới làm tôi vô cùng bức xúc và nhất định chia sẻ một vài suy nghĩ. Trong một đoạn đóng khung, tác giả tóm tắt ý chính của bài như sau: “Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có lẽ chưa lần nào tôi bị ‘sốc’ như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng quê ấy vẫn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất… Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương -, những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.” Sau đó tác giả tường thuật chi tiết một số sự việc và nêu lên nỗi niềm của người dân trong cuộc, chẳng hạn chú Ba Vinh kêu: “Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc phát canh thu tô. Ruộng nương thì bị lâm trường thu hồi cấp cho người khác mà không làm thủ tục thanh lý theo hợp đồng, trắng tay nhưng bám trụ làm thuê kiếm sống chờ thời.(Tôi nhấn mạnh) Mấy năm qua vào mùa khô, kênh trơ đáy không đi lại được, xin mấy ông cán bộ lâm trường mở đập đưa nước vô cho bà con đi lại, trồng ít bụi rau, bụi hành bên bờ kênh nhưng lâm trường không cho … Còn chuyện nước uống, sinh hoạt thì cơ khổ. Vừa rồi mấy gia đình tụi tui gom góp được ít tiền thuê nhóm thợ vào khoan cây nước xài, liền bị cán bộ lâm trường xuống lập biên bản không cho, đành chịu cảnh lội bộ hàng cây số gánh nước về xài.” Những người khác bức xúc nói: “Dân trồng bụi chuối, luống rau, nếu cán bộ lâm trường phát hiện, cũng bị xử phạt vì trồng cây trái phép trên bờ kênh, còn cán bộ và gia đình thì đất đai cò bay thẳng cánh, muốn gì được nấy.” Dân bất bình đã có lần xô xát với cán bộ.

Rõ ràng trong trường hợp này, cũng như bao trường hợp khác tương tự, người cán bộ đứng trong tư thế kẻ có quyền trên nhân dân, thay vì phục vụ dân họ lợi dụng chức quyền làm lợi cho mình và chèn ép, ức hiếp dân, họ lạnh lùng thi hành các chính sách mà không hề đếm xỉa gì tới số phận người dân ra sao. Giáo sư Tương Lai nhận xét: “Cán bộ nhà nước bây giờ phần lớn không phải nằm gai nếm mật, mà có điều kiện ngồi ô tô, ở biệt thự, tiếp xúc với tiền triệu, tỉ, có khi chỉ cần một chữ ký thì từ “sở hữu toàn dân” trở thành “sở hữu cá nhân” ngon, gọn, kín nhẹm! ( Báo Pháp Luật TP.HCM 21-10-05, trích lại trong báo Người Lao Động 24-10-05). Về tâm lý, người dân ngày càng thấy mình xa cách tầng lớp cán bộ đảng viên mà dưới con mắt họ là tầng lớp “trên” và ưu đãi của xã hội : “Xe hơi lộng lẫy, xe hơi đời mới không chỉ là sự lãng phí thông thường mà là sự khẳng định không công bố về sự phân biệt đẳng cấp xã hội của quan chức – những người được mệnh danh là đầy tớ nhân dân” (Bình Sơn: Công bộc, báo Pháp Luật Chủ nhật, 29-8-04, trích lại trên NLĐ 30-8-04).

Đảng và Nhà Nuớc chủ trương phát triển đất nước theo nền kinh tế thị trường (tư bản) nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung, đời sống đồng bào nhờ đó đã khá lên rất nhiều so với thời kinh tế bao cấp. Nhưng tôi cứ thắc mắc, nhất là mỗi lần thấy cảnh cán bộ đảng viên sống tiêu cực và nổi lên như một giai cấp mới : Thế nào là là định hướng xã hội chủ nghĩa? Chẳng cần dài dòng, chỉ cần ghi lại điều sơ đẳng nhất ai cũng đã được nghe : đó là chủ nghĩa xã hội nhắm tới một xã hội công bằng, huynh đệ, không giai cấp, không có cảnh người áp bức bóc lột người, một xã hội trong đó quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể hài hoà với nhau theo châm ngôn “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Mục tiêu đó đẹp quá đến nỗi đã có nơi, có lúc người Kitô hữu đồng hoá nó với chính lý tưởng Phúc Âm của mình ! Tuy mục đích còn nằm xa trước mặt, nhưng một chính sách cai trị và phát triển theo định hướng ấy tất nhiên phải bắt đầu phản ánh và phát huy được phần nào những nét ưu việt của nó ngay bây giờ. Người dân có quyền đòi hỏi điều đó. Nhưng thực tế thì sao ? Có bóng dáng nào của lý tưởng ấy trong thực tế đời sống đất nước không ? Có lẽ còn quá ít !

Hiện nay, theo người dân như tôi thì hình như chính sách “đất đai sỡ hữu toàn dân” là chính sách mang tính xã hội chủ nghĩa rõ nét nhất, nghĩa là chính sách ấy vốn luôn được coi là một đặc điểm cốt yếu của chủ nghĩa cộng sản, nay vẫn được lấy lại trọn vẹn ngay trong chủ trương đổi mới. Nhưng đây cũng là vấn đề rắc rối nhất, các chính sách của nhà nước về đất đai có vẻ lúng túng nhất, lãnh vực gây bất bình và kiện tụng nhiều nhất, và cũng là nơi làm giàu cho rất nhiều cán bộ các cấp nhờ tham nhũng hoặc bằng “mưu mẹo”, theo từ ngữ của một bài báo mới đây… Trong bài Phải rõ người rõ việc đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4-5-2005, Đỗ Trọng Ngoạn khái quát : tham ô lãng phí về đất đai là phổ biến nhất. Năm 2002 thanh tra ở 17 dự án đã thất thoát 870 tỉ đồng, năm 2003, thanh tra 14 dự án, sai phạm 1.235 tỉ đồng. Tác giả thắc mắc: vậy đó là những dự án nào ? Tiền vào túi ai ? Sao không thấy vạch mặt chỉ tên? Đó cũng là thắc mắc thường xuyên của quần chúng nhân dân. Nhiều vụ sai phạm bị báo chí hay nhân dân phanh phui nhưng phần lớn chỉ được giải quyết nội bộ cách nhẹ nhàng “giữa ta với ta”, còn nếu bị đưa ra toà, thì người ta có cảm tưởng là hình phạt thường chưa tương xứng với tội phạm, chưa đủ sức răn đe.

Kết thúc đợt kiểm tra việc thi hành Luật đất đai, bộ trưởng Mai Ai Trực phát biểu hai điều quan trọng : l/ vi phạm pháp luật (do cán bộ) là nguyên nhân của nhiều vụ khiếu kiện của nhân dân, 2/ trong việc thu hồi đất (cho các dự án, công trình) chúng ta chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế, quan tâm thu hút đầu tư mà ít lo các vấn đề xã hội nảy sinh do thu hồi đất (TT ngày 1-9-2005). Rất nhiều trường hợp, chính quyền chỉ tìm lợi tối đa cho mình (hoặc cho người đầu tư) và tối thiểu cho người dân. Mỗi lần lên Đà Lạt đi ngang qua Đồi Cù, tôi thường tiếc nuối thời xưa khi ngọn đồi còn là khu vực rộng rãi thoáng mát ngay giữa thành phố mở ra cho nhân dân lui tới hóng gió, ngoạn cảnh, còn nay đã bị vòng rào vây kín, dành riêng cho những ai có tiền mới vào được. Tôi nhớ hồi đó báo chí và dư luận đều phản đối mạnh mẽ, nhưng chính quyền vẫn cứ “mạnh dạn” đem ngọn đồi cho thuê. Chắc chắn quyết định này không có chút mảy may nào là định hướng xã hội chủ nghĩa cả. Việc chính quyền tp Huế quyết định cho xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh đã gây xôn xao dư luận cả nước gần đây, cũng là một trường hợp đặt quan điểm phát triển kinh tế trên quan điểm văn hoá và cả quan điểm nhân dân mà tôi nghĩ là một nét rất tiêu biểu của lý thuyết chủ nghĩa xã hội.

Tôi xin lấy một ví dụ khác trong phạm vi giáo dục. Theo cơ chế tập trung bao cấp, ngành giáo dục được nhà nước quản lý chặt. Mấy năm gần đây bắt đầu có chút nới lỏng, khi cho phép thành lập một số trường ngoài công lập, nhưng trong thực tế, người ta vẫn làm khó dễ, chèn ép, khống chế sự phát triển loại hình trường mới này, chẳng hạn bằng cách Bộ Giáo dục – Đào tạo khống chế số sinh viên mỗi trường đó được phép tuyển là bao nhiêu. Dường như người ta muốn làm nản lòng hơn là khuyến khích những người hay tổ chức muốn mở trường. Vẫn là cơ chế xin-cho. Chính sách có vẻ mới nhưng đầu óc, tư tưởng thì vẫn như xưa. Đó là nhận xét không phải của ai khác, mà là của ông Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (x. TT 2-11-2005). Hình như đối với không ít người nắm quyền hiện nay, nhà nước càng quản lý chặt bao nhiêu càng giữ được tính xã hội chủ nghĩa bấy nhiêu, còn chuyện đất nước có phát triển và người dân có được phục phụ tốt hơn hay không, họ ít quan tâm! Hậu quả thì mọi người đều thấy cả. Ở cấp tiểu và trung học, học sinh phải học ngày học đêm, học ở trường học thêm ở nhà, học cho đờ đẫn người ra, trẻ con hầu như không còn nghỉ hè nữa. Báo chí, dư luận có phân tích, phê bình, kêu ca bao nhiêu, tình hình vẫn không khá hơn. Một bài trong Tuổi Trẻ gần đây viết: “Quá kinh khủng ! Tôi buộc phải thốt lên câu này khi phải nhìn những hình ảnh mệt lả của các em học sinh, phải thấy cảnh giáo viên ngồi cắm cúi dò bài cho từng học sinh dù đã khuya” (Nguyễn Nhất Nguyễn : Hoàn hảo đến thế là cùng, trong TT ngày 21-5-2005).

Người dân đã khổ không biết bao nhiêu rồi vì những cải cách nửa vời trong giáo dục, những thí nghiệm, những cuốn sách giáo khoa, vì thi cử, vì đủ thứ đóng góp ngoài tiền học phí chính thức đến nỗi báo chí đã gọi những loại phí thu đó của các trường là loạn thu. Mới đây nhất, lại nghe ngành giáo dục nại vào xã hội hoá để đề nghị tăng thêm học phí. Một mức tăng “đến choáng mặt” đối với sinh viên đại học (x TT 28-10-2005). Chưa chi nhiều gia đình đã thấy trước phải cho con thôi học. Trong bài “Bắt dân đóng góp nhiều là không đúng” đăng trên báo Người Lao Động ngày 14-9-2005, tiến sĩ Phương Ngọc Thạch cho rằng chủ trương xã hội hoá như trên là tăng nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục, và thương mại hoá giáo dục. Định hướng xã hội chủ nghĩa đâu rồi ? Ông viết: “Hiện nay, phần tài chính do dân đóng góp cho lĩnh vực đào tạo nước ta ở cấp tiểu học đã lên tới 44,5%, trung học là 51,5%, dạy nghề 62,1%. Các gia đình thuộc tầng lớp nghèo khổ phải chịu gánh nặng chi phí giáo dục cho con em nặng nề. Điều tra mức sống dân cư năm 2002 cho thấy chi phí trực tiếp cho giáo dục khá cao so với thu nhập các hộ nghèo là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em nghèo ít đi học.” Tôi nhớ lại ý kiến một vị giáo sư đáng kính, ông Võ Tòng Xuân đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 3-8-2005 như sau: “Vì sao chất lượng giáo dục, đào tạo đồng bằng sông Cửu Long kém, thậm chí quá tệ? Chúng ta không quá thiếu kinh phí đào tạo, mà nguyên nhân chính làdo việc thực hiện, tổ chức còn kém, quan liêu. Sự yếu kém này bộc lộ từ trung ương đến địa phương … Thực tế cho thấy ở nhiều nơi chỉ cần giảm bớt vài buổi liên hoan bia bọt là có đủ tiền đắp một con đường cho con em đến trường nhưng không làm, để tiền nhậu chơi.”

Trên đây tôi đã trích dẫn báo chí rất nhiều cho một bài viết ngắn, đó là để tránh chủ quan, còn những ý kiến kèm theo cũng bám sát vào các sự kiện để khỏi bị coi là suy diễn vu vơ. Tôi tin chắc rằng mấy suy nghĩ của tôi hoàn toàn phản ánh tâm tư của người dân bình thường, dù có thể số đông không phân tích và tổng hợp được như tôi.

(3-11-2005)