Hôm 03/11/2006, Đức Cha Celestino Migliore, Quan sát viên của Toà Thánh tại Liên Hiệp quốc đã có bài diễn văn trước phiên họp lần thứ 61 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về “Văn hoá của Hoà Bình”. Nhân dịp này, Toà Thánh đã trình bày khái niệm “Hoà bình trong Sự thật” trước Liên Hiệp Quốc, lặp lại chủ đề trong sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Hoà Bình 2006.

Sau khi bày tỏ lòng tin cậy của Toà Thánh vào cơ quan quốc tế này như là một “diễn đàn có quyền được nói, nơi mà các quốc gia có thể làm việc phối hợp với nhau nhằm thăng tiến cho hoà bình”. Đức Cha Migliore nhắc lại rằng “đang đọc thấy những dấu hiệu của thời đại chúng ta là khủng bố, thuyết hư vô, trào lưu cuồng tín quá khích đe doạ sự chung sống hoà bình, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh mối ràng buộc không thể tách rời giữa hoà bình và sự thật”.

Đức Cha cũng nói rằng hoà bình bao hàm sự thật vốn thuộc về tất cả mọi người vuợt khỏi giới hạn của văn hoá, triết học và tính đa dạng của tôn giáo. “Đó là ý niệm về phẩm giá của mỗi con người có liên hệ mật thiết với sự tồn tại siêu việt. Vì vậy hoà bình sẽ đạt đến chỗ nó sẽ được hiểu và đem ra thực hành như là sự nhận thức về điều này sẻ chia với sự thật, trong sự tôn trọng lẫn nhau của những khác biệt về văn hoá”.

Theo Toà Thánh, vấn đề khởi đầu ở bình diện văn hoá: thậm chí ngày nay vẫn còn có những văn hoá và tâm lý “phủ nhận sự thật cơ bản là sự tồn tại của hoà bình”. Một điển hình bi kịch nhất chính là nạn khủng bố quốc tế: “Mưu đồ tội ác của khủng bố quốc tế dựa trên gốc rễ văn hoá sai lầm từ chối sự tồn tại liên kết giữa sự thật và sự sống con người”. Đức Cha cũng chỉ rõ: “Gốc rễ như thế có thể nhận thấy trong thuyết hư vô và trào lưu cuồng tín quá khích vốn là đường lối sai lầm trong liên hệ với sự thật”.

Đức Cha đã vạch rõ những nguyên nhân của việc thiếu hoà bình trong thế giới chúng ta, vốn không thể “bị suy giảm chỉ dành cho những người của một xã hội riêng biệt hay một thứ chính trị. Các vụ khủng bố, các cuộc chiến tranh, các vụ diệt chủng và những bất công ở tầm mức quốc gia, quốc tế cũng có thể được giải thích bởi những động lực sâu sắc hơn của văn hoá, ý thức hệ, triết học và ngay cả tôn giáo. Theo sau đó là hành vi xã hội và sự lựa chọn chính trị”.

Vị đại diện Toà Thánh kết thúc bài diễn văn của mình bằng cách mời gọi cộng đồng quốc tế trước tiên hãy tái lập “mối quan hệ đúng đắn giữa sự thật và hoà bình trên bình diện văn hoá” để có thể “thực thi hoà bình trên bình diện xã hội và chính trị”.