NHỮNG VIỆC TỬ ÐẠO NHỎ BÉ
TRONG ÐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY



Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Kn 3:1-9; Rm 8:31b-39; Lc 9:23-26

Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận 53 sắc lệnh do các chúa Trịnh và Nguyễn hay do các vua nhà Nguyễn hạ bút kí với chỉ thị chống lại đạo Kitô giáo bằng những cuộc bách hại đạo gắt gao, cứ mỗi lần thêm dữ dội.

Sử gia Tertulianô đặt bút viết: Máu các thánh tử đạo là hạt giống gieo vãi đức tin. Trải qua các thế kỉ bắt đạo, Giáo hội vẫn tồn tại và phát triển. Lịch sử các cuộc bách hại đạo trên thế giới và nhất là tại Việt Nam chứng minh điều đó. Máu 117 vị tử đạo được phong thánh vì có hồ sơ với tên tuổi và lịch sử về đời sống và cái chết còn được lưu trữ lại. Thực sự thì các sử gia ước lượng còn 130 ngàn người công giáo đã ngã gục vì đức tin vào Chúa trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Trong số 117 vị tử đạo đã được phong thánh gồm 96 người Việt Nam (gồm 37 linh mục, 17 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân); 11 người Tây Ban nha (gồm 6 giám mục và 5 linh mục dòng Ða minh); 10 người Pháp (gồm 2 giám mục và 8 linh mục Hội Thừa sai Balê). Thêm vào danh sách tử đạo thì có thày Anrê Phú Yên mới được phong á thánh. Tất cả cùng chấp nhận những lao nhọc do việc tông đồ, đồng thời cũng sát cánh đương đầu với cái chết để làm chứng cho chân lí Phúc âm. Sự kiện này khiến ta liên tưởng đến lời Chúa: Dù quyền lực của ma quỉ cũng không thắng nổi (Mt 16:18).

Thời nay người ta không còn cấm đạo và bắt đạo như xưa trừ ra ở một số quốc gia nào đó trên thế giới. Như vậy ta có thể noi gương các thánh tử đạo ở những điểm nào? Nếu quan sát sẽ thấy, đời nay người ta vẫn còn bắt đạo một cách tinh vi và tế nhị. Các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng tin thường tấn công Giáo hội bằng cách phê bình đường lối giáo huấn của Giáo hội, cho rằng Giáo hội lỗi thời, không đi theo trào lưu tư tưởng của thời đại. Người ta đặt những câu hỏi tại sao Giáo hội không truyền chức linh mục cho nữ giới, trong khi nhiều giáo phái khác đã làm. Tại sao Giáo hội không cho phép linh mục lập gia đình để tăng thêm số thợ gặt cánh đồng truyền giáo, trong khi thiếu ơn kêu gọi làm linh mục? Tại sao Giáo hội cấm việc dùng thuốc ngừa thai nhân tạo trong khi dân số hoàn cầu tăng mau lẹ? Tại sao Giáo hội không cho phép li dị trong khi các giáo phái khác đã làm? Tại sao Giáo hội thế nọ, tại sao Giáo hội thế kia?

Bằng cách thế loan tin, giới truyền thông đã gieo nghi ngờ vào đầu óc người công giáo, khiến cho những người yếu đức tin bị lung lạc, cho những người thiếu hiểu biết về giáo lí Phúc âm và đưởng lối giáo huấn của Giáo hội dễ tin theo lập luận của họ.

Trước những tấn công đó mà người công giáo vẫn trung thành với đức tin công giáo, là họ đang chịu tử đạo, nếu hiểu tự đạo là trung thành với đức tin vào Chúa và đường lối Phúc âm. Khi nghe những lời phỉ báng Giáo hội, mà người công giáo vẫn trung thành với đức tin công giáo, là họ đang chịu bắt bớ vì đạo. Tại sở làm, khi người cùng sở hỏi tại sao người công giáo phải đi lễ Chúa nhật, trong khi những đạo khác đâu có bắt buộc, mà người công giáo vẫn trung thành, là đang chịu tử đạo. Khi sống theo đường lối Phúc âm và đường lối giáo huấn của Giáo hội, mà bị cho là bảo thủ, mà vẫn trung thành giữ đạo, là đang chịu tử đạo. Khi phải bận rộn với cuộc sống mà vẫn tìm giờ giáo dục con cái theo đường lối Phúc âm, mặc dầu bị cho là không thực tế, là đang chịu tử đạo. Khi phải lâm vào cảnh lầm than vất vả; khi phải mang bệnh tật khổ đau về thân xác hay tình thần mà vẫn trung thành phụng sự Chúa, là đang chịu tử đạo. Khi bị mất việc làm, mất bạn bè, mất người thân yêu, mà vẫn trung thành với giáo lí Phúc âm, là đang chịu tử đạo. Khi nghe những chuyện tầm phào, những lời gièm pha, những lời phê bình thiếu xây dựng, thiếu bác ái, mà không a dua, không nhập cuộc, là đang chịu tử đạo.

Các thánh tử đạo không phải tự nhiên mà dám khơi khơi xông xa pháp trường cho lí hình hành xử đâu. Ðể có thể chấp nhận cái chết vì đức tin vào Chúa và vì yêu mến Chúa, các vị anh hùng tử đạo đã phải trung thành với Chúa trong những việc nhỏ trước đã, nên mới có thể trung thành trong những việc lớn là chết vì đạo. Ðó chính là ý nghĩa của lời ông chủ vườn nho bảo người đầy tớ: Vì anh trung thành trong việc nhỏ, tôi sẽ đặt anh lên coi việc lớn (Mt 25:21). Lời Ðức Giêsu tiên báo cho các tông đồ là họ sẽ bị điệu ra trước toà vua chúa quan quyền vì danh Chúa (Mt 10:18), cũng được hiểu là trước toà án công luận, toà án báo chí.

Bằng việc tôn vinh các vị anh hùng tử đạo, Giáo hội muốn bảo cho người tín hữu đây là những tấm gương sống động và trung thành với đức tin đáng cho ta noi gương bắt chước. Ði dự lễ các thánh tử đạo là để tạ ơn Chúa đã ban đức tin anh dũng cho các thánh tử đạo, để làm hạt giống đức tin cho hậu thế. Lên hôn kính hài cối các thánh tử đạo là việc bầy tỏ sự hiệp thông trong cùng một đức tin với các thánh và xin các thánh bầu cử để ta cũng được trung thành với đức tin trong những công việc nhỏ mọn hằng ngày.

Lời cầu nguyện xin cho được trung thành với đức tin:

Lậy Chúa là Thiên Chúa con thờ!
Tạ ơn Chúa cho ơn được nhận lãnh đức tin.
Xin cho những người đang bị bách hại, nhạo cười, kì thị
vì tin thờ Chúa được lòng bền vững cậy trông.
Và xin cho con cũng được trung thành với Chúa
trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Amen.