Kính thưa quý vị,

Chúng ta đang hiện diện nơi đây, phải chăng là để hướng về, để tưởng niệm, để qui tụ chung quanh một người thân đã khuất, Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, một thi hào và một mục tử. Vì thuộc thế hệ, học trò, và rất giới hạn trong lãnh vực văn học chuyên môn, nhất là lãnh vực thi ca, nên tôi chỉ có thể nhìn về Cha Văn với lăng kính của một học trò ngưỡng mộ thầy, của một giáo dân kính phục Cha sở, sự ngưỡng mộ mà có lần, chúng ta đã mượn một thành ngữ cổ để diễn tả cuộc đời và sự nghiệp của Cha Văn, qua hai từ Hán ngữ “XUÂN – VĂN” :

XUÂN ĐÀI THỌ VỰC

VĂN THÁI PHONG LƯU

“Xuân đài thọ vực” : có nghĩa một cuộc đời an nhàn thư thái, sống lâu mà vẫn an nhàn đẹp tươi (Thành ngữ điển tích của Diên Hương trang 69)

“Văn thái phong lưu” : Có nghĩa cái màu vẽ của văn chương, truyền bá đến đời sau như gió bay xa, như nước chảy tràn (Hán-Việt tự điển của Đào Duy Anh, trang 538).

Tuy nhiên, do cái “hữu duyên thiên lý ngộ” mà Thiên Chúa đã quan phòng không biết tự lúc nào, tôi và Nhà Thơ linh mục Nguyễn Xuân Văn lại được sống gần nhau trong một bối cảnh xã hội đặc biệt (Xã hội Việt nam những năm sau biến cố 1975), tại một môi trường mục vụ đặc biệt (giáo xứ Mằng Lăng, quê hương của Á Thánh Anrê Phú Yên); và nhất là, ở vào một thời điểm, vị linh mục thi sĩ tài hoa nầy đã thai nghén, rồi chắp bút thực hiện đại thi phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”, một kiệt tác thi ca lục bát có một không hai trên thi đàn Việt nam, xét về lượng (với 9764 câu thơ) cũng như về phẩm.

Để đánh giá tổng quát về con người tác giả, và đặc biệt, về tác phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” sau khi Ngài ra đi về cõi vĩnh hằng, quả thật, thời gian 5 năm chưa phải là đủ chín mùi để thấy hết mọi góc cạnh và những giá trị tế vi, mà tự bản chất, tác phẩm thi ca nào cũng đòi phải có thời gian nhất định để cảm nghiệm và thẩm thấu.

Dĩ nhiên, để hiểu, để cảm được những vần thơ lục bát mượt mà của “Sứ Điệp Tình Thương”, không nhất thiết chúng ta phải trãi rộng tâm hồn trong cái lãng mạn, mông lung của thế giới lung linh mộng ảo của thi sĩ Hàn Mặc Tử :

“Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ

Của hương hoa trong trăng lờn lợt bẩy,

Của lời câm muôn vì sao áy náy,

Hiểu gì không em hỡi, hiểu gì không ?

Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng

Cho trăng xuân tràn trề say chới với

Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi,

Cho em buồn, trời đất ứa sương khuya”[1]

(Trường tương tư)

Bởi vị mục đích của thi sĩ Nguyễn Xuân văn khi chắp bút diễn đạt Tin Mừng qua dáng đứng Việt nam với thể thơ lục bát, cốt yếu là :

“Tôi muốn đem Lời Chúa

Lời thơ tình thương

Ghép thành vần

Đặt lên miệng các bà mẹ

Để từ đó,

Chảy vào tai các em bé…

Và cũng để :

“… Lời Chúa,

đến với các bạn

với những kẻ khó nhọc và gánh nặng

Những người mất niềm tin

Mất hy vọng trên cõi đời nầy.[2]

Tuy nhiên, cho dù với mục tiêu mang chiều kích đạo đức truyền thống của nhà đạo, thì Sứ điệp Tình Thương vẫn là một kiệt tác về thơ lục bát với một vị trí đặc biệt như lời nhận xét của nhà thơ Đình Bảng :

“Nhưng để gọi là diễn ca Phúc Âm bằng thơ lục bát Việt Nam ở mức độ nghệ thuật, có lẽ duy chỉ một mình Nguyễn Xuân Văn xứng đáng chiếm giải khôi nguyên. Ông ngồi riêng một chiếu, chiếc chiếu cạp điều, được dệt bằng cây cói thơm mùi hương dầu của biển, của đất, của người Phú Yên nầy.”[3]

Nhà thơ Đình bảng còn nhận xét tiếp :

“Tôi nói đến 9764 câu thơ lục bát của SĐTT vì chúng đã ở trên đỉnh cao có thể ngang tầm với ca dao, đồng dao và những nhà thơ phù thuỷ về lục bát như Nguyễn Du, Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Bính. Đây là một trường hợp đặc biệt nhất trong cõi thi ca nhà đạo mình…

“Hơn nữa, cái hay, cái đẹp, cái giá trị của SĐTT không chỉ ở câu chữ, ở độ dày, ở chiều dài gần gấp ba lần Truyện Kiều, mà còn ở cái thần, cái hứng, cái ý, cái tứ làm nên hồn vía phảng phất, bàng bạc hoặc sâu lắng ở đằng sau, ẩn sâu bên trong những con chữ, những vần điệu kia. Đúng như nỗi khát khao cháy bỏng của tác giả Nguyễn Xuân Văn gửi gắm rất nhiều trong SĐTT là dùng thi ca, thơ lục bát để trao gởi lời Chúa đến mỗi người. Chẳng phải chuyện tầm phào, trà dư tửu hậu của thế nhân thường tình, mà là chở đạo đến chổ nước sâu, xa bờ, xa khơi, mong cho thuyền đầy cá”[4]

Và như thế, cuộc gặp gỡ hôm nay, chẳng ngoài mục đích, để chúng ta có cơ hội một lần nữa đọc lại Sứ Điệp Tình Thương trong sự đồng cảm cùng cố thi hào Nguyễn Xuân Văn; đồng thời, như một biểu lộ của niềm tri ân hiếu thảo của thế hệ học trò, cháu con, trước “cây đại thụ” của nền văn học Công Giáo, chúng ta sẽ cùng với nhà nghiên cứu Đoàn Xuân Dũng mạo muội tìm kiếm những “hạt ngọc văn chương” tiềm tàng trong thi phẩm lục bát chuẩn mực nầy. Chắc chắn, với không khí thân mật của tình hiệp thông trong gia đình con cái Chúa, chúng ta lại được linh mục Nguyễn Văn Bản, người học trò đã từng kề cận bên cố linh mục Nguyễn Xuân Văn suốt mười mấy năm trời, chia sẻ với chúng ta những cảm nghiệm riêng của Cha đối với Cha Văn và Sứ Điệp Tình Thương. Rồi chúng ta lại được, một lần nữa, nghe lại giọng nói cách đây 4 năm của thi sĩ Đình Bảng, nhà thơ có duyên nợ đặc biệt với Cha Văn, với mảnh đất Tuy Hòa-Phú Yên, nhất là, có một thao thức khôn nguôi trong nỗ lực hội nhập văn hóa của Hội Thánh Việt Nam hôm nay và tương lai. Sau hết, chúng ta sẽ dành những tâm tình thân thương hiếu thảo của con chiên đối với vị Cha già đã khuất qua những tâm sự của nhà văn Nguyên Đạt, như những nén hương lòng trong ngày chạp giỗ năm năm cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn.

Trong tất cả những ý nghĩa đó, tôi tuyên bố khai mạc buổi tọa đàm mang chủ đề :

LINH MỤC THI SĨ NGUYỄN XUÂN VĂN,

NHÀ THƠ LỤC BÁT CHUẨN MỰC

Và để mở đầu cho buổi tọa đàm nầy, xin mời tất cả cùng với ca đoàn giáo xứ Tuy Hòa hát lên bài ca “Đây phút sống”, bài ca do chính cố linh mục F.X. Nguyễn Xuân Văn chắp bút viết lời cách đây trên nửa thế kỷ với bút hiệu Văn Thao.