CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

ÂN HUỆ CHO MỌI NGƯỜI

(Lc 4,21-30)


Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, kể lại diễn tiến buổi thuyết giảng của Chúa Giêsu trong hội đường Na-da-rét. Thánh Luca, tác giả đoạn Tin Mừng này chỉ kể lại việc Chúa Giêsu đọc Sách Thánh và câu mở đầu bài giảng của Chúa : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Rồi ngừng lại ở đây, không cho biết thêm Chúa Giêsu đã giảng dạy những gì ngày hôm ấy, để nói về phản ứng của những người nghe : “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Thái độ này diễn tả một sự cảm phục, sung sướng, đồng thời nhận rằng những điều họ đang nghe vượt khỏi sự chờ đợi, tức là họ không ngờ rằng : người đang nói với họ thông điệp ân sủng của Thiên Chúa lại chính là người làng của họ, người mà ngôn sứ I-sai-a loan báo lại chính là con ông Giuse và bà Maria ở làng họ.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn cho niềm thích thú bất ngờ này trở thành một thái độ ích kỷ, muốn nhân danh tư cách đồng hương để đòi hỏi, chiếm lãnh cho mình quyền hưởng thụ ân huệ của Đấng Mê-si-a. Chúa Giêsu phanh phui tâm địa của họ : “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình !”, ý các ông muốn bảo tôi : tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !”. Qua lời phanh phui của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu tâm trạng của dân làng Na-da-rét là muốn đòi quyền ưu tiên hưởng những ân huệ Chúa mang đến. Vì thế, Chúa đưa ra hai thí dụ trong Cựu Ước để từ chối không thỏa mãn yêu sách đó. Thí dụ thứ nhất xảy ra thời ngôn sứ Ê-li-a, khi trời hạn hán, ông Ê-li-a chẳng được Thiên Chúa sai đến với người đàn bà góa nào trong dân Ít-ra-en, nhưng chỉ được sai đến xứ Xi-đôn, đến với một bà góa ở Xa-rép-ta. Thí dụ thứ hai xảy ra thời ngôn sứ Ê-li-a, có nhiều người phong hủi tại Ít-ra-en, nhưng chẳng ai được lành sạch, chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri.

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tự do của Thiên Chúa khi ban ơn, và vai trò của ngôn sứ là người được Thiên Chúa dùng để ban ơn. Thiên Chúa sai các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa đem ân huệ của Ngài cho người ngoại giáo. Đối chiếu lại trường hợp Chúa Giêsu, Chúa được sai đến làm phép lạ ở Ca-phác-na-um chứ không phải ở Na-da-rét. Như thế, qua hai thí dụ rút từ Cựu Ước, Chúa Giêsu muốn bảo cho dân làng thấy tính phổ quát của ơn cứu độ. Chúa được sai đến không phải để cứu riêng người Do Thái mà là cứu tất cả mọi người.

Phản ứng cuối cùng của thính giả là sự công phẫn tột độ. Họ đứng dậy, xô Chúa Giêsu ra ngoài, đẩy Ngài lên đồi, để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi. Nhưng Chúa Giêsu ngang qua giữa họ mà tiếp tục con đường của Ngài. Con đường của Ngài phải đưa Ngài tới Giê-ru-sa-lem. Trên con đường ấy Ngài tiếp tục bị người Do Thái xô đẩy, và cuối cùng họ xô được Ngài lên thập giá trên đồi Gôn-gô-ta, xô được Ngài xuống mồ. Nhưng Ngài lại chỗi dậy từ trong cõi chết và tiếp tục con đường của Ngài : Ngài đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Ngài sai các môn đệ của Ngài tiếp tục con đường : đi làm chứng cho Ngài đến tận cùng mặt đất.

Từ chối hay đón nhận Chúa là những thái độ hoàn toàn tự do của con người. Người ta có quyền chấp nhận. Thiên Chúa không áp đặt ai hay cố tình đưa họ vào một thế triệt buộc nào đó. Nhưng thời nào cái quyền tự do kia cũng là con dao hai lưỡi khiến phải đề phòng. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng dè dặt. Giả như chúng ta thử đặt mình vào số những người có mặt trong hội đường Na-da-rét ấy để nghe Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phản ứng thế nào ? Người bên tả, kẻ bên hữu tôi sao vội vàng đến nóng nảy như vậy trước những câu Kinh Thánh và những lời chú giải tuyệt mỹ xuất phát từ miệng Chúa. Chúa đã lặp lại lời ngôn sứ I-sai-a, một vị ngôn sứ được kính trọng nhất của niềm hy vọng Ít-ra-en, rồi Ngài đã bình giảng những lời đó. Nhưng sau khi nghe, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, trục xuất Ngài và muốn giết Ngài. Chứng kiến cảnh tượng ấy chúng ta có quyền trách họ vội nóng, hay tíếc thay cho họ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ tự trách mình và còn tiếc xót biết bao cơ may trong đời chúng ta đã đánh mất.

Chúa muốn chúng ta trở về với đời sống cụ thể của mình để nhận ra những ơn cao cả Chúa ban cho chúng ta. Phải nhận ra mình được yêu thương, cũng như phải yêu thương đáp trả. Chúng ta hãy nhớ lại biết bao hồng ân đã lãnh nhận để tạ ơn Chúa và cố gắng sống tốt hơn với những hồng ân ấy.

Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm C