Các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris tại Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận

Các linh mục của Hội thừa Sai Paris đã đến vùng đất Khánh Hoà và Bình Thuận từ những năm 1671. Để hiểu biết thêm về các vị thừa sai này chúng tôi chuyển ngữ tiểu sử và cuộc đời (notice biographique - nécrologique) của các ngài như hiện tìm thấy tại website của văn khố Hội Thừa Sai Paris (www.mepasie.org). Những tên địa danh trong các tài liệu tiếng Pháp được viết không có dấu, tuy nhiên, đối với những tên chúng tôi có thể xác định được, thì sẽ thêm dấu tiếng Việt vào để dễ hiểu. Những chú thích ở cuối bài hay trong ngoặc [] là của người chuyển ngữ. Rất mong được sự bổ túc để làm phong phú thêm những tài liệu này.

Đàng Trong vào thế kỷ 17

Trong một thư viết năm 1693 của cha Charles-Martin Labbé, được Đức Cha Mahot chọn làm Phó Bề trên Đàng Trong năm 1684, có ghi lại thống kê của Đàng Trong như sau: “Trong vương quốc này có 200 nhà thờ hay nhà nguyện là nơi qui tụ của 30.000 kitô hữu, họ giữ luật đạo khá tốt để thường xuyên tham dự các bí tích. Tôi biết một số đông tín hữu từ thời cha Hainques bắt đầu giảng đạo. Những giáo lý viên kỳ cựu nhất và những giáo dân khôn ngoan nhất mà tôi hỏi thăm tại nhiều nơi khác nhau quả quyết với tôi rằng lúc đó không có hơn 5 hoặc 6 ngàn kitô hữu, người tốt cũng như kẻ xấu. Như thế, từ khi các linh mục Pháp đến Đàng Trong, đã có gần 25.000 người lầm lạc đón nhận đức tin nhờ sứ vụ của các linh mục này, các cha Dòng Tên và các giáo lý viên người bản xứ.”

Về cha Antoine Hainques, chúng ta được biết như sau. Ngài được gởi đi Đàng Trong từ tháng 4/1665 với chức vụ Phó Bề trên. Cha Hainques sống với cộng đoàn kitô hữu tại Hội An, soạn thảo các vụ án tử đạo của nhiều kitô hữu cũng như đưa một số người chối đạo về lại với đức tin. Ngài rảo khắp các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên và những cố gắng của ngài đạt kết quả mỹ mãn. Ngài quan tâm đến người bệnh và xây cất một nhà thương tại Nước Mặn.

Theo một số tường thuật thì ngài bị đầu độc chết cùng với cha Pierre Brideau vào tháng 12/1670 tại Phố Mới, tỉnh Quảng Ngãi. Theo yêu cầu của một vị quan, ngài được chôn cất gần làng ngài đã sinh sống, và các tín hữu xây một nhà nguyện trên mộ của ngài, nơi người lương dân, được cảm hoá bởi đời sống khắc khổ của cha, cũng đến cầu nguyện.

Các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris tại Khánh Hoà và Bình Thuận vào thế kỷ 17-18

1. Cố Louis Laneau sinh ngày 31/5/1637, nguyên quán tại Mondoubleau (Loir-et-Cher), khi đó thuộc giáo phận Chartres, hiện nay là giáo phận Blois. Khi học tại Sorbonne thì ngài đã biết Chủng viện Thừa sai và chịu chức linh mục tại chủng viện này. Ngài rời Paris vào tháng 9/1661 và sau đó cùng với Đức Cha Pallu và 8 thừa sai khác, rời Marseille ngày 2/1/1662. Ngài đến Xiêm La [Thái Lan] ngày 27/1/1664 và ngay liền sau đó thì phụ trách Trường Chung [chủng viện chung cho các địa sở truyền giáo] mà Đức Cha Lambert de la Motte thành lập.

Ngài được chọn làm Giám mục hiệu tòa Métellopolis vào năm 1673 và lễ tấn phong được tổ chức tại Juthia ngày 25/3/1674; sau đó, ngài đến ở Bangkok.

Ngày 3/4/1680 Đức Cha Lanneau nhận quyền cai quản Giáo hội Nhật Bản nhưng ngài không thể đến đó được. Ngài được chọn là Tổng giám quản xứ truyền giáo Xiêm La, Đàng Ngoài và Đàng Trong vào ngày 24/11/1681. Do đó, ngài đến Đàng Trong vào năm 1682 để tấn phong Giám mục cho cha Mahot và họp công đồng tại Hội An. Trong dịp này Đức Cha có ghé vào Nha Trang.

Đức Cha Laneau có công rất lớn trong giai đoạn đầu phát triển Giáo hội tại Thái Lan, như điều hành chủng viện, xây dựng các giáo xứ, giúp hình thành quan hệ giữa hoàng gia Thái Lan và chính phủ Pháp. Ngài cũng góp phần trong việc tổ chức Hội cũng như chủng viện Thừa sai Paris (Truyền giáo Ngoại quốc Paris). Tuy nhiên, ngài cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại và hiểu lầm. Những bức thư của ngài để lại cho thấy lòng vâng phục và kính trọng đối với Toà thánh trong sứ mạng truyền giáo và chủ chăn của ngài. Những nhân đức nổi bật nơi ngài là khổ chế, khiêm tốn, yêu mến các linh hồn và công việc – được thể hiện trong nhiều tác phẩm của ngài.

Đức Cha Laneau qua đời tại Juthia ngày 16/3/1696 và được chôn trong nhà thờ tại đây.(www. gpnt.net)