Tiền thân: HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC

Vào thời điểm 1975-1976, toàn nước Ðức có khoảng 2.000 người Việt Nam, đa số là các anh chị em Sinh Viên sang du học, trong đó có hơn 100 là người Công giáo với 10 vị Linh Mục và Tu Sĩ.

Sau nhiều đêm thao thức với Giáo hội và tình hình tại quê nhà, các anh chị em Công

Giáo đã nhận thức được rằng, phải có một sự gắn bó đoàn kết để bảo vệ Ðức Tin, bảo tồn Văn Hoá và tiếp sức với đồng bào tại quê nhà. HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM vì thế được ra đời vào ngày 07.05.1976 dưới sự chứng giám của cố Linh Mục Cao Văn Luận (cựu Viện Trưởng viện Ðại Học Huế). Linh Mục E. Steinhart (Học viện Công Giáo). Linh Mục Wuerm (Chánh xứ Ehingen) và đại diện các cơ quan Công Giáo Ðức, các cơ quan từ thiện Ðức, các đoàn thể sinh viên Việt Nam và 12 sáng lập viên.

Sự thành hình HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC lúc ấy đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ nhiệt tình của mọi giới, nhất là từ Giáo Hội Công Giáo Ðức. Cố Linh Mục Thomas Nguyễn Ðình Tuyển được chỉ định làm Tuyên Úy đầu tiên của HỘI và cũng là vị Tuyên Úy đầu tiên của người Việt tại Ðức.

Một Ðại Hội Công Giáo đầu tiên đã được tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh năm 1977 tại Koenigstein với gần 200 tham dự viên, với sự hiện diện của Tiến Sĩ Gruenlic, Nghị Sĩ Hackenberg, cố Linh Mục Thomas Nguyễn Ðình Tuyển và Linh Mục Võ Quang Linh.

Ðại Hội kế tiếp được tổ chức vào năm 1978 với hơn 250 tham dự viên. Ðặc biệt có sự tham dự của Thượng Tọa Thích Minh Tâm và Thượng Tọa Thích Như Ðiển (lúc đó còn là Ðại Ðức) và nhiều cơ quan ngôn luận báo chí của Ðức.

Vào thời điểm này HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC là một tổ chức độc nhất của người Việt Nam hoạt động trong lãnh vực xã hội, trực tiếp làm việc với các cơ quan Công Giáo, Tin Lành, Bộ Nội Vụ, các bộ Xã Hội và các cơ quan có thẩm quyền Ðức để giúp đỡ người Việt tại đây.

LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC

Vào những năm 1979-1980 người Việt tỵ nạn bắt đầu đến Ðức và số người Công Giáo cũng tăng dần, nhất là thời điểm 1980-1986, khi con tàu nhân đạo CAP ANAMUR của Ðức cứu vớt hơn 11.000 người từ biển Ðông, mà đa số đều định cư tại Ðức. Người Việt đã bắt đầu hội nhập vào quê hương thứ hai và sinh sống lan rộng trên toàn nước Ðức. Vì thế, mục tiêu, đường lối và cơ cấu tổ chức của HỘI cần được thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu mới.

Năm 1987, HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC đã chính thức đổi danh xưng thành LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC, tượng trưng một mái nhà chung và cũng là ÐẠI DIỆN cho các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại các điạ phương rải rác trên toàn nước Ðức. Một Ban Chấp Hành Liên Ðoàn được các vị Ðại Biểu từ các Cộng Ðoàn bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm.

Ngoài những sinh hoạt Mục Vụ thường xuyên, LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC hàng năm còn tổ chức những buổi tĩnh tâm dành cho mọi giới, các cuộc Hành Hương công tác xã hội liên quan đến Giáo Dân Việt Nam và nhận sự trợ giúp từ Hội Ðồng Giám Mục đến các Tổng Giáo Phận và Giáo Phận Ðức. Một đặc điểm là mỗi năm đều tổ chức một Ðại Hội Công Giáo toàn quốc, kéo dài 3 ngày liên tiếp vào dịp lễ Ðức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với cao điểm lên đến 6.000 tham dự viên từ khắp nơi trên toàn quốc, trong đó có các Giáo Dân Việt Nam từ các quốc gia lân cận đổ về. Mỗi Ðại Hội được mang một chủ đề riêng biệt tuỳ theo nhu cầu và tình hình.

Hiện nay có 15.000 người Công Giáo Việt Nam sinh sống trên nước Ðức trong số khoảng 50.000 người Việt được công nhận quyền tỵ nạn, 28 Linh Mục, 1 Sư Huynh và 31 Tu Sĩ nam nữ. Trong số 28 Linh Mục, một nửa phụ trách mục vụ trong các Giáo Xứ Ðức và một nửa là Tuyên Úy cho các Giáo Dân Việt Nam, hoặc đảm nhiệm cả hai.

Mặc dù Giáo Hội Công Giáo Ðức được chia ra thành 7 Tổng Giáo Phận và 20 Giáo Phận, nhưng trong sinh hoạt của các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam thì được chia thành 10 Vùng. Mỗi Vùng bao gồm nhiều Cộng Ðoàn và được hướng đẫn bởi Linh Mục Tuyên Úy do các Ðức Giám Mục bổ nhiệm. Sau đây là các Vùng (từ Bắc xuống Nam):

1- Linh Mục Antôn Đỗ Ngọc Hà coi sóc 1200 Giáo Dân Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Berlin (thành phố Brandenburg, Postdam, Frankfurt/Oder.

2- Linh Mục Lê Phan (Stephan Taeubner) SJ là một LM người Đức, nói tiếng Việt rất giỏi, phụ trách mục vụ cho người Việt di dân tại Berlin

3- Linh Mục Paul Phạm Văn Tuấn coi sóc 1200 Giáo Dân Việt Nam Tổng Giáo Phận Hamburg (thành phố Hamburg, Kiel, Luebeck, Schwerin. . ) và Giáo Phận Hildesheim (thành phố Hannover, Goettingen, Braunschweig, Cuxhaven. . . )

4- Linh Mục Jos. Huỳnh Công Hạnh, SVD coi sóc 1.400 Giáo Dân Việt Nam thuộc hai Giáo Phận Muenster và Osnabrueck (thành phố Muenster, Osnabrueck, Oldenburg, Bremen. . . )

5- Linh Mục Đaminh Nguyễn Ngọc Long coi sóc 2.500 Giáo Dân Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Koeln (nhiều người Công Giáo nhất nước Ðức -khoảng trên 2 triệu- với các thành phố Duesseldorf, Koeln, Bonn. . . ) và kể từ tháng 3 năm 2005 Ngài đảm nhận trách nhiệm luôn Giáo Phận Aachen (thành phố Aachen, Mönchengladbach, Krefeld và Viersen) gồm khoảng 1000 giáo dân VN, gần biên giới nước Bỉ, trước đây do Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh quản nhiệm, nay ngài đã về hưu.

6- Linh Mục Antôn Huỳnh Văn Lộ coi sóc 1.700 Giáo Dân Việt Nam trong các Giáo Phận Limburg (thành phố Frankfurt/Mainz, Wiesbaden. . . ), Giáo Phận Mainz, Giáo Phận Speyer (thành phố Speyer, Ludwigshafen.. . ) và Tổng Giáo Phận Freiburg (thành phố Karlruhe, Mannheim.. . ). Hiện nay Ngài còn đảm nhiệm chức vụ Ðại Diện Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Ðức.

7- Linh Mục Franz. Nguyễn Ngọc Thủy, SAC coi sóc 1.300 Giáo Dân Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Paderborn (thành phố Herne, Dortmund, Hamm. . . ) và Giáo Phận Essen (thành phố Essen, Luedenscheid. . . )

8- Linh Mục Johannes Nguyễn Ngọc Thy coi sóc 1000 Giáo Dân Việt Nam thuộc Giáo Phận Trier (thành phố Koblenz, Bad Kreuznach. . . )

9- Linh Mục Vinzenz Trần Văn Bằng coi sóc 1.100 Giáo Dân Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Bamberg (thành phố Nuernberg, Rothenburg, Bayreuth. . . ), Giáo Phận Eichstaett, Giáo Phận Regensburg (thành phố Landshut, Straubing. . . ).và Giáo Phận Würzburg

10- Linh Mục Stephan Bùi Thượng Lưu coi sóc Giáo xứ các Thánh Tử vì đạo VN và một trung tâm CGVN tại Stuttgart, gồm 1.700 Giáo Dân Việt Nam thuộc Giáo Phận Rottenburg-Stuttgart (thành phố Goeppingen, Tuebingen, Ulm, Heilbronn. . . ) Hiện nay Ngài là Chủ Nhiệm Nguyệt San DÂN CHÚA Âu Châu và cũng là phụ tá Ðại diện Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Ðức.

11- Linh Mục Thomas Lê Thanh Liêm coi sóc Giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình gồm 1.100 Giáo Dân Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận München-Freising (thành phố Muenchen, Dachau, Freising. . . ), Giáo Phận Ausburg (Thành Phố Memmingen, Dillingen. . . ) và Giáo Phận Passau. Tại München có một Trung Tâm Công Giáo Việt Nam.

Biến cố 30.4 đã quyết định sự hiện diện của LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM và CÁC CỘNG ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI ÐỨC. Dù xa Quê Hương nhưng vẫn hiệp thông với GIÁO HỘI QUÊ NHÀ qua đời sống ÐỨC TIN gắn bó với nhau để bảo tồn VĂN HOÁ VIỆT NAM và là chứng nhân sống động của THIÊN CHÚA trên xứ người.