BBC -- Sáu đảng tại Nghị viện Âu châu đã đưa ra kiến nghị lo ngại về nhân quyền tại VN

Trụ sở Nghị viện Âu châu
Việt Nam tỏ ý tiếc Nghị viện Âu châu thông qua nghị quyết quan ngại về tình hình nhân quyền mà Âu châu gọi là “đã gia tăng các vụ bắt giữ đối lập nhiều hơn sau khi nước này gia nhập WTO”.

Ngày 14/7 tại Hà Nội thông tấn xã Việt Nam trích lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Dũng nói "Đáng tiếc là nghị quyết mà Nghị viện Âu châu vừa thông qua dựa trên thông tin sai lệch đi cùng với bình luận một chiều.”

Ông Dũng nói tiếp "Quyết nghị của Nghị viện Âu châu đã không nắm bắt tình hình tại Việt Nam và không phù hợp với tiến triển tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hiệp Âu châu"

Trong bản “Nghị quyết về Việt Nam” thông qua tại Strasbourg ngày 12/7 các dân biểu Âu châu đã bày tỏ “quan ngại” trước “làn sóng đàn áp mới” các nhân vật đối lập tại Việt Nam.

Trong khóa họp toàn thể Nghị viện Âu châu tại Strasbourg, miền Đông Bắc Pháp, các dân biểu đã đồng loạt thông qua "Quyết nghị về vấn đề Việt Nam".

Sau ba lần họp kín xem xét nội dung sáu dự án của nghị quyết do sáu chính đảng đệ nạp, các dân biểu đã đồng ý trình ra một Nghị quyết tổng hợp đệ trình phiên họp toàn thể và xin thông qua theo thể lệ khẩn cấp.

Cuối cùng trong nghị quyết có tên "Đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam", Nghị viện Âu châu lên tiếng quan ngại Việt Nam gia tăng trấn áp phong trào đòi hỏi nhân quyền và tôn giáo ở trong nước.

Ông Dũng nói: "Đáng tiếc nghị quyết mà Nghị viện Âu châu vừa thông qua dựa trên thông tin sai lệch đi cùng với bình luận một chiều.”



Sáu đảng tại Nghị viện Âu châu quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam bao gồm Đảng Bình dân Âu châu và Dân chủ Âu châu (PPE-DE); Đảng Xã hội Âu châu (PSE); Đảng Tự do, Dân chủ và Cải cách Âu châu (ALDE); Liên đoàn phe Tả Thống nhất (GUE/NGL, trong số có Đảng Cộng sản); Đảng Xanh và Liên minh Tự do Âu châu (Green/ALE) và Đảng Liên hiệp Âu châu các Quốc gia (UEN).

Theo nghị quyết, Nghị viện Âu châu đòi trả tự do ngay lập tức và không điều kiện tất cả những người bị bắt giữ, vì theo Nghị viện “chỉ vì họ thực hiện quyền biểu lộ ý kiến một cách ôn hòa.”

Trong khi đó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN, ông Dũng nói thêm "đảm bảo và thực hiện nhân quyền là những mục tiêu lâu dài” tại Việt Nam. Ông Lê Dũng nói Việ̣t Nam "đã xây dựng nhiều năm cơ chế để duy trì, phát triển và cải thiện đảm bảo các quyền này.”

Ông Dũng nói thêm Việt Nam không bắt bớ người dân chỉ vì họ có quan điểm chính trị khác biệt. Ông nói những người bị bỏ tù là do vi phạm pháp luật.

Quan sát viên quốc tế ghi nhận trong sáu tháng đầu năm nay Việt Nam đã tăng mức độ bắt giam và bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến, với tội danh như “tuyên truyền nói xấu” chế độ.

Các vụ xét xử những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam đã khiến cho Hoa Kỳ. Liên hiệp Âu châu, và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đưa ra chỉ trích. Họ cáo buộc Hà Nội đàn áp các tiếng nói đấu tranh dân chủ ôn hòa ở trong nước ngay sau khi nước này gia nhập Tổ chức mậu dịch quốc tế.

(Nguồn: Đài BBC ngày 13/7/2007)