Phải chăng người tín hữu là kẻ khùng dại ?

Kể từ khi triết gia vô thần Ludwig Feuerbach đề xướng : «Một khi con người loại bỏ được Thiên Chúa, thì bấy giờ con người mới thực sự là người», thì phong trào vô thần bài bác tôn giáo vốn manh nha tiềm ẩn trong quan niệm một số giáo sư và sinh viên vào thế kỷ XIX đã bùng nổ và chủ quan cho rằng «tôn giáo» - dĩ nhiên, tôn giáo ở đây được hiểu là tôn giáo độc thần, hay nói rõ hơn, là Kitô giáo – làm cho con người bị phóng thể, làm cho con người tự xa lạ với chính mình.

Theo Feuerbach, nếu Thiên Chúa không phải là cái chi cao cả hơn «điều thật sự không phải là con người, nhưng con người mong ước vươn tới», nghĩa là «lòng khát vọng hạnh phúc của con người được thỏa mãn thuần túy trong ảo tưởng» mà thôi, thì bấy giờ, theo kiểu nói của Karl Marx, tôn giáo thực sự là sản phẩm của sự phóng thể của con người, «là thuốc phiện mê dân», hay còn độc hại hơn nữa là «dụng cụ trong tay giai cấp thống trị». Tương tự như thế, nhà phân tâm học Sigmund Freud cũng cho rằng tôn giáo là một chứng cuồng loạn phổ quát gây nên do sự dồn ép bức bách, là một hình thức làm chủ thực tế một cách ấu trĩ.

Phải chăng tôn giáo làm cho người trở nên bệnh hoạn?

Dĩ nhiên, trước hết người ta phải định nghĩa «bệnh hoạn» là gì đã. Trong một cuộc bàn cãi sôi nổi tại đại học Salzburg, Áo quốc, về đề tài : «Phải chăng tôn giáo gây nên bệnh tâm thần?», tiến sĩ Andreas Laun, giáo sư thần học luân lý và là Giám Mục phó Gp. Salzburg, đã có một câu phát biểu rất đáng ghi nhận, khi ngài - đứng trên tất cả những hiện tương bất khả tranh cãi về người đau ốm và thiếu khỏe mạnh trong nội bộ các cộng đồng tôn giáo - nói : «Nếu giả như điều chi đó có thật, thì dù cho nó mang tính cách đe dọa, tôi cũng phải nói cho người ta biết. Nhưng nếu quả thực có sự đe dọa nguy hiểm đến cuộc sống vĩnh cửu của con người thật, thì dù cho sự cảnh báo của tôi có thể làm cho họ sinh bệnh, thì tôi cũng phải cảnh báo họ.» Giáo sư Laun chống lại khuynh hướng khá bành trướng, cho rằng đối với vấn đề sự thật chỉ bàn luận trên những tác động tâm lý của những giáo huấn và những thực hành tôn giáo.

Như vậy, câu hỏi : tôn giáo tác động thế nào trên sức khỏe và sự ổn định tâm lý của con người, lại lan rộng tới những gì thực sự là nội dung sứ điệp của Thiên Chúa. Theo bà Sonja Rinofner, giáo sư triết học thuộc đại học Graz, thì trên nguyên tắc, tất cả mọi sự đều có thể làm cho con người sinh bệnh, dù là công việc làm ăn, tình yêu, sự hận thù hay tôn giáo. Tất cả làm cho con người sinh bệnh hay không, đều tùy thuộc mức độ sử dụng, quan niệm của đương sự, những động lực hay lý do thúc đẩy và tùy thuộc tình trạng ổn định tâm lý hay không của từng cá nhân. Nghĩa là không phải tôn giáo xét như là một ý thức trừu tượng làm cho con người sinh bệnh, nhưng là cách thức thực hành quá đặc thù của con người đối với tôn giáo có thể làm cho họ thành bệnh tật. Tuy nhiên, giáo sư Sonja Rinofner còn cho hay, tất cả còn tùy vào việc người ta định nghĩa thế nào về «bệnh tật» nữa.

Phải chăng lòng mộ đạo mang trong mình hiệu quả sinh bệnh, nếu nó chứa đựng những tiền đề tuyệt căn, những tiền đề đối kháng với tiền đề của Karl Marx cho rằng : «Tôn giáo là dụng cụ trong tay giai cấp thống trị» và với định nghĩa của Viktor Frankl về tôn giáo như là «một cách biểu lộ của ý chí đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống»? Phải chăng một giáo điều có thể làm cho con người sinh bệnh, vì lý do là nó mang tính cách «giáo điều», nghĩa là một điều ràng buộc và mang tính cách rõ ràng dứt khoát?

Trước những câu hỏi đó, Đức GM Laun đã phản ứng : «Nếu thực sự đúng như vậy, thì quý vị có thể chở tất cả các thánh vào bệnh viện tâm thần điều trị hết», như chế độ độc tài Liên Sô trước kia vốn từng làm đối với các Kitô hữu. Đức GM Laun cho rằng ngài không thể hiểu được là tại sao việc tin nhận một tín điều, tức tin rằng một điều nào đó là một sự thật chắc chắn, có thể làm cho người ta sinh bệnh. Chính Walter Pieringer, nhà phân tâm học vốn có nhiều nhận định tiêu cực về tôn giáo, cũng phải nhìn nhận : «Tự bản, tính chất triệt để trong Kitô giáo không phải là một vấn đề, nhưng là một sự lựa chọn cá nhân.»

Thật vậy, nếu tôn giáo làm cho con người sinh bệnh, nếu tôn giáo và những giới răn là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ thất bại tâm lý, thì không phải phát xuất tự bản chất tôn giáo, nhưng là từ cách thức thực hành tôn giáo không hợp lý. Điều đó cũng cảnh cáo rằng trong viêc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, người ta cần phải tránh tính cách một chiều và đóng khung, bởi vì Phúc Âm của Đức Kitô là Tin Mừng Cứu Sống, chứ không phải là một mớ luật lệ khô cứng chỉ tìm cách kiểm soát và giới hạn cuộc sinh hoạt của con người. Nhất là luôn luôn phải đặt Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, làm trọng tâm cho công cuộc rao giảng của chúng ta.

Thập Giới Điều mà Thiên Chúa đã long trọng công bố trên núi Sinai cho dân Do-thái là cả một sự hướng dẫn hoàn toàn hợp lý, giúp con người tổ chức cuộc sống của mình và của xã hội một cách đúng đắn. Do-thái giáo và Kitô giáo hoàn toàn không phải là những ý niệm hay những lý thuyết trừu tượng, nhưng là toàn bộ lịch sử của những quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Sứ mệnh của Giáo Hội, của hàng giáo sĩ và giáo dân, nghĩa là của mỗi người Kitô hữu, là rao giảng Thiên Chúa hằng sống cho mọi thụ tạo.

Một bệnh nhân tâm thần
Nhà phân tâm học và thần kinh học Raphael Bonelli cũng cho rằng : «Con người tín ngưỡng cần sự quan hệ với Thiên Chúa, chứ không phải hình ảnh về Thiên Chúa.» Đứng về phương diện phân tâm học, người ta cho rằng vấn đề rắc rối không phát xuất từ những tôn giáo độc thần lớn, nhưng là từ những giáo phái nhỏ khi họ tìm cách thi thố quyền bính của mình trên con người. Thật vậy, qua kinh nghiệm thu tập được tại phòng mạch phân tâm học của mình, Bonelli đã cho hay về những trường hợp nhiều người trở nên điên dại do một kiểu thực hành tôn giáo lệch lạc và hời hợt trên mặt, hay tâm lý bị xáo trộn do những ảo tưởng về tôn giáo gây ra. Thí dụ một bệnh nhân có tín ngưỡng bị chứng rối loại thần kinh hay cũng được gọi là chứng tảo điên, thường cảm thấy mình bị ma quỷ đe dọa, trong khi đó một bệnh nhân vô tín ngưỡng lại tưởng tượng ra các hình nhân hay đĩa bay từ các hành tinh khác tới.

Người tâm thần thiếu quân bình thường cho rằng sự bất hạnh của họ là do người khác gây ra, và vì thế họ trút đổ những vấn đề bất cập riêng tư của mình lên vai người khác, chẳng hạn trút đổ lên cha mẹ, anh chị em, học đường và Giáo Hội. Còn họ hoàn toàn vô tội. Họ chỉ là nạn nhân. Nhưng người ta không được quên rằng : Ai không muốn chấp nhận trách nhiệm, thì người đó cũng không có tự do đích thực!

Chỗ đứng quan trọng của tôn giáo trong cuộc sống con người

Theo Bonelli, vốn có những «lòng mộ đạo bệnh hoạn», nghĩa là những cách thức thực hành đạo một cách lệch lạc có thể đưa con người đến chỗ bệnh hoạn, nhưng tôn giáo cũng có thể giúp cho con người thoát được khỏi bệnh tật. Vâng, sau khi Bonelli cho hay rằng theo kinh nghiệm nghề nghiệp, ông nhận thấy nhiều người vấp phải những vấn đề khó khăn tâm lý, là những người có tín ngưỡng, nhà phân tâm học lại cũng cho hay : «Giáo Hội là nơi nương tựa cuối cùng cho rất nhiều người», vì trong những cơn khủng hoảng nội tâm, các phương tiện khoa học trần thế thường phải bó tay. Bởi vậy, trong những trường hợp khó khăn, con người thường tái tìm lại được tâm thức tôn giáo và lòng mộ đạo của mình, mà bình thường họ hay bỏ quên. Những người trong tình trạng bất ổn hay đau yếu về mặt tâm lý thường tìm gặp được nơi Giáo Hội tình yêu thương nâng đỡ mà xã hội không thể ban cho họ được

Karl Max
Nhưng khi phải đối diện với thực tại của con người hôm nay là thường bị xáo trộn tâm lý hay bị hỗn loạn thần kinh, Raphael Bonelli đã nêu lên một câu hỏi đầy tính chất khiêu khích : «Phải chăng tôn giáo làm cho con người sinh bệnh tâm thần?» - một câu hỏi không ai đủ khả năng tìm ra được một giải đáp ổn thỏa - Đức GM Laun đã nêu lên một câu hỏi ngược lại : «Phải chăng sự vô thần làm cho con người sinh bệnh?», vì theo ngài, những kẻ ngoại đạo hay vô thần luôn triền miên phải đối mặt với một thực tại nội tâm trống rỗng và nỗi ao ước được lấp đầy sự trống rỗng nội tâm đó lại vượt tầm tay họ. Họ cảm nhận được rằng ngoài niềm tin tôn giáo, mọi cố gắng vươn tới sự hoàn thiện nội tâm vủa họ chỉ là những vá víu tạm thời. Vì thế, họ lo sợ bị rơi vào cõi hư không mất mát. Và điều đó có thể là nguyên nhân gây nên những xáo trộn và hỗn loạn tâm lý nơi con người tân tiến, nhưng đồng thời lại vô tín ngưỡng và chạy theo vật chất ngày nay; nói cách khác, những người thiếu xác tín tôn giáo thường bị dằng co giữa lý trí và tình cảm, giữa cái chân họ muốn nhưng họ lại không làm và cái giả họ không muốn nhưng họ lại làm. Chính sự bất đồng nhất nội tâm đó – mà người ta thường gọi là sự dằn vặt của lương tâm – có thể là nguyên nhân gây sinh bệnh cho con người.

Qua những dòng trên đây, chúng ta thấy rõ được rằng tôn giáo không hề là nguyên nhân làm cho người sinh bệnh; trái lại, là điểm tựa tâm lý vững chắc cho con người, vì sự xác tín về một chân lý rõ ràng và chắc chắn bao giờ cũng là một khai thông đúng đắn cho mọi uẩn khúc và vướng mắc nội tâm, và qua đó con người sẽ tìm gặp được sự ổn định cho đời sống tâm lý của mình và niềm thanh thản vui tươi nội tại. Đó cũng là ý nghĩa câu nói của thánh Augustinô, một người đã từng trải qua nhiều sóng gió nội tâm : «Linh hồn tôi luôn bất an cho tới khi nó tìm được sự an nghỉ trong Thiên Chúa». Và một khi tâm lý và đời sống nội tâm con người được ổn định và phát triển tốt đẹp bình thường, thì mọi nguyên nhân tâm bệnh cũng không còn chỗ đứng trong cuộc sống con người nữa.