Mariazell - Trong bài giảng nhân ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ tại Đền Thánh Mariazell, bổn mạng nước Áo, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng của thế giới Phương Tây hiện nay là khủng hoảng Sự Thật. Đức Thánh Cha đã nói như trên trước con số đông đảo tín hữu mà theo ước lượng của cảnh sát có thể lên đến 50,000 người dù mưa kéo dài và nhiệt độ tụt xuống bất thường.

Đức Thánh Cha chào đón anh chị em hành hương
Đức Thánh Cha hôn bàn thờ
Đức Thánh Cha chào đón anh chị em hành hương
Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án trào lưu đang rất thịnh hành tại các nước Phương Tây hiện nay theo đó sự thật là điều gì đó con người không có khả năng nhận biết, không có khả năng tiếp cận và như thế là không có liên quan gì đến con người ngày nay. Đức Thánh Cha đã gọi đó là “thái độ an phận trước sự thật”. Ngài nói:

“…đức tin chúng ta quyết liệt chống lại cái thái độ an phận coi con người là không có khả năng nhận biết sự thật – như thể sự thật là một điều gì đó con người không thể tiếp cận nổi. Tôi tin rằng chính cái thái độ an phận này đối với sự thật là trung tâm của cuộc khủng hoảng của Phương Tây, của Châu Âu.”

Ngài giải thích:

“Nếu sự thật không tồn tại đối với con người, thì cuối cùng con người cũng không thể phân biệt được giữa thiện và ác. Và khi đó những khám phá vĩ đại và tuyệt vời của khoa học trở thành con dao hai lưỡi: chúng có thể mở ra những triển vọng đáng kể cho điều thiện và cho lợi ích của nhân loại, nhưng chúng ta cũng thấy thực rõ ràng rằng chúng cũng đang đặt ra một hiểm họa to lớn, liên quan đến sự hủy diệt con người và thế giới.”

Đức Thánh Cha cũng lên án thái độ lảng tránh đề cập đến sự thật của nhiều người Kitô Giáo. Nhiều người lo ngại “niềm tin nơi sự thật có thể dẫn đến sự bất khoan dung”. Trong khi thừa nhận rằng “mối lo rất có căn cứ lịch sử”, Đức Thánh Cha đề nghị hai thái độ cần phải có:

Trước hết, cần khẳng định rõ ràng rằng khi chúng ta, những người Kitô hữu, gọi Chúa Kitô “là Đấng Trung Gian phổ quát của ơn cứu độ, có giá trị cho mọi người và tối hậu là mọi người đều cần đến, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không đếm xỉa đến các tôn giáo khác, hay là chúng ta ngạo mạn tuyệt đối hóa những ý nghĩ của chính mình; nhưng trái lại điều đó có nghĩa là chúng ta đã bị nắm bắt bởi Ngài, Đấng đã làm rung động lòng ta và tuôn đổ hồng ân lên chúng ta, đến mức đến lượt chúng ta có thể trao ban những món quà này cho người khác.”.

Thứ hai, khi chúng ta khiếp đảm bởi quan ngại cho rằng niềm tin nơi sự thật có thể dẫn đến sự bất khoan dung đến mức chúng ta câm nín không dám nói lên sự thật thì đó chính là lúc chúng ta phải hướng nhìn về Chúa Giêsu như chúng ta đang thấy Ngài trong đền thờ Mariazell này trong hình ảnh của một hài nhi yếu thế vô phương tự vệ và trong hình ảnh một Thiên Chúa yếu thế đang dang rộng tay chịu đóng đinh trên thập giá để mạc khải sự thật về Thiên Chúa và sự thật về chính chúng ta: chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới và chúng ta đang đi về đâu. Theo Đức Thánh Cha, sự thật thắng thế không phải một một ngoại lực nào nhưng chính bởi vì nội lực bên trong của sự thật là tính chân thật của nó. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Sự thật không bao giờ là tài sản của chúng ta, chẳng bao giờ là thành quả của chúng ta, cũng hệt như tình yêu không bao giờ có thể được sản xuất, nhưng chỉ có thể được đón nhận và trao lại như một quà tặng. Chúng ta cần đến nội lực này của sự thật. Như những Kitô hữu, chúng ta vững tin nơi sức mạnh này của sự thật. Chúng ta là những chứng nhân cho sự thật. Chúng ta phải truyền bá sự thật như một hồng ân trong cùng cách thế chúng ta đã đón nhận nó, như sự thật đã trao ban chính mình cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha cũng đã phê phán một thái độ đang thịnh hành tại Phương Tây coi Kitô Giáo chỉ như một bộ luật luân lý lỗi thời. Đức Thánh Cha nói:

“Kitô Giáo hơn là và khác biệt hẳn với một bộ luật luân lý, một chuỗi những đòi buộc và lề luật. Đó là quà tặng của mình tình bạn trường tồn vượt qua sự sống và cái chết: ‘Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bằng hữu’. (Ga 15:15) , Chúa đã phán với các môn đệ Ngài. Chúng ta đặt niềm tin nơi tình bạn này. Chính vì Kitô Giáo hơn là một hệ thống luân lý vì đó là một quà tặng của tình bạn, nên Kitô Giáo chứa đựng bên trong mình một sức mạnh luân lý cao cả, là điều rất cấp thiết ngày nay trước những thách đố của thời đại chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên đọc đi đọc lại Mười Điều Răn trên Núi Sinai, nghiền ngẫm sâu xa những điều này cùng với Chúa Giêsu Kitô và cùng với Giáo Hội Ngài thì khi đó một giáo huấn cao cả giá trị và vĩnh cửu mở ra trước mắt chúng ta. Mười Điều Răn trước hết và trên hết là tiếng ‘xin vâng’ với Thiên Chúa, với một Thiên Chúa yêu thương chúng ta và dẫn dắt chúng ta, Đấng mang vác chúng ta nhưng để chúng ta tự do: thật vậy, chính Ngài làm cho tự do chúng ta trở nên thật sự (ba điều răn đầu). Đó là tiếng ‘xin vâng’ với gia đình (điều răn thứ tư), lời ‘xin vâng’ với sự sống (điều răn thứ năm), tiếng ‘xin vâng’ với tình yêu có trách nhiệm (điều răn thứ sáu), lời ‘xin vâng’ với tình liên đới, với trách nhiệm xã hội và công lý (điều răn thứ bẩy), tiếng ‘xin vâng’ với sự thật (điều răn thứ tám), và lời ‘xin vâng’ với sự tôn trọng tha nhân và những gì là của họ (điều răn thứ chín và điều răn thứ mười). Nhờ sức mạnh của tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống chúng ta sống lời ‘xin vâng’ đa dạng này và đồng thời chúng ta thực hiện nó như một dấu chỉ trong thế giới chúng ta hôm nay."