NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (4)



CHƯƠNG 4. CÔNG ĐỒNG VATICAN II VÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT-NAM.


Trong khuôn khổ bài nầy, chúng tôi ước mong ghi lại vài sự kiện xảy ra tại Việt-Nam Cộng Hòa do ảnh hưởng của Công Đồng Chung Vatican II trước ngày 30.04.1975. Nếu đa số Kitô hữu hân hoan chấp hành những canh tân như sự mong muốn của các Nghị Phụ tham dự Công Đồng, thì cũng có thiểu số tín hữu, giáo sĩ đứng đầu, giáo dân theo sau, cố tình giải thích và hành động một cách khác các văn kiện của Công Đồng cuối cùng.



Do đó, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nhân định : “Các khủng hoảng nổi lên trong Giáo Hội tiếp theo sau Công Đồng Vatican II không phài do các văn kiện Công Đồng, nhưng đúng hơn do sự giải thích các văn kiện đó”. (Theo hảng thông tấn Zenit ngày 22-12-2005).

I. CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II.

Công Đồng Chung Vatican II đã được khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 11.10.1962 bởi Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Sau bốn khóa họp, Công đồng chung đã được kết thúc bởi Đức Thánh Cha Phaolô VI ngày 08.12.1965.

Công Đồng Chung là những phiên họp toàn thể các Giám mục của Giáo Hội Công giáo do Đức Giáo Hoàng mời đến để thảo luận kỹ lưỡng những đường hướng bảo vệ và cổ võ những giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II là Công Đồng Chung thứ 21. Công Đồng Chung thứ 20 là Công Đồng Vatican I được nhóm họp từ 1869-1870.

Tham dự Công Đồng này, ngoài số Đức Cha và Đức Hồng Y tham dự trung bình các phiên họp hằng ngày là 2200 vị và 460 chuyên viên được chính thức bổ nhiệm (235 Linh mục triều, 45 Linh mục Dòng Tên, 42 Linh mục Dòng Đa-Minh và 15 Linh mục Dòng Phanxicô), còn có những giáo sĩ thuộc Tin Lành, Chính Thống và những thành phần khác không thuộc Công giáo tham dự Công Đồng đã làm cho Vatican II trở thành một biến cố lịch sử.

Công Đồng Chung đã có 168 cuộc thảo luận nhóm với 10 phiên họp khoáng đại. Kết quả, 16 văn kiện hiện đại hóa về phụng vụ, đổi mới nếp sống linh mục và tu sĩ, đề cao vai trò giáo dân, việc mở ra những cuộc đối thoại với các giáo hội khác và với những người ngoài Kitô giáo, cùng sự nhận diện Giáo Hội như là ‘Dân Chúa’ đã hài hòa những vấn nạn và niềm hy vọng của thế giới.

II. VỊ MỤC TỬ CHỌN KHẨU HIỆU ‘VUI MỪNG VÀ HY VỌNG’

Ngày 04.05.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Tổng Đại diện Giáo phận Huế kiêm Giám đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện vào sứ nhiệm Mục Tử Giáo phận Nha Trang, thay thế Đức Cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, tại tại khuôn viên Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, Cha đã được thụ phong Đức Cha do Đức Cha Angelo Palmas, Tổng Giám mục hiệu tòa Vibiana, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ tế với hai Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn kim Điền và Gioan Baotixia Urrutia Thi phụ phong. Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã chọn khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ của Công Đồng Vatican II.

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại Gaudium et Spes được chấp thuận bởi 2232/2307 Giám mục hiện diện tại phiên họp áp chót Công Đồng Vatican II và được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành ngày 07.12.1965, công bố: “Giáo Hội nên đối thoại với những người vô thần, không ngừng vận động và cổ võ hòa bình, chiến tranh nguyên tử là điều phải cố tránh bằng mọi giá và sự giúp đỡ những quốc gia chậm tiến là việc làm cấp bách. Hôn nhân không chỉ truyền sinh mà thôi và khoa học phải khẩn cấp tìm ra những phương tiện điều hòa sinh sản có thể chấp nhận được.”

Ngày 10.07.1967, Đức Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang và là Đức Giám Mục tiên khởi người Việt tại Giáo phận này. Sự nhậm chức Giám mục của Cha tuy thuần túy là một sự kiện thuộc Giáo Hội Công giáo, nhưng đã gây một sự chú ý đặc biệt trong giới chính trị Việt-Nam.

Thật vậy, lúc đó, gần bốn năm sau cuộc đảo chánh ngày 01.11.1963 và Tổng Thống Ngô đình Diệm bị thãm sát, Việt-Nam đã rơi vào khủng hoảng lãnh đạo… Quân Đội Cộng Hòa Việt-Nam, anh dũng trong việc bảo vệ Tổ Quốc, đã bị cưỡng bách tham gia các cuộc binh biến tương tàn giữa các tướng tá. Thêm vào đó, sự hiện diện của Quân đội Hoa kỳ và Đồng minh, dù mang danh là bảo vệ Tự do cho Việt-Nam, nhưng cũng đã gây ra vô số tệ nạn xã hội và làm tổn thương Chính Nghĩa Dân Tộc.

Tổng Thống Ngô đình Diệm yêu nước Việt-Nam. Tổng Thống đã không cho Hoa kỳ đem quân tác chiến vào Việt-Nam vì, như thế, Hà nội sẽ có thêm cớ đánh vào Miền Nam và sự hiện diện của quân nhân Mỹ có ảnh hưởng không tốt cho xã hội Miền Nam. Do đó, chính phủ Kennedy đồng ý để Đại sứ Henry C. Lodge bật ‘đèn xanh’ để các tướng lãnh đảo chánh và thãm sát Tổng Thống đệ Nhất Cộng hòa và bào đệ, ông Ngô đình Nhu. Ôâng Ngô đình Diệm chết đi, mọi chuyện đã xảy đúng như hai ông đã tiên đoán.



Tổng Thống Ngô đình Diệm là Kytô-hữu đạo đức. Ngày 01.01.1954, Tổng Thống đã khấn hứa sống đời tu sĩ dòng ba tại Tu viện Thánh Anrê (Bruges, Bỉ) thuộc dòng Biển Đức, với tên dòng là Odilo. Tổng Thống chọn Odilo có thể vì Thánh Odilo có Lễ Mừng vào ngày 01.01 hằng năm. Thánh Odilo là Bổn Mạng các người tị nạn. Ông Ngô đình Diệm cũng đã hoàn thành trong 9 năm (1954-1962) việc định cư cho gần một triệu đồng bào tị nạn Miền Bắc. Sau cùng, Thánh Odilo cũng là người đề xứng Lễ các Linh hồn ngày 02.11. Đó cũng là ngày Tổng Thống đã bị thãm sát (02.11.1963), Linh hồn Gioan Baotixita được Chúa gọi về Nhà Cha. (xem ‘The Miracle of Hope’ viết bởi Andre N. Van Chau, trang 100).

Lợi dụng thời gian hưu chiến nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân, ngày 30.01.1968, Bắc Việt đã mở cuộc tổng công kích vào các thị xã. Tại Sàigòn, cộng quân đã đánh vào cửa sau Dinh Độc Lập và xâm nhập Tòa Đại sứ Mỹ. Quân Lực Việt-Nam Cộng Hòa, tuy bị bất ngờ, nhưng đã anh dũng đánh bật các đơn vị cộng sản ra khỏi các vị trí bị chiếm đóng. Chiến tranh gây thiệt hại nặng nề cho Quốc Gia. Chính trị và quân sự ảnh hưởng đến xã hội.

Trước tình thế đó, ngày 19.03.1968, Lễ kính Thánh Giuse, Đức Giám mục Nha trang đã khẩn thiết kêu gọi qua Thư luân lưu đầu tiên ‘TỈNH THỨC và CẦU NGUYỆN’ :

- Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: ‘Là công dân của nước Trời, người công giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Bức thông cáo Hội Đồng Giám Mục trong dịp Tết dể nhắc anh chị em điều đó.’

- Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.

Để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận, Đức Cha đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘VỮNG MẠNH TRONG ĐỨC TIN, TIẾN LÊN TRONG AN BÌNH’, đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo. Cha viết:

‘… Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công giáo phải theo ánh sáng của Công Đồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Đồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta.

Tôi đã kêu gọi anh em cầu nguyện, chính vì thiếu cầu nguyện mà Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân ngày nay gặp bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu khó khăn. Thiếu cầu nguyện ta không biết chính bản thân ta nữa, ta sống ta phản ứng theo tinh thần thế tục…’

Đức Cha nhắc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phaolô VI: ‘Đức Tin là vấn đề tiên quyết, vấn đề tối hệ, và chúng ta các Giám mục, chúng ta phải nhìn vấn đề này với tất cả mối quan hệ khẩn cấp của nó’. Tiếp theo, Đức Cha nhận định:

‘… Chưa bao giờ Đức Tin phải nguy hiểm như ngày nay. Hiểm nguy bên ngoài do vật chất, vô thần. Hiểm nguy bên trong do sự bất tuân phục Hội Thánh gây khủng hoảng trong nội bộ dân Chúa.

Để anh chị em vững mạnh trong Đức Tin, đề phòng hai hiểm họa trên, tôi trình bày cho anh chị em hai điểm sau đây: Tin tưởng ở phẩm vị con người và Tin tưởng ở Hội Thánh…’.

Trong phần “Tiến Lên Trong An Bình”, Đức Cha P.X. Thuận xác định: ‘Người Công giáo Yêu Chuộng Hòa Bình, nhưng người Công giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công giáo:

  • - Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
  • - Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.
  • - Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.
  • - Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.
  • - Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.
  • - Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.
  • - Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.
  • - Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia.
Nhân ngày Quốc tế Hòa bình 01.01.1970, Đức Cha đã công bố Thư luân lưu ‘CÔNG LÝ và HÒA BÌNH’ với lời mở đầu:

‘Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp mọi dân tộc đều khao khát.

Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà mấy tháng nay đã khiến cho nhiều người bỡ ngỡ, vì nó đưa ra một đường lối mới, nó trình bày một chủ trương, một cơ cấu mà anh chị em chưa quen thuộc.

Để đáp lại thiện chí của anh chị em mong muốn hiểu biết rõ ràng hầu cùng ưu tư, cùng khắc khoải, cùng cầu nguyện và hành động với Hội Thánh, tôi xin nhắc lại đây: con đường tiến của Hội Thánh trong lịch sử, nguyện vọng của Cộng Đồng Vatican II, sự thành hình, mục đích và hoạt động của Công lý và Hòa bình.’

Trong thời gian ngắn, gần 8 năm giữ sứ vụ Mục tử Giáo phận Nha Trang, ngoài ba Thư luân lưu nói trên, Đức Cha còn cho luân lưu thêm ba Thư khác:

- Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta (1971)

- Kỷ niệm 300 năm (1971)

- Năm Thánh Canh tân và Hòa giải (1973)

Vượt ranh giới Giáo phận và biên cương Tổ Quốc, Đức Cha đã thuyết trình đề tài ‘CÁC VẤN ĐỀ CHÁNH TRỊ TẠI Á CHÂU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP LIÊN HỆ’ trước Hội nghị Giám mục Á châu họp tại Manila (Phi luật tân), ngày 24.11.1970, được đặt dưới sự chủ tọa của Đức Thánh Cha Phaolô VI, lần đầu tiên tông du tới miền Đông Nam Á. Trong đó, Đức Cha, thay mặt Hội đồng Giám mục Việt-Nam, lưu ý cử tọa: “Á châu là một lục địa vừa rộng lớn nhất vừa đông dân cư nhất trên thế giới. Những vấn đề nhiều biến tính và phức tạp của Á châu cũng là những vấn đề của toàn thể nhân loại.

Với một dân số khổng lồ, chiếm 2/3 dân số thế giới và gia tăng mau lẹ, với phần đất đai rộng lớn nhất nằm dưới quyền thống trị của Cộng sản, đa pần còn lại cũng đang bị Cộng sản đe dọa và, sau hết, với hằng ngàn hình thức chậm tiến khác nhau, quả thật Á châu có lẽ đã hiến cho Giáo Hội một mảnh đất hấp dẫn nhất và cũng có tính cách thách nhất, để trắc nghiệm hiệu năng giáo lý xã hội mới của mình, được tóm lược trong hiến chế Mục vụ ‘Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại’ và trong các thông điệp ‘Progressio Populorum’ (Phát triển các dân tộc) và ‘Mater et Magistra' (Mẹ và Thầy).

Có lẽ một vài tinh thần bảo thủ vẫn còn phải đối, cho rằng có nhiều vấn đề tại Á châu thuộc nhiệm vụ trần thế, chứ không liên quan trực tiếp ới Giáo Hội. Như vậy, các vị đó đã không nhớ rõ là Cộng Đồng Vatican II đã đặc biệt nhấn mạnh về vai trò mà Giáo Hội và người Công giáo cần phải đóng góp trong phạm vi hoạt động thế sự. Chúng ta đã được đọc trong GAUDIUM ET SPES (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng) : “Do đó, rõ ràng sứ mạng Kitô hữu không ngăn cản người ta lo kiến tạo thế giới, cũng hư không thúc đẩy người ta xao nhãng vấn đề hạnh phúc của nhân loại. Trái lại, người ta còn bị ràng buộc nghiêm khắc phải thực hiện những công tác đó”. (GS, 34).’

III. NHỮNG THÀNH PHẦN TỰ NHẬN ‘CẤP TIẾN’

Xin được phép có vài hàng nhắc đến các ‘Tổ chức Sinh Viên Công giáo tại Sàigòn’.

Cuộc di cư từ Bắc vào Nam, sau Hiệp Định Genève 20.7.1954 mà Quốc Gia Việt Nam đã không ký kết, đã buộc Viện Đại Học Sàigòn tiếp đón các cơ sở giáo dục cao đẳng của Hà Nội. Năm 1955, Đức Cha Jean Cassaigne Sanh, Đại Diện Tông tòa Giáo phận Sàigòn, đã cho thiết lập Phòng Tuyên Úy Sinh Viên, giao cho Dòng Đa Minh chi tỉnh dòng Lyon do Linh mục Alexis Cras (Đỗ Minh Vọng) chịu trách nhiệm. Khi Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền nhận sứ vụ Đại Diện Tông tòa Giáo phận Sàigòn, phong trào sinh viên Công giáo phát triển mạnh : Đoàn Sinh Viên Công giáo Sàigòn ra đời với Nguyệt san Thông Cảm, cơ quan thông tin văn hóa, bình luận của sinh viên.

Số sinh viên Công giáo tại Sàigòn ngày càng đông đủ để tổ chức Đoàn Sinh Viên Công giáo cho từng Phân khoa và qui tụ với nhau thành Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Đại Học Sài Gòn. Cùng lúc ấy, thiết lập ‘Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt-Nam’được thiết lập và Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình nhận sứ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn (ngày 02.04.1961). Ngoài các Phân đoàn theo từng Phân khoa, còn có :

- Hiệp Hội Thánh Mẫu Sinh Viên (CMU, Congrégation Mariale Universitaire), thành lập ngày 04.01.1959, mục đích : thánh hóa bản thân, phục vụ xã hội (khám bệnh và phát thuốc) và tôn vinh Giáo Hội.

- Phong trào Thanh niên Công giáo Đại học (JUC, Jeunesse Universitaire Chrétienne) thành lập ngày 08.12.1958, với danh hiệu Thanh niên Sinh viên Công giáo Đại học và đổi danh ngày 01.09.1965, với tôn chỉ : dùng sinh viên phục vụ sinh viên để cải thiện và thánh hóa môi trường Đại học, ý thức sứ mệnh của mình trong xã hội.

- Tiểu đội Đạo Binh Đức Mẹ Sinh Viên (Legio Mariae, Presidium Sinh Viên) công tác thăm viếng, chia sẻ tình bác ái, tìm hiểu để cảm thông tha nhân.

Tất cả các Đoàn thể Sinh viên Công Giáo đều trực thuộc Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Giáo phận Sàigòn và được sự trợ giúp tinh thần và tài chính của Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Giáo phận.

Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam



Ba phái đoàn sinh viên Công Giáo Sài gòn, Đà Lạt và Huế đã gặp nhau tại Trung Tâm Phục Hưng ở Sàigòn để thảo luận về qui chế tổ chức và hoạt động của giới sinh viên Công giáo toàn quốc, vào ngày 01.11.1963, ngay lúc xảy ra cuộc đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong không khí dao động và bất ổn, các thành viên của ba phái đoàn sinh viên vẫn lặng lẽ kiên trì làm việc cẩn trọng để chuẩn bị Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam, trực thuộc hệ thống Phong Trào sinh viên Công giáo Quốc tế Pax Romana.

Năm 1964, Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở Huế tạo sức ép lên các thành phần Công Giáo, khiến Ban Chấp hành Đoàn Sinh viên Công giáo Huế quyết định họp tại Cư Xá Sinh Viên để tìm cách ứng phó. Vài sinh viên “nằm vùng” đã khuynh đảo tổ chức Sinh viên Công giáo Huế, buộc các thành viên Ban Chấp hành Đoàn Sinh viên Công giáo Huế phải chạy tạm lánh ở Sàigòn. Đầu năm 1965, tình hình lắng dịu, các sinh viên Công giáo Huế trở về sinh hoạt bình thường.

Năm 1966, các Sinh viên Công giáo tham dự Đại Hội Tổng Liên Đoàn bầu Anh Thân Văn Luân làm Tổng Thư Ký chính thức tiên khởi nhiệm kỳ1966-1967.

Biến cố Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 trên toàn Miền Nam, đặc biệt là tại Huế, khiến hàng ngũ sinh viên Huế gặp nhiều khủng hoảng. Tuy nhiên, vào tháng 08.1968, Đại Hội Tổng Liên Đoàn Sinh viên Công giáo cũng được tổ chức tại Viện Đại học Đà lạt, với sự tham dự của các của các Đoàn Sàigòn, Huế, Đà lạt và Cần thơ. Đại Hội đã tìm hiểu thông điệp Progressio Populorum (Phát triển các dân tộc). Anh Nguyễn Văn Ngọc được bầu làm Tổng Thư Ký nhiệm kỳ1968-1969. Sau ngày 30.04.1975, anh làm việc ở Thành Đoàn Thành phố Sàigòn, rồi làm Phó Trưởng Ban Tôn giáo đặc trách khối Kitôgiáo (1998-2003?), trong Ban Tôn Giáo của Chính Phủ Hà Nội.

Trong đêm vọng Giáng Sinh 24.12.1968, Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Sàigòn cùng Sinh Viên Phật Tử và Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn tổ chức Đêm Canh Thức Giáng Sinh tại khuôn viên Trung Tâm Phục Sinh, đường Hiền Vương Sài gòn. Đã chuẩn bị sẵn, một sinh viên lên phát biểu cảm tưởng làm mật hiệu hành động, đại khái như sau: “Cách đây gần 2000 năm, Chúa đã giáng trần. Ngài đến mang lại Hòa Bình cho chúng ta. Để tỏ lòng ao ước hòa bình, ta hãy cùng đốt nến và tuần hành đến Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế!”.

Lập tức, Tổng Thư Ký Ban Chấp hành Liên Đoàn Sinh viên Công giáo nhẩy ngay lên sân khấu, giật lại micro và tuyên bố hủy bỏ Đêm Canh Thức. Nhưng, nhiều ngọn nến đã được đốt sáng và đoàn biểu tình, hình thành mau lẹ như có sắp đặt từ trước, bắt đầu di chuyển khỏi khuôn viên Trung Tâm Phục Sinh… Những ai hiểu biết về biến cố “cướp chính quyền” của Việt Minh năm 1945 tại Hà nội, thì không lạ gì xảo thuật kiểu lừa gạt này. Họ nhận ra ngay ai là tác giả thật đứng sau kịch bản biến động này.

Đầu thập niên 1970, một số sinh viên Công giáo tự xưng là ‘Cấp Tiến’ hay ‘Vườn Xoài’ hợp tác với Thanh Lao Công (JOC, Jeunesse Ouvrière Chrétienne), dưới sự hướng dẫn của các Linh mục Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ và Nguyễn Ngọc Lan và các Nữ tu Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đã tìm đủ mọi phương cách ảnh hưởng đến những hoạt động thuần túy tôn giáo của Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Sài gòn. Họ đưa ứng cử viên tham gia bầu cử Ban Chấp Hành của một số Đoàn Sinh viên Công giáo và mưu toan qua đường bầu cử nắm được Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Sài gòn hầu lèo lái Sinh viên Công giáo tham gia vào các hoạt động chính trị theo xu hướng của họ. Bất thành, họ đã biểu tình ngồi lì bên ngoài trụ sở Liên Đoàn, trong khuôn viên Trung Tâm Phục Sinh số 229 Hiền Vương để phản đối.

Nhiều cuộc đấu khẩu, tranh luận và chửi lộn diễn ra giữa số Sinh viên Công giáo bên trong và số biểu tình tuyệt thực bên ngoài trụ sở. Cuộc biểu tình ngồi lì kéo dài suốt đêm. Qua hôm sau, anh Nguyễn Phi Hoàng, có hỗ trợ của một số Sinh viên Công giáo cư trú trong Phục Hưng, sang kêu mời họ ra khỏi khuôn viên Trung Tâm Phục Sinh… với ít nhiều khó khăn.

Số sinh viên ghi danh vào Đại Học Sàigòn ngày càng gia tăng vì Miền Trung đang gặp xáo trộn và nhiều sinh viên ở các vùng xa xôi di tản về Sàigòn. Nhiều sinh viên mạo nhận là Công giáo để tham gia các sinh hoạt của Liên đoàn và trà trộn tham gia tích cực những công việc không hoàn toàn của sinh viên Công giáo thuần túy. Sinh Viên Công Giáo, dù bên ngoài có vẽ yên lặng nhờ các hoạt động tôn giáo và xã hội, nhưng bên trong là những dằng co, đắn đo, thậm chí không lối thoát vì bị kẹt giữa hai lằn đạn của Quốc gia và Cộng Sản.

Phần về Sinh Viên Công Giáo, chúng tôi viết dựa theo bài ‘Tập Thể Sinh Viên Công Giáo Việt Nam với các Linh mục Dòng Đa Minh chi tỉnh Lyon, 1954-1975’, http://www.dunglac.net/dohuunghiem/maikhoi.htm. Trong bài nầy, chúng tôi xin được tóm lại đoạn thuật lại ‘Hội Nghị Sinh Viên Công Giáo Á Châu 1973 tại Kuala Lumpur’.

Hội Nghị qui tụ phái đoàn Sinh Viên Công Giáo của 8 nước: Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông, Indonesia, Singapore và Mã Lai Á. Hai chủ đề được trình bày và thảo luận :

1/. Vai trò của các Xí Nghiệp Đa Quốc (Multinational Firms) tại Á Châu: công ty lớn đã tung vào thị trường Á Châu nhiều sản phẩm, bóp nghẹt sản xuất của những công ty nhỏ tại Á Châu. Những đại xí nghiệp đa quốc này thu hoạch số lợi tức khổng lồ cho những tay đại tư bản ở Hoa Kỳ.

2/. Các khía cạnh xã hội trong “Thần Học Giải Phóng” (Theology of Liberation): Linh mục Tissa Balasuriya, Tuyên úy Văn phòng Tổng thư ký Sinh Viên Công Giáo Á Châu hăng say trình bầy về vai trò của Sinh Viên Công Giáo trước những vấn đề xã hội do các xí nghiệp đa quốc gây ra để làm bành trướng chủ nghĩa Tân Đế Quốc (Neo-Imperialism) hoặc Tân Thuộc Địa (Neo-Colonialism) hiện đại.

Linh mục quan niệm: “Giáo Hội là một định chế có khuynh hướng thông đồng với các xí nghiệp đa quốc và các đại cường quốc bóc lột đại đa số dân chúng Á châu. Đức Kitô là Đấng Gỉai Phóng (Liberator) đã xuống trần để giải thoát những người bị áp bức (the oppressed) khỏi người áp bức (the oppressor). Do vậy, người Kitô hữu, dù là giáo dân hay giáo sĩ, nếu cần, có thể trực tiếp tranh dấu chính trị bằng mọi phương thế, kể cả bạo lực”.

Linh mục dẫn chứng rằng tại Nam Mỹ có nhiều Linh mục dựa trên nền tảng Thần Học Giải Phóng đã thực sự dấn thân giải phóng xã hội Nam Mỹ bằng cách tham gia những tổ chức võ trang nổi dậy chống lại các lãnh tụ độc tài ở nhiều quốc gia thuộc Mỹ Châu La Tinh.

Đề tài này đã tạo nên một cuộc tranh luận rất hào hứng và khá căng thẳng giữa hai Linh mục Tuyên Úy: Phạm Long Tiên, OP và Tissa Basaluriya, OMI. Linh mục Phạm Long Tiên, Tuyên úy Sinh Viên Công Giáo Việt Nam, triệt để bảo vệ Giáo Hội dựa trên những nguyên tắc do Công Đồng Vaticanô II ban hành.

Vấn đề đặt ra: không biết nhân sự hội nghị và chương trình thảo luận tại Hội nghị Sinh Viên Công Giáo Á Châu 1973 này có bàn tay sắp xếp từ xa của Cộng Sản theo đường dây nào không, nhất là khi cuộc ngưng bắn da beo đã được ký kết (tức hiệp định Paris 27.01.1973)? Hơn nữa hai đề tài này được khai thác khá quen thuộc trong giới kinh doanh, tuyên truyền chính sách và nghiên cứu xã hội (Viện Khoa Học Xã Hội) tại Sàigòn sau năm 1975, nhất là trong báo ‘Công Giáo và Dân tộc’ khi nói đến tư tưởng ‘thần học giải phóng’ của Linh mục Sri Lanka nói trên.

Hội Nghị đã được tổ chức tại nơi Công Giáo chỉ là thiểu số. Những tôn giáo chính tại Mã Lai Á là Ấn giáo và Hồi Giáo. Đa số người Mã Lai bắt nguồn từ Ấn độ, Trung đông và Indonesia. Mã Lai Á vẫn còn theo chế độ Quân Chủ. Vì thế, mỗi ngày đều có sinh hoạt phụng vụ vào buổi tối ngay tại phạn xá của Viện Đại Học. Thánh lễ hàng ngày được cử hành “rất độc đáo”. Các Linh mục Tuyên Úy cũng như sinh viên đều ngồi bệt trên sàn nhà thành hình tròn để dâng lễ. Linh mục không mặc phẩm phục. Bánh ngọt được dùng làm Bánh lễ, nước ngọt được dùng làm Rượu lễ. Sau phần phụng vụ Thánh Thể, Mình và Máu Thánh đươc chuyền tay theo vòng tròn để tự mình “Rước Lễ”. Nội dung thánh lễ rất xúc tích và sống động, nhất là phần “Phụng Vụ Lời Chúa”. Đức Tổng Giám mục Kuala Lumpur cũng đựoc mời đến dâng Thánh Lễ theo cung cách này. Đức Tổng Giám mục không những đến dâng lễ mà còn ở lại tích cực sinh hoạt cộng đồng với các tham dự viên Hội Nghị.

Trở về nuớc, phái đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt-Nam cho phổ biến một tài liệu đúc kết về Hội Nghị Sinh Viên Công Giáo Á Châu và tổ chức một số buổi hội thảo liên hệ tại Liên đoàn Sinh Viên Công Giáo Sài gòn.

Theo một tài liệu được công bố, sau đó, cho biết Linh mục Tissa Ballasuriya, một trong những nhà “Thần Học Giải Phóng” đã bị Toà Thánh Vatican “treo chén và rút phép thông công”.